Bảo vệ an ninh quốc gia những ngày đầu sau Cách mạng Tháng Tám - Bài học kinh nghiệm trong thực tiễn hiện nay
31/08/2024 10:46
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nói, những ngày tháng đầu tiên sau thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn thường gọi đây là giai đoạn vận mệnh đất nước hiểm nguy như “ngàn cân treo sợi tóc”...
ThS. Nguyễn Khắc Thắng
GVC. Khoa Nhà nước & Pháp luật
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt cho Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Có thể nói, những ngày tháng đầu tiên sau thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời đã phải đương đầu với những khó khăn, thử thách rất nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu lịch sử vẫn thường gọi đây là giai đoạn vận mệnh đất nước hiểm nguy như “ngàn cân treo sợi tóc”. Đúng như V.I. Lênin từng khẳng định: “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền càng khó khăn phức tạp hơn nhiều"[1]
Tuy nhiên, sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Bác Hồ đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức. Giai đoạn này cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc trong giữ gìn thành quả cách mạng, bảo vệ an ninh quốc gia trong thực tiễn hiện nay.
Bài học thứ nhất: giữ vững mục tiêu, nguyên tắc chiến lược nhưng phải luôn có sách lược, chiến thuật mềm dẻo, linh hoạt, chủ động ứng phó trước mọi tình huống, phân hoá, cô lập kẻ thù, nhận diện, xác định đúng từng đối tượng để có phương án đấu tranh hiệu quả
Có thể nói, chưa bao giờ đất nước ta có một lúc nhiều “thù trong, giặc ngoài” như giai đoạn sau cách mạng Tháng Tám: quân của Tưởng Giới Thạch ở miền Bắc, quân Anh và quân Pháp ở miền Nam, bọn phản cách mạng Việt Nam sống lưu vong ở Trung Quốc trở về như bọn Việt Quốc (Việt Nam Quốc dân Đảng), Việt Cách (Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội). Tất cả các lực lượng này dù với danh nghĩa nào cũng nhằm thực hiện ý đồ tiêu diệt Đảng Cộng sản Đông Dương, phá tan Mặt trận Việt Minh, đánh đổ chính quyền nhân dân. Trong điều kiện vô cùng ngặt nghèo đó, Đảng ta chủ trương thoả hiệp, nhân nhượng trên những nguyên tắc cơ bản, nhằm phân hoá kẻ thù, tránh cùng một lúc phải đối đầu với nhiều loại kẻ thù. Đúng như Lê–nin đã chỉ rõ: nếu có lợi cho cách mạng thì dù phải thỏa hiệp với kẻ thù, chúng ta cũng phải thỏa hiệp. Trong điều kiện lúc này, Đảng đã bình tĩnh đánh giá chính xác tình hình, nhận định đúng âm mưu, thủ đoạn của từng đối tượng, từng kẻ thù, đề ra đối sách phù hợp, nhằm “Cố gắng đạt được thỏa hiệp để cứu chính quyền nhân dân khỏi bị tiêu diệt, tranh thủ được thời gian để tập hợp được lực lượng và chuẩn bị cho cuộc chiến đấu quyết liệt chống bọn thực dân”[2]. Theo đó, Đảng ta đã khôn khéo lúc tạm hòa với Tưởng để rảnh tay đối phó với Pháp, lúc tạm hòa với Pháp để đẩy nhanh Tưởng ra khỏi đất nước. Thời gian này chúng ta chủ trương kiên trì hoà hoãn với Pháp để tìm kiếm cơ hội hoà bình đồng thời chuẩn bị cho cuộc kháng chiến nhiều khả năng sẽ xảy ra. Ngày 9/3/1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị Hòa để tiến. Chỉ thị khẳng định đây là những giải pháp mang tính tình thế của Đảng, cần tận dụng thời gian hòa hoãn để tiếp tục xây dựng thực lực để mau tiến tới giành độc lập hoàn toàn. Chỉ thị giải thích lý do ký Hiệp định sơ bộ với Pháp để “Tránh tình thế bất lợi: phải cô lập chiến đấu cùng một lúc với nhiều lực lượng phản động”[3]. Cố Tổng bí thư Lê Duẩn đã khẳng định “Những biện pháp cực kỳ sáng suốt đó đã được ghi vào lịch sử cách mạng nước ta như một mẫu mực tuyệt vời của sách lược Lêninnít”[4].
Hiện nay, bối cảnh thế giới, khu vực cũng như tình hình trong nước bên cạnh mặt tích cực cũng tiềm ẩn nhiều yếu tố khó lường. Nhận thức về đối tác, đối tượng trong an ninh quốc gia có những chuyển biến mới. Những bài học kinh nghiệm giai đoạn sau cách mạng Tháng Tám đến nay vẫn còn giá trị sâu sắc. Đó là, cần nhận diện rõ tính chất từng đối tượng đấu tranh, cố gắng khai thác, tranh thủ những mặt có lợi nhất cho ta ngay trong chính các đối tượng. Trong từng lĩnh vực, thời điểm cũng có thể xuất hiện những yếu tố đối tác, đối tượng khác nhau. Vì vậy, cần khắc phục cả hai khuynh hướng: mơ hồ mất cảnh giác hoặc cứng nhắc trong nhận thức, chủ trương và cách xử lý.
Trên cơ sở tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta đã dự báo những thời cơ, vận hội để phát triển đất nước, từ đó đề ra những chủ trương đường lối phù hợp làm cho đất nước ngày càng phát triển. Trong bối cảnh mới làm xuất hiện nhiều xu thế mới đan xen nhau và có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội thế giới. Trong những xu thế trên thì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hợp tác, tập hợp lực lượng tiến bộ vì hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xu thế hướng đến hòa bình và phát triển thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau, cùng nhau hợp tác nhằm tìm kiếm những cơ chế kiểm soát, kiềm chế xung đột, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay chính là việc nhận thức sâu sắc và tận dụng có hiệu quả những thời cơ ấy trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giữ vững hòa bình và ổn định để phát triển, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ vì hòa bình, dân chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bài học thứ hai: Phải gắn kết chặt chẽ nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội trong mọi tình huống
Ngay sau khi tuyên bố độc lập, ngày 03-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nêu 6 nhiệm vụ cấp bách: Phát động ngay chiến dịch tăng gia sản xuất để chống đói; Mở ngay chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do, dân chủ của nhân dân; Mở chiến dịch giáo dục cần, kiệm, liêm, chính để bài trừ thói hư, tật xấu do chế độ thực dân để lại; Bỏ ngay ba thứ thuế: thuế thân, thuế chợ, thuế đò, tuyệt đối cấm hút thuốc phiện. Chính phủ tổ chức chia lại ruộng đất một cách công bằng, hợp lý và giảm tô 25% cho nông dân; mở lại các nhà máy do Nhật bỏ lại, tiến hành khai thác mỏ, khuyến khích kinh doanh; phát động xây dựng “Quỹ độc lập”, tổ chức “Tuần lễ vàng”, phát hành tiền giấy bạc Việt Nam, từng bước xây dựng nền tài chính độc lập. Đồng thời, Nhà nước còn vận động toàn dân xây dựng nền văn hóa mới, nếp sống mới, xóa bỏ văn hóa nô dịch của chế độ thực dân, phong kiến; phát triển phong trào bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ…Bài học kinh nghiệm này vẫn còn nguyên giá trị trong kết hợp thực hiện hai mục tiêu chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đảm bảo an ninh của một quốc gia luôn phải dựa trên một tiềm lực kinh tế và nền tảng văn hoá xã hội vững chắc. Đối với Việt Nam hiện nay, trải qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều thành quả quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, đưa nước ta hội nhập ngày càng đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có 20 hiệp định thế hệ mới. Có thể nói, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Bài học thứ ba: phải kiên quyết, kiên trì, khôn khéo trong đấu tranh với các thế lực phản động thù địch trong nước. Nhận diện rõ và có phương án tác chiến hiệu quả với mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá
Giai đoạn sau cách mạng Tháng Tám, các tổ chức phản động trong nước như Việt Quốc, Việt Cách…dựa vào thế lực của quân đội nước ngoài đã sử dụng nhiều thủ đoạn chống phá cách mạng. Chúng ra sức vu cáo, bôi nhọ Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi nhiều yêu sách vô lý về chính trị, lập nhiều trụ sở phản động công khai và bí mật. Manh động hơn, chúng còn tổ chức các vụ bắt cóc, khủng bố trong đó có vụ thủ tiêu ông Trần Đình Long, một cốt cán của cách mạng và tiến hành một số ám sát khác nhằm vào những nhân sĩ, trí thức yêu nước…Để gạt mũi nhọn tiến công của kẻ thù vào Đảng, ngày 11/11/1945, Đảng ta tuyên bố tự giải tán, nhưng sự thật là rút vào hoạt động bí mật, tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền và nhân dân. Để phối hợp hoạt động bí mật với công khai, Đảng để một bộ phận công khai dưới danh hiệu Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương.
Trong thời gian này tại Việt Nam, các tổ chức phản động liên tiếp tổ chức những hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền cách mạng, đặc biệt nguy hiểm là âm mưu chống phá được biết đến với cái tên “Vụ án Ôn Như Hầu” dự kiến diễn ra đúng ngày kỷ niệm Quốc khánh Pháp 14/7/1946 nhằm tạo cớ thực hiện một cuộc đảo chính trong nước và bắt giữ phái đoàn ngoại giao và Chủ tịch Hồ Chí Minh đang công tác tại Pháp. Theo kịch bản thâm độc, Quốc dân đảng sẽ bố trí người ném lựu đạn vào quân Pháp diễu binh, nhân đó quân Pháp sẽ đổ lỗi cho Việt Minh khiêu khích và tấn công các vị trí trọng yếu của chính quyền cách mạng, lật đổ chính phủ và thành lập một chính quyền tay sai. Nhưng với sự kiên quyết, mưu trí và dũng cảm, cùng với sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, lực lượng an ninh non trẻ của Chính phủ đã đập tan âm mưu thâm độc này. Có thể nói, đây là những bài học đầu tiên về chống bạo loạn, lật đổ, bảo vệ chính quyền của lực lượng an ninh Việt Nam.
Hiện nay, ở trong nước vẫn còn tồn tại nhiều tổ chức, cá nhân phản động, cơ hội chính trị hoạt động vừa bí mật, vừa công khai, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, nhất là lợi dụng tự do, dân chủ, các vấn đề dân tộc, tôn giáo để ra sức chống phá Đảng và chính quyền nhân dân. Trong những năm tới, chiến lược diễn biến hoà bình gắn với kịch bản “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” của các thế lực thù địch vẫn còn tiếp diễn với những âm mưu và thủ đoạn mới. Đặc biệt, các phần tử phản động trong nước cấu kết với lực lượng thù địch ở nước ngoài vẫn tìm mọi cách để kích động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, lợi dụng những tình hình khó khăn của đất nước để gây rối loạn bất ổn xã hội.
Lực lượng công an nhân dân Việt Nam hiện nay với vai trò nòng cốt bảo vệ an ninh quốc gia không ngừng trưởng thành, lớn mạnh. Trong những năn vừa qua, công an nhân dân phát huy truyền thống mưu trí, dũng cảm qua các thời kỳ cách mạng, nhất là những bài học của những ngày đầu bảo vệ chính quyền để áp dụng các phương án đấu tranh, tác chiến hiệu quả, bẻ gãy mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực phản động trong nước.
Bài học thứ tư: Phải không ngừng xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân
Để tăng cường thực lực cách mạng, sau khi giành được chính quyền, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đến việc phát triển các tổ chức trong Mặt trận Việt Minh, tổ chức thêm các đoàn thể cứu quốc, gồm các lực lượng yêu nước và tiến bộ. Tháng 5-1946, Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (Liên Việt) được thành lập, thu hút các đảng phái và cá nhân yêu nước. Để chính quyền cách mạng tiêu biểu cho khối đoàn kết toàn dân, Nhà nước mở rộng thành phần Chính phủ, đưa các nhân sĩ, trí thức vào tham gia. Bên cạnh đó, để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia các hoạt động cách mạng, Đảng ta đã chỉ đạo phát triển rộng khắp các tổ chức quần chúng, mở rộng mặt trận đoàn kết toàn dân. Chẳng hạn, trong các xí nghiệp thì có ủy ban công nhân (sau đổi thành ủy ban xí nghiệp); tổ chức lực lượng Thanh niên cứu quốc, Tự vệ chiến đấu (kể cả trong học sinh, thanh niên Công giáo và hướng đạo); tổ chức Phụ nữ cứu quốc; tiếp tục phát triển Hội Văn hóa cứu quốc; đồng thời hình thành nhiều tổ chức quần chúng khác như Công thương cứu quốc đoàn, Cựu binh sĩ cứu quốc đoàn, Liên đoàn Công giáo cứu quốc, Hội Phật giáo cứu quốc…
Cùng với đó, để bảo đảm tính đồng bộ về sức mạnh của Nhà nước, Đảng chủ trương tiếp tục mở rộng Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Dân tộc thống nhất, nhằm thu hút tổ chức đại diện cho các giai tầng xã hội, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, phát huy quyền tự do, dân chủ của nhân dân. Đồng thời, sửa đổi điều lệ các đoàn thể cứu quốc cho phù hợp với tình hình mới; tổ chức thêm một số đoàn thể và vận động đoàn viên, hội viên tham gia các phong trào ủng hộ chế độ mới, chủ động đấu tranh kiên quyết chống các thế lực phản động, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc. Có thể nói, đây là những bài học kinh nghiệm quý báu về xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc, thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân - sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam.
Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, một lần nữa chúng ta cần nhìn lại và hiểu rõ hơn giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc của cách mạng Tháng Tám. Đề cao lòng tự hào dân tộc, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng Tháng Tám vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vào công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
[1] V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 37, Nxb CTQG, H. 2005, tr. 145
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.49
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 8, tr.50.
[4] Lê Duẩn: Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới, Nxb Sự thật, H, 1976, tr.33.