Sự lãnh đạo của Đảng – nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nghệ An
24/08/2021 11:44
Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này được ghi vào lịch sử như một ngày mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người...
Sự lãnh đạo của Đảng – nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Nghệ An

ThS. Cao Thị Thu Huyền

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

     Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi vĩ đại, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này được ghi vào lịch sử như một ngày mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Sục sôi trong hào khí cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Nghệ An mà trực tiếp trong những ngày tháng tổng khởi nghĩa là Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh, phong trào khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra vô cùng mạnh mẽ và giành thắng lợi hoàn toàn.  

     Nghệ An là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về nhiều mặt trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và là mảnh đất có bề dày truyền thống yêu nước và cách mạng rất đáng tự hào. Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 24/2/1930, Ban Chấp hành Trung ương ra quyết định công nhận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bối cảnh phong trào cách mạng trong nước đang dâng cao, trước yêu cầu lãnh đạo đấu tranh, Phân cục Trung ương lâm thời Trung Kỳ của Đảng tại Nghệ An đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An: Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An. Đến cuối năm 1933, Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An được thành lập. Tỉnh ủy lâm thời tiếp tục chỉ đạo các phong trào đấu tranh cách mạng, xây dựng, củng cố tổ chức đảng và các lực lượng quần chúng cách mạng. Ngày 13/9/1936, tại làng Đông Chữ (Nghi Lộc) Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An và Huyện ủy Nghi Lộc họp đề cử Ban Chấp hành thống nhất của Đảng bộ Nghệ An.

 Cách mạng tháng Tám thành công. Ảnh tư liệu TTXVN

      Đầu năm 1941, tình hình cách mạng có có nhiều biến chuyển. Khởi nghĩa Rạng - Đô Lương (14/1/1941) do Đội Cung chỉ huy thất bại. Sau Hội nghị Trung ương 8 (5/1941), bám sát chủ trương của Trung ương Đảng, Tỉnh uỷ Nghệ An đã lãnh đạo nhân dân địa phương thực hiện chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của Đảng, tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Tỉnh ủy Nghệ An chủ trương khôi phục tổ chức đảng và tổ chức quần chúng cách mạng, xuất bản các tài liệu hướng dẫn công tác củng cố tổ chức và xây dựng phong trào cách mạng theo yêu cầu mới, ra tờ báo “Cởi ách” thay báo “Tân tiến”.

     Từ tháng 5/1941 đến đầu 1942, tổ chức đảng ở Nghệ An liên tiếp bị địch bao vây, tấn công, nhiều đồng chí chủ chốt của Tỉnh ủy bị bắt. Hoạt động của Đảng bộ Nghệ An bị gián đoạn. Cuối năm 1944, không khí chuẩn bị khởi nghĩa đã sôi sục trong cả nước, ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12/3/1945, Ban Thường vụ Trung ương ra Chỉ thị Nhật pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, nêu cao khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”. Thời cơ ngàn năm có một đang đến gần.

     Sau năm 1942, ở Nghệ An, các cấp bộ Đảng chưa kịp phục hồi, trước tình hình đó, các cựu chính trị phạm ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh đứng đầu chủ trương thành lập Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ - Tĩnh và các cấp bộ Việt Minh để lãnh đạo phong trào, chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

     Tháng 6/1945, đồng chí Nguyễn Xuân Linh đưa Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta chỉ đạo thực hiện ở hai tỉnh Nghệ - Tĩnh. Ban Chấp ủy Việt Minh liên tỉnh được thành lập, thống nhất chỉ đạo phong trào, chống lại các luận điệu bịp bợm của địch như chiêu bài “Ái quân, ái quốc”, “Đại Đông Á”, đồng thời tích cực chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

     Ngày 10/6/1945, Việt Minh liên tỉnh phát truyền đơn kêu gọi khởi nghĩa và được quần chúng 2 tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ (từ tháng 5 - 7/1945 đã có 262 cuộc đấu tranh của nhân dân vùng đồng bằng ven biển). Để giải quyết khó khăn do nạn đói cuối năm 1944 và đầu 1945 để lại, đồng thời khích lệ tinh thần của nhân dân, Mặt trận Việt Minh đã phát động phong trào phá kho thóc của giặc Nhật và được nhân dân hưởng ứng, tạo khí thế đấu tranh và chuẩn bị giành chính quyền. Ngày 26/7/1945 Ban Thường vụ Trung ương Đảng gửi thư cho Xứ ủy Trung Kỳ kêu gọi chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền.

     Ngày 08/8/1945, Việt Minh liên tỉnh tổ chức Đại hội đại biểu tại Phúc Mỹ (nay là xã Hưng Châu, huyện Hưng Nguyên) gấp rút chuẩn bị mọi mặt cho Tổng khởi nghĩa và bầu Ban Chấp hành chính thức gồm 7 đồng chí do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư. Được tin Nhật chuẩn bị đầu hàng Đồng minh, Ban Thường vụ Việt Minh đã nhạy bén lập ngay Ủy ban khởi nghĩa và phát động khởi nghĩa giành chính quyền trong tỉnh.

     Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh, chớp thời cơ, Ủy ban khởi nghĩa Nghệ - Tĩnh phát lệnh tổng khởi nghĩa. Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy nhận được lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa liên tỉnh Nghệ Tĩnh truyền đạt “Bố trí ngay việc cướp chính quyền, lập Ủy ban nhân dân Cách mạng ở làng, không câu nệ là làng trước hay huyện trước”. Nhận được chỉ thị của trên, ngày 15/8/1945, Mặt trận Việt Minh xã Thanh Thủy bí mật họp tại chùa Viên Quang quyết định khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 16/8, toàn bộ nhân dân Thanh Thủy đồng loạt nhất tề đứng lên. Trước khí thế như triều dâng thác đổ, bọn cường hào, hương lý không dám phản ứng chống lại mà nhanh chóng giao nộp con dấu cùng các loại sổ sách, kho quỹ thóc nằm trong các gia đình địa chủ, phú nông… Thừa thắng xông lên, đoàn biểu tình kéo sang Gia Mỹ (tức xã Nam Nghĩa ngày nay). Như vậy, xã Thanh Thủy tổng Xuân Liễu (tức xã Nam Thanh huyện Nam Đàn ngày nay) là địa phương cấp xã đầu tiên ở Nghệ An giành được chính quyền.

     Tiếp sau xã Thanh Thủy, ngày 18/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Quỳnh Lưu đã lãnh đạo quần chúng vũ trang biểu tình kéo đến bao vây huyện đường, buộc tri huyện phải từ chức, lập “Chính phủ cách mạng lâm thời” huyện và lãnh đạo nhân dân giành chính quyền ở các tổng, xã. Quỳnh Lưu là địa phương cấp huyện giành được chính quyền sớm nhất ở tỉnh Nghệ An.

     Sau đó, ngày 21/8/1945 nhân dân thành phố Vinh đã nổi dậy mạnh mẽ, chính quyền địch buộc phải tuyên bố đầu hàng cách mạng. Chính phủ cách mạng lâm thời tỉnh Nghệ An do đồng chí Lê Viết Lượng làm Chủ tịch, Nguyễn Tài - Phó Chủ tịch và 5 ủy viên đã ra mắt quần chúng nhân dân. Khởi nghĩa kết thúc thắng lợi nhanh chóng mà không hề có đổ máu. Sau khi ở Vinh giành chính quyền, các huyện khác trong tỉnh lần lượt giành thắng lợi: Diễn Châu (21/8); Nghĩa Đàn (22/8); Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn (23/8), Nghi Lộc, Yên Thành (25/8)…

     Nhìn xuyên suốt hành trình 15 năm lãnh đạo công cuộc cách mạng, đấu tranh giành chính quyền trên quê hương Nghệ An, sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh đã thể hiện rõ với tư cách là nhân tố quyết định thắng lợi, thể hiện tập trung nhất, sinh động nhất ở những nội dung sau đây:

     Thứ nhất, Đảng bộ đã quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, thực hiện đúng đắn Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng ngay sau khi được chỉ định thành lập. Căn cứ vào sự biến đổi của tình hình thực tiễn, kịp thời điều chỉnh chủ trương, đường lối, nhiệm vụ nhưng luôn nhất quán về mục tiêu và phương pháp cách mạng.

     Thứ hai, đặc biệt coi trọng việc xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân. Trong chặng đường 15 năm gian khổ đấu tranh, dù Tỉnh ủy và lực lượng đảng viên cộng sản bị bắt bớ, khủng bố dã man, tổ chức Đảng bị phá vở nghiêm trọng nhưng phong trào đấu tranh và lực lượng quần chúng cách mạng vẫn không ngừng phát triển. Thế trận tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Nghệ An đã cho thấy sức mạnh vô địch của quần chúng cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là vũ khí chiến thắng.

     Thứ ba, Đảng bộ đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên, cảm hóa, giác ngộ và đưa vào hàng ngũ đấu tranh cách mạng hàng chục vạn quần chúng nhân dân không phân biệt giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo...vào cuộc đấu tranh chính trị rộng khắp. Ngoài giai cấp vô sản, Đảng đã vận động, giác ngộ và thu hút được sự tham gia đông đảo các lực lượng, tần lớp trung gian (tiểu tư sản, tư sản dân tộc, nhân sĩ, trí thức yêu nước...) đứng về phía cách mạng. Đó chính là khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy đúng thời điểm quan trọng nhất.

     Thứ tư, tiếp thu sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Tỉnh ủy Nghệ An mà trực tiếp là Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tỉnh đã kịp thời chỉ đạo nhận định, đánh giá tình hình sát đúng, nắm chắc lợi thế, chủ động đưa ra quyết định khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh. Thực hiện sáng tạo các biện pháp cách mạng để vừa nhanh chóng khuất phục được kẻ địch, kiểm soát tình hình trong, ngoài, đồng thời xác lập quyền lãnh đạo, điều hành xã hội của chính quyền cách mạng lâm thời ngay sau khi giành chính quyền.

     Thứ năm, ngay sau khi giành chính quyền thắng lợi trong toàn tỉnh, Đảng đã lãnh đạo lập tức thực thi ngay những chính sách mới, ổn định an ninh, trật tự, ổn định đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp, ưu việt của chế độ mới, làm cho quần chúng nhân dân phấn khởi, lạc quan, tự tin, đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Nghệ An diễn ra nhanh chóng chỉ trong vòng 9 ngày đã góp phần to lớn và quan trọng cùng cả nước giành chính quyền về tay nhân dân. Đó là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn, quyết liệt và rất sáng tạo của Tỉnh ủy, cấp ủy và Mặt trận Việt Minh các cấp cùng với tinh thần đấu tranh cách mạng tuyệt vời của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó minh chứng cho tầm quan trọng của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam – nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đó cũng chính là bài học quan trọng nhất, sinh động nhất và có ý nghĩa to lớn nhất trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN trên quê hương Nghệ An hôm nay và mai sau./.

     Tài liệu tham khảo:

     1. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An (2018), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Nghệ An (1930-1945), tập 1, Nxb Nghệ An.

     2. Đảng ủy quân sự tỉnh Nghệ An (2010), Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Nghệ An (1945 - 2005), Nxb quân đội nhân dân.

     3. Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945 (2007), tập 2, Nxb Giáo Dục.