KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930-03/02/2024): Giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay
03/02/2024 03:24
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”[1]. Với vai trò vô cùng to lớn đó, Đảng đã tạo được niềm tin yêu sâu sắc, vững chắc trong lòng nhân dân. Nhân dân ta một lòng đi theo Đảng, nguyện mãi dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta vẫn phải luôn tiếp tục không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới để củng cố, nâng cao hơn nữa niềm tin của Nhân dân...
KỶ NIỆM 94 NĂM NGÀY THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (03/02/1930-03/02/2024): Giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay

 

                                                                                 ThS. Phạm Thị Tuân

                                                                     Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

 

Bao năm khổ đau, đất nước ta không mùa xuân,
Cuộc đời tăm tối, chốn lao tù bao hờn căm.
Vầng dương hé sáng khi khắp nơi ta có Đảng,
Bóng tối lui dần, tiếng chim vui hót vang.
Và rồi từ đây ánh dương soi đời mới,
Tiến theo cờ Đảng là thấy tương lai sáng tươi.

(Trích: Đảng đã cho ta một mùa xuân – nhạc sỹ Phạm Tuyên)

Lời hát như một bài tự sự của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong suốt những đêm trường nô lệ. Nhân dân ta phải chịu biết bao nhiêu sự cùng cực, khổ đau, Tổ quốc ta bị giày xéo dưới gót sắt của kẻ thù hung ác. Song, với sứ mệnh cao cả của mình, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đưa đất nước và nhân dân thoát khỏi xiềng xích, áp bức, nô lệ, tối tăm và mở ra một tương lai tươi sáng, soi đường cho Việt Nam vững bước tiến trên con đường thắng lợi. Có thể khẳng định chắc chắn rằng, Đảng Cộng Sản là vị cứu tinh cho dân tộc Việt Nam. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh thời đã khẳng định: “Với tất cả tinh thần khiêm tốn của người cách mạng, chúng ta vẫn có quyền nói rằng: Đảng ta thật là vĩ đại!”[1]. Với vai trò vô cùng to lớn đó, Đảng đã tạo được niềm tin yêu sâu sắc, vững chắc trong lòng nhân dân. Nhân dân ta một lòng đi theo Đảng, nguyện mãi dưới ngọn cờ chủ nghĩa xã hội. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, Đảng ta vẫn phải luôn tiếp tục không ngừng tự chỉnh đốn, đổi mới để củng cố, nâng cao hơn nữa niềm tin của Nhân dân với sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng.

1. Tình hình xã hội Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời

Từ năm 1858, Thực dân Pháp tiến hành xâm lược Việt Nam. Chúng thực hiện chế độ cai trị vô cùng độc ác, tàn bạo, chuyên chế, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Nhân dân ta phải sống một cuộc đời bần hàn, cơ cực, lầm than, bị bóc lột đến tận cùng dưới chế độ thực dân phong kiến.

Trong bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án những chính sách kinh tế thời kỳ chế độ thực dân: “Về kinh tế - Chúng bóc lột dân ta đến tận xương tủy, khiến cho dân nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, rừng mỏ, nguyên liệu… Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng. Chúng không cho các nhà tư sản ta được giầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn[2]

Cụ thể, chúng thi hành chính sách cai trị thực dân. Bằng mọi cách chúngtrực tiếp giữ tất cả các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Quyền lực củachính quyền phong kiến nhà Nguyễn bị biến mất hoàn toàn và thay vào đó chúng sử dụng một bộ phận của giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực, tạo nên sự cấu kết giữa chủ nghĩa đế quốc và phong kiến tay sai, đặc trưng của chế độ thuộc địa. Sự cai trị của chúng đã làm cho nhân dân ta mất hết quyền độc lập, quyền tự do dân chủ; các phong trào và hành động yêu nước của người Việt Nam bị thẳng tay đàn áp đẫm máu, dã man. Chúng chia rẽ ba nước Đông Dương, chia Việt Nam thành ba kỳ (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ) và thực hiện ở mỗi kỳ một chế độ cai trị riêng. Đây chính là chính sách “chia để trị”, hòng tách rời sự liên kết của các miền, cắt đứt tình đoàn kết, nghĩa đồng bào, chia rẽ tình dân tộc để dễ dàng cai trị.

Vì lợi ích của mình, giai cấp tư sản Pháp đã khai thác Đông Dương một cách triệt để, thông qua chính sách kinh tế độc quyền, bóc lột, cướp đoạt tàn bạo, vô lương tâm; ra sức vơ vét tài nguyên, khoáng sản cùng nhiều hình thức như cho vay nặng lãi, sưu cao, thuế nặng, rất vô lý, vô nhân đạo…Nền kinh tế nước ta trì trệ, phụ thuộc hoàn toàn vào thực dân Pháp. Nhân dân ta vào cảnh “nước mất, nhà tan”, vật vờ, khốn đốn, sức cùng lực kiệt, không còn con đường thoát.  

Không dừng lại ở đó, thực dân Pháp tiến hành chính sách ngu dân, xây nhà tù nhiều hơn trường học, đẩy mạnh các hoạt động mê tín dị đoan, khuyến khích tiêu thụ rượu, thuốc phiện để làm hại giống nòi, thế hệ tương lai người Việt. Những điều đó, khiến cho nhân dân ta rơi vào cuộc sống mê muội, u tối và lạc hậu. Chúng tìm mọi cách không cho những văn hóa tiến bộ trên thế giới gây ảnh hưởng đến Việt Nam mà ngược lại, cố gắng đưa các trào lưu văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội du nhập vào nước ta. Chúng thi hành chính sách ở Việt Nam hết sức phản động bằng sự phân biệt rõ ràng giữa người da trắng và người bản địa. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” (năm 1925), Hồ Chí Minh (Nguyễn Ái Quốc) viết: “Về hành chính và pháp lý: cả một vực thẳm cách biệt người Âu với người bản xứ. Người Âu hưởng mọi tự do và ngự trị như người chủ tuyệt đối; còn người bản xứ thì bị bịt mõm và bị buộc dây dắt đi, chỉ có quyền phải phục tùng, không được kêu ca, vì nếu anh ta dám phản đối thì anh ta liền bị tuyên bố là kẻ phản nghịch hoặc là một tên cách mạng, và bị đối xử đúng với tội trạng ấy[3]

2. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời - bước ngoặt lịch sử của cách mạng Việt Nam

Ngày 3 - 2 - 1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời là sự kết hợp chặt chẽ, thống nhất giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam đánh dấu một  bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về vai trò lãnh đạo và đường lối cứu nước trước đó, mở ra con đường đấu tranh đi đến niềm tin của sự thắng lợi, mở ra chân trời mới, kỷ nguyên độc lập - tự do cho dân tộc Việt Nam. Đảng luôn thể hiện được vai trò tiên phong, nòng cốt của một Đảng cách mạng chân chính. Trải qua hơn 93 năm, kể từ khi thành lập cho đến nay, thời gian đã minh chứng cho trí tuệ, bản lĩnh, tầm vóc của Đảng trên con đường đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Mười lăm năm sau khi ra đời, Đảng đã lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển rộng khắp trên toàn đất nước. Nhân dân ba miền Bắc, Trung, Nam đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, trỗi dậy với tinh thần và khí thế sục sôi đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Nhiều cao trào cách mạng bị đàn áp vô cùng nặng nề nhưng vẫn không hề bị đập tan mà trái lại càng trở nên mạnh mẽ, phát triển. Sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân” đã trở thành sợi dây đồng thuận gắn kết  cả dân tộc Việt Nam lại với nhau tạo thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng ta, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích đúng đắn tình hình thực tế đưa ra nhiều chủ trương, đường lối đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.

Trong bối cảnh cùng lúc phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc, Đảng ta nhận thấy nếu không đón bắt được thời cơ và kịp thời hành động thì cách mạng sẽ rơi vào tình thế khó khăn. Từ những nhận định, phân tích tài tình ấy, nắm bắt thời cơ không để vuột mất cơ hội, Đảng ta đã khơi dậy, phát huy sức mạnh của sự đoàn kết toàn dân tộc, phát động Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên toàn quốc. Cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã giành thắng lợi hoàn toàn, chính quyền trong cả nước về tay nhân dân. Ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa mở ra một thời đại mới, thời đại của hòa bình, tự do, hạnh phúc. Nhân dân Việt Nam từ đây, ai cũng có “cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chính là đây!

Dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, nhân dân ta tiếp tục đấu tranh giành thắng lợi trọn vẹn cuối cùng. Trải qua nhiều giai đoạn, phong trào đấu tranh với bao gian khổ, hy sinh, mất mát; sau thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975 , đất nước Việt Nam đã hoàn thành thống nhất hai miền Nam, Bắc; non sông thu về một mối. Nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Trong giai đoạn này, đất nước phải đối diện với vô vàn khó khăn, thách thức. Sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp nặng nề, gian nan. Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn và quan trọng, đặc biệt tạo ra một diện mạo mới cho đất nước. Kinh tế, chính trị, văn hóa từng bước phát triển vượt bậc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Với những kết quả vượt bậc như vậy, Việt Nam đã có một vị thế đáng được tự hào trên trường thế giới. Từ thực tiễn khách quan của công cuộc đổi mới đất nước trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đánh giá sâu sắc: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4]

3. Giữ vững niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong công cuộc đổi mới hiện nay

 Đảng Cộng Sản Việt Nam đại diện cho bản lĩnh, ý chí, niềm tin và hy vọng.  Chặng đường từ khi có Đảng là chặng đường rất đỗi vinh quang, gian khổ nhưng đầy tự hào. Chính vì vậy, niềm tin đối với Đảng là niềm tin mãnh liệt và trường tồn mãi mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Niềm tin này tạo nên cội nguồn sức mạnh làm nên thắng lợi cho cách mạng Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Do đó việc giữ vững, nâng cao niềm tin bất diệt của Nhân dân đối với Đảng phải luôn được quan tâm, chú trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Được nhân dân tin, yêu, phục thì việc gì cũng làm được, nếu không có nhân dân giúp sức thì Đảng không làm được việc gì hết”[5]; “trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”[6]. Rõ ràng, Người đã nhấn mạnh một quy luật lịch sử là bất cứ một triều đại nào, bất cứ một cuộc chiến tranh nào hay bất cứ một cuộc kiến thiết nào cũng chỉ có thể gặt hái được thành công khi có được lòng dân, được dân tin tưởng và ủng hộ. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa XII cũng nhấn mạnh rõ: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”[7]. Do đó, trong công cuộc đổi mới hiện nay để giữ vững, nâng cao niềm tin bất diệt của nhân dân đối với Đảng, nhất thiết phải thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ thiết yếu như sau:

Thứ nhất, Đảng phải tăng cường hơn nữa mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân

Có thể nói, đây là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm nâng cao niềm tin của nhân dân với Đảng. Điều này vừa tạo mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, vừa khơi dậy được vai trò, trí tuệ, sức mạnh của nhân dân đóng góp vào công tác xây dựng Đảng và công cuộc phát triển đất nước. Để có mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân thì tất yếu trong mọi chủ trương, chính sách của Đảng phải thực sự xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng hợp pháp của nhân dân. Bên cạnh đó, khi lấy ý kiến phải lấy một cách dân chủ, rộng rãi, công khai, tôn trọng, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân.

Trong thực thi nhiệm vụ, phải tiếp tục bảo đảm nhân dân là chủ thể có quyền lực tối cao nhất. Thực hiện nghiêm túc, đúng đắn dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện và đặc biệt là phát huy dân chủ ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn đi đầu trong mọi hoạt động, thể hiện sự nêu gương về thực hành dân chủ để có thể tạo sự lan rộng trong xã hội, tạo thành phong trào rộng khắp.

Thứ hai, trong công tác xây dựng và phát triển Đảng luôn đặc biệt quan tâm vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh và trăn trở: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[8]. Người nhấn mạnh: “Chúng ta giành được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[9]. Như vậy đối với Người, việc đem lại độc lập tự do cho dân tộc, đem lại cuộc sống vật chất ấm no, đầy đủ cho nhân dân chính là chân lý, là cốt lõi của sự nghiệp cách mạng. Chăm lo đời sống vật chất, đời sống tinh thần cho nhân dân là sứ mệnh, trọng trách to lớn của Đảng. Điều này thể hiện rõ mục tiêu và bản chất của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân do dân và vì dân. Chính vì lẽ đó, khi đề ra các chủ trương, đường lối của Đảng phải thực sự chú trọng đến không ngừng nâng cao đời sống vật chất cho người dân.

Đảng và Nhà nước trong thời gian tới cần không ngừng hoàn thiện hơn nữa chính sách an sinh xã hội. Tập trung chú ý đến các đối tượng yếu thế trong xã hội. Đặc biệt quan tâm, hỗ trợ sát sao những gia đình có công với cách mạng, thương binh, già cả không nơi nương tựa. Thêm vào đó, tìm ra hướng sinh kế bền vững, chắc chắn, lâu dài cho người trẻ, trụ cột chính của gia đình. Đẩy mạnh phong trào tạo thành sự lan tỏa to lớn trong xã hội về các hình thức từ thiện tham gia giúp đỡ những người khó khăn. Thường xuyên thực hiện việc thăm khám, chăm lo sức khỏe cho toàn bộ người dân; nâng cao thể trạng con người Việt Nam theo chuẩn để hòa cùng với sự phát triển của thế giới. Mở rộng dịch vụ bảo hiểm y tế miễn phí, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; dịch vụ xã hội cơ bản và tạo điều kiện cho tất cả nhân dân được tiếp cận một cách dễ dàng, nhanh chóng.

Như vậy, phải thấy rằng, một khi đời sống vật chất và tinh thần được đảm bảo thì niềm tin của nhân dân đối với Đảng sẽ luôn vững chắc và ngày càng tăng lên theo cấp số nhân.

Thứ ba, đẩy mạnh xây dựng Đảng về đạo đức, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân

Đạo đức của Đảng chính là đạo đức cách mạng, đồng nghĩa với việc tuyệt đối tránh xa chủ nghĩa cá nhân và suốt đời phải đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, xây dựng Đảng về đạo đức là việc làm của các tổ chức Đảng, đảng viên về xây dựng, hoàn thiện những phẩm chất cách mạng. Chuẩn mực đạo đức của người Đảng viên phải thống nhất với lý tưởng của Đảng. Mỗi đảng viên phải tự hình thành ở bản thân lòng yêu nước, nêu gương, trung thành với tổ chức, phê phán và đấu tranh với những hành động sai trái, phản tiến bộ. Xây dựng Đảng về đạo đức, tăng cường rèn luyện, chống chủ nghĩa cá nhân phải là việc làm thường xuyên, kiên trì, bền bỉ vì đây là một quá trình lâu dài mà Bác hồ đã từng nhắc nhở như “việc rửa mặt hàng ngày”. Đây không phải là việc làm đơn giản, trong một sớm, một chiều mà là một quá trình nỗ lực, cố gắng phấn đấu của mỗi đảng viên nói riêng và tổ chức Đảng nói chung. Luôn nhận thức sâu sắc rằng, một khi hoàn thiện những chuẩn mực về đạo đức, tránh xa chủ nghĩa cá nhân thì Đảng mới có thể phát triển mạnh mẽ, sâu rộng. Vì vậy, dân tộc ta, Đảng ta phải “quét sạch”, “tẩy bỏ”, “đánh bại giặc nội xâm” là khối bệnh mà từ đó sinh ra bao nhiêu hệ lụy vô cùng nguy hiểm. Để tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng, chống lại chủ nghĩa cá nhân, thiết nghĩ Đảng cần phải quyết liệt, mạnh mẽ và thật triệt để trong xử lý những cá nhân, tổ chức vi phạm. Bởi lẽ, một khi xử lý không nghiêm, không đến cùng hậu quả dẫn đến sẽ rất khôn lường và đặc biệt nhân dân mất niềm tin, chỗ dựa là mất đi cả một sự đồng thuận, khối đoàn kết dân tộc. Công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa vì thế gặp rất nhiều khó khăn và khó có thể đi đến thắng lợi cuối cùng.

Thứ tư, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên

Tổ chức cơ sở Đảng là nền tảng của Đảng, là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở. Trên thực tế, đã có rất nhiều tổ chức cơ sở Đảng thực hiện rất tốt nhiệm vụ của mình tuy nhiên năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở Đảng lại còn có nhiều hạn chế nhất định như: không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình; không ít các tổ chức cơ sở Đảng vẫn còn buông lỏng vai trò lãnh đạo quản lý, tạo kẻ hở để cái xấu, tiêu cực tồn tại; tình trạng nể nang, bao che, phớt lờ, tránh va chạm vẫn còn diễn ra khá nhiều. Vì thế, văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh nhiệm vụ: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”[10]. Do đó, để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng cần thiết phải tiến hành nhiều giải pháp mang tính đồng bộ, hiệu quả. Trước hết, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, đội ngũ cán bộ chủ chốt. Tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện quản lý đảng viên; bằng mọi giá đưa các đảng viên thoái hóa, không đủ tư cách ra khỏi tổ chức Đảng nhưng đồng thời có cơ chế, chính sách khuyến khích, động viên về đời sống vật chất cũng như tinh thần đối với những cán bộ, đảng viên có ý chí chiến đấu cao, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động. Bên cạnh đó, kịp thời kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của các loại hình tổ chức cơ sở Đảng. Để nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng không thể không tập trung nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Đây là yếu tố quan trọng góp phần quyết định nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Thông qua những buổi sinh hoạt chi bộ, nhận thức của người Đảng viên được nâng lên đồng thời giúp cho Đảng viên có thêm sức đề kháng cùng sức mạnh của sự đoàn kết để chống lại lạc hậu, tiêu cực.

Thứ năm, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng

Đây là giải pháp không thể thiếu trong công tác xây dựng và phát triển Đảng trong giai đoạn hiện nay. Quá trình kiểm tra sẽ tạo ra một giới hạn yêu cầu cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cấp ủy phải đảm bảo rõ ràng. Hoạt động này có tác dụng cảnh báo, răn đe, phòng ngừa những sai phạm có thể xẩy ra đối với tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên. Tuy vậy, ngay bản thân hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đôi khi, đôi lúc, nhiều nơi vẫn chưa thật sự trọng tâm, trọng điểm; người đứng đầu lại chưa phát huy hết tinh thần, trách nhiệm trong công việc. Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “ Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm….; còn nhiều tổ chức Đảng và Đảng viên còn vi phạm nhưng chưa được phát huyện kịp thời”[11]. Bước vào thời kỳ mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Những nguy cơ đang còn hiện hữu trước mắt cán bộ, đảng viên không phải là nhỏ mà trái lại diễn biến vô cùng phức tạp. Các hành vi tiêu cực, suy thoái như tham nhũng, quan liêu, lãng phí, lợi ích nhóm, vi phạm nguyên tắc tổ chức Đảng vẫn còn tồn tại. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật phải được hiến hành thường xuyên, tích cực nhằm ngăn chặn những vấn đề sai phạm. Cán bộ kiểm tra phải vừa có phẩm chất đạo đức, có kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhất công việc được giao.

Trên đây là một số nhiệm vụ cơ bản nhằm chỉnh đốn, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh để Đảng ta giữ vững bản chất thật sự của mình và tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân. Chắc chắn với sự tin yêu của nhân dân dành cho Đảng, Đảng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ chèo lái đất nước đi đến thành công chủ nghĩa xã hội, đem lại hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam./

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Hà Nội, 2011, t.12, tr. 400

[2] Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 2011 

 [3] Hồ Chí Minh - Toàn tập,Tập 1, Nxb CTQG, H.2011, tr.11

[4] ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H.2021, tr 25

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 287

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.453

[7] “Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII”, in trong: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2017, tr.250

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, trang 161

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia, H, 2011, t4, trang 175

[10] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội,2021, tập II, trang 229

[11] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB. Chính trị quốc gia Sự Thật, Hà Nội,2021, tập II, trang 201