'Lấy dân làm gốc' và khát vọng phát triển
28/01/2021 03:31
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về các văn kiện trình Đại hội Đảng 13 do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày đã khái quát hàng loạt vấn đề phát triển mang tính chiến lược đất nước trong nhiều năm tới.
Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khóa 12 về các văn kiện trình Đại hội Đảng 13 do Tổng bí thư, Chủ tịch nước trình bày đã khái quát hàng loạt vấn đề phát triển mang tính chiến lược đất nước trong nhiều năm tới.
Tại lễ khai mạc Đại hội Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương về các văn kiện trình Đại hội, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng XHCN.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cán bộ, nhân dân xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú
Trong số những vấn đề đó, có một điểm cốt lõi là "Lấy dân làm gốc". Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Ông nói: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN”.
Không cần nhắc lại các bài học trong lịch sử xa xôi, mà chỉ lấy minh chứng gần đây thôi, khi lấy “dân làm gốc” và “phát huy quyền làm chủ của nhân dân” thì giai đoạn đó phát triển phồn thịnh, có nhiều thành tựu đột phá, huy động được nguồn lực về vật chất và tinh thần của nhân dân cho phát triển đất nước.
Tiềm năng phát triển to lớn
Sau khi Đổi mới được phát động ở Đại hội 6 năm 1986, nền kinh tế đơn thành phần đã chuyển thành đa thành phần, mà về thực chất là cởi trói cho dân để dân góp công, góp của vào xây dựng đất nước, thì nền kinh tế đã trở nên tươi mới, sinh động, thịnh vượng và đa dạng như hôm nay.
Nông thôn mới kiểu mẫu
Hàng loạt mục tiêu phát triển rất cao, đòi hỏi có khát vọng bền bỉ đã được đặt ra tại Đại hội lần này: Đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Một quốc gia có dân số 100 triệu người với ¾ dưới tuổi 35 và có vị trí địa chiến lược lợi hại như Việt Nam thì không gian và tiềm năng phát triển là rất to lớn. Đặt ra các mục tiêu phát triển với các mốc cụ thể như trên là rất xác đáng.
Cần rất nhiều yếu tố, giải pháp đồng thời, bền bỉ để thực hiện khát vọng đó, nhưng yếu tố then chốt nhất, quan trọng nhất phải là con người Việt Nam, phải lấy “dân làm gốc” để tiếp tục phát huy tiềm năng con người, vật lực của dân cho phát triển đất nước, cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Suy nghĩ từ thành tựu của Hàn Quốc
Nhìn lại các giai đoạn trước, tăng trưởng kinh tế vẫn chưa đủ nhanh để thu hẹp khoảng cách phát triển, bắt kịp và đạt được mục tiêu đề ra. Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, từ mức bình quân 7,34%/năm giai đoạn 1991-2000 xuống còn 6,82%/năm giai đoạn 2001-2010, và khoảng 5,9% giai đoạn 2011-2020.
Nếu so với mục tiêu đặt ra là bình quân phải tăng từ 7%-8%/năm của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020 thì mức tăng trưởng bình quân hiện nay là tương đối thấp - thấp hơn các nước trong cùng thời kỳ đầu công nghiệp hóa.
Tính từ năm 1990 đến nay, Việt Nam mới chỉ có 5 năm đạt mức tăng trưởng bình quân 8,21%/năm (giai đoạn 1991-1995), trong khi đó, các nước khác trong giai đoạn có trình độ tương đương của Việt Nam hiện nay đều duy trì được tốc độ rất cao trong một thời gian tương đối dài.
Hàn Quốc trong 30 năm (1960 - 1990) tăng trưởng GDP trung bình đạt 9,58%/năm, có 14 năm đạt trên 10%; cao nhất đạt 14,8% (1973). Trung Quốc trong giai đoạn 1977 - 2007 tăng trưởng bình quân là 10,02%/năm; mức cao nhất (1984) là 15,14%; có 15 năm tăng trưởng hơn 10%.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam cần duy trì tăng trưởng ở mức 7% trong 2 thập kỷ tới thì mới vượt lên ngưỡng thu nhập cao vào năm 2045. Tốc độ tăng trưởng tiềm năng đã chững lại xuống khoảng 6,5% trong thập kỷ qua.
Hơn nữa, trong thời gian tới, các dự báo về tăng trưởng cho thấy nếu không cải cách, tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm. Với lực cản là tăng trưởng lực lượng lao động chững lại, tốc độ tăng trưởng tiềm năng theo ước tính sẽ giảm đà còn 6,3% trong thập kỷ tới và rồi giảm dần còn 5,5% ở giai đoạn 2041-2045.
Theo WB được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trích dẫn trong một báo cáo gần đây, Hàn Quốc sau khi đạt được mức thu nhập bình quân đầu người như ở Việt Nam hiện nay vào năm 1972, đã có thể tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người chỉ sau 10 năm và nhân lên gấp 5 lần sau 20 năm.
Thành tựu nhanh chóng như vậy là kết quả của sự kết hợp việc tăng đầu tư vào nguồn lực vật chất và nhân lực, và trên hết là nâng cao hiệu quả hoạt động, thể hiện bằng mức đóng góp ngày càng lớn của năng suất (được đo bằng TFP) vào GDP, từ mức 16% trong thập niên 1970 lên 43% trong thập niên 1980 và 56% trong thập niên 2000.
Do đó, có thể lập luận rằng Hàn Quốc đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế có thu nhập trung bình sang thu nhập cao nhờ quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực hiện có thay vì chỉ tích lũy thêm tài nguyên.
Lập luận như trên của WB là rất đáng suy nghĩ, học hỏi.
Thành phố Hồ Chí Minh
Làm rõ hơn các yếu tố thị trường
Trong các dự thảo văn kiện chính trị và kinh tế Đại hội 13 có một số quan điểm phát triển tương đồng với lập luận đó, trong đó đặc biệt là mô hình kinh tế - “nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường…”.
Dự thảo báo cáo chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế, phát triển đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường, các loại thị trường. Phát triển thị trường các yếu tố sản xuất (hàng hóa, dịch vụ; tài chính, tiền tệ; khoa học, công nghệ; đất đai; lao động) để thị trường đóng vai trò quyết định trong huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực.
Như vậy, trong thập kỷ tới đây, các yếu tố thị trường, các loại thị trường sẽ tiếp tục được làm rõ hơn, hoàn thiện hơn để nguồn lực được phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn.
Thay vì cơ chế xin - cho trong phân bổ nguồn lực, trong đó đan xen biết bao trường hợp thông đồng, tham nhũng, trục lợi của các nhóm lợi ích, thị trường sẽ phát huy vai trò công bằng, rõ ràng, minh định hơn trong phân bổ nguồn lực, nhờ đó, người dân và doanh nghiệp xứng đáng nhất, biết cách sử dụng hiệu quả nhất sẽ tiếp cận được nguồn lực.
Thực hiện tốt hơn cơ chế phân bổ nguồn lực theo thị trường thì Nhà nước vừa không mất tiền, mất người, mà người dân, doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phát triển. Đất nước phát triển, thịnh vượng hơn mới đảm bảo được “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn: Theo Vietnamnet.vn