Học tập phong cách làm việc của Bác – Cần chuyển biến từ nhận thức đến hành động
17/05/2023 09:29
Học tập phong cách Hồ Chí Minh là học tập phong cách mẫu mực của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp trong tất cả các hoạt động, công tác, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… được thể hiện một cách tự nhiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người...
Học tập phong cách làm việc của Bác – Cần chuyển biến từ nhận thức đến hành động

ThS, GVC. Phạm Thị Như Quỳnh

Trưởng khoa Nhà nước và Pháp luật

Học tập phong cách Hồ Chí Minh là học tập phong cách mẫu mực của người cách mạng, người cán bộ, đảng viên gắn với tư tưởng, đường lối và phương pháp cách mạng. Phong cách Hồ Chí Minh là một chỉnh thể, tạo thành một hệ thống lề lối, cung cách, cách thức, phong thái, phong độ và phẩm cách đã trở thành nền nếp trong tất cả các hoạt động, công tác, học tập, sinh hoạt, ứng xử, diễn đạt… được thể hiện một cách tự nhiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú của Người.

Nghiên cứu phong cách làm việc của Bác bao gồm nhiều nội dung phong phú, trong đó những nội dung chủ yếu là: tác phong quần chúng, tác phong tập thể - dân chủ, tác phong khoa học. Phong cách làm việc của Bác được thể hiện đậm nét và sâu sắc trong cách giải quyết công việc hàng ngày, phong cách ấy vừa mang tính nguyên tắc, tính khoa học cao vừa có tính nhân ái, nhân văn cao đẹp nên không chỉ tác động đến nhận thức mà còn cảm hóa đến trái tim của con người.

Một trong những nét nổi bật trong tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tác phong quần chúng. Trên cương vị là Người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Bác luôn thể hiện ở sự sâu sát quần chúng, tin yêu và tôn trọng con người, chú ý lắng nghe ý kiến và giải quyết những nguyện vọng chính đáng của quần chúng. Sẵn sàng tiếp thu phê bình của quần chúng và sửa chữa khuyết điểm của mình; giáo dục, lãnh đạo quần chúng đồng thời không ngừng học hỏi quần chúng, tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng. Người thường xuyên yêu cầu cán bộ, đảng viên “Từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng” [1] và Người cũng đã nhiều lần phê phán tệ xa rời quần chúng, lên mặt quan cách mạng, không thấy mình là đầy tớ, là học trò của Nhân dân. Mỗi chuyến đi thăm đồng bào, cơ sở, Người đều để lại ấn tượng sâu sắc, gần gũi với Nhân dân, Người gặp gỡ bà con ngay trên đồng ruộng, xắn quần lội xuống nơi bà con đang cấy để thăm hỏi tận tình, trong những chuyến đi công tác xa Bác đề nghị anh em chuẩn bị cơm nắm, Người không muốn tiệc tùng tốn kém tiền của của nhân dân, trong khi đất nước còn nghèo, đời sống Nhân dân còn khó khăn. Người luôn tự nhiên, bình dị và gần gũi với quần chúng; quần chúng đến với Người không chút e ngại, xa lạ, mọi người thoải mái nói ra tâm tư, mong muốn của mình và Người lắng nghe được ý kiến thực sự từ thực tiễn cuộc sống. Người chỉ rõ: “không riêng gì viết sách, viết báo mà công tác gì muốn làm tốt đều phải coi trọng ý kiến của nhân dân” [2].

Tác phong làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở tác phong tập thể - dân chủ. Trong quá trình làm việc Người luôn giữ tác phong làm việc gắn bó với tập thể, tôn trọng tập thể và phát huy sức mạnh của tập thể, luôn tạo ra không khí sôi nổi, hoạt bát, phấn khởi, hăng hái đầy sáng tạo. Người vạch ra tệ không tập thể, không dân chủ trong đội ngũ cán bộ, đảng viên “làm cho nội bộ trong đảng thì âm u”, “uất ức mà tỏ ra oán ghét, chán nản”, cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng xa rời cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh luôn khẳng định chế độ ta “Dân là chủ” và khi dân là chủ thì cách lãnh đạo phải dân chủ, “Thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn” [3].  Người luôn chú ý việc thực hành và phát huy dân chủ trong nội bộ đảng cũng như đối với quần chúng và phát huy tinh thần dân chủ của mọi người và giáo dục cán bộ, đảng viên “Nội bộ phải thật đoàn kết, mọi việc đều phải bàn bạc một cách dân chủ và tập thể. Khi đã quyết định rồi thì phân phối công tác phải rạch ròi, giao cho một hoặc mấy đồng chí phụ trách làm đến nơi, đến chốn” [4].

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng Người luôn thể hiện tác phong khoa học, tác phong đó được thể hiện rõ là đã làm việc phải đi sâu, đi sát, điều tra, nghiên cứu, nắm người, nắm tình hình cụ thể; phải biết quý trọng thời gian, giờ nào việc ấy, biết tôn trọng và phân công công việc cho hợp lý cho từng người trong bộ máy tùy theo năng lực của họ. Nét đặc trưng nhất trong nội dung này của Chủ tịch Hồ Chí Minh là luôn đúng giờ, tiết kiệm thời gian tối đa và phân bổ thời gian để giải quyết công việc một cách hợp lý, khoa học, tôn trọng công việc và tôn trọng con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ khi ra quyết định công tác hay khi định ra cách tổ chức thực hiện, không được ngồi trên bàn giấy, nghe người khác báo cáo rồi về vẽ ra, mà phải sâu sát với thực tế và quần chúng để nắm bắt tình hình thực tiễn, trên cơ sở đó đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với lòng dân và sự phát triển của thực tiễn khách quan; Phong cách làm việc khoa học ở Hồ Chí Minh còn được thể hiện làm việc gì cũng phải có kế hoạch, có mục đích và để vạch kế hoạch một cách thiết thực, khoa học: “Người cán bộ phải xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp phải làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp” [5].

Có thể khẳng định rằng, phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được hội tụ bởi nhiều yếu tố, từ tác phong quần chúng, tập thể dân chủ, tác phong khoa học, đúng giờ, tiết kiệm, phân bổ thời gian hợp lý, có kế hoạch, v.v.. mỗi tác phong phản ánh một khía cạch riêng nhưng nó nằm trong một tổng thể gắn bó chặt chẽ với nhau tạo thành một chuẩn mực về tác phong làm việc khoa học, hiệu quả.

Những chuẩn mực về tác phong đó là những bài học thực tiễn sâu sắc đối với cán bộ, đảng viên khi thực tế vẫn còn không ít cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước làm việc thiếu tích cực, gây bực xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động chung của cơ quan nhà nước, ản hưởng đến tác phong, lề lối, uy tín, hỉnh ảnh của cán bộ, công chức nhà nước, làm giảm hiệu quả, chất lượng xử lý công việc, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp khi cần liên hệ công tác.  Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, học tập phong cách làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa hết sức quan trọng để góp phần đưa đất nước phát triển; học tập phong cách làm việc của Bác đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện trong công việc, cuộc sống hàng ngày một cách sáng tạo để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, giúp cho công tác cải cách hành chính ngày càng hiệu quả và góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tận tụy, hết lòng phục vụ nhân dân và chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính Nhà nước.

Để việc học tập phong cách làm việc khoa học, hiệu quả của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải có quyết tâm cao và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

   1. Cán bộ, đảng viên cần nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong từng công việc cụ thể khi được lãnh đạo phân công để thực hiện. Giải quyết công việc một cách cụ thể, kịp thời, thiết thực, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Khi có công việc được giao, phải tranh thủ thời gian, dồn tâm sức để thực hiện và giải quyết một cách dứt khoát, việc nào xong việc ấy, chủ động sắp xếp để triển khai, không để việc khác chi phối khi đã có kế hoạch làm việc.

 2. Cán bộ, đảng viên cần phải xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng công việc của mình, có lịch làm việc cụ thể hàng tuần, hàng tháng, hàng quý một cách phù hợp để khi triển khai công việc sẽ đảm bảo đúng tiến độ và đạt chất lượng cao. Khi làm xong mỗi công việc, cần tự mình so sánh, rút kinh nghiệm, rút ra những vấn đề được và chưa được, nguyên nhân của vấn đề, để rút kinh nghiệm vận dụng và làm những công việc khác tốt hơn.

3. Khơi dậy và giữ gìn tinh thần, sức mạnh đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tăng cường công tác phối hợp, phát huy trí tuệ tập thể, tạo động lực thúc đẩy hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

4. Cán bộ, đảng viên phải thực sự cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp, dư luận của quần chúng để nhìn lại và suy ngẫm về phong cách làm việc của mình, thấy điều gì hợp lý thì phát huy, điều gì chưa phù hợp thì kiên quyết sửa và phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, có phong cách làm việc khoa học, dân chủ, văn hóa.

Học tập, rèn luyện, sửa đổi lề lối làm việc theo phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu khách quan, nhiệm vụ chính trị, mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt điều đó, sẽ là điều kiện để hoàn thiện chính mình và góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng trong sự nghiệp cách mạng mới/.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb, CTQG, Hà Nội, 2011, tập 5 trang 330

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t 6, tr 16

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t 15, tr 235

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t 12, tr 238

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, sdd, t 5, tr 332