KỶ NIỆM 206 NĂM NGÀY SINH CÁC MÁC: Những cống hiến vĩ đại của Các Mác - Giá trị tư tưởng và sức sống trường tồn
04/05/2024 02:34
Các Mác (5.5.1818 - 14.3.1883), tên đầy đủ Karl Henrich Marx sinh tại thành phố Triơ (Trier), tỉnh Ranh thuộc nước Phổ (nay là CHLB Đức). Ông sinh ra trong một gia đình luật sư gốc Do Thái. Ngay từ nhỏ C.Mác đã nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình và chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần nhân đạo, yêu thương con người, yêu tự do, niềm say mê nghiên cứu khoa học. Lớn lên ông chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ cách mạng của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789...
ThS. Phạm Thị Lan Hương
GVC. Khoa Lý luận cơ sở
Kỷ niệm 206 năm ngày sinh của Các Mác là dịp để chúng ta tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân những cống hiến vĩ đại của C.Mác đối với lịch sử nhân loại nói chung và dân tộc Việt Nam nói riêng.
Các Mác (5.5.1818 - 14.3.1883), tên đầy đủ Karl Henrich Marx sinh tại thành phố Triơ (Trier), tỉnh Ranh thuộc nước Phổ (nay là CHLB Đức). Ông sinh ra trong một gia đình luật sư gốc Do Thái. Ngay từ nhỏ C.Mác đã nhận được sự giáo dục tốt từ gia đình và chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần nhân đạo, yêu thương con người, yêu tự do, niềm say mê nghiên cứu khoa học. Lớn lên ông chịu ảnh hưởng tư tưởng dân chủ cách mạng của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789 và sớm có ước mơ giải phóng con người khỏi mọi hình thức nô dịch, áp bức, bất công. Ông tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Béclin ngành triết học và được công nhận tiến sĩ triết học năm 1841 bằng công trình tự nghiên cứu của mình. Những đức tính, phẩm chất, tố chất ấy đã góp phần quan trọng trong việc hình thành nên chủ nghĩa khoa học, cách mạng mang tên C.Mác.
C.Mác là nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Cả cuộc đời Ông đã công hiến cho sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng con người, giải phóng nhân loại khỏi sự áp bức bóc lột của chủ nghĩa tư bản, xây dựng xã hội mới để tiến tới xã hội cộng sản. Cho đến hiện nay, tư tưởng và sự nghiệp của C.Mác vẫn còn nguyên giá trị.
1. Những phát kiến của C.Mác – cống hiến vĩ đại cho lịch sử nhân loại
Chủ nghĩa Mác là hệ thống các quan điểm và học thuyết của C.Mác. Ông đã kế thừa biện chứng và phát triển hoàn chỉnh ba trào lưu tư tưởng chủ yếu của thế kỷ XIX, thuộc ba nước tiến tiến nhất trên thế giới: triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học cổ điển Anh và chủ nghĩa xã hội không tưởng Pháp. Có thể khẳng định rằng, C.Mác đã để lại cho nhân loại một di sản lý luận đồ sộ và sâu sắc, trong đó cống hiến nổi bật nhất phải kể đến ba phát kiến vĩ đại sau đây:
Thứ nhất, C.Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, vạch ra quy luật phát triển của xã hội loài người
Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào việc xem xét xã hội, C.Mác đã sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử, xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử qua các thời kì lịch sử. Lịch sử loài người trước hết là lịch sử phát triển sản xuất, lịch sử những phương thức sản xuất kế tiếp nhau, cũng tức là lịch sử của những người sản xuất của cải vật chất, lịch sử của quần chúng nhân dân lao động. Quần chúng nhân dân là động lực phát triển của lịch sử, là đội quân chủ lực của các cuộc cách mạng xã hội thay thế hình thái kinh tế - xã hội cũ, lỗi thời bằng hình thái kinh tế - xã hội mới, tiến bộ hơn. Đảng Cộng sản, chính đảng của giai cấp công nhân, có lý luận tiền phong soi đường, là lực lượng lãnh đạo quần chúng nhân dân làm cách mạng để phá bỏ chế độ áp bức, bóc lột cũ, xây dựng chế độ mới, chế độ cộng sản chủ nghĩa. Lênin đã khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của Các Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”[1].
Thứ hai, C.Mác đã phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư - tìm ra quy luật vận động của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa của xã hội tư bản
Bằng cách vận dụng chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử vào việc nghiên cứu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, học thuyết kinh tế của Mác vạch ra những quy luật kinh tế của xã hội tư bản chủ nghĩa, vạch ra quá trình phát sinh, phát triển và diệt vong của nó.
Phát hiện ra quy luật giá trị thặng dư là phát kiến thứ hai của C.Mác. Theo Mác, giá trị thặng dư là phần giá trị dôi ra ở sản phẩm so với khoản tiền phải chi phí để tạo ra sản phẩm ấy… Phần giá trị dôi ra ấy là sức lao động của công nhân bị chủ tư bản bóc lột. Từ đó, C.Mác chỉ ra bản chất của giai cấp tư sản là bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân để làm giàu. Mâu thuẫn cơ bản của xã hội tư bản là mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất ngày càng xã hội hóa cao với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa đối với tư liệu sản xuất, mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản. Ông đã mang tới một luồng ánh sáng mới, khai sáng được những thắc mắc của các nhà khoa học, các nhà phê bình xã hội chủ nghĩa. Đây là quy luật tiền đề quan trọng để xây dựng một xã hội công bằng tốt đẹp, không có sự bóc lột.
Đánh giá về phát kiến vĩ đại trên của C.Mác, Lênin từng khẳng định: “Học thuyết giá trị thặng dư là viên đá tảng của học thuyết kinh tế của Karl Marx”[2]. Ông đã hoàn thiện học thuyết giá trị lao động và đem lại cho các phạm trù tiền tệ, giá cả, lợi nhuận, lợi tức, địa tô,... một sắc thái mới, chẳng những trong xã hội tư bản, mà trong bất cứ một xã hội nào có sản xuất và trao đổi hàng hoá. Mặc dù ngày nay, chủ nghĩa tư bản với những hình thức biểu hiện mới, song nhiều luận điểm cơ bản của học thuyết giá trị thặng dư của Mác vẫn còn giá trị bền vững giúp chúng ta thấu hiểu bản chất không thay đổi của chủ nghĩa tư bản. Do đó, giai cấp vô sản nhất thiết phải đấu tranh chống giai cấp tư sản và nhất định giai cấp vô sản sẽ chiến thắng, chủ nghĩa xã hội nhất định sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản.
Thứ ba, C.Mác đã xây dựng học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân
Đây là học thuyết mà C.Mác đã cùng với Ph.Ăngghen xây dựng – lý luận Chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là sự kết hợp giữa lý luận và thực tiễn, biến các lý thuyết cách mạng, khoa học thành hành động cách mạng; là những phát kiến khoa học có tác động đến sự phát triển của lịch sử xã hội loài người như: sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản, chiến lược và sách lược cách mạng, cách mạng xã hội chủ nghĩa và chuyên chính vô sản, đường lối và biện pháp xây dựng chế độ cộng sản chủ nghĩa đã được C.Mác kiến giải một cách sâu sắc cùng với những dự báo khoa học về xã hội tương lai. Cũng nhờ có thế giới quan khoa học, chủ nghĩa Mác đã tìm ra quy luật phát triển của xã hội và lực lượng xã hội có thể làm cách mạng xóa bỏ chế độ tư bản và sáng tạo xã hội mới, đó là giai cấp vô sản. C.Mác và Ăngghen chỉ ra cho giai cấp vô sản trước hết phải tự mình vùng lên đánh đổ chế độ tư bản chủ nghĩa. Và trong cuộc đấu tranh đó, giai cấp vô sản phải đoàn kết chung quanh mình tất cả những người lao động. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản phải đi tới lập nên nhà nước chuyên chính vô sản, giai cấp vô sản dùng nó làm công cụ để xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. C.Mác và Ăngghen đã chứng minh tính tất yếu của thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản và nêu ra những đặc điểm cơ bản của chủ nghĩa cộng sản.
Với ba phát kiến vĩ đại đó, C.Mác đã xây dựng thành công hệ thống lý luận thống nhất, hoàn chỉnh mang tên ông – chủ nghĩa Mác, gồm ba bộ phận cấu thành là Triết học Mác-xít, Kinh tế chính trị Mác-xít và Chủ nghĩa xã hội khoa học gắn kết chặt chẽ với nhau. Đó là vũ khí lý luận và tư tưởng sắc bén mà giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới đã tìm thấy ở học thuyết của Mác và vận dụng trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản, hướng tới một tương lai tươi sáng. Như vậy, ba phát kiến vĩ đại cũng là ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác – ánh sáng cách mạng soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới, chấm dứt thời kì mò mẫm tìm đường giải phóng cho mình. Lênin đã từng ca ngợi: “Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ, nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thoả hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của tư sản”[3].
2. Giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác mãi trường tồn trong lịch sử nhân loại và dân tộc Việt Nam
Đối với lịch sử nhân loại, sự ra đời của chủ nghĩa Mác là một bước ngoặt vĩ đại trên con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình.
Chủ nghĩa Mác đã được Lênin kế thừa, bổ sung và phát triển trong thời kì đế quốc chủ nghĩa. Cũng từ đó, chủ nghĩa Mác trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Nhờ ánh sáng soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, mở đầu bằng cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra thời đại các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh để tự giải phóng. Cách mạng giải phóng dân tộc đã trở thành một dòng thác lớn, góp phần làm biến đổi cục diện chính trị thế giới. Các dân tộc thuộc địa đã tìm thấy ở Cách mạng Tháng Mười Nga con đường mới cho sự nghiệp giải phóng, tìm thấy ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa một hậu thuẫn vững chắc cho cuộc đấu tranh giành giữ độc lập dân tộc. Nếu không có vai trò to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin và ảnh hưởng trực tiếp của Cách mạng Tháng Mười Nga thì không có sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong suốt thế kỷ XX, không có sự sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc trong thế kỷ XX, cũng như sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.
Trong thời đại ngày nay, khoa học và công nghệ hiện đại đã và đang phát triển mạnh mẽ, xu thế toàn cầu hóa xã hội đang không ngừng tăng lên. Chủ nghĩa tư bản với những lợi thế về vốn, khoa học, công nghệ và thị trường đã tạo cho nó một bộ mặt mới so với thế kỷ XX. Nhưng bản chất của chủ nghĩa tư bản không thay đổi, vẫn lấy lợi nhuận tối đa làm phương châm sống và hành động. Vì vậy, phong trào công nhân, phong trào xã hội chủ nghĩa và phong trào độc lập dân tộc vẫn tồn tại và đang tìm tòi các phương thức đấu tranh mới để đem đến sự giải phóng toàn diện cho con người và xã hội. Để thực hiện mục tiêu cao cả đó, loài người cần phải có lý luận khoa học và cách mạng soi đường. Lý luận đó chính là chủ nghĩa Mác-Lênin.
Đặc biệt, trong thời kỳ diễn ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu 2008 – 2009 diễn ra ở nhiều quốc gia tư bản phát triển, người ta thấy có nhiều nghiên cứu về những giá trị của chủ nghĩa Mác, của học thuyết kinh tế Mác để tìm nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính và biện pháp đối phó. Phong trào “trở về với Mác”, “tìm đọc Mác” được dấy lên mạnh mẽ ở nhiều nước vốn trước đây luôn có khuynh hướng bài xích chủ nghĩa Mác. Trong các tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác, bộ “Tư bản” vẫn được tìm đọc nhiều nhất, trở thành đầu sách bán chạy, tăng 100 lần so với năm 1990. Bởi, C.Mác là người đã phát hiện ra những quy luật vận động, phát triển của xã hội tư bản. Vì thế, những tiên đoán của C.Mác từ thế kỉ XIX về khủng hoảng trong xã hội tư bản chủ nghĩa (đã diễn ra ở thế kỷ XX (1929-1933) và trong những năm (2008-2009) của thế kỉ XXI), đã và đang thuyết phục nhiều nhà chính trị, các doanh nhân, những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính trở lại tìm đọc và nghiên cứu học thuyết của C.Mác. Cho nên, có thể khẳng định rằng, C.Mác không chỉ là nhà tư tưởng của thế kỷ XX, mà những giá trị tư tưởng của C.Mác còn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn hết sức to lớn trong thế kỷ XXI và sẽ mãi trường tồn.
Đối với dân tộc Việt Nam, có chủ nghĩa Mác-Lênin, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam mới tìm được con đường đi tới độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Nguyễn Ái Quốc - người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã đẩy mạnh việc truyền bá chủ nghĩa cách mạng, khoa học vào trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Từ đó chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc dẫn đường cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trước hết, chủ nghĩa Mác-Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam. Trải qua 94 năm từ khi ra đời đến nay, Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam; lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Tháng Tám - 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam; cũng là thắng lợi đầu tiên của chủ nghĩa Mác-Lênin ở một nước thuộc địa. Tiếp đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày nay, qua 38 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đúc kết những bài học kinh nghiệm, nguyên nhân của những thắng lợi cách mạng, trong các văn kiện quan trọng Đảng ta đều nhấn mạnh vị trí, vai trò không thể thay thế của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[4].
Kỷ niệm 206 năm ngày sinh của C.Mác là dịp để chúng ta tỏ lòng biết ơn và tôn vinh những cống hiến vĩ đại của C.Mác trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới. Nhân dịp này, chúng ta tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, học tập, và nhận thức rõ hơn những đóng góp của C.Mác, những giá trị tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin để luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam; làm rõ những giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác-Lênin, những vấn đề cần bổ sung và phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước và thời đại. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay cần kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch để bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, bảo vệ di sản tư tưởng của C.Mác./.
[1] V.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, t.23, tr.53
[2] V.Lênin: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H.2005, t.23, tr.55
[3] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t.23, tr.50
[4] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H.2021, t.1, tr.109.