"Xây dựng Trường Chính trì tỉnh Nghệ An đạt chuẩn" theo Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 18/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy
24/02/2023 02:06
Xác định, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn là động lực căn bản, mang tính đột phá có tính chiến lược để nâng cao chất lượng một cách toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức; tiếp tục đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới công tác quản lý; từng bước nâng cao vị thế của Nhà trường...

ThS. Nguyễn Mỹ Tặng

Phó hiệu trưởng;

ThS. Nguyễn Đình Thanh

Q.Trưởng phòng Tổ chức-Tổng hợp

           

Xác định, xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn là động lực căn bản, mang tính đột phá có tính chiến lược để nâng cao chất lượng một cách toàn diện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, viên chức; tiếp tục đầu tư, mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới công tác quản lý; từng bước nâng cao vị thế của Nhà trường. Để nơi đây thực sự là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đồng thời là cơ quan nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn phục vụ giảng dạy, tham gia nghiên cứu, đóng góp các ý kiến để hoạch định các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh Nghệ An trước yêu cầu nhiệm vụ mới.

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn và Kế hoạch số 380-KH/HVCTQG, ngày 06/9/2021 của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trường đã chủ động rà soát, đối chiếu các tiêu chí trường chính trị chuẩn theo Quy định của Trung ương, khẩn trương chủ trì tham mưu để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 18/8/2022 về “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn”. Theo đó, Đề án xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình phấn đấu, xây dựng Nhà trường đạt chuẩn mức 1 vào cuối năm 2022 và đạt chuẩn mức 2, chậm nhất vào năm 2030.

Ngay sau khi Đề án số 17-ĐA/TU được ban hành, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo quán triệt, phổ biến đầy đủ các nội dung yêu cầu của Đề án; thực hiện tốt việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động và học viên về sự cần thiết, yêu cầu xây dựng Trường đạt chuẩn. Thành lập Hội đồng tự đánh giá do đồng chí Hiệu trưởng làm Chủ tịch Hội đồng gồm 12 thành viên, thành lập  2 tổ giúp việc để tham mưu các nội dung cho Hội đồng tự đánh giá.

Sau khi rà soát lại các nội dung, tiêu chí, Trường đã ban hành Kế hoạch số 837-KH/TCT, ngày 17/10/2022 về triển khai thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, nêu rõ các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể cho từng nhóm tiêu chí, chỉ rõ những chỉ tiêu đã đạt được, các chỉ tiêu còn thiếu, chưa đạt; xác định các yếu tố thuận lợi, khó khăn từ đó đề ra các giải pháp thực hiện, phân công cụ thể cho các tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm thực hiện các tiêu chí; xác định thời gian, lộ trình hoàn thành, các điều kiện và nguồn lực để đạt được với sự quyết tâm cao của toàn trường. Ngoài ra, để tạo được động lực thi đua, nhà trường đã ban hành Kế hoạch số 778-KH/TCT, ngày 30/9/2022 “về tổ chức phong trào thi đua: Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn, giai đoạn 2022-2025”; ban hành Kế hoạch số 830-KH/CTĐ, ngày 17/10/2022 về tổ chức Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Khu vực Bắc Trung Bộ năm 2022 cùng với mở Tọa đàm với chủ đề:“Đổi mới công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ở các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư”. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; các khoa, phòng, cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, học viên tích cực tham gia các hoạt động và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Chủ động, tích cực phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo  Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành liên quan để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy học tập.

Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; hướng dẫn, chỉ đạo trực tiếp về mặt chuyên môn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp, tạo điều kiện công tác của các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương; với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám hiệu, sự nỗ lực phấn đấu của các tập thể khoa, phòng, các tổ chức đoàn thể, toàn thể cán bộ, viên chức, người lao động, Trường đã đạt 44 chỉ tiêu (đạt 78,6% so với quy định), có nhiều chỉ tiêu vượt quy định, như: giảng viên có trình độ chuyên môn từ thạc sĩ trở lên; giảng viên có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức kinh điển Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; số đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường; số lượng hội thảo, tọa đàm khoa học cấp tỉnh; xuất bản sách;…, được đánh giá, ghi nhận là một trong những trường tốp đầu trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh có số tiêu chí đạt và vượt cao so với chuẩn mức 1 theo quy định của Trung ương.

Tuy nhiên, qua rà soát và đối chiếu với Quy định số 11-QĐ/TW, đối với chuẩn mức 1: Trường còn có 06 chỉ tiêu chưa đạt đang trong thời gian hoàn thiện, chiếm tỷ lệ 10,7%, gồm có: Trưởng, phó khoa, phòng có trình độ cao cấp lý luận chính trị (CCLLCT); tỷ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị (TCLLCT) hệ tập trung/lớp không tập trung tại Trường ít nhất đạt 1/3; có đủ cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; bảo đảm tăng quy mô đào tạo tập trung;…); có 06 chỉ tiêu chưa đạt, chiếm tỷ lệ 10,7%, gồm có: Trưởng, phó phòng có trình độ thạc sĩ, giữ ngạch giảng viên chính trở lên; giảng viên có trình độ CCLLCT, TCLLCT; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học cấp trường; xuất bản bản tin.

Đối với chuẩn mức 2: Trường có 17 chỉ tiêu chưa đạt, chiếm tỷ lệ 60,71%, gồm có: 100% lãnh đạo trường và 50% trưởng, phó khoa có trình độ chuyên môn tiến sĩ; 100% lãnh đạo trường và 50% trưởng, phó khoa giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ quản lý nhà nước (QLNN) theo chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I); trưởng, phó khoa chỉ đạo, đề xuất thành công ít nhất 01 đề tài khoa học cấp tỉnh trở lên; Đảng bộ, Công đoàn và Trường được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục;…).

Nguyên nhân của những hạn chế trên là: Thời gian, lộ trình để phấn đấu thực hiện Quy định của Trung ương quá ngắn (hơn 1 năm), một số quy định liên quan đến lĩnh vực giáo dục lý luận chính trị có sự thay đổi, điều chỉnh nên khó khăn trong việc triển khai, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ; công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiệm vụ có lúc, có việc còn chưa kịp thời; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đối với đội ngũ giảng viên, viên chức chưa khoa học, bài bản; một số cán bộ, giảng viên chưa quyết tâm, nỗ lực, sắp xếp thời gian để học tập, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị; một số còn thụ động, ngại đổi mới, chậm thích ứng với sự thay đổi; chưa thực sự tích cực và tâm huyết, đầu tư, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án số 17-ĐA/TU, trong đó năm 2022 phấn đấu xây dựng Trường đạt chuẩn mức 1 (hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để công nhận Trường đạt chuẩn mức 1); tiến tới đạt chuẩn mức 2 chậm nhất vào năm 2030; trong thời gian tới, toàn trường cần tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:

Một là, tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án số 17-ĐA/TU, thống nhất nhận thức, ý nghĩa và tầm quan trọng về xây dựng Trường đạt chuẩn với sự quyết tâm cao; tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo quyết liệt các khoa, phòng; cán bộ, viên chức, giảng viên, người lao động, học viên tích cực tham gia các hoạt động, chủ động, tích cực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Hai là, Phối hợp chặt chẽ với các ban, sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ trên các mặt công tác: Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, giảng viên; xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật; các công tác khác theo Đề án đã được phê duyệt và quy định của cấp có thẩm quyền.

Ba là, Đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn” trong toàn Trường theo Kế hoạch số 778-KH/TCT, ngày 30/9/2022; xây dựng, nhân rộng, tôn vinh, khen thưởng và đề xuất Giám đốc Học viện khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích cao, là điển hình tiên tiến trong việc xây dựng thành công Trường đạt chuẩn.

Bốn là, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm của các trường chính trị trong Cụm Thi đua Bắc Trung Bộ, trong cả nước về các mô hình, điển hình tiêu biểu; việc thực hiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn; về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, bước đi, cách làm sáng tạo trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Năm là, Phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo, quản lý; các khoa, phòng; tính chủ động, nội lực của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động, học viên nhà trường để hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo chuẩn mức 1 và mức 2 đã được xác định trong Kế hoạch số 837-KH/TCT, ngày 17/10/2022 của Trường về triển khai thực hiện Đề án số 17-ĐA/TU, cụ thể:

1. Tiếp tục giữ vững và duy trì các tiêu chí, chỉ tiêu đã đạt và vượt chuẩn mức 1, mức 2.

2. Hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo chuẩn mức 1, năm 2022:

2.1. Tiêu chí về đội ngũ cán bộ, viên chức

- Đối với lãnh đạo khoa, phòng:

+ Về chỉ tiêu trình độ CCLLCT: Hoàn thành khóa đào tạo đối với 01 lãnh đạo Khoa Lý luận cơ sở; 01 lãnh đạo Phòng Tổ chức – Tổng hợp.

+ Về chỉ tiêu giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương: Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn của Tỉnh ủy trong năm 2022; bố trí, sắp xếp lãnh đạo phòng Tổ chức-Tổng hợp giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên.

+ Về chỉ tiêu trình độ thạc sĩ: Thực hiện bố trí, sắp xếp lãnh đạo Phòng Tổ chức-Tổng hợp có trình độ thạc sĩ trở lên từ nguồn trong quy hoạch.

- Đối với đội ngũ giảng viên:

+ Về chỉ tiêu giữ ngạch giảng viên chính: Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn của Tỉnh trong năm 2022 (hiện có 27/48 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính, thiếu ít nhất 02 giảng viên trở lên).

+ Về chỉ tiêu trình độ CCLLCT: Hoàn thành khóa đào tạo đối với 06 giảng viên đang học và 03 giảng viên thuộc diện hoàn thiện chương trình CCLLCT.

+ Về chỉ tiêu chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm hoặc chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực hoặc đã có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm: Giảng viên tự rà soát và hoàn thiện theo yêu cầu trong năm 2022 (đảm bảo 100%: 48 đồng chí).

2.2. Tiêu chí về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

Về chỉ tiêu đào tạo TCLLCT: Từ năm 2022 trở đi thực hiện đạt tỉ lệ lớp TCLLCT hệ tập trung tại Trường so với hệ không tập trung ít nhất là 1/3.

2.3. Tiêu chí về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

- Về chỉ tiêu hội thảo khoa học hoặc tọa đàm cấp trường: Từ năm 2022, mỗi năm tổ chức ít nhất 03 cuộc hội thảo khoa học hoặc tọa đàm khoa học cấp trường. Tham mưu đề nghị Học viện có phương án quy đổi số lượng hội thảo khoa học cấp tỉnh trở lên sang hội thảo khoa học, tọa đàm cấp trường.

- Về chỉ tiêu xuất bản tạp chí hoặc bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”:

Từ năm 2022, mỗi năm xuất bản ít nhất 03 bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”.

2.4. Tiêu chí về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật theo Kết luận số 131-KL/TU, ngày 18/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó ưu tiên: Xây dựng ít nhất 1 phòng học đa chức năng; cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất hiện có, đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị đảm bảo hiện đại, đồng bộ; bảo đảm tăng quy mô đào tạo tập trung.

3. Hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu theo chuẩn mức 2: giai đoạn 2023 – 2030

3.1. Tiêu chí về đội ngũ cán bộ, viên chức

- Đối với lãnh đạo Trường:

+ Về chỉ tiêu có trình độ chuyên môn tiến sĩ: Hoàn thành khóa đào tạo nghiên cứu sinh đối với 02 lãnh đạo Trường; đảm bảo 100% lãnh đạo Trường có trình độ tiến sĩ.

+ Về chỉ tiêu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I): Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền; cử lãnh đạo Trường tham gia khóa bồi dưỡng QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I (ít nhất 02 đồng chí).

- Đối với lãnh đạo khoa:

+ Về chỉ tiêu ít nhất 50% lãnh đạo khoa trình độ tiến sĩ (ít nhất 05/10 lãnh đạo khoa): Thực hiện bố trí, sắp xếp lãnh đạo khoa có trình độ tiến sĩ; cử ít nhất 03 lãnh đạo khoa làm nghiên cứu sinh, cụ thể: Khoa Lý luận cơ sở (01 đồng chí); Khoa Xây dựng Đảng (01 đến 02 đồng chí); Khoa Nhà nước và Pháp luật (01 đồng chí).

+ Về chỉ tiêu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I): Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn cấp có thẩm quyền; cử lãnh đạo khoa tham gia khóa bồi dưỡng QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I (10 đồng chí).

+ Về chỉ tiêu lãnh đạo khoa chỉ đạo, đề xuất thành công ít nhất 1 đề tài khoa học cấp tỉnh trở lên: Lãnh đạo khoa tích cực chỉ đạo, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện ít nhất 1 đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp bộ và tương đương trở lên.

- Đối với lãnh đạo phòng:

+ Về chỉ tiêu giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương (hoặc có trình độ QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp từ hạng II) trở lên. Trong đó, người đứng đầu giữ ngạch giảng viên cao cấp hoặc tương đương (hoặc có trình độ QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I): Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn của Tỉnh và cấp có thẩm quyền; bố trí, sắp xếp lãnh đạo phòng giữ ngạch giảng viên chính hoặc tương đương trở lên; cử lãnh đạo phòng tham gia khóa bồi dưỡng QLNN theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I (02 đồng chí).

- Đối với đội ngũ giảng viên:

+ Về chỉ tiêu đảm bảo đội ngũ giảng viên (cơ hữu và kiêm nhiệm) có tỷ lệ ít nhất 80% tổng số đội ngũ cán bộ, viên chức: Ít nhất có từ 49 giảng viên trên 61 biên chế hoặc có từ 54 giảng viên trên 67 biên chế (thiếu từ 01 đến 06 giảng viên so với 61 - 67 biên chế giai đoạn 2023 - 2026): Tuyển dụng, tiếp nhận giảng viên (ưu tiên trình độ tiến sĩ) hoặc chuyển ngạch cho những viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện giữ ngạch giảng viên theo quy định.

+ Về chỉ tiêu 100% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên phù hợp với chuyên môn giảng dạy, trong đó mỗi khoa có ít nhất 01 tiến sĩ (không kể lãnh đạo khoa): Đảm bảo 100% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên; cử ít nhất 01 giảng viên Khoa Xây dựng Đảng làm nghiên cứu sinh; sắp xếp, bố trí đảm bảo mỗi khoa có 01 giảng viên (không kể lãnh đạo khoa) có trình độ tiến sĩ; các giảng viên làm nghiên cứu sinh hoàn thành khóa đào tạo theo quy định.

+ Về chỉ tiêu giảng viên chính chiếm từ 80% trở lên trong tổng số giảng viên của trường, trong đó có ít nhất 01 giảng viên cao cấp: Thực hiện quy trình thăng hạng theo hướng dẫn của Tỉnh và cấp có thẩm quyền. Ít nhất có từ 40/49 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (thiếu ít nhất 13 giảng viên chính trở lên) hoặc 44/54 giảng viên giữ ngạch giảng viên chính (thiếu ít nhất 17 giảng viên chính trở lên).

3.2. Về tiêu chí hoạt động đào tạo, bồi dưỡng

Về chỉ tiêu đào tạo TCLLCT: Phòng QLĐT và NCKH bám sát thời gian phấn đấu để tham mưu thực hiện bảo đảm tỉ lệ lớp TCLLCT hệ tập trung tại Trường so với hệ không tập trung ít nhất là 1/2 (1 lớp tập trung/2 lớp không tập trung).

3.3. Tiêu chí về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn

- Về chỉ tiêu thực hiện ít nhất 05 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, được nghiệm thu ở mức đạt trở lên: Tiếp tục tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt để Trường thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh, cấp bộ và tương đương trở lên. Tham mưu đề nghị Học viện có phương án tính đề án, sáng kiến cấp tỉnh là tương đương đề tài khoa học cấp tỉnh.

- Về chỉ tiêu xuất bản tạp chí hoặc bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn”: Phòng QLĐT và NCKH bám sát thời gian phấn đấu để tham mưu thực hiện ít nhất 4 kỳ/năm.

3.4. Về tiêu chí xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương

- Về chỉ tiêu có tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc được khen thưởng từ cấp tỉnh và tương đương trở lên trong thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng: Xây dựng tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng trong thực hiện văn hóa công sở, văn hóa trường Đảng.

- Về chỉ tiêu tổ chức đảng, Công đoàn Trường hoạt động hiệu quả và hằng năm được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Nỗ lực, phấn đấu đề xuất cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 05 năm liên tục.

- Về chỉ tiêu hằng năm Trường được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Nỗ lực, phấn đấu đề xuất cấp có thẩm quyền đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong 05 năm liên tục.

3.5. Về tiêu chí cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và tài chính

- Từ năm 2023, tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật hiện đại, ứng dụng các công nghệ tiên tiến phục vụ hiệu quả hoạt động quản lý, giảng dạy, học tập và nghiên cứu đạt chuẩn mức 2.

- Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 131-KL/TU về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện.

- Về chỉ tiêu tổng diện tích sử dụng (gồm diện tích phòng học, phòng làm việc, phòng họp, phòng hội thảo, phòng truyền thống, phòng khách, hội trường lớn, thư viện, nhà đa năng, nhà ăn, ký túc xá, khuôn viên cây xanh hoặc vườn hoa, đường giao thông nội bộ): Mở rộng diện tích sử dụng, đầu tư xây dựng các hạng mục công trình đảm bảo tổng diện tích sử dụng tối thiểu đạt 30.000 m2.

Sáu là, Bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về các tiêu chí, chỉ tiêu trường chính trị chuẩn; quy trình thủ tục, hồ sơ thẩm định, công nhận trường chính trị đạt chuẩn theo Hướng dẫn số 381-HD/HVCTQG, ngày 06/9/20221 về quy trình công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định số 11-QĐ/TW để triển khai thực hiện đảm bảo theo đúng tiến độ kế hoạch.

Việc xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng nhằm chuẩn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và các hoạt động khác của Trường, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra./.