Cảm xúc và tự hào là người giảng viên Trường Chính trị tỉnh nhân ngày 20/11
19/11/2020 08:50
Từ xưa đến nay, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới giáo dục luôn luôn là một trong những vấn đề được coi trọng, là quốc sách hàng đầu. Dân gian ta có câu: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” cho thấytầm quan trọng của những người thầy, người cô có thể coi như là ngang hàng với cha mẹ mình. Đối với nhà giáo, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang...
Cảm xúc và tự hào là người giảng viên Trường Chính trị tỉnh nhân ngày 20/11

      Từ xưa đến nay, ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới giáo dục luôn luôn là một trong những vấn đề được coi trọng, là quốc sách hàng đầu. Dân gian ta có câu: “Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy” cho thấytầm quan trọng của những người thầy, người cô có thể coi như là ngang hàng với cha mẹ mình. Đối với nhà giáo, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định nghề giáo là nghề rất cao quý, rất vẻ vang. Người nói: “Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục... Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế, văn hóa” (Hồ Chí Minh (2000) toàn tập, tập 8, Nxb Chính Trị quốc gia, Hà Nội, trang 184..)

      Với tầm quan trọng có ý nghĩa chiến lược về xây dựng đội ngũ giảng viên trong thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã đưa ra chủ trương, biện pháp cụ thể, tích cực trong việc tuyển dụng, bố trí sử dụng và đào tạo, rèn luyện đội ngũ giảng viên nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ này trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Nhà trường. Ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình, đồng thời để xứng đáng với sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường đa số giảng viên đã không ngừng vươn lên về mọi mặt ra sức rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, tác phong, lối sống và đặc biệt là nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức khoa học và phương pháp giảng dạy.

      Trường Chính trị tỉnh Nghệ An là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội của tỉnh Nghệ An; đồng thời là nhà Trường có chức năng, nhiệm vụ lớn về nghiên cứu, tổng kết thực tiễn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...  Hàng năm, Trường chính trị tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng hàng ngàn cán bộ cho sự nghiệp cách mạng, tổ chức nghiên cứu nhiều đề tài khoa học cấp tỉnh, cấp trường, cấp khoa nhằm phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần cung cấp căn cứ khoa học cho tỉnh hoạch định đường lối, chính sách xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.               

      Được đứng trong hàng ngũ thầy, cô giáo Trường Chính trị tỉnh Nghệ An là vinh dự và tự hào, ở ngôi trường có truyền thống hơn 74 năm xây dựng và trưởng thành, giảng đường nhà trường, từ khi còn đơn sơ, đến khi có điều kiện xây dựng tương đối hiện đại như hiện nay, đã từng được tổ chức đón các trường Chính trị tỉnh về dự tham dự Hội thi giảng viên dạy giỏi cấp Học viện, nhiều trường chính trị trong cả nước khi về đến Nghệ An dừng chân thăm quan và học hỏi. Có thể nói đây vừa là niềm vinh dự, nhưng cũng đặt ra thách thức cho nhà trường hướng đến xây dựng Trường Chính trị Nghệ An đạt chuẩn. Trí tuệ của đội ngũ giảng viên trường Chính trị tỉnh được phát huy cao độ trong quá trình truyền thụ cho người học và sau đó là quá trình triển khai, bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương và các chính sách của Đảng, Nhà nước ta để đưa vào thực thi trong cuộc sống. Vị trí, chức năng và nhiệm vụ quan trọng đó của Trường Chính trị đem lại niềm tự hào chính đáng cho tất cả các thế hệ giảng viên chúng ta trước đây cũng như hiện nay.

      Càng vinh dự, tự hào bao nhiêu, đội ngũ giảng viên lại càng phải ý thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm vẻ vang và nhiệm vụ nặng nề của người giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Bản chất nghề nghiệp đòi hỏi mỗi giảng viên phải không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, tu dưỡng lý tưởng cách mạng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đây là yêu cầu hàng đầu đối với cán bộ làm công tác tư tưởng lý luận và giáo dục chính trị của Đảng, những người thật vinh dự được làm nhiệm vụ đi thuyết phục người khác. Trong những buổi tâm sự về nghề, nhiều giảng viên kỳ cựu có bề dày thâm niên giảng dạy, nhiều giảng viên lão thành đã bộc bạch rất tâm huyết rằng ai đó chưa thật sự vững tin vào mục đích lý tưởng cộng sản, chưa thật sự vững tin vào con đường cách mạng, thì chưa thể làm người giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Bất cứ nhà giáo dục nào cũng cần có lý tưởng nghề nghiệp. Nhà giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải có lý tưởng chính trị vững vàng như lẽ sinh tử nghề nghiệp, cần phải có sự nhạy cảm và đồng cảm chính trị với Đảng như là đặc tính nghề nghiệp. Như vậy thì chúng ta mới giải phóng được khỏi biết bao sức ép tâm lý, tư tưởng mà trong điều kiện kinh tế - xã hội phức tạp, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, bùng nổ thông tin, thế giới và trật tự thế giới có nhiều đổi mới như hiện nay đang bủa vây xung quanh mỗi chúng ta; mới có được tâm trí thoải mái và sự hứng khởi nghề nghiệp; mới nuôi dưỡng được giấc mơ và hoài bão khoa học.

      Cơ chế kinh tế thị trường và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, bên cạnh những tác động tích cực, cũng tạo ra không ít ảnh hưởng tiêu cực tới quan điểm, lập trường chính trị, niềm tin, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Trong bối cảnh ấy, yêu cầu thường xuyên của việc rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất, đạo đức cách mạng phải được đặt ra một cách nghiêm túc và cấp bách đối với cán bộ, đảng viên nói chung và đối với đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh nói riêng. Cuộc sống càng có nhiều thử thách thì người giảng viên càng phải tu dưỡng đạo đức, lý tưởng và lòng say mê, tận tụy với nghề nghiệp. Những thế hệ giảng viên Trường Chính trị tỉnh hôm nay được kế thừa truyền thống tốt đẹp, quý báu mà các thế hệ giảng viên lớp trước để lại. Biết bao bài giảng hay, biết bao công trình lớn và biết bao tấm gương sư phạm - tấm gương về đạo đức lối sống trong sáng, giản dị, say mê với nghề nghiệp đã từng ra đời trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, khó khăn và thử thách. Chúng ta luôn luôn trân trọng và quyết tâm kế thừa, phát huy cao nhất những thành quả và giá trị cao quý của các thế hệ bậc thầy cô, các thế hệ đi trước nhằm xây dựng, phát triển Trường Chính trị ngang tầm yêu cầu của nhiệm vụ mới.

      Đội ngũ giảng viên nhà Trường, hơn ai hết, cần phải tích cực học tập, nghiên cứu để am hiểu sâu sắc lý luận Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và nắm bắt kịp thời những tri thức hiện đại cần thiết cho lĩnh vực công tác của mình. Hệ tư tưởng vô sản của chúng ta có bản chất khoa học và cách mạng, là sự kết tinh và phát triển tinh hoa trí tuệ nhân loại, bởi vậy nó đòi hỏi một sự nghiên cứu, học tập nghiêm túc, cầu thị và sáng tạo. Những vấp váp, sai lầm của mô hình chủ nghĩa xã hội ở các nước Liên Xô và Đông Âu, là bài học rất lớn, nguyên nhân là do không nhận thức đúng đắn những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác- Lênin.

      Quá trình đổi mới 35 năm qua đạt được nhiều thành tựu to lớn rất quan trọng, trước hết là nhờ Đảng ta thường xuyên nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong tư duy lý luận và đã nhận thức đúng đắn, hành động phù hợp với những nguyên lý, quy luật mà chủ nghĩa Mác- Lênin đã vạch ra. Công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước những năm tới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của đất nước đặt ra hàng loạt vấn đề cấp bách và cơ bản cho công tác tư tưởng lý luận như: mô hình chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, kinh tế tri thức;... tăng cường và củng cố vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản trong điều kiện toàn cầu hóa, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; bảo vệ độc lập dân tộc trong tình hình mới; mở rộng quan hệ đối ngoại và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển đất nước v.v… Đây là những vấn đề lý luận và thực tiễn cần được tiếp tục được quan tâm, mà đội ngũ giảng viên nhà trường cần định hướng và có trách nhiệm về nhiệm vụ này.

      Đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh bề dày lịch sử 74 năm cống hiến và trưởng thành. Từ nhiều vị trí, lĩnh vực và địa bàn công tác khác nhau, từ thế hệ giảng viên này, đến thế hệ giảng viên khác đã hội tụ về mái trường của Đảng, nay là Trường Chính trị tỉnh Nghệ An với một quyết tâm chung là thực hiện thắng lợi công tác đào tạo cán bộ và nghiên cứu lý luận phục vụ sự nghiệp cách mạng của tỉnh nhà. Các thầy giáo, cô giáo nhà trường đã để lại nhiều tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, tác phong và trí tuệ. Rất nhiều giảng viên đã gắn bó suốt cuộc đời với trang sách và bục giảng lý luận. Từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, đội ngũ giảng viên nhà trường luôn thể hiện sự đoàn kết, thống nhất, đây cũng chính là động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên và toàn thể cán bộ, học viên tiếp tục phấn đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương và nhân dân giao phó.

      Phát huy nét đẹp truyền thống của các thế hệ đi trước, là một giảng viên trường chính trị, chúng ta càng phải nhận thức rõ và sâu sắc hơn về trách nhiệm, vai trò của người thầy trong xã hội, từ đó, tiếp tục học tập nâng cao trình độ chuyên môn, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, hoàn thiện bản thân để xứng đáng là một người giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An./.

 

Nguyễn Văn Phượng - GVC. Khoa Lý luận cơ sở