Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời – bước ngoặt lịch sử mở đường mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta
02/02/2023 04:58
Như một cánh én báo hiệu mùa xuân về, như ánh bình binh rực rỡ chào đón ngày mai tươi sáng; mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là kết quả tất yếu của một logic mà nguyên lý của nó là sự vận động của quy luật khách quan, đó chính là sự gặp gỡ của khát vọng và ý chí đấu tranh đánh đổ cường quyền, áp bức của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp yêu nước có tinh thần chống đế quốc ở Việt Nam với hệ thống lý luận tiên tiến lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc...
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời –  bước ngoặt lịch sử mở đường mọi thắng lợi  của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc  và đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta

ThS. Ngô Thị Vân

 Khoa Xây dựng Đảng

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Ảnh chụp lại tranh của họa sĩ Phi Hoanh (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) - Nguồn: dangcongsan.vn

Như một cánh én báo hiệu mùa xuân về, như ánh bình binh rực rỡ chào đón ngày mai tươi sáng; mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Đây là kết quả tất yếu của một logic mà nguyên lý của nó là sự vận động của quy luật khách quan, đó chính là sự gặp gỡ của khát vọng và ý chí đấu tranh đánh đổ cường quyền, áp bức của giai cấp công nhân, nông dân và các tầng lớp yêu nước có tinh thần chống đế quốc ở Việt Nam với hệ thống lý luận tiên tiến lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Là kết quả của một hành trình vĩ đại của Người tìm đường Nguyễn Ái Quốc gặp gỡ Người dẫn đường vĩ đại - Chủ nghĩa Mác - Lê nin. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự bế tắc về lý luận, sự khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam; mở ra một thời kỳ mới trong tiến trình phát triển của cách mạng- Độc lập dân tộc đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, cách mạng Việt Nam đạt được những thắng lợi vĩ đại mang ý nghĩa bước ngoặt trên con đường đấu tranh vì độc lập tự do và xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở nước ta:

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt sự bế tắc về lý luận, sự khủng hoảng về đường lối và lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Một điều có thể khẳng định chắc chắn rằng năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một tổ chức đảng trước hết nằm ở chỗ giá trị của đường lối chính trị, cùng với đội ngũ cán bộ và công tác tổ chức, cán bộ của Đảng. Đường lối chính trị đúng, khoa học, phù hợp là một trong hai yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng. Ý nghĩa mang tính bước ngoặt đã được tạo ra khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời chính là ngay từ đầu Đảng đã có được Cương lĩnh chính trị có tầm vóc chiến lược, xuyên suốt, mở ra hướng đi, cách đi đúng đắn nhất trên con đường cách mạng. Điều này được chứng minh rất rõ, dù trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ở Việt Nam đã có nhiều phong trào yêu nước xuất hiện, thực hiện nhiều cuộc đấu tranh với mục tiêu chung là bảo vệ, khôi phục nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất quốc gia, chấn hưng đất nước. Các phong trào chống thực dân Pháp theo ngọn cờ phong kiến, phong trào đấu tranh theo ngọn cờ dân chủ tư sản của Nhân dân Việt Nam đã diễn ra quyết liệt, liên tục và rộng khắp nhưng lần lượt đều thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất bại của các phong trào yêu nước, trong đó có nguyên nhân thiếu lý luận cách mạng - khoa học dẫn đường, có thể giải quyết những vấn đề cơ bản và cấp bách của cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ.

Được công bố và thông qua trong ngày thành lập Đảng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (dù được viết rất vắn tắt, vỏn vẹn với 282 chữ) đã xác định đường hướng chiến lược đúng đắn cho tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam: Cách mạng Việt Nam nằm trong phạm trù cách mạng vô sản, độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên, là điều kiện tiên quyết để tiến đến xã hội công sản “ làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Đây là con đường khách quan, tất yếu của cách mạng Việt Nam, vừa đáp ứng những yêu cầu cơ bản, cấp bách trước mắt, vừa định hướng chiến lược lâu dài.

Cùng với việc xác định đúng đường hướng và quỹ đạo vận động của cách mạng, Cương lĩnh xác định những nhiệm vụ cơ bản, những mục tiêu cấp bách của cách mạng Việt Nam một cách toàn diện, trên các phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội. Đây là những nội dung lớn, mang tính căn bản trong cấu trúc chiến lược của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người ở Việt Nam. Chính cương vắn tắt (như đã nói ở trên) dù được viết hết sức vắn tắt do bối cảnh ngặt nghèo, khó khăn nhưng dường như đã thâu tóm toàn bộ trí tuệ và khát vọng của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cương lĩnh xác định lực lượng cách mạng gồm toàn bộ những người Việt Nam yêu nước, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, bao gồm: Công nhân, Nông dân, Tiểu tư sản, Trí thức, Trung nông...; tranh thủ, làm trung lập phú nông, trung, tiểu địa chủ, tư sản. Nội dung này thể hiện quan điểm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, do liên minh công nhân và nông dân làm nền tảng, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài, xuyên suốt trong tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam.

Cương lĩnh xác định cách mạng Việt Nam là bộ phận của cách mạng thế giới. Sách lược vắn tắt viết: “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là vô sản giai cấp Pháp”[2].

Cương lĩnh xác định phương pháp thực hiện độc lập dân tộc, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội phải tiến hành bằng con đường cách mạng, sử dụng phương pháp cách mạng bạo lực; không đi vào con đường cải lương, thỏa hiệp. Đây là sự xác định hết sức đúng đắn, là lập trường khoa học trong tư duy chiến lược về phương pháp cách mạng mà giá trị của nó đã được chứng minh bằng thực tiễn sinh động của cách mạng trong các thời kỳ.

Cương lĩnh xác định lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là Đảng Cộng sản Việt Nam với tư cách là đội tiên phong lãnh đạo, bộ tham mưu chiến lược và là đội quân hy sinh, gương mẫu, tận trung với nước, tận hiếu với dân, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

Với ý nghĩa đó, có thể khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đầu tiên của mình đã hoạch định những vấn đề cốt lõi của cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên, cách mạng Việt Nam có một văn kiện chính trị phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội trong điều kiện lịch sử mới, đáp ứng những nhu cầu cơ bản  và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại. Những sáng tạo lý luận của Đảng thể hiện trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên là cơ sở để xác lập đường lối cách mạng qua các giai đoạn lịch sử sau này của đất nước.

Thứ hai, Đảng lãnh đạo thắng lợi cách mạng Tháng Tám thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, ra đời là để đáp ứng khát khao cháy bỏng của hàng chục triệu người dân Việt Nam. Đó là lãnh đạo Nhân dân đánh đổ đế quốc, phong kiến tay sai, lập nền dân chủ cộng hòa, đưa chính quyền về tay Nhân dân Việt Nam.  

Trải quả những hành trình đầy hy sinh, gian khổ từ phong trào đấu tranh 1930-1931, đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh, khởi đầu cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đến cao trào đấu tranh đòi dân chủ, dân sinh 1936-1939. Mùa xuân năm 1941, sau khi trở về nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã triệu tập và chủ trì Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 8 (5/1941), tiếp tục phát triển và đưa đường lối cách mạng Việt Nam lên tầm cao mới dẫn đến thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc (Tháng Tám năm 1945). Trong bối cảnh diễn biến cuộc chiến tranh Thế giới thứ II đang có xu hướng thuận lợi cho cách mạng, Đảng ta với người đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã thể hiện xuất sắc vai trò lãnh đạo, tổ chức mọi nguồn lực của Đảng, của đất nước, của dân tộc kết hợp với sự vận động thuận chiều của sức mạnh thời đại, với 5000 đảng viên, Đảng đã phát động và lãnh đạo 20 triệu người dân Việt Nam thực hiện thành công Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám đã đánh dấu một mốc biến đổi cực kỳ to lớn trong tiến trình lịch sử của dân tộc: hoàn thành thắng lợi cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị chủ nghĩa thực dân, chấm dứt chế độ phong kiến lỗi thời, đưa Việt Nam từ thuộc địa, phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, tự do, khôi phục sự thống nhất quốc gia, đưa Nhân dân ta từ thân phận nô lệ lên địa vị người làm chủ, đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội. Đưa Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật trở thành Đảng cầm quyền, tiếp tục lãnh đạo cách mạng giành nhiều thắng lợi trong những chặng đường tiếp theo.

Thứ ba, Đảng lãnh đạo kháng chiến chống ngoại xâm, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa

Lãnh tụ V.I Lê nin từng nhận định: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều” [3]. Trong điều kiện của Việt Nam, Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập không lâu, thực dân Pháp đã nổ súng quay trở lại xâm lược Nam bộ. Chính quyền non trẻ cùng một lúc phải đối diện với nhiều thứ giặc: Giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Tình thế đất nước lúc bấy giờ được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”.  Dưới sự lãnh đạo của của Đảng với nguyên tắc “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, với nhiều biện pháp linh hoạt để thêm bạn, bớt thù, do đó đã đẩy lùi được âm mưu thâm độc của thù trong, giặc ngoài.

Với đường lối “ kháng chiến kiến quốc”, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân  lần lượt đánh bại các nổ lực chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954). Thắng lợi đó đã bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám 1945, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, tạo cơ sở cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tạo tiền đề cho miền Bắc đi lên chủ nghĩa xã hội.

Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, với mưu đồ biến miền Nam Việt Nam thành căn cứ quân sự, thuộc địa kiểu mới, tạo thành “con đê” ngăn chặn Chủ nghĩa Cộng sản tràn xuống Đông Nam Á, làm bàn đạp tấn công ra miền Bắc, đế quốc Mỹ từng bước can thiệp và tiến hành xâm lược miền Nam, chia cắt đất nước, phá hoại cách mạng XHCN miền Bắc bằng không quân và hải quân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân hai miền Nam - Bắc đã đánh bại chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai (1954-1975). Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã giải phóng miền Nam, kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, chấm dứt ách thống trị kéo dài hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, xác lập quyền làm chủ của Nhân dân trên toàn bộ đất nước, mở ra bước ngoặt, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Thứ tư, Đảng lãnh đạo thắng lợi công cuộc đổi mới đưa đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Sau khi đất nước thống nhất, từ năm 1975-1986, đất nước bước vào thời kỳ mới với những khó khăn, thách thức mới, Đảng đã lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước và đã đạt được những thành tựu cơ bản về chính trị; kinh tế; văn hóa, xã hội; quốc phòng – an ninh và trên mặt trận ngoại giao. Tuy nhiên, chặng đường cách mạng ấy cũng đã đặt Đảng ta trước những thách thức rất lớn về năng lực lãnh đạo đối với các vấn đề đời sống kinh tế, xã hội, chăm lo giải quyết nhu cầu đời sống Nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Trong bước thăng trầm ấy, với bản lĩnh kiên cường của một chính Đảng cách mạng dám “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đảng dựa vào dân, coi trọng tổng kết thực tiễn, vượt qua những định kiến và bảo thủ trong nhận thức, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác- Lênin, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện. Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp đi lên Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ Hội nghị Trung ương 6 khoá IV (tháng 9/1979) đến Hội nghị Trung ương 6 khoá VI (tháng 3/1989) là quá trình tìm tòi những định hướng lớn, đặt nền móng cho việc xác lập cơ chế quản lý mới thay thế cho cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu, bao cấp. Tính đến năm 1989, cơ chế cũ đã bị phá bỏ một cách cơ bản, thay vào đó là sự xác lập từng bước các yếu tố của cơ chế mới - cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế nước ta. Những chủ trương, biện pháp đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ 1979 đến trước Đại hội VII (năm 1991) đã tạo ra bước chuyển mạnh mẽ của đời sống kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tổng kết và theo sát yêu cầu của thực tiễn, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991) của Đảng chủ trương: Tiếp tục xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần và đổi mới quản lý kinh tế. Đại hội xác định rõ cơ chế vận hành nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước bằng pháp luật, kế hoạch, chính sách và các công cụ khác. 

Đặc biệt vào thập niên 90 của thế kỷ XX, trong bối cảnh quốc tế hết sức phức tạp và tình hình đất nước có muôn vàn khó khăn, các thế lực thù địch không ngừng chống phá, Đảng kiên định mục tiêu mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta đã lựa chọn, giữ vững vai trò lãnh đạo, chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua sóng gió để đến vinh quang như ngày hôm nay. Trải qua hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã có nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế tăng trưởng tương đối nhanh và ổn định, cơ sở vật chất được tăng cường, đời sống của Nhân dân không ngừng được cải thiện; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được đảm bảo; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất lãnh thổ đất nước, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; phá thế bao vây, cấm vận; mở rộng quan hệ đối ngoại theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa… tạo tiền đề vững chắc để đất nước ngày càng phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Có thể nói, trải qua 93 năm Đảng ta ra đời và lãnh đạo công cuộc cách mạng là những trang sử vàng chói lọi và đầy tự hào. Một Đảng Mác xít mà sau khi mới ra đời đã có sinh mệnh chính trị gắn bó một cách thiêng liêng, máu thịt với sinh mệnh của đất nước, của dân tộc. Một Đảng Cộng sản mang trong mình dòng máu vô sản và tinh thần chiến đấu của cả một dân tộc, đã gan góc nhận lấy về mình trách nhiệm lãnh đạo, tổ chức giai cấp vô sản và các lực lượng yêu nước Việt Nam đấu tranh một mất một còn với đế quốc xâm lược và phong kiến, bù nhìn tay sai để tạo dựng thành quả vĩ đại của công cuộc giành độc lập dân tộc và đi lên CNXH ở Việt Nam. Cuộc trường kỳ chiến đấu và chiến thắng đó đã được đánh dấu bằng những thành tựu to lớn, vĩ đại mà trước đó không có bất cứ một lực lượng chính trị nào có thể làm được. Cuộc hồi sinh một dân tộc, một đất nước từ bùn đen nô lệ, tủi nhục bước thẳng lên đài vinh quang độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội duy nhất chỉ có Đảng Cộng sản Việt Nam làm được. Đó chính là bệ đỡ vững chắc nhất để tạo dựng niềm tin và tình yêu vô bờ bến mà các thế hệ cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân đã giành cho Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Những thành tựu to lớn mà đất nước đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới đã không chỉ chứng minh trí tuệ, bản lĩnh, danh dự và đạo đức của Đảng ta mà còn là tiền đề để Đảng tiếp tục viết tiếp những trang sử vẻ vang, cùng hòa vào những giá trị trường tồn của lịch sử dân tộc. Trong thời đại mới, thành quả cách mạng, niềm tin yêu của Nhân dân luôn gắn với những nhiệm vụ mới mà ở vị trí của mình Đảng ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và kiên quyết, kiên trì lãnh đạo, tổ chức thực hiện bằng được, đó là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[4].



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự tật, H.2002, t.2, tr.2.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự tật, H.2002, t.2, tr.4-5.

[3] V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 145.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự tật, H.2021, t.1, tr.14.