Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
18/11/2021 06:01
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã nhiều lần căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[1], “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”[2]. Kế thừa và phát huy những quan điểm, tư tưởng đó, trong quá trình đổi mới, thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ...
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và nghiên cứu khoa học đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới

Đồng chí Nguyễn Văn Thông,

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An

 Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã nhiều lần căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”[1], “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ”[2]. Kế thừa và phát huy những quan điểm, tư tưởng đó, trong quá trình đổi mới, thực hiện sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã xác định việc xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”[3] trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Cùng với việc phát hiện, lựa chọn, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, thì công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng với nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, trong đó đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị có vai trò rất quan trọng.

Trường Chính trị là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có chất lượng của tỉnh Nghệ An, với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Trường có vai trò đặc biệt quan trọng với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Trong suốt 75 năm, trải qua nhiều giai đoạn, với nhiều tên gọi khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã không ngừng phát triển, trưởng thành cả về quy mô, số lượng, chất lượng, luôn thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo đường lối, chủ trương đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường giao lưu, trao đổi, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện. Trường đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận gồm nhiều thế hệ kế tiếp nhau, luôn đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ sự nghiệp “trồng người”, phục vụ“công việc gốc của Đảng”.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, với chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã trực tiếp và phối hợp đào tạo, bồi dưỡng được 25.142 học viên/17.270 học viên[4] với nhiều loại hình đa dạng, phong phú, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Nhà trường đã luôn bám sát và quán triệt sâu sắc chủ trương, quy định của cấp trên, của tỉnh, kết hợp nhuần nhuyễn lý luận với thực tiễn; ngày càng nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh.

Từ kết quả của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (nhất là cán bộ chủ chốt) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương có sự trưởng thành; trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn ngày càng được nâng lên, phù hợp với tiêu chuẩn chức danh, khung vị trí việc làm nhất là kỹ năng xử lý những vấn đề khó, phức tạp, mới phát sinh, thích nghi dần với cơ chế mới, đáp ứng yêu cầu công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương, cơ quan, đơn vị, góp phần quan trọng trong những thành tựu chung của tỉnh nhà trong thời gian qua.

Công tác nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn đã được Đảng bộ, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết từng bước đổi mới; số lượng, chất lượng các đề tài, đề án ngày càng tăng; phạm vi nghiên cứu đa dạng, thiết thực, bao quát nhiều ngành, lĩnh vực; nghiên cứu, ứng dụng từng bước đi vào chiều sâu. Tổ chức tốt nhiều Hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, báo cáo chuyên đề nhằm khai thác các giá trị lý luận, giải quyết các vấn đề thực tiễn để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Công tác thông tin, tuyên truyền khá kịp thời, nhanh nhạy, được thực hiện thường xuyên. Công tác tổng kết thực tiễn có nhiều chuyển biến, ngày càng thiết thực, góp phần từng bước xây dựng nhà trường trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín của tỉnh và cả nước.

Nhà trường đã quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ viên chức của Trường Chính trị cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, đội ngũ viên chức của Trường có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu.

Hệ thống cơ sở vật chất của nhà trường đã được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, từng bước đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập, sinh hoạt cho cán bộ, giảng viên, học viên.

Bên cạnh những kết quả tích cực, trong giai đoạn vừa qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại Trường Chính trị tỉnh còn bộc lộ không ít bất cập, hạn chế cả về quy mô, cơ cấu, loại hình. Phương pháp giảng dạy đã có nhiều đổi mới nhưng vẫn nặng về truyền đạt kiến thức. Chế độ chính sách cho cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở vật chất, trang thiết bị tuy đã được quan tâm, song còn thấp với điều kiện thực tiễn xã hội và đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn còn có một số bất cập, hạn chế. Các công trình nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư đúng mức, chất lượng chưa cao. Công tác tham gia phản biện, phát hiện, đề xuất các chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu; số lượng đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh chưa nhiều và việc đăng ký, tham gia đấu thầu còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều cơ hội và thách thức đan xen; tình hình kinh tế, chính trị, dịch bệnh trên thế giới, khu vực, trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, đe dọa đến an ninh chính trị, chủ quyền quốc gia và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề hệ trọng và cấp bách cần phải giải quyết không chỉ ở tầm quốc gia mà còn là yêu cầu nhiệm vụ của hệ thống chính trị ở địa phương. Khả năng vững vàng, vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ ở phía trước như thế nào, phụ thuộc rất lớn vào chất lượng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đội ngũ này phải được đào tạo, bồi dưỡng, được rèn luyện, trang bị đầy đủ kiến thức để trở thành những “hiền tài”, vừa có “tâm”, vừa phải có “tài”, đủ sức đảm đương, gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp của đất nước, của tỉnh.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh vững mạnh toàn diện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; phấn đấu đưa Trường Chính trị tỉnh trở thành một trong những trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, nhà trường cần tập trung làm tốt một số nội dung công tác sau:

1.  Quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có chất lượng cao, có phẩm chất và năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng. Tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu theo Kế hoạch số 225-KH/TU, ngày 30/01/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An năm 2020 và giai đoạn 2021 - 2025, gắn với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

2.  Tập trung xây dựng đề án trường chính trị tỉnh đạt chuẩn theo Quy định số 11-QD/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu giai đoạn 2021-2025 đạt tiêu chí và được công nhận trường chính trị chuẩn mức độ 1.

3.  Tiếp tục chủ động phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các chỉ tiêu, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng năm phù hợp, thiết thực, hiệu quả; tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ, hướng dẫn chuyên môn của Học viên Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

4.  Tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành, thị ủy thực hiện tốt các nhiệm vụ trước, trong và sau đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó chú trọng công tác tham mưu xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, công tác tuyển sinh theo hướng “đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, rõ nguồn quy hoạch”, thông báo kịp thời kết quả học tập, rèn luyện của học viên cho cơ quan chủ quản và phối hợp đánh giá kết quả sau đào tạo. Trường cần bám sát chỉ tiêu nhiệm vụ được giao, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan ở lớp theo kế hoạch một cách khoa học, hợp lý, từng bước đảm bảo sự cân đối giữa các lớp tập trung tại trường và các lớp tại chức tại TTCT huyện; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật thông tin để nâng cao chất lượng dạy và học.

        Quán triệt sâu sắc phương châm lý luận gắn với thực tiễn, học đi đôi với hành, đổi mới phương pháp dạy - học. Với chức năng là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh, nhà trường cần phải xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng gắn với thực tiễn; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng công tác, kỹ năng xử lý các tình huống cho cán bộ nhất là cán bộ ở cơ sở. Kiên trì thực hiện nguyên tắc giáo dục: “Lấy tự học làm cốt”[5]; chú trọng đến phương pháp luận, định hướng nghiên cứu, gia tăng hàm lượng khoa học và thực tiễn, kỹ năng lãnh đạo, quản lý, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng soạn thảo văn bản trong hoạt động giảng dạy. Tăng cường công tác quản lý trong từng khâu của quy trình đào tạo, bồi dưỡng.

5.  Tiếp tục đổi mới và phát triển toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đồng thời phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Chủ động đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo Trung ương, các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ hợp tác nghiên cứu khoa học; đề xuất với Hội đồng khoa học tỉnh đảm nhận các đề tài khoa học; phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức các hội thảo, hội nghị sinh hoạt chuyên đề. Gắn kết hoạt động của nhà trường với thực hiện nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh để chủ động tham gia ý kiến phản biện; tham mưu, đề xuất cho Tỉnh ủy, UBND ban hành các chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật trên các ngành, lĩnh vực.

6.  Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, phương pháp quản lý nhà nước gắn với kiến thức thực tiễn vững vàng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Chú trọng xây dựng đội ngũ chuyên gia của nhà trường; phát huy vai trò các nhà khoa học đầu ngành, cán bộ lãnh đạo, quản lý đương chức và nguyên lãnh đạo cấp tỉnh có nhiều kinh nghiệm thực tiễn tham gia tích cực vào quá trình giảng dạy của Nhà trường.

7.  Tăng cường đầu tư và có biện pháp quản lý tốt hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà trường để đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu trong tình hình mới. Thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2021 – 2030. Triển khai xây dựng Thư viện điện tử kết nối thông tin với Thư viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thư viện tỉnh để phục vụ cho việc nghiên cứu, học tập của cán bộ, giảng viên, học viên./.

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.269

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.208

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.75

 

[4] Báo cáo số 106-BC/TU ngày 16/9/2021 của Tỉnh ủy về sơ kết 5 năm thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU ngày 30/7/2015 về xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015-2030, tầm nhìn 2030.

[5] Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.5, tr.312