Ngày mai mồng 6 tháng Giêng...
06/01/2021 08:45
Trong những ngày tháng Giêng lịch sử này, nhìn lại lịch sử dân tộc, lịch sử Quốc hội Việt Nam, đọc lại bức thư Bác Hồ kêu gọi nhân dân đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử cách đây 75 năm, chúng ta lại nhớ về những thời khắc trọng đại của dân tộc: Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6 tháng 1 năm 1946...
Ngày mai mồng 6 tháng Giêng...

                                                                   TS. Nguyễn Thị Hoài An

Phó Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

     Trong những ngày tháng Giêng lịch sử này, nhìn lại lịch sử dân tộc, lịch sử Quốc hội Việt Nam, đọc lại bức thư Bác Hồ kêu gọi nhân dân đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử cách đây 75 năm, chúng ta lại nhớ về những thời khắc trọng đại của dân tộc: Nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời ngày 2 tháng 9 năm 1945 và Tổng tuyển cử đầu tiên bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6 tháng 1 năm 1946 - những sự kiện đánh dấu sự mở đầu thời đại mới trong lịch sử dân tộc với một niềm tự hào, xúc động. Trong đó, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam là dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam đã được chờ đợi mấy nghìn năm.

     Một ngày sau khi Nhà nước Việt Nam mới, nhà nước cách mạng đầu tiên ở Đông Nam Á tuyên bố độc lập,  ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có Hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một Hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái 18 tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giầu, nghèo, tôn giáo, dòng giống v.v..".

     Trong bối cảnh nghìn cân treo sợi tóc, dưới danh nghĩa quân Đồng Minh tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, quân đội một số nước đế quốc đã kéo vào nước ta: gần 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch, hàng vạn quân đội Anh ở phía Nam vĩ tuyến 16, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lần thứ hai ngày 23-9-1945, hàng vạn quân Nhật còn lại trên đất nước ta cũng tham gia chống lại chính quyền cách mạng. Ở trong nước, lực lượng Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc), do Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam…cầm đầu và Việt Nam Cách mạng đồng minh hội (Việt Cách) do Nguyễn Hải Thần nắm giữ, từ lâu sống dưới bóng của chính quyền Tưởng Giới Thạch, theo chân quân đội Tưởng kéo về chống phá cách mạng.

     Thêm vào đó, chính quyền cách mạng còn phải tiếp thu cả một gia tài đổ nát do chế độ cũ để lại: Công nghiệp phá sản, nông nghiệp đình đốn, tài chính kiệt quệ, nạn đói đe doạ trầm trọng. Hơn 90% dân số mù chữ, tệ nạn xã hội nặng nề, kinh nghiệm quản lý chính quyền chưa có... Giặc ngoài thù trong, khó khăn chồng chất đang đặt chính quyền cách mạng đứng trước thử thách "ngàn cân treo sợi tóc". Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập vừa dành được của dân tộc đang dứng trước nguy cơ mất còn. Vì thế, cuộc cách mạng dân tộc ở nước ta vẫn đang tiếp diễn. Để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng ấy, khẩu hiệu cách mạng của nhân dân lúc này vẫn là "Dân tộc trên hết", "Tổ quốc trên hết". Khác với nội dung cơ bản trước đây của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là đấu tranh đánh đổ ách thống trị của đế quốc và tay sai, để giành chính quyền, thì ngày nay nội dung cơ bản của nó là đấu tranh chống giặc ngoài thù trong để giữ cho được chính quyền cách mạng của dân vừa giành được. Bởi vì chính quyền cách mạng là thành quả và kết tinh cao nhất thắng lợi của cách mạng Tháng Tám. Mất chính quyền là mất tất cả, là trở lại đời nô lệ. Giữ vững và bảo vệ chính quyền cách mạng là nhiệm vụ hết sức cấp bách, sống còn của nhân dân lúc này. Chính quyền là công cụ sắc bén, là đòn bẩy để đưa cách mạng tiến lên. Muốn vậy, phải tăng cường khối đoàn kết toàn dân, hoà hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, xã hội và ngoại giao, kháng chiến đi đôi với kiến quốc, chống giặc ngoại xâm gắn liền với chống giặc đói và giặc dốt.

     Trong không khí vô cùng phấn khởi, với tinh thần dân tộc dâng cao chưa từng có sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân cả nước đã đón nhận và chuẩn bị Tổng tuyển cử như ngày hội lớn của mình. Bằng sức mạnh vĩ đại và niềm tin tưởng tuyệt đối vào Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã tiến tới Tổng tuyển cử bằng hành động cách mạng thực tiễn hàng ngày. Đẩy mạnh kháng chiến, cả nước hướng về Nam bộ. Đẩy mạnh "Tăng gia sản xuất, tăng gia sản xuất ngay, tăng gia sản xuất nữa" để chống đói. Tiêu diệt giặc dốt, "biết chữ để cầm lá phiếu thực hiện quyền công dân", vv...

     Ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu.

     "Ngày mai mồng 6 tháng giêng năm 1946.

     Ngày mai là một ngày sẽ đưa Quốc dân ta lên con đường mới mẻ.

     Ngày mai là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày Tổng tuyển cử, vì ngày maii là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình.

     Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: về mắt trận quân sự, thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị, thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một là phiếu cũng có sức lực như một viên đạn.

     Ngày mai, Quốc dân ta sẽ tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam ta đã:

     Kiên quyết đoàn kết chặt chẽ,

     Kiên quyết chống bọn thực dân,

     Kiên quyết tranh quyền độc lập.

     Ngày mai dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước.

     Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên, có người được cử, có người không được cử.

     Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.

     Phải làm cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc.

     Người không trúng cử cũng không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó. Ở trong Quốc hội hay ở ngoài Quốc hội, mình cũng cứ ra sức giúp ích nước nhà. Lần này không được cử, ta cứ gắng làm cho quốc dân nhận rõ tài đức của ta, thì lần sau quốc dân nhất định cử ta.

     Ngày mai, tất cả các bạn cử tri, đều phải nhớ đi bầu cử. Ngày mai, mỗi người đều nên vui vẻ hướng quyền lợi của một người dân độc lập, tự do".

     Áng văn bất hủ này là một lời hiệu triệu chứa đựng nhiều giá trị pháp lý, giá trị chính trị nhưng cũng đầy sự thiết tha, hy vọng, thiêng liêng với điệp khúc “ngày mai”, như một lời hứa hẹn tốt đẹp.

     Đáp lại lời kêu gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, bằng cả ý chí sắt đá của một dân tộc quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được, và bằng cả niềm vui sướng cao độ háo hức chuẩn bị chờ đợi mấy nghìn năm nay, toàn thể nhân dân Việt Nam từ miền xuôi đến miền ngược, từ miền Bắc đến miền Nam, từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã dành trọn cho ngày lịch sử vĩ đại - ngày 6-1-1946: toàn dân đi bỏ phiếu!

     Tại Hà Nội, trung tâm của cả nước, nơi hàng ngày diễn ra các sự kiện trọng đại ảnh hưởng đến vận mệnh của cả dân tộc, nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh ra ứng cử, nhân dân thủ đô đã hăng hái tham gia Tổng tuyển cử bất chấp sự phá hoại của kẻ thù. Đúng 7 giờ sáng, tiếng chuông, tiếng trống các nhà thờ, chùa chiền, tiếng pháo nổ vang trên khắp các phố phường kéo dài tới 15 phút báo hiệu giờ Tổng tuyển cử bắt đầu. Cuộc Tổng tuyển cử ở Hà Nội diễn ra tràn đầy phấn khởi và được chuẩn bị tổ chức chu đáo. Mỗi khu vực bỏ phiếu đều có sáng kiến riêng trong cách tổ chức hợp lý. Từ lối vào, lối ra cho người đi bỏ phiếu, chỗ soát thẻ đi bầu, chỗ viết phiếu bầu, nơi ghi số những người đi bầu..., hết thảy đều xếp đặt khoa học. Hàng chục vạn cử tri Thủ đô đi làm nghĩa vụ công dân. Cuộc bỏ phiếu diễn ra rất nhanh, tấp nập nhất từ 7 giờ đến 10 giờ sáng. Có nơi mới đến 11 giờ, trong số ngót 2.000 cử tri, đã có tới gần 1.500 người đi bỏ phiếu. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng hàng chục vạn cử tri đi làm nghĩa vụ công dân. Người đã đi bầu đại biểu ở phòng bỏ phiếu đặt tại nhà số 10 phố Hàng Vôi (nay là phố Lý Thái Tổ). Sau đó, Người còn đến thăm một số phòng bỏ phiếu ở các phố Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Trống, Thuỵ Khuê, làng Hồ Khẩu, và Ô Đông Mác. Có những cụ già 70, 80 tuổi được con cháu cõng đi bỏ phiếu, nhiều người mù nhờ người nhà dẫn đến tận hòm phiếu để tự tay mình làm nhiệm vụ công dân. ở khu Ngũ Xá, bọn phản động huy động một lực lượng đông có vũ trang cả súng liên thanh đến ngăn cản dân phố đi bầu cử, cấm treo cờ đỏ sao vàng, cấm đặt hòm phiếu. Nhân dân không chịu khuất phục kéo cả sang khu Nguyễn Thái Học gần đó để bỏ phiếu. Kết quả 172.765 trong tổng số 187.880, tức 91,95% cử tri của cả 74 khu phố nội thành và 118 làng ngoại thành Hà Nội đã đi bỏ phiếu. 6 trong số 74 ứng cử viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Người trúng cử thấp phiếu nhất là 52,5%; người đạt phiếu cao nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh được 169.222 phiếu, tức 98,4%.

     Ở các địa phương khác trong cả nước, cuộc Tổng tuyển cử cũng được tiến hành sôi nổi. Riêng các tỉnh phía Bắc, mặc dầu phải đối phó với âm mưu phá hoại hết sức tinh vi và trắng trợn của kẻ thù, nhưng nói chung Tổng tuyển cử diễn ra an toàn. Tuy nhiên, ở một vài nơi, đã xảy ra xung đột đổ máu. Ở Hải Phòng, tại khu vực Nhà hát lớn, quân tướng xông vào cướp súng tự vệ đang làm nhiệm vụ bảo vệ hòm phiếu. Lực lượng tự vệ đã phải nổ súng cảnh cáo. Viện vào cớ đó, chúng huy động lực lượng đến cướp hòm phiếu. Công an xung phong và tự vệ chiến đấu phải giằng co bảo vệ thùng phiếu. Chúng bắt của ta 16 công an và 40 tự vệ, hành hung dã man nhiều người, trong đó, có đội trưởng công an. Hàng vạn người mít tinh biểu tình phản đối buộc chúng phải thả những người bị bắt. Tại Tràng Kênh, chúng cũng cướp hòm phiếu, đánh trọng thương tự vệ. Ở nhiều nơi, hòm phiếu phải di chuyển nhiều lần. Mặc dầu vậy, Hải Phòng vẫn có tới 96% cử tri đi bỏ phiếu .

     Đặc biệt ở các tỉnh phía Nam, nhất là Nam Bộ, cuộc bầu cử đã diễn ra dưới bom đạn rất ác liệt của kẻ thù. Ngay từ cuối tháng 10-1945, sau khi được tăng cường lực lượng, thực dân Pháp đã phá được vòng vây đánh rộng ra khắp các tỉnh Nam bộ. Cuối tháng 11-1945, chúng chiếm các thị xã, đường giao thông chiến lược, vùng đồn điền cao su ở các tỉnh miền Đông, miền Trung và một phần miền Tây Nam bộ. Đồng thời, chúng đổ bộ lên Nha Trang, từ đó đánh rộng ra các tỉnh Nam Trung bộ và vùng rừng núi Tây Nguyên hòng thôn tính toàn bộ miền Nam nước ta từ vĩ tuyến thứ 16 trở vào. Trong tình hình đó, cuộc Tổng tuyển cử ở các tỉnh phía Nam, trừ những vùng địch chưa tiến đến, vẫn diễn ra bình thường, còn nói chung rất khó khăn, quyết liệt. Nhân dân miền Nam đi bỏ phiếu bầu Quốc hội lúc này là thể hiện ý chí độc lập thống nhất, kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, bảo vệ tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam. Vì vậy, nhân dân đi bỏ phiếu rất đông, bất chấp bom đạn của giặc Pháp. Nhiều nơi nhân dân phải đổi cả xương máu để thực hiện quyền tự do, dân chủ của mình. Tại Sài Gòn - Chợ lớn, quân Pháp đã chiếm toàn bộ thành phố và các vùng xung quanh. Tiếng súng kháng chiến vẫn tiếp tục nổ ra dưới nhiều hình thức như diệt tề trừ gian, tập kích, đốt phá kho tàng của địch... Tổng tuyển cử ở đây đã diễn ra dưới sự lùng ráp khủng bố gay gắt của kẻ thù. Uỷ ban hành chính thành phố mặc dầu phải chuyển ra ngoại ô phía Tây Nam nhưng vẫn bám sát chỉ đạo nhân dân nội thành và ngoại thành tiến hành Tổng tuyển cử. Hàng trăm cán bộ chính quyền, đoàn thể, chiến sĩ làm công tác tuyển cử đã chia ra các ngả, bám sát từng khu phố, từng xóm lao động, từng người dân để lập danh sách cử tri, tuyên truyền vận động bầu cử. Không có nơi bỏ phiếu cố định. Mỗi hộ (tương đương với phường hiện nay), kể cả những hộ ở trung tâm thành phố, có từ 3 đến 4 hòm phiếu lưu động được chuyển tới từng ngõ, từng nhà cho đồng bào bỏ phiếu. Cả Sài Gòn - Chợ Lớn có hàng trăm hòm phiếu như vậy. Ở Mỹ Tho, ngày bầu cử, máy bay Pháp bắn phá dữ dội suốt ngày, rà theo khắp các kênh rạch. Nhưng tại Mỹ Hạnh Đông, cán bộ ta vẫn chèo xuồng, chèo tam bản, đánh trống chở hòm phiếu len lỏi vào tận các mương xứ rạch nhỏ, nơi đồng bào tản cư để đồng bào bỏ phiếu. Ở làng Đông Thành, quận Trà Ôn (Cần Thơ), có 2.188 cử tri, buổi sáng, máy bay địch đến đánh phá, đến chiều, vẫn có tới 1.827 người đi bỏ phiếu. Ở làng Mỹ Hoà, sáng sớm, giặc Pháp đã vào lùng sục khắp làng, bắn chết 13 người, trong đó, có một em bé bị giặc bắn, ném xuống sông, nhưng đến chiều vẫn có 1.927 cử tri trong tổng số hơn 2.500 cử tri đi bỏ phiếu. ở làng Thành Mỹ Hưng (Cần Thơ), có 4.288 cử tri, bất chấp địch đánh phá, vẫn có 4.209 người đi bỏ phiếu.

     Tại Tây Nguyên, ngay trước ngày Tổng tuyển cử, ngày 4-1-1946, thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom lửa xuống 3 làng Ra Đê để khủng bố dân chúng. Hôm sau, chúng lại tấn công vào một làng Ra Đê khác cách Buôn Ma Thuật 19 km, nhưng cuộc bầu cử vẫn được tiến hành. Nhìn chung, trừ tỉnh Tây Ninh, nơi chiến sự diễn ra rất ác liệt, thậm chí trước ngày bầu cử, một trong hai ứng cử viên đã bị địch giết hại nên không thực hiện bầu cử được, còn tất cả các tỉnh phía Nam đều tiến hành cuộc bầu cử với tuyệt đại đa số cử tri đi bỏ phiếu, trong đó, nhiều tỉnh còn đạt số cử tri đi bầu rất cao: Sa Đéc: 93,54%, Bạc Liêu: 90,77%. v.v..

     Nhìn chung ở cả 71 tỉnh thành trong cả nước, 89% tổng cử tri đã đi bỏ phiếu, phổ biến là 80%, nhiều nơi đạt 95%. Trừ một số nơi phải bầu bổ sung, còn tuyệt đại đa số các địa phương chỉ bầu một lần. Cả nước đã bầu được 333 đại biểu, trong đó, có 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không đảng phái, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu phụ nữ và 34 đại biểu các dân tộc thiểu số.

     Cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ở Việt Nam đã hoàn toàn thắng lợi. Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam ra đời. Hoà nhịp cùng với bước tiến của thời đại, với sự hy sinh xương máu của bao thế hệ người Việt Nam yêu nước, suốt gần một thế kỷ đấu tranh giải phóng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945, người dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã thành công dân của một nước độc lập, tự do, tự mình quyết định vận mệnh lịch sử của mình, tự mình lựa chọn và dựng xây chế độ Cộng hoà dân chủ. Bằng cuộc Tổng tuyển cử, tất cả mọi công dân Việt Nam, từ 18 tuổi trở lên không phân biệt gái trai, dân tộc, tôn giáo, giàu nghèo đều có quyền dân chủ, bình đẳng, tự do lựa chọn người đại diện cho mình vào Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

     Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử tháng 1-1946 đánh dấu mốc phát triển nhảy vọt đầu tiên về thể chế dân chủ của nước Việt Nam.

     Quốc hội vừa là thành quả, vừa là yêu cầu đặt ra bức thiết của cách mạng. Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh dân tộc gay gắt. Đó là Quốc hội lập quốc, Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Trung Nam Bắc, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đ¬ơng thời, từ những nhà cách mạng lão thành đã từng bôn ba nơi hải ngoại, tử thách trong nhiều nhà tù đế quốc như Hồ Chí Minh, Tôn Đức Thắng..., cho đến những đại biểu trẻ tuổi đang tràn đầy nhiệt huyết (người trẻ tuổi nhất là Nguyễn Đình Thi 22 tuổi). Quốc hội đã hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia như Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô..., những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hoá nổi tiếng như Nguyên Văn Tố, Hoàng Đạo Thuý, Thái Văn Lung, Huỳnh Tấn Phát, Đặng Thai Mai..., Quốc Hội cũng hội tụ đại biểu của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta như Thiên Chúa giáo (Linh mục Phạm Bá Trực), Phật giáo (Thượng toạ thích Mật Thể), Cao Đài (Chưởng quản Cao Triều Phát)..., của tất cả các thành phần dân tộc, từ đa số đến thiểu số như Mường, Tầy, Nùng, Thái, Mèo, Hán, Ba Na, Ka Tu, Ra Đê, Ê Đê, Gia Rai, Khơ Me...; của tất cả những người không đảng phái và các đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng dân chủ, những đảng viên Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác (Bồ Xuân Luật, Trương Trung Phụng...). Đây là sự hội tụ đại biểu của tất cả các thành phần xã hội và dân tộc trên mọi miền đất nước trong Quốc hội, kể cả sự có mặt của Vĩnh Thuỵ, tức cựu hoàng Bảo Đại, người vừa mới tuyên bố thoái vị trước đó 4 tháng để làm công dân của nước Việt Nam tự do và những người vốn là quan lại cao cấp của chế độ cũ như cựu Thượng thư Bùi Bằng Đoàn....

     Thắng lợi Tổng tuyển cử đánh dấu bước trưởng thành của Nhà nước cách mạng Việt Nam, mở ra triển vọng của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước ta có một Quốc hội, một Chính phủ thống nhất, một bản Hiến pháp tiến bộ, và một hệ thống chính quyền hoàn toàn đầy đủ danh nghĩa về mặt pháp lý để đại diện cho nhân dân Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà có tính chất hợp pháp, dân chủ - nhà nước của dân, do dân và vì dân, được quốc dân giao phó trọng trách điều hành đất nước, tổ chức toàn dân kháng chiến và kiến quốc, giải quyết mọi quan hệ của Việt Nam trên trường quốc tế. Thắng lợi của Tổng tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói trong Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội đầu tiên, là "kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta, sự đoàn kết của toàn thể đồng bào không kể già trẻ, lớn bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc ".

 

     Tài liệu tham khảo:

     1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4 (1945-1946), Nxb. Chính trị quốc gia, H: 2011.

     2. Văn phòng Quốc Hội, Lịch sử Quốc hội Việt Nam Tập I (1946-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, H.1994.

     3. Văn phòng Quốc Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc Hội và Hội đồng nhân dân, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2002.