Tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai
30/09/2021 03:30
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01/11/1910 (có tài liệu viết sinh ngày 30/9) trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là bà Đậu Thị Thư quê ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ Vinh...
Tuổi trẻ và những hoạt động yêu nước đầu tiên của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai

                                                                                                                    NCS Dương Thanh Bình

                                                                                                                         - Phó Hiệu trưởng -

     Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh ngày 01/11/1910 (có tài liệu viết sinh ngày 30/9) trong một gia đình công chức nhỏ tại xã Vĩnh Yên, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Bố là ông Nguyễn Huy Bình quê ở làng Mọc, Nhân Chính, Hà Nội, làm Thư ký ga xe lửa ở Vinh từ năm 1907. Mẹ là bà Đậu Thị Thư quê ở Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh, làm nghề buôn bán nhỏ ở chợ Vinh. Ông hiền lành, ít nói, nhưng bà tháo vát, đảm đang và nghiêm khắc. Nguyễn Thị Vĩnh có một tuổi thơ gắn liền với mảnh đất Đức Tùng, Đức Thọ, Hà Tĩnh với những làn điệu Ví, Giặm, những lời ru à ơi của bà, của mẹ.

     Năm 1919 (9 tuổi), Nguyễn Thị Vịnh được gia đình cho theo học các lớp chữ quốc ngữ, sau đó chuyển vào học tại lớp nhì ở trường nữ sinh Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh. Với tư chất thông minh, khảng khái, hiếu động và ham học hỏi, ngay từ nhỏ Nguyễn Thị Vịnh ảnh hưởng tính của mẹ, sớm hiểu biết, xông xáo, mạnh dạn, không hề rụt rè e thẹn. Chị cho rằng, việc con trai làm được thì con gái cũng làm được. Thời gian theo học tại ngôi trường này, chị đã được ươm mầm đấu tranh cách mạng khi được các giáo viên có tư tưởng yêu nước kể chuyện về các tấm gương đấu tranh anh dũng, mưu trí của các bà, các chị Nguyễn Thị Thanh (chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh), Nguyễn Thị Lân (ở phủ Hưng Nguyên)…

     Năm 1924, Nguyễn Thị Vịnh chuyển sang học lớp nhất trường Tiểu học Cao Xuân Dục, chịu ảnh hưởng tư tưởng yêu nước từ các thầy giáo Trần Phú, Hà Huy Tập... Thầy Phú sớm thấy rõ phẩm chất cách mạng của Nguyễn Thị Vịnh, đã tích cực tuyên truyền giác ngộ và đưa  chị đi theo con đường cách mạng.

     Ngày 14/7/1925, Hội Phục Việt ra đời tại núi Con Mèo, Vinh – Bến Thủy do cụ Lê Huân, Trần Phú, Trần Mộng Bạch, Tôn Quang Phiệt… sáng lập. Mục đích nhằm đoàn kết các lực lượng tiến bộ yêu nước làm cách mạng đánh đuổi đế quốc Pháp xâm lược giành độc lập, tự do cho dân tộc; đề ra nhiệm vụ phát triển tổ chức trong nước, đồng thời bắt mối liên lạc với các tổ chức, cá nhân yêu nước ở nước ngoài. Nhờ những hoạt động tích cực của Hội, các tư tưởng yêu nước tiến bộ đã được phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, ảnh hưởng tích cực đến việc giáo dục truyền thống yêu nước cho học sinh, sinh viên. Được sự vận động của thầy giáo Trần Phú, cô học trò Nguyễn Thị Vịnh đã tích cực tham gia các hoạt động yêu nước của Tổ nữ sinh yêu nước, tổ chức “Thanh niên học sinh cách mạng”, một tổ chức của những thanh niên, học sinh ưu tú do các thầy Trần Phú, Hà Huy Tập, Trần Mộng Bạch, Phan Kiêm Huy thành lập. Công tác đầu tiên của chị Vịnh là tham gia phong trào vận động nữ sinh góp tiền mua hoa và vải trắng may băng tang đi dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh vào tháng 3/1926. Sau buổi truy điệu nhiều học sinh bị đuổi, bọn mật thám Vinh cho rằng chị còn ít tuổi chưa hiểu gì, chỉ a dua theo người khác nên chỉ bị gọi gia đình lên cảnh cáo và buộc bảo lãnh về mọi hành vi của con mình, tuy nhiên Chị không sợ, không chùn bước, vẫn tiếp tục hoạt động. Tiếp đó chị tham gia ký tên vào bản yêu sách đòi thực dân Pháp trả tự do cho Phan Bội Châu… Đến khi nghỉ học ở trường Cao Xuân Dục, chị vẫn tiếp tục bí mật tham gia các hoạt động yêu nước dưới sự dìu dắt của thầy giáo Phan Kiêm Huy.

     Năm 1927, nhờ sự giới thiệu của thầy Phan Kiêm Huy, Nguyễn Thị Vịnh được đồng chí Đào Xuân Mai, hội viên Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Vinh (sau này là cán bộ Tổng cục lâm nghiệp) kết nạp vào Hội. Để giữ bí mật, đồng chí đã đổi tên Nguyễn Thị Vịnh thành Nguyễn Thị Minh Khai - cái tên đầy ý nghĩa và đã theo chị đến hết cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường của mình, năm đó chị vừa tròn 17 tuổi. Nguyễn Thị Minh Khai trở thành người phụ nữ đầu tiên được gia nhập tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng (tên mới của Hội Phục Việt) và được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên mới ở khu vực Vinh – Bến Thủy và hai huyện Nghi Lộc, Thanh Chương. Chị từng nói : “Nếu mọi người đều lấy việc nuôi con làm trách nhiệm tột bậc để bỏ công việc xã hội thì chuyện phụ nữ giải phóng không biết đến đời nào sẽ thực hiện được. Phụ nữ giải phóng là công việc của toàn thể phụ nữ, nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ chung của mỗi người”[1]. Số chị em sau khi được đồng chí Minh Khai giác ngộ lại tiếp tục tuyên truyền, vận động thêm những chị em khác. Nhờ vậy, số lượng chị em tham gia phong trào cách mạng ngày một gia tăng, phong trào đấu tranh của nữ công nhân Vinh  - Bến Thủy ngày càng sôi nổi hơn. Nguyễn Thị Minh Khai hoạt động tuyên truyền vừa mềm dẻo, vừa sâu sát trong giới phụ nữ, đồng chí đã vận động, kết nạp được thêm nhiều phụ nữ vào Việt Nam cách mạng Đảng và trở thành những cán bộ nòng cốt, giữ các vị trí quan trọng của phong trào cách mạng Nghệ Tĩnh như Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Thiu, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Nhuận, Nguyễn Thị Nhã ... 

     Trong hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Thị Xân kể lại: “Vào một buổi trưa tháng 3/1928, tại chùa Phú Môn cách nhà tôi độ 1 km, tôi và Thiu được chị Nguyễn Thị Minh Khai kết nạp Đảng Tân Việt. Để tiện hoạt động, tôi có sẵn nghề buôn tơ, tôi thường lên Vinh gặp chị Minh Khai, cùng sinh hoạt một tổ với tôi có chị Thiu, Nhã, Phúc và đồng chí Ngạn. Đến cuối năm 1928 chị Minh Khai đưa Thiu lên làm việc ở nhà máy tơ Vinh để hoạt động trong công nhân, còn tôi ở lại tuyên truyền trong tổ chức. Lúc này ở Đông Chữ, cấp trên đã có tổ Tân Việt cách mạng Đảng[2]. Sau khi được kết nạp vào Đảng Tân Việt, đồng chí Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu đã nhận nhiệm vụ đi Vinh gặp đồng chí Minh Khai để mua vải may cờ đỏ búa liềm, mua thạch in truyền đơn, tài liệu, nội dung viết truyền đơn và báo ...  do đồng chí Nguyễn Phong Sắc soạn thảo để chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 12 cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 – 7/11/1929). Đồng chí Nguyễn Thị Nhuậndành cho Minh Khai tình cảm và sự nể phục trong hồi ký  “… Thời kỳ này tổ chức Việt Nam cách mạng Đảng (tiền thân của Đảng Tân Việt) đang hoạt động mạnh ở Vinh. Thầy giáo Tập (Hà Huy Tập) là một người  hoạt động tích cực của Việt Nam cách mạng Đảng lúc ấy. Chị Minh Khai lúc này đã tham gia Việt Nam cách mạng Đảng sau này trở thành một cán bộ quan trọng của Đảng Tân Việt, chị là người đã giác ngộ và kết nạp tôi vào Tân Việt…Tháng 12/1927, chị Minh Khai giới thiệu và kết nạp tôi vào tiểu tổ Tân Việt ở Vinh. Tổ chức tôi gồm năm người 3 nam 2 nữ: tôi và chị Cả Thìn, chị Minh Khai là cấp trên của tôi…”[3].

     Đầu năm 1929, được sự đồng ý của tổ chức, Nguyễn Thị Minh Khai bí mật thoát ly gia đình để hoạt động cách mạng. Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nguyễn Thị Minh Khai đã được kết nạp vào Đảng. Từ một chiến sỹ yêu nước, Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, cùng sát cánh bên các anh em đồng chí của mình đứng trên lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập cho dân tộc và giải phóng cho giai cấp. Đồng chí được bố trí ở một cơ quan bí mật tại quán Lau, gần nhà máy xe lửa Trường Thi, giả đóng vai vợ một công nhân thợ nguội tại nhà máy. Chị phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện các đảng viên công nhân trong khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức nhiều lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho Đảng là lực lượng nòng cốt đã đấu tranh quyết liệt trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931. Trong tình thế Đảng đang bị kẻ thù khủng bố tàn khốc chị đã tự nguyện cùng các đồng chí khác đi rải truyền đơn ở dọc các con đường ở Vinh – Bến Thủy và nhiều nơi khác.

     Mùa hè năm 1930, được sự tín nhiệm và giới thiệu của Xứ ủy Trung Kỳ, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được cử ra ngoại quốc theo đường Hải Phòng đến Hương Cảng, Trung Quốc. Đồng chí đổi tên thành Ả Vầy, hoạt động trong Văn phòng chi nhánh Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản, cùng các đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hồ Tùng Mậu. Nhiệm vụ đầu tiên là làm thư ký cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc và làm giao thông liên lạc với Thị ủy Hương Cảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nguyễn Thị Minh Khai được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giáo dục về lý luận những vấn đề cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin và kinh nghiệm hoạt động bí mật. Với khí phách rắn rỏi như một đấng nam nhi và sự ham học hỏi của người con Xứ Nghệ, chị vừa công tác vừa cố gắng học nói thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, và tiếng Trung để khắc phục những khó khăn trong quá trình công tác tại hải ngoại. Trước phong trào đấu tranh cách mạng ở Hương Cảng ngày càng trở nên mạnh mẽ, bọn đế quốc Anh đã thẳng tay đàn áp và dăng lưới mật thám dày đặc khắp trong thành phố, nhiều đồng chí Trung quốc và Việt Nam đã bị bắt. Có một lần chị có nhiệm vụ đến liên lạc với cơ quan bí mật của Thị ủy Đảng ở Hương Cảng. Khi đến nơi thấy cửa mở chị định vào, nhưng nhìn thoáng thấy cái khăn mặt ám hiệu không treo thẳng ở giữa như mọi ngày, mà bị kéo chệch về phía bên trái một chút, chị phân vân do dự rồi quyết định quay trở lại.

     Tháng 4/1931, cơ quan Đảng ở Hồng Kông bị lộ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bắt cùng 20 đồng chí khác. Bị bắt, đồng chí vẫn kịp gửi mẩu giấy nhỏ cho đồng chí Nguyễn Ái Quốc “Dù bị tra tấn cùm kẹp, quyết không khai. Các anh yên tâm”. Như một lời thề sắt son ở trong tù dù bọn cai ngục dùng đủ mọi cực hình tra tấn như đánh đập, dí điện… nhưng đồng chí vẫn một mực nêu cao khí tiết, kiên trung trả lời “Không biết” và không khai báo điều gì bất lợi cho cách mạng.

     Năm 1933, Nguyễn Thị Minh Khai được trả tự do nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ. Ra tù, đồng chí đổi tên thành Vai và làm nghề may thuê trên đường phố Thượng Hải để tìm cách bắt liên lạc với Đảng. Cuối cùng đồng chí cũng liên lạc được với nhóm các đồng chí Lê Hồng Sơn, Trần Ngọc Danh, Lê Thiết Hùng... Nhóm đã được Đảng Cộng sản Trung Quốc bố trí chỗ ăn ở. Sau nhiều ngày cố gắng bắt mối với tổ chức các đồng chí cũng đã kết nối được với các đồng chí Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nọn… Nguyễn Thị Minh Khai được cử hoạt động trong Ban chỉ huy của Đảng ở ngoài nước, tiếp tục bắt mối và gây dựng lại các cơ sở cách mạng của Đảng. Cũng trong thời gian đồng cam cộng khổ này, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nảy sinh tình cảm và kết hôn cùng đồng chí Lê Hồng Phong.

      Tháng 9/1934, ghi nhận những hoạt động tích cực của đồng chí trong Ban chỉ huy của Đảng ở ngoài nước, Nguyễn Thị Minh Khai vinh dự là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên được cử tham gia Đoàn đại biểu Đảng đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản tại Mátxcơva cùng với Lê Hồng Phong (trưởng đoàn) và Hoàng Văn Nọn. Trong lúc chờ Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã được nhận vào học tập, trau dồi lý luận cách mạng tại trường Đại học Phương Đông (Tháng 1/1935).

     Tại Đại hội đồng chí Minh Khai đã gặp và nói chuyện thân mật với đồng chí N.K.Crúpxcaia, người Bôn sê vích kỳ cựu và là người bạn đời của V.L.Lê Nin. Trong phiên họp thứ 40 chiều ngày 16/8/1935, với tư cách là đại biểu phụ nữ trong đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Thị Minh Khai lấy tên là Phan Lan, trước 500 đại biểu thay mặt cho 65 Đảng cộng sản đã lên phát biểu ý kiến: “ Lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng ở nước chúng tôi, lần đầu tiên từ ngày có Đảng Cộng sản của chúng tôi, một phụ nữ như tôi, một đảng viên cộng sản  Đông Dương, được hân hạnh chẳng những  tham gia Đại hội Quốc tế Cộng sản. Mà còn từ diễn đàn Đại hội được báo cáo đến các đồng chí Tây  Âu, đến công nhân, nữ toàn thế giới rằng, chúng tôi là những nữ công nhân, nông dân các nước Phương Đông, các nước thuộc địa và nửa thuộc địa, những người khổ cực gấp bội hơn các đồng chí Tây – Âu đã bước vào con đường đấu tranh cách mạng…Đặc biệt trong thời kỳ cao trào cách mạng ở Đông Dương, phụ nữ đã tham gia đáng kể vào các cuộc đấu tranh cách mạng. Họ tham gia các cuộc biểu tình và đã lãnh đạo một số cuộc ấy, đã diễn thuyết trong các cuộc mít tinh, nhiều lần phụ nữ đã dũng cảm đi hàng đầu trong các cuộc biểu tình và bọn lính phải thoái lui, phải đồng tình”[4].  Bài tham luận của Nguyễn Thị Minh Khai được Đại hội đánh giá cao. Nhiều nhà lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản như I.V.Xtalin, G.Đimitơrốp, M.Tôrê, M.Manuinxki... đã gặp gỡ, chúc mừng Chị.

     Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, cuối năm 1936, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được Quốc tế Cộng sản cử về nước truyền đạt đến các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương những chỉ thị quan trọng mà Quốc tế Cộng sản giao phó. Khoảng giữa năm 1937, Nguyễn Thị Minh Khai được tổ chức hoạt động ở Nam Kỳ đã cùng Ban chấp hành Trung ương Đảng lãnh đạo phong trào cách mạng Nam Kỳ.

     Cuối năm 1937 Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai được phân công về công tác tại Sài Gòn. Đồng chí lấy bí danh là “Bảy Khai”, “Năm Bắc”, được bầu vào Xứ Ủy Nam Kỳ và là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn. Đây là nơi tập trung nhiều cơ quan đầu não của địch, nhưng cũng là nơi đã nổ ra những cuộc đấu tranh cách mạng quyết liệt của nhân dân lao động. Các cuộc biểu tình, mít tinh đòi quyền tự do dân chủ, cơm áo, hòa bình diễn ra liên tiếp, sôi nổi. Thời gian này, chị Minh Khai viết một cuốn sách giới thiệu về phong trào đấu tranh của phụ nữ Quốc tế, để giáo dục và nâng cao nhận thức về cách mạng cho chị em phụ nữ. Chị không những tích cực lãnh đạo phong trào quần chúng đấu tranh mà còn đặc biệt chú ý xây dựng Đảng ở Sài Gòn-Chợ Lớn trực tiếp chỉ đạo phong trào ái hữu và nghiệp đoàn. Tuy hoạt động chung một thành phố nhưng hai vợ chồng Chị vẫn không được sống cùng nhau, anh Phong thường gặp chị mỗi lần về họp và làm việc với các đồng chí Trung ương.

     Ngày 22/6/1939, giữa lúc công việc bộn bề, nhiều khó khăn chồng chất, lại đang mang thai đứa con đầu lòng thì đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai bàng hoàng nhận được tin người chồng yêu quý Lê Hồng Phong đã bị Mật thám Pháp lần ra tung tích và bắt giam (theo Báo cáo của Mật thám Pháp ở Vinh gửi Chủ sự sở cảnh sát và Mật thám Trung Kỳ ở Huế tháng 12/1939, hồ sơ lưu tại Cục lưu trữ Trung ương). Nén đau thương, lo lắng cho người bạn đời, đồng chí vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo cách mạng Sài Gòn – Chợ Lớn. Đầu năm 1940, Minh Khai sinh hạ bé gái lấy tên Lê Nguyễn Hồng Minh, là tên ghép của Minh Khai và Hồng Phong. Để tiếp tục hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng đang sục sôi, người mẹ trẻ đành gạt nước mắt gửi con cho cơ sở cách mạng ở Hóc Môn nuôi nấng, chăm sóc.

     Giữa năm 1940, Nhật nhảy vào Đông Dương, một phong trào đấu tranh dâng lên sôi sục ở Sài Gòn – Gia định và các vùng nông thôn Nam Kỳ. Trước tình hình đó, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định tiến hành một cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 30/7/1940, cơ sở Đảng bị lộ, Nguyễn Thị Minh Khai bị thực dân Pháp bắt tại Ngã Sáu, Bình Đông sau khi dự phiên họp của Xứ ủy Nam Kỳ. Trong Báo cáo chính trị tháng 8/1940 của Thống đốc Nam Kỳ, hồ sơ IIA45/204, Phủ Thống đốc Nam Kỳ đã kết tội Nguyễn Thị Minh Khai “là kẻ chủ mưu trong các hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương, trong đó có việc tổ chức chiến dịch chống quân phiệt, chuẩn bị phong trào khởi nghĩa vũ trang và phá hoại…[5]. Biết Nguyễn Thị Minh Khai là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, giữ vai trò quan trọng trong Xứ ủy Nam Kỳ, thực dân Pháp đã đưa đồng chí về giam tại Khám Lớn Sài Gòn và dùng đủ mọi cực hình tra tấn giã man như: dí điện vào người, treo ngược chân lên xà nhà, đóng đinh vào đầu ngón tay... Nhưng đồng chí vẫn nghiến răng chịu đựng, cương quyết không khai ra tổ chức và đồng chí của mình. Nhận thấy đòn roi không khuất phục được, bọn giặc sau khi biết Minh Khai và Lê Hồng Phong là vợ chồng, chúng đã dùng thủ đoạn đưa hai người về giam chung nhằm lung lạc tinh thần. Song kẻ địch đã thất bại trước một gia đình cộng sản kiên trung. Mặc dù vợ chồng đã lâu không gặp nhưng hai nhà cách mạng đã cố kìm nén tình cảm riêng tư, kiên quyết không nhận, không khai, kiên cường đấu tranh với âm mưu thâm độc của kẻ thù. Tất cả những gì thực dân Pháp nhận được chỉ là câu trả lời đanh thép: “Tôi không biết người này”.

     Trong tù, Nguyễn Thị Minh Khai tiếp tục vận động chị em phụ nữ tiến hành đấu tranh, đồng chí đã dùng máu của mình viết lên cánh cửa phòng giam lời ca khí khái của một chiến sỹ cách mạng hiên ngang, không khuất phục trước uy lực của kẻ thù:

   ....Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết

Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời

Hy sinh phân đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi”

     Tuy bị giam cầm và tra tấn trong nhà tù của Pháp, nhưng với cương vị là Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm mọi cách liên lạc với đồng chí của mình để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Nam Kỳ. Trong Thông tư số 7709-S của Chánh liêm phóng P.Arnoux năm 1940 gửi Thống đốc Nam Kỳ, Tổng thanh tra Liêm phóng đã đề cập đến “ …Lục soát khi chuyển Nguyễn Thị Minh Khai thì phát hiện được trong quần áo của thị có 2 tài liệu viết tay. Bản thứ nhất là lời kêu gọi binh sĩ, thợ thuyền và nông dân Đông Dương hãy đoàn kết lại để phát động cách mạng và đấu tranh để được giải phóng với sự ủng hộ của Liên Xô. Bản thứ 2 là một bức thư ký tên Hồ Thị Duc tù nhân chính trị gửi cho các đồng chí, có đoạn ý ngầm yêu cầu những người đọc hãy tăng cường tuyên truyền cộng sản. Việc bức thư này bị phát hiện trong tay Nguyễn Thị Minh Khai chứng tỏ rằng đối tượng này phải phụ trách liên lạc với bên ngoài nhà tù…[6]. Thực dân đã tiến hành kết án tử hình nhiều chiến sỹ cộng sản, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. Tòa án binh Sài Gòn ngày 25/3/1941 và 03/4/1941 đã kết án đồng chí 12 án: 2 án tử hình, 2 án chung thân, 2 án 20 năm tù, 1 án 15 năm tù, 5 án 5 năm tù. Trong phiên tòa của kẻ thù, chị không những không khuất phục mà còn dõng dạc tra vấn lại chúng: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước không có tội sao?”.

     Nguyễn Thị Minh Khai đã tranh thủ thời gian cuối cùng của cuộc đời để làm ba việc quan trọng. Chị bí mật viết vào mảnh giấy nhỏ cuộn tròn trong điếu thuốc gửi tới người đồng chí, người bạn đời Lê Hồng Phong đang bị đày ở nhà tù Côn Đảo “Dù có chết, em hứa với anh, chung thủy với cách mạng, trung thành với Đảng. Em hứa mãi là người cộng sản kiên cường. Mong anh cũng vậy[7]. Gửi lời cảm ơn đến những người đồng chí ở cơ sở cách mạng đang nuôi nấng con gái Hồng Minh. Cuối cùng, đồng chí đã tước vải quần áo tù, đan một chiếc vỏ gối gửi về tặng mẹ - là một chút lòng hiếu thảo, là lời xin lỗi vì đã không làm tròn bổn phận chăm sóc mẹ lúc mẹ già yếu mong “...Cha mẹ đừng thảm thương thái quá...” và căn dặn các em “Gắng chí học tập nên người xứng đáng cho cha mẹ vui lòng[8]. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ… đi xử bắn tại Ngã ba Giồng, huyện Hóc Môn (Sài Gòn).

     Trước khi ra pháp trường, biết mình không còn được cống hiến tuổi trẻ và công sức của mình cho cách mạng, trước mũi súng quân thù, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã không cho chúng bịt mắt để được nhìn thấy Tổ quốc thân yêu lần cuối và ngẩng cao đầu hô vang: “Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Cách mạng Đông Dương thành công muôn năm![9].  Nguyễn Thị Minh Khai đã anh dũng hy sinh khi mới vừa tròn 31 mùa xuân, khi tuổi trẻ và chí khí cách mạng vẫn ngùn ngụt dâng trào.

     Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của người nữ chiến sỹ kiên trung Nguyễn Thị Minh Khai đã cho các thế hệ sau thấy được những khó khăn, hy sinh gian khổ của những ngày đầu cách mạng. Khởi nghĩa Nam Kỳ với hình tượng lá cờ đỏ sao vàng mãi khắc ghi trong pho lịch sử bằng vàng của cách mạng Việt Nam, là mốc son chói lọi trong dòng lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc.

     Tuy ra đi khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều đóng góp vô cùng to lớn. Nguyễn Thị Minh Khai, thế hệ cách mạng tiền bối của Đảng ta, người con ưu tú của Xứ Nghệ, người đảng viên ấy đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng, quyết kiên trung giữ trọn lời thề sắt son dưới lá cờ vinh quang của Đảng. Hình tượng người nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai là tấm gương đấu tranh dũng cảm, kiên cường, bất khuất, không quản ngại hy sinh, gian khổ, để hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện lý tưởng cách mạng, là tấm gương ngời sáng để cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, trong đó có thế hệ trẻ noi theo./.

 

 

[1] Nữ chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh. NXB Phụ nữ, Hà Nội, 1980, tr.24

[2] Hồi ký cách mạng "Son Sắt một lòng" (trang 3) của đồng chí Nguyễn Thị Xân, tỉnh ủy viên Nghệ An năm 1931. Tài liệu hiện được lưu trữ tại bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

[3] Hồi ký cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Nhuận (trang 4), Đảng viên 1930-1931. Tài liệu hiện được lưu trữ tại bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.

[4] Nguyễn Thị Minh Khai- Nữ chiến sỹ kiên trung bất khuất. NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.68.

[5] Tài liệu lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Bộ Công an

[6] Tài liệu lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Bộ Công an

[7] Chị Minh Khai, NXB. Thanh Niên, Hà Nội, 1996, tr.73.

[8] Tài liệu lưu trữ tại Cục Hồ sơ nghiệp vụ An ninh, Bộ Công an

[9] Nghệ An những tấm gương cộng sản, tập 1. NXB Nghệ An, Nghệ An, 1998, tr.90