Cảm xúc về một bài thơ viết về người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi
26/07/2020 10:49
Hằng năm, cứ đến dịp 27/7, nhân dân cả nước lại sôi nổi tổ chức kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ và coi đó là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc... Là dịp để mỗi chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương Đất nước đã anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Với cảm xúc của sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đó, tôi bắt gặp lại bài thơ xúc động...
Cảm xúc về một bài thơ viết về người anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Trỗi

 

                             ThS. Nguyễn Văn Điều

Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở

     Hằng năm, cứ đến dịp 27/7, nhân dân cả nước lại sôi nổi tổ chức kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ và coi đó là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc... Là dịp để mỗi chúng ta kính cẩn tưởng nhớ các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của quê hương Đất nước đã anh dũng hi sinh trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Với cảm xúc của sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc đó, tôi bắt gặp lại bài thơ xúc động của một người công nhân viết về người anh hùng liệt sỹ trung kiên  – Anh Nguyễn Văn Trỗi.

     Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Trỗi sinh ngày 01 tháng 02 năm 1940, là con thứ ba trong một gia đình nghèo nên tên thường gọi là Tư Trỗi. Anh quê ở làng Thanh Quýt, xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau Hiệp định Genève, anh vào Sài Gòn sinh sống. Lớn lên, làm thợ điện ở nhà máy đèn Chợ Quán và tham gia tổ chức Biệt động thành thuộc Đại đội Quyết tử 65, cánh Tây Nam Sài Gòn. Năm 1964, anh lập gia đình với chị Phan Thị Quyên. Cũng vào năm này, tại căn cứ Rừng Thơm thuộc huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, anh được tập huấn cách đánh biệt động tại nội thành.

    Ngày 02 tháng 5 năm 1964, Đoàn viên Thanh niên nhân dân cách mạng, Chiến sĩ biệt động Thành Sài Gòn -Gia Định Nguyễn Văn Trỗi nhận nhiệm vụ từ tổ chức, cho đặt mìn ở cầu Công Lý nhằm ám sát phái đoàn quân sự chính trị cao cấp của Chính phủ Hoa Kỳ do Bộ trưởng Quốc phòng Robert Strange McNamara dẫn đầu. Ban đầu nhiệm vụ này được giao cho một người khác nhưng anh đã xung phong đi thay đồng đội, dù bản thân mới cưới vợ được vài ngày. Sự việc bại lộ, anh bị bắt lúc 22 giờ00 phút, ngày 09 tháng 5 năm 1964.                     

    Trong nhà lao, dù phải chịu nhiều cực hình đau đớn nhưng anh không một lời khai báo. Chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ đưa anh đi xử bắn bí mật lúc 9 giờ 45 phút, ngày 15 tháng 10 năm 1964, tại sân sau nhà lao Khám Chí Hòa (hiện nay là Số 324, đường Hòa Hưng, Phường 13, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh). Năm đó, anh mới 24 tuổi.

    Những phút cuối cùng, trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên nước ngoài, anh rất can đảm, không cho bịt mắt và không đồng ý xưng tội. Anh đã hô lên những lời cuối cùng, được các phóng viên nước ngoài ghi lại: “Hãy nhớ lấy lời tôi! Đả đảo Đế quốc Mỹ!", "Hồ Chí Minh muôn năm! "Hồ Chí Minh muôn năm! "Hồ Chí Minh muôn năm!”, “ Việt Nam muôn năm!"     

    Sau khi anh Trỗi hy sinh, vợ anh, Chị Phan Thị Quyên hết sức đau buồn và thương tiếc người chồng trẻ. Mặc dầu chiến tranh trong giai đoạn này đang diễn ra hết sức ác liệt nhưng hàng trăm lá thư động viên, chia sẻ, an ủi vẫn đến được với chị. Và lá thư dưới đây được gửi cho chị Phan Thị Quyên nhân dịp kỷ niệm hai năm ngày anh Trỗi hy sinh (15-10-1964 – 15-10-1966). Đó là Bức thư được viết bằng máu của một người công nhân quê ở Hải Phòng có tên là Lê Nhân Liên. Bức thư được viết trên 15 trang giấy của một cuốn sổ nhỏ có 32 trang, được khâu lại bằng chỉ đỏ, ngoài bìa ghi dòng chữ: “Lê Nhân Liên -Viết về anh bằng máu của tôi – 15-10-1966”.[1]

Tôi muốn đem những dòng máu nóng

Góp phần vào sự nghiệp đấu tranh

Bầu máu nóng trong tim tôi sôi bỏng

Đang chảy theo chân lý đời anh!

    Nguyễn Văn Trỗi, bằng xương máu và chiến thắng của mình, anh đã viết thêm những trang sử vàng chói lọi cho dân tộc. Anh đã nêu cao gương sáng vì dân, vì nước quên mình, trước bạo lực của kẻ thù không mảy may run sợ, luôn luôn biểu lộ chí khí hiên ngang của những người đã nhìn thấy chân lý, của những người có chính nghĩa và chiến thắng. Việc làm của anh chính là bài học lớn về con người biết sống và biết làm người.

Tôi viết bài thơ mặc niệm anh

Ngày này năm ấy giữa Sài thành

Anh hiến tuổi xuân cho Tổ quốc

Đem đổi thịt xương lấy hòa bình.

    Nguyễn Văn Trỗi trước lưỡi lê gươm súng của kẻ thù, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam, của nhân dân và giai cấp công nhân miền Nam đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, gây nên sự chấn động dư luận trong nước và thế giới.

Kẻ thù sợ tên anh từ đấy

Những người con đất Việt anh hùng

Giữa súng gươm vẫn hô vang dậy

Đạn nổ rồi còn gọi: “Bác muôn năm”.

          …

Cả nước nhớ tên người liệt sĩ

Đã gây nên chấn động địa cầu

Máu của anh, của người đồng chí

Viết tiếp vào trang sử đời sau.

          …

    Thật vậy, sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi là tấm gương sáng cho các thế hệ thanh niên Việt Nam bước vào cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước và trở thành cảm hứng cho nhiều nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ trong nhiều tác phẩm. Nhà thơ Tố Hữu có bài thơ "Hãy nhớ lấy lời tôi" và không chỉ là đầu đề bài thơ của Tố Hữu, đó còn là tên của một tập thơ viết về anh. Sau khi Nguyễn Văn Trỗi hy sinh, báo chí miền Bắc xuất hiện hàng trăm bài thơ, ca khúc, vở kịch, bộ phim ca ngợi anh; tượng anh được dựng lên tại các công viên, tên anh được đặt cho các trường học. Tập truyện ký "Sống như Anh" của nhà văn Trần Đình Vân, ấn hành hàng chục vạn bản, làm sách gối đầu giường cho thanh niên. "Sống như Anh" đối với thanh niên Việt Nam như "Thép đã tôi thế đấy" với thanh niên Liên Xô. Đạo diễn Bùi Đình Hạc có bộ phim tài liệu Nguyễn Văn Trỗi và vào năm 1966,... Đặc biệt, thời gian gần đây, có một ca khúc gây ấn tượng đặc biệt và lan tỏa mạnh mẽ, đó là bài hát "Lời anh vọng mãi ngàn năm" của nhạc sĩ Vũ Thanh (Sáng mãi tên anh người con của đất nước, sông núi reo ca người anh hùng thành đồng bất khuất. Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Văn Trỗi người công nhân thành phố Sài Gòn…). Bài hát vang lên với ca từ dung dị, nồng ấm, với giai điệu ngợi ca, khâm phục, đầy sức lay động tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trên các chiến trường xông lên tiêu diệt quân xâm lược.

    Đã hơn năm mươi năm qua, sự hy sinh anh dũng của Nguyễn Văn Trỗi trước pháp trường còn đó, tạc vào thời gian, bất tử với non sông đất nước, để lại cho nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam lý tưởng chiến đấu bất khuất, kiên trung trước quân thù, quyết giành độc lập tự do cho đất nước. Sự hy sinh của Nguyễn Văn Trỗi và lời hô của anh còn vang vọng mãi ngàn năm, thúc giục thế hệ hôm nay, nhất là thế hệ trẻ, phấn đấu vươn lên kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước./.

 

 



[1] Dẫn theo: Hồng Lâm – Báo Đăk Lắk Điện tử, năm 2012.