V.I.Lênin - Nhà tư tưởng thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
22/04/2020 07:48
Trong thời đại ngày nay, với thực tiễn khách quan, biện chứng từ những quy luật vận động, biến đổi và phát triển của hiện thực xã hội, có thể thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được...
V.I.Lênin - Nhà tư tưởng thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế

 
     Trong bối cảnh hiện nay, khi thế giới đang có nhiều biến chuyển toàn diện và to lớn trên nhiều khía cạnh, xu thế, quy luật vận động, phát triển đang có những diễn biến mới, phức tạp, khó lường, đan xen cả thời cơ và thách thức. Trong lúc đó các thế lực thù địch của Chủ nghĩa cộng sản vẫn vin vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, vào sự phát triển của khoa học, công nghệ hiện nay… để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là chủ nghĩa Lênin. Tuy nhiên, từ thực tiễn đấu tranh tư tưởng – lý luận của V.I.Lênin để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác và thực tiễn công cuộc đổi mới của Việt Nam và một số nước trên thế giới, có thể khẳng định rằng, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn có giá trị bền vững, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học, cách mạng và nhân văn đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà khó có học thuyết nào có thể thay thế được.

     Nhìn lại lịch sử, những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, ở nước Nga sau thất bại của cuộc cách mạng 1905 - 1907, những người theo chủ nghĩa Makhơ cũng tăng cường hoạt động lý luận, họ viện cớ “bảo vệ chủ nghĩa Mác”, nhưng thực chất là đã xuyên tạc triết học mác-xít. Để đấu tranh, chống lại khuynh hướng nguy hiểm đó, trong các tác phẩm: Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán; Bút ký triết học; Những người bạn dân là thế nào và họ đấu tranh chống những người dân chủ - xã hội ra sao?… V.I.Lênin đã tiếp tục khai thác cái “hạt nhân hợp lý” của triết học Hê-ghen để làm phong phú thêm phép biện chứng duy vật, đặc biệt là lý luận và sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập. Tinh thần sáng tạo của tư duy biện chứng cũng đã giúp cho Lênin có những đóng góp quan trọng vào kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác về triết học xã hội như vấn đề nhà nước, cách mạng bạo lực, chuyên chính vô sản, lý luận về đảng kiểu mới,... Luận điểm của Lênin về khả năng thắng lợi của chủ nghĩa xã hội bắt đầu ở một số nước, thậm chí ở một nước riêng lẻ được rút ra từ sự phân tích quy luật phát triển không đều của CNTB, đã ảnh hưởng rất lớn với tiến trình cách mạng ở nước Nga cũng như ở nhiều nước trên thế giới.

     Để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác trong điều kiện lịch sử mới, V.I.Lênin đã kiên quyết đấu tranh, kịch liệt phê phán những quan điểm cơ hội, xét lại của những nhà lãnh đạo Quốc tế II như Becx-tanh, Cauxki…, đã đấu tranh với những quan điểm sai lầm của Plêkhanôp, Bukharin, Tơ-rốt-xki; đã phê phán chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán với các đại biểu như: E.Makhơ, Avênariut,…Vận dụng chủ nghĩa Mác một cách sáng tạo vào nước Nga, V.I.Lênin và Đảng Bônsêvich đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Nga tiến hành cuộc cách mạng Tháng Mười vĩ đại, mở ra thời đại mới trong sự phát triển của loài người – thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Vận dụng phép biện chứng Mác-xít vào xây dựng CNXH ở nước Nga, V.I.Lênin đã đề ra Chính sách kinh tế mới, với chủ trương thực hiện nhiều bước quá độ nhỏ về kinh tế - xã hội, thay thế chế độ trưng thu lương thực bằng thuế lương thực, áp dụng quan hệ hàng hóa – tiền tệ, phát triển thương mại, sử dụng chuyên gia tư sản, áp dụng CNTB nhà nước, học tập kinh nghiệm của CNTB… Chính sách kinh tế mới của V.I.Lênin đã đưa nước Nga thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội mùa xuân năm 1921, bước sang một giai đoạn phát triển mới.

     Vận dụng và phát triển sáng tạo phương pháp luận của C.Mác, nghiên cứu bản chất của chủ nghĩa đế quốc, Lênin đề ra những luận điểm mới như:“Sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị là quy luật tuyệt đối của CNTB. Do đó, chúng ta thấy rằng, CNXH có thể thắng trước hết là trong một số nước ít tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước TBCN, tách riêng ra mà nói”[1]. Hay V.I.Lênin cũng phát triển học thuyết về xây dựng đảng kiểu mới – Đảng phải thực sự là “trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại”[2]; đảng phải có “một lý luận tiền phong hướng dẫn thì mới có khả năng làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”[3]…

     Có thể thấy rằng, sức mạnh chiến thắng của tư tưởng và lý luận của Lênin không chỉ nằm ở những tranh luận, bút chiến sắc bén được ghi lại trong kho tàng tác phẩm lý luận đồ sộ của Người; mà thực tiễn hơn là chiến thắng có ý nghĩa vạch thời đại của cuộc cách mạng vô sản Tháng Mười Nga vĩ đại do chính V.I.Lênin lãnh đạo. Vì vậy, cho đến bây giờ và mãi mãi sau này, mọi thứ luận điệu của các thế lực thù địch, chống phá đều phải cúi đầu trước hiện thực sinh động không thể phủ nhận đó.

     Trong thời đại ngày nay, với thực tiễn khách quan, biện chứng từ những quy luật vận động, biến đổi và phát triển của hiện thực xã hội, có thể thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn là học thuyết khoa học và cách mạng duy nhất đáp ứng được nhiệm vụ lịch sử mà không một học thuyết nào có thể thay thế được. Sức sống của chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, của chủ nghĩa V.I.Lênin nói riêng được thể hiện ở chỗ, nó soi sáng các nhiệm vụ lịch sử đã chín muồi của nhân loại, mà cao nhất là nhiệm vụ giải phóng con người khỏi mọi hình thức áp bức, bóc lột, bất công, tha hóa. Thời đại ngày nay có nhiều nội dung đặc điểm rất mới so với thời C.Mác và V.I.Lênin sinh sống. Song các giá trị bền vững trong tư tưởng, quan điểm và phương pháp của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã và đang là lý luận và phương pháp luận khoa học để nhận thức và cải tạo thế giới, từ đó cũng đặt ra nhiệm vụ cho các Đảng Cộng sản phải luôn luôn bổ sung, phát triển cho phù hợp với yêu cầu, điều kiện lịch sử mới.

     Linh hồn và sự sống của chủ nghĩa Mác - Lênin chính là thế giới quan, phương pháp luận; là tinh thần phê phán, đổi mới và sáng tạo không ngừng; nguyên lý thực tiễn là tiêu chuẩn cao nhất của chân lý; tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội; mối quan hệ biện chứng giữa nền tảng kinh tế quyết định kiến trúc thượng tầng; chủ thể của lịch sử là quần chúng nhân dân; phản đối sự tha hóa của con người, chủ trương phát triển con người toàn diện, v.v.. Những nguyên lý này không chỉ đúng trong thế kỷ XIX hay thế kỷ XX mà còn đúng trong thế kỷ XXI và về sau nữa, vì đó là những quy luật khách quan trong xã hội có giai cấp. Chính vì vậy, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phải dựa trên lập trường, quan điểm, phương pháp của chủ nghĩa Mác -Lênin, phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản, lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác -Lênin.

     Trên con đường tìm đường cứu nước, khi bắt gặp được chủ nghĩa Mác-Lênin, dưới ánh sáng cách mạng Tháng Mười, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chỉ ra rằng “bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[4]. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chủ nghĩa Mác - Lênin dần dần được truyền bá vào Việt Nam. Những người cách mạng Việt Nam đã được tiếp thu ảnh hưởng đầy sức sống của Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác - Lênin “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”[5]. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

     Thực tiễn lịch sử Việt Nam cho thấy, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời cho đến nay, chủ nghĩa Mác-Lênin, đặc biệt là những vấn đề cơ bản trong lý luận về cách mạng vô sản của Lênin đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam và thời đại. Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam cho cách mạng. Thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc, những thành tựu trong công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH hơn 30 năm qua đã khẳng định sức sống, ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác-Lênin đối với cách mạng Việt Nam. Cùng với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử cả về nhận thức lý luận và thực tiễn đó, nhận thức về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam ngày càng được sáng tỏ hơn, ngày càng được bổ sung, phát triển hợp lý và sáng tạo. Thực tiễn cũng cho thấy, chỉ có trên cơ sở lý luận khoa học, mới có căn cứ tin cậy trong hoạt động thực tiễn, vì thực tiễn trong nước và thế giới hiện nay đang biến đổi rất nhanh chóng tạo ra bối cảnh mới – đó là bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hết sức sâu rộng; khoa học – công nghệ phát triển nhanh chóng đạt trình độ ngày càng cao (kinh tế tri thức, cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số…); đó là chủ nghĩa tư bản hiện đại đã và đang tiếp tục có những điều chỉnh mới nên còn sức sống cho dù bản chất của nó vẫn không thay đổi; đó là phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đang từng bước phục hồi… Bản thân bối cảnh mới này đã đòi hỏi tất yếu phải bổ sung, phát triển lý luận cho phù hợp với thời đại mới.

     Những thành tựu về lý luận và thực tiễn của Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới đã khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, hợp lòng dân, con đường đi lên CNXH là phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại, phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, Đại hội XII của Đảng yêu cầu toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải “kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[6].

     Tuy nhiên, thực tế hiện nay, với xuất phát từ nhận thức không đúng về sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, sự tiếp tục tồn tại và phát triển, nhất là kinh tế của CNTB, sự xuyên tạc tấn công của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị vào ý thức hệ XHCN đã làm cho một số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh chính trị vững vàng, giảm sút niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và CNXH. Có quan điểm tin vào sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin. Mặc dù chúng ta đều biết, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô là sự sụp đổ của một mô hình CNXH – mô hình CNXH tập trung, quan liêu, bao cấp là bước thử nghiệm của con người, chứ không phải là sự sụp đổ của CNXH nói chung. Đó không phải là sự đổ vỡ, sự “kết thúc lịch sử” của chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học. Chính sự nhận thức sai, vận dụng sai, sự phản bội lại chủ nghĩa Mác-Lênin của một bộ phận lãnh đạo thiếu kiên định, cơ hội, thậm chí phản bội Đảng Cộng sản Liên Xô là một nguyên nhân trực tiếp quan trọng dẫn đến sự sụp đổ này. Nguy hiểm hơn, có những quan điểm dựa vào yếu tố thời đại để phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, phủ nhận vai trò, giá trị nhân cách các nhà sáng lập và phát triển lý luận mác-xít như C.Mác, Ph.Ănghhen, V.I.Lênnin, Hồ Chí Minh. Các quan điểm đó cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, hoặc cùng lắm là đầu thế kỷ XX – thời đại văn minh cơ khí, còn bây giờ là thời đại của cách mạng khoa học – công nghệ, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức, kinh tế số, toàn cầu hóa…

     Có một thực tế khác là, trong khi có những người xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác-Lênin, rêu rao sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và đòi xét lại quan điểm cách mạng vô sản của V.I.Lênin. Thì cũng tại các nước tư bản phát triển, nhiều học giả tư sản như Giắc cơ Đêriđa, Tery Igơletơn, Diđiê Êribông…vẫn thừa nhận chủ nghĩa Mác, đề cao C.Mác, kêu gọi nhân loại hãy “trở về với Mác”, “nhân loại không thể thiếu Mác”, “không có tương lai nếu không có Mác, không có di sản của Mác”[7]. Kinh nghiệm cải cách, mở cửa của Trung Quốc, đổi mới của Việt Nam là minh chứng cho điều đó. Cải tổ, đổi mới là tất yếu, nhưng sự thất bại của cải tổ lại không phải là tất yếu. Một khi, Đảng Cộng sản có đường lối đổi mới đúng đắn, trung thành và sáng tạo trong vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, trung thành với lý tưởng XHCN, có bản lĩnh chính trị vững vàng, cảnh giác với âm mưu và các thủ đoạn chống phá CNXH của các thế lực thù địch, xây dựng Đảng và Nhà nước vững mạnh, chống được quan liêu, tham nhũng, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, vận dụng sức mạnh thời đại để xây dựng và bảo vệ chế độ XHCN thì mục tiêu đi lên xây dựng CNXH sẽ chắc chắn trở thành hiện thực.

     Tất cả những điều chúng ta nêu ra trên đây chứng minh một điều rằng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, trước mọi sự biến động và sự chống phá của các thế lực thù địch, nhưng giá trị chủ nghĩa Mác-Lênin nói chung, tư tưởng, lý luận của V.I Lênin nói riêng vẫn có sức sống bền bỉ và mạnh mẽ. V.I.Lênin – người phát triển và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào thực tiễn cách mạng nước Nga và cách mạng vô sản thế giới là nhà tư tưởng, nhà lý luận khoa học, cách mạng, nhân văn; Người lãnh tụ vĩ đại của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế; Người Thầy lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam./.
 

[1] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1980, tập 26, tr.447.
[2] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1976, tập 34, tr.122.
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, M.1975, tập 6, tr.32.
[4]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.2, tr.289.
[5]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, t.8, tr.570-571.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.199.
[7]Giắc cơ Đêriđa: Những bóng ma của Mác, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.16.

 
ThS. Nguyễn Văn Điều - GV. Khoa Lý luận cơ sở