Đóng góp của Liên khu 4 với chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay
07/05/2024 07:37
Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, chiến thắng của lòng yêu nước, tinh thần và trí tuệ Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ, dựa vào sức mình là chính được phát triển ở trình độ cao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điển hình trong việc phát huy cao độ vai trò của hậu phương trong chiến tranh nhân dân.
Đóng góp của Liên khu 4 với chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay

Đại tá, TS. Lê Thanh Bài*

Chiến thắng Điện Biên Phủ là “cột mốc bằng vàng” trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta, chiến thắng của lòng yêu nước, tinh thần và trí tuệ Việt Nam, của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, kháng chiến trường kỳ, dựa vào sức mình là chính được phát triển ở trình độ cao. Chiến thắng Điện Biên Phủ là một điển hình trong việc phát huy cao độ vai trò của hậu phương trong chiến tranh nhân dân.

Hưởng ứng lời kêu gọi: Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để chiến thắng… dốc toàn lực chi viện cho Điện Biên Phủ, của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hậu phương Liên Khu 4 cùng nhân dân cả nước cùng hướng ra mặt trận, nhân dân vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm hăng hái, tự nguyện cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Trước khi bước vào chiến dịch, Trung ương Đảng và Bộ Tổng Tư lệnh giao cho quân và dân Liên khu 4 những nhiệm vụ quan trọng, một trong những nhiệm vụ đó là: tác chiến bảo vệ hậu phương, xây dựng lực lượng và bảo đảm cung cấp mọi nhu cầu phục vụ Chiến dịch Trung Lào và Chiến dịch Điện Biên Phủ[1]. Theo đó, Hà Tĩnh và một phần Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Trung Lào; Thanh Hóa và một phần Nghệ An cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của quân và dân Liên khu 4. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, các cấp ủy Đảng, quân và dân Liên khu 4 đã phát huy tinh thần chủ động, khắc phục mọi khó khăn, tổ chức lực lượng, huy động mọi nguồn nhân lực, vật lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Góp phần vào thắng lợi của chiến dịch, thể hiện trên các nội dung sau:

Củng cố hệ thống giao thông, huy động các loại phương tiện vận chuyển chi viện cho chiến trường

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, có nhiều đèo cao, vực sâu, hệ thống đường giao thông chiến lược gần như chưa có; việc bảo đảm vật chất hậu cần, y tế, kỹ thuật cho chiến dịch rất lớn, trong nhiều ngày, gặp nhiều khó khăn. Để nối liền hậu phương với tiền tuyến, đưa sức mạnh của hậu phương tới mặt trận cần phải củng cố hệ thống giao thông, huy động các loại phương tiện vận chuyển từ hậu phương chi viện cho chiến trường.

Từ nhận định của Tổng Quân ủy: Để tiến hành chiến dịch này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá; nhận thấy tuyến vận tải lên Điện Biên Phủ rất dài (từ Thanh Hóa lên hơn 600km, từ Sơn La lên ngắn nhất cũng 150km), qua nhiều sông suối, địa hình bị chia cắt, rừng núi lại hiểm trở, đường hẹp, quanh co, gồ ghề, nhiều đèo dốc và xấu, thường xuyên bị địch dùng không quân đánh phá, trong khi nhu cầu vật chất chiến dịch chủ yếu phải chuyển từ hậu phương lên; do vậy, hệ thống đường giao thông vận tải từ hậu phương lên Điện Biên Phủ phải được tu sửa, mở mới. Để tăng cường khả năng chi viện quy mô lớn, Liên khu 4 tổ chức “chiến dịch cầu đường”[2] làm các con đường nối liền các tỉnh Liên khu 4 với Liên khu 3, Tây Bắc, bảo đảm cho việc vận chuyển nhân lực, vật lực cho tiền tuyến được nhanh chóng, thuận tiện, kịp thời. Liên khu 4 đã chỉ đạo lực lượng công binh liên khu nổ mìn, phá thác, khai thông đường thủy ngược sông Mã; sửa chữa các tuyến đường bộ Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) đi Mai Châu (Hòa Bình) bảo đảm cho xe ô tô và xe thồ vận chuyển thông suốt; Thanh Hóa đảm nhiệm mở đường, khai thông Đường 41 (nay là Quốc lộ 6) lên Điện Biên; Nghệ An mở Đường 15A từ Đô Lương lên Nghĩa Đàn và ra Tây Thanh Hóa. Vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, dân công hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã hoàn thành vượt mức kế hoạch, nhiều tuyến giao thông quan trọng được nối liền, bảo đảm cho việc vận chuyển nhân lực, vật lực phục vụ cho chiến dịch.

Cùng với tu sửa, làm mới các con đường, Liên khu huy động thanh niên xung phong xây dựng hệ thống kho trạm trên tuyến vận tải tiền phương, sửa chữa cầu đường cho bộ đội và dân công hỏa tuyến ra tuyến trước. Hệ thống giao thông từ hậu phương lên chiến trường hình thành, được ngụy trang, bảo vệ, khắc phục trước các đợt đánh phá bằng hỏa lực không quân địch, bảo đảm tốt cho việc vận chuyển người và hàng hóa. Đường từ các tỉnh Liên khu 4 lên tuyến hậu cần chiến dịch khai thông,theo yêu cầu chiến dịch, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng trăm tấn hàng quân sự tập kết tại các kho chiến dịch được nhân dân tỉnh Thanh Hóa và nhân dân Bắc Nghệ An vận chuyển ngày đêm ra tiền tuyến, phục vụ cho bộ đội chiến đấu.

Vận chuyển với một khối lượng hàng hóa lớn phục vụ chiến dịch, trên những tuyến vận tải dài, có nhiều cung, đoạn đường hiểm trở, lại phải đối phó với các hoạt động đánh phá của địch, có những địa hình xe cơ giới không cơ động được; chính vì vậy, công tác vận tải được Liên khu đặc biệt quan tâm, trong đó trú trọng việc sử dụng các loại phương tiện. Theo chỉ đạo của Trung ương: bằng mọi cách và phải vượt qua khó khăn, đưa sức mạnh ra tiền tuyến. Liên khu 4 đã chủ trương huy động tổng lực các loại phương tiện hiện có của các địa phương.

Tổ chức huy động các phương tiện vận chuyển ở các địa phương nhưng số lượng phương tiện cơ giới rất ít (tính đến cuối năm 1953 toàn Liên khu chỉ có 10 xe ô tô), nên phương tiện huy động được chủ yếu là loại thô sơ. Các loại phương tiện thô sơ huy động có được là xe đạp thồ, xe cút kít, xe ba gác, xe trâu bò, ngựa thồ, thuyền nan, bè mảng, kết hợp dùng sức người để gồng gánh, gùi, địu, đội, mang, vác. Đến cuối năm 1953, toàn Liên khu có 488 xe trâu, bò, 320 xe ba gác, hàng nghìn xe đạp thồ, xe cút kít, 1.415 thuyền, 19 ca nô, cùng hàng trăm thuyền nan, phương tiện ứng dụng (ngựa thồ, xe bò, bè mảng, ván, gồng gánh, mang vác…); đến tháng 1 năm 1954, Thanh Hóa đã huy động được 5.000 xe đạp thồ, Nghệ An có 2.000 dân công xe đạp thồ, cùng với đó là hàng nghìn người được kết tụ lại và trở thành một tập thể tham gia vận chuyển, tất cả các lực lượng được tập hợp trong các tổ chức vận tải[3].

Tổ chức lực lượng vận chuyển, tại Thanh Hoá, các đoàn xe thồ được thành lập và biên chế theo từng huyện, mỗi huyện là một đại đội xe thồ được bổ sung vào đội quân xe đạp thồ hùng hậu phục vụ chiến dịch. Trong quá trình vận chuyển tiếp viện cho chiến trường đã xuất hiện nhiều cá nhân có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nâng cao tải trọng cho xe đạp thồ, chế tác các phương tiện vật dụng hữu ích, tạo ra những kỷ lục, thành tích cao trong vận chuyển hàng hóa tiếp vận, lập nên những huyền thoại trên những cung đường vận chuyển.

Kết hợp chặt chẽ cùng với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương tiện vận tảiđã tạo nên sự đa dạng trong vận chuyển, phát huy thế mạnh của từng loại phương tiện, phù hợp với điều kiện cụ thể vừa hỗ trợ vừa chi viện cho nhau. Vận tải thô sơ và sức người đã hỗ trợ đắc lực, nhất là khi giao thông bị ách tắc và đưa hàng vào những nơi mà ô tô không đến được. Việc vận tải thô sơ, dùng sức người hoàn toàn do dân công đảm nhiệm, đây là bài học quý trong tổ chức huy động, sử dụng dân công vận tải, nét độc đáo trong nghệ thuật vận tải Việt Nam.

Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay đang đặt ra những yêu cầu mới, trước hết, cần quán triệt sâu sắc đường lối quốc phòng toàn dân, nhận thức đầy đủ và đúng đắn vai trò của hậu phương trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó coi trọng xây dựng hệ thống giao thông chiến lược liên hoàn với các địa phương trên các địa bàn trọng điểm; tổ chức xây dựng, làm mới, củng cố, các tuyến đường bảo đảm tính lưỡng dụng cao. Đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các loại phương tiện sẵn có của từng địa phương kể cả của tư nhân, sẵn sàng huy động, trưng dụng theo yêu cầu, đồng thời có sẵn lượng dự trữ nhất định. Thế trận cầu đường được chuẩn bị sẵn trong thời bình góp phần quan trọng trong việc tăng cường khả năng cơ động của các lực lượng khi có chiến tranh xảy ra.

Huy động tối đa nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu của chiến dịch

Đầu 12 năm 1953, Liên khu 4 được giao nhiệm vụ chi viện tối đa nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ. Quán triệt sâu sắc nhiệm vụ và chỉ thị của Bộ Chính trị “Toàn Đảng, toàn dân tập trung chi viện cho tiền tuyến”, các cấp bộ Đảng, quân và dân Liên khu 4 đã phát huy tinh thần chủ động, khắc phục mọi khó khăn, gấp rút chuẩn bị lực lượng và thế trận, dốc toàn lực phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ Trung ương Đảng giao, để công huy động nhân lực, vật lực được tổ chặt chẽ, thống nhất, Liên khu thành lập cung cấp mặt trận ở các tỉnh, ở cấp tỉnh thành lập Hội đồng cung cấp tỉnh.

Được sự chỉ đạo của của Liên khu ủy, trực tiếp là các tỉnh ủy Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, nhân dân các tỉnh đã gấp rút chuẩn bị một lượng lớn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tập kết tại các kho trạm, kịp thời chi viện cho chiến dịch. Nhân dân Thanh Hóa và Nghệ An đã huy động cao nhất nguồn lương thực và một số lượng lớn dân công phục vụ chiến dịch. Tính từ giữa tháng 12 năm 1953 đến tháng 1 năm 1954, Thanh Hóa đã huy động được gần 10.000 dân công; Nghệ An phát lệnh tổng động viên, huy động được 30.000 dân công. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng[4], mọi cấp, mọi ngành, mọi giới đều dồn sức cho Điện Biên Phủ, lực lượng công binh khai thông đường thủy, bộ; trưng dụng các phương tiện vận tải cơ giới bộ, thủy, thô sơ; huy động mọi tầng lớp nhân dân gia nhập dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, công nhân kỹ thuật, quân giới, nhập ngũ phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu.

Dưới sự động viên của Đảng, quân và dân Liên khu 4 đã vượt qua những khó khăn thử thách để huy động tối đa nhân lực, vật lực cho chiến dịch, hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm quân sự được huy động từ khắp các địa phương được tập kết tại các kho trạm sau đó được chuyển ra chiến trường. Khi chiến dịch diễn ra và gần đến ngày thắng lợi, lượng vật chất tiêu thụ nhiều hơn, nhu cầu bảo đảm ngày càng cao, để đáp ứng yêu cầu cấp bách từ chiến trường đòi hỏi thực hiện việc huy động đến mức cao nhất số lương thực, thực phẩm còn dự trữ, còn phân tán trong dân. Để có đủ số lượng lương thực, thực phẩm kịp phục vụ chiến trường, quân và dân Liên Khu 4 mở cuộc vận động “dốc bồ, đổ thúng”[5], hoàn thành chỉ tiêu huy động và vận chuyển toàn bộ số lượng lương thực, thực phẩm, hàng hóa ra mặt trận, làm thỏa mãn nhu cầu chiến dịch. Liên khu đã huy động gần 53 nghìn người (cả bộ đội và dân công), 2.217 xe đạp thồ, 342 xe cút kít, 1.048 thuyền vận tải lớn, nhỏ vận chuyển hơn 8 nghìn tấn lương thực, 2 nghìn tấn thực phẩm khô cho hướng chiến dịch Điện Biên Phủ; kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân Liên Khu 4 đã huy động 10.000 tấn lương thực, 2.147 tấn thực phẩm, 751 con trâu, bò, trên 2.000 thuyền, mảng, vận chuyển phục vụ chiến dịch 30.339 tấn hàng, 12.436 tấn đạn dược, 1.083 tấn xăng dầu[6].

Cùng với huy động lực lượng dân công, đáp ứng nhu cầu vận chuyển cho chiến trường, Liên khu 4 đã phát huy vai trò cung cấp lực lượng cho các đơn vị quân đội, kịp thời bổ sung cho mặt trận. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng, sẵn sàng động viên của Bộ Tổng Tư lệnh. Bộ Tư lệnh Liên khu 4 đã khẩn trương chỉ đạo các tỉnh trong Liên khu, trong đó chú trọng các tỉnh thuộc vùng tự do Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đẩy mạnh công tác tổ chức động viên lực lượng bổ sung kịp thời cho tiền tuyến, đồng thời củng cố, kiện toàn bộ đội địa phương, phát triển dân quân du kích, có lực lượng dự bị hùng hậu, sẵn sàng tổng động viên khi có lệnh. Chỉ trong một thời gian ngắn ba tỉnh Thanh - Nghệ -Tĩnh đã động viên được gần 9.400 tân binh, cùng với đó tuyển 1.833 tân binh để phát triển bộ đội chủ lực của Liên khu[7]. Để tăng cường quân số cho chiến dịch, trong 4 tháng đầu năm 1954, Liên khu 4 đã bàn giao cho Bộ trên 14.550 tân binh; trước đó, Trung đoàn 53 (chủ lực của Liên khu), Tiểu đoàn 362 bộ đội địa phương tỉnh Nghệ An được bàn giao cho Bộ Tư lệnh chiến dịch.

Kết quả động viên lực lượng đã kịp thời bổ sung cho tiền tuyến những đơn vị với chất lượng cao đồng thời có đủ lực lượng để xây dựng lại đơn vị mới và làm lực lượng dự bị sẵn sàng lên đường khi có lệnh. Đóng góp của quân và dân Liên khu 4 đa góp phần to lớn vào thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ. Để có được kết quả trên là quả quá trình quân và dân Liên khu 4 kiên trì thực hiện đường lối “kháng chiến, kiến quốc”, xây dựng và bảo vệ hậu phương vững mạnh. Đảng bộ, chính quyền Liên khu tập trung xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đủ sức lãnh đạo cuộc kháng chiến trên địa bàn; xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân làm nòng cốt cho thế trận toàn dân đánh giặc, bảo vệ vững chắc hậu phương, chi viện cho chiến trường; là quá trình xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân để nhân dân ngày càng có nhiều đóng góp cho kháng chiến mà chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng điển hình, đã để lại những bài học cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định:Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng và phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân; xây dựng và củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hoá, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại. Cụ thể hoá và thực hiện có hiệu quả quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong các vùng, miền, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch cụ thể”[8].

Trước hết, phải xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc, đây là thành tố cơ bản, quan trọng nhất, chi phối các tiềm lực khác của của nền quốc phòng toàn dân. Để xây dựng tiềm lực quan trọng này cần phải kế thừa những giá trị trong lịch sử, đồng thời có sự vận dụng phù hợp và phát triển trong điều kiện mới. Đó là phát huy các giá trị lòng yêu nước, ý chí giữ vững độc lập tự do,.. Trong đó, trọng tâm là xây dựng lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tin vào sự thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Qua đó, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, cùng góp sức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Để xây dựng được lòng tin ở nhân dân, cần phải tập trung xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Thường xuyên chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, mang thành quả của sự nghiệp đổi mới tới mọi tầng lớp nhân dân. Thực hiện nghiêm chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; phát hiện, giải quyết kịp thời mâu thuẫn nội bộ, không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động trở thành vấn đề phức tạp. Phát huy dân chủ rộng rãi, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch và âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội,… củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Hai là, xây dựng tiềm lực kinh tế vững mạnh để tăng cường vật chất cho nền quốc phòng toàn dân. Cốt lõi là đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo huy động mọi khả năng của nền kinh tế quốc dân cho xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, đáp ứng trong trường hợp phải xử lý quốc phòng trong thời bình hoặc khi có chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây là việc làm đòi hỏi sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương và của toàn dân, phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài, toàn diện.

Để tăng cường sức mạnh vật chất cho nền quốc phòng toàn dân, cần phải chú trọng phát triển kinh tế cả về bề rộng và chiều sâu, nhất là phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn. Bảo đảm mỗi bước phát triển kinh tế là bước tăng cường tiềm lực vật chất cho nền quốc phòng. Do đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của từng ngành, từng địa phương. Chú trọng đầu tư xây dựng các ngành công nghiệp theo hướng lưỡng dụng, có hàm lượng công nghệ cao,… được bố trí hợp lý trên các vùng, miền vừa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, kịp thời phục vụ quốc phòng khi cần thiết. Đẩy mạnh việc quy hoạch, xây dựng các khu, cụm công nghiệp chế tạo, chế biến, các vùng chăn nuôi và trồng cây chuyên canh,… cũng như phát huy tiềm năng thế mạnh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, sẵn sàng, đủ sức chuyển nền kinh tế quốc dân sang bảo đảm cho nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu khi có chiến tranh xảy ra.

Đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng các vùng căn cứ hậu phương chiến lược gắn với các hướng phòng thủ chiến lược; nghiên cứu, vận hành cơ chế chuyển hóa tiềm lực của nền kinh tế thành thực lực phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và tác chiến trong chiến tranh hiện đại.

Ba là, Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc cần có một nền quốc phòng hiện đại, xây dựng tiềm lực khoa học - công nghệ cho nền quốc phòng là yêu cầu cấp thiết, cần được đặt trong chiến lược tổng thể phát triển khoa học – công nghệ của đất nước. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước những thách thức mới khi các nước đang chạy đua vũ trang, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào chế tạo vũ khí, phương tiện chiến tranh. Do vậy, chú trọng nghiên cứu, phát triển toàn diện cả về khoa học quân sự, khoa học - công nghệ quân sự,… khoa học xã hội và nhân văn quân sự, tạo nền tảng cho nền khoa học - công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng.

Quá trình thực hiện, cần đẩy mạnh xây dựng các cơ sở nghiên cứu cùng đội ngũ các nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng hoặc liên quan đến hoạt động quốc phòng, theo hướng tự chủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật – công nghệ quân sự theo hướng phục vụ kịp thời và có hiệu quả những yêu cầu về bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng theo hướng có thể sản xuất, chế tạo nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội: chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến đánh bại kẻ thù có vũ khí công nghệ cao. Thực hiện tốt công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện chiến tranh hiện đại, địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, áp dụng vào huấn luyện thực tế, sẵn sàng vận dụng vào chiến tranh bảo vệ khi Tổ quốc bị tấn công.

Bốn là, tiềm lực quân sự là nhân tố cốt lõi của tiềm lực quốc phòng. Do đó, cần bảo đảm tính toàn diện, vững chắc, có chiều sâu ngay từ thời bình; nhanh chóng, kịp thời chuyển hóa thành thực lực quốc phòng trong mọi tình huống. Để có tiềm lực quân sự hùng mạnh, phải tập trung làm tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cùng với xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, cần coi trọng công tác xây dựng, huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp, làm nòng cốt thực hiện công tác quốc phòng, quân sự, an ninh tại cơ sở. Xây dựng lực lượng dự bị động viên thực sự hùng hậu và ngày càng có chất lượng cao trên từng khu vực, địa bàn và cả nước; sẵn sàng mở rộng, phát triển khi có tình huống.

Năm là, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại cũng là bước tạo tiềm lực cho nền quốc phòng toàn dân. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng đã từng bước lãnh đạo đất nước phá thế bao vây cấm vận từ bên ngoài; giải quyết tốt mối quan hệ giữa đối tượng và đối tác; chuyển hóa tính chất, nâng cấp mối quan hệ với một số nước thành quan hệ đối tác, đối tác toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện; hình thành thế trận ngoại giao vững chắc, bao gồm: đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng; giải quyết các tranh chấp, bất đồng, mâu thuẫn với các nước trong khu vực bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đã giúp chúng ta tăng cường, làm sâu sắc quan hệ với các đối tác quan trọng, nhất là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện và bạn bè truyền thống, qua đó bảo đảm được môi trường hòa bình, ổn định. Đồng thời, phát huy được vai trò trong các tổ chức, diễn đàn đa phương nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam là điều kiện để tăng cường quan hệ hợp tác, tạo ra sự đan xen lợi ích giữa ta với các đối tác, góp phần vào việc bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định cũng như chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Qua hợp tác, hội nhập quốc tế đã nâng cao tiềm lực quốc phòng, cũng như an ninh quốc gia của Việt Nam, góp phần giảm thiểu các nguy cơ và tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, trong xây dựng tiềm lực cho nền quốc phòng toàn dân, nền văn hóa bảo vệ Tổ quốc đóng vai trò hết sức quan trọng. Đây chính là nguồn lực nội sinh để phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh. Văn hóa bảo vệ Tổ quốc là sự hòa quyện, kết tụ giữa truyền thống và hiện đại, ngày càng được nâng cao, phát triển, sáng tạo không ngừng của các yếu tố: truyền thống yêu nước, tự lực tự cường, anh dũng bất khuất, quyết chiến quyết thắng; sự đoàn kết thống nhất ý chí, hành động của toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 Để phát huy sức mạnh tổng hợp của nền văn hóa dân tộc nói chung và giá trị văn hóa bảo vệ Tổ quốc, chúng ta cần tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vinh dự, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc trong nhân dân. Thông qua việc giáo dục đã tạo ra bước phát triển mới về phẩm chất nhân cách của mỗi người, phát huy vai trò động lực của văn hóa trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đồng thời phải xây dựng môi trường văn hóa xã hội lành mạnh trong các cộng đồng dân cư, chống lại được các âm mưu thủ đoạn phá hoại nền văn hóa dân tộc, tấn công ta trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa với trọng điểm là gieo rắc quan điểm chính trị, tư tưởng, lối sống tư sản, chủ nghĩa cá nhân cực đoan nhằm bảo vệ các giá trị tốt đẹp trong nền văn hóa dân tộc, chống lại âm mưu xóa bỏ bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy sức mạnh đấu tranh tiềm tàng trong nhân dân.

Bài học từ phát huy vai trò hậu phương Liên khu 4 trong chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo đảm có đủ sức mạnh cần thiết để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Quán triệt và thấu suốt tư duy mới của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, cần thấu triệt những yếu tố căn bản tạo nên tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân. Đó là tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học công nghệ, tiềm lực quân sự, là vai trò của đối ngoại, của văn hóa; kết hợp chặt chẽ và linh hoạt hợp tác với đấu tranh trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội; nhằm đảm bảo sự ổn định từ “bên trong” và đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược dưới mọi hình thức của các thế lực thù địch từ “bên ngoài”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, trong mọi tình huống.

Trong tình hình mới, xây dựng lực lượng vũ trang là nội dung cốt lõi trong xây dựng tiềm lực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng lực lượng bộ đội chủ lực phải gắn chặt với xây dựng lực lượng dự bị động viên được triển khai ngay từ đầu. Tiếp tục đổi mới toàn diện, đồng bộ từ phương thức, nội dung đến giải pháp thực hiện, bảo đảm cho lực lượng thường trực và lực lượng dự bị mạnh và hùng hậu luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu cao.

Hậu phương vững mạnh làm chỗ dựa, nguồn chi viện sức người, sức của cho kháng chiến; cổ vũ tinh thần chiến đấu cho tiền tuyến đánh giặc. Hậu phương vững chắc sẽ tăng cường thêm tiềm lực quân sự, tiềm lực hậu cần, bảo đảm cho các lực lượng tham gia phục vụ và trực tiếp chiến đấu có đủ sức mạnh đánh thắng mọi kẻ thù



* Phó Viện trưởng-Viện Lịch sử quân sự/Bộ Tổng Tham mưu.

[1] Bộ Quốc phòng - Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Quân khu 4 (1945-2015), tập 1, Thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.349.

[2] Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử quân sự Nghệ An, tập 1 (1930-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.187.

[3] Lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân Liên khu 4 (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.515.

[4] Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An, Lịch sử quân sự Nghệ An, tập 1 (1930-1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.199.

[5] Đảng ủy Quân khu 4, Lịch sử Đảng bộ Quân khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.310.

[6] Đảng ủy Quân khu 4, Lịch sử Đảng bộ Quân khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, tr.311.

[7] Bộ Quốc phòng-Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Lịch sử Quân khu 4 (1945-2015), tập 1, Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2015, tr.342.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG, Hà Nội 2021, tr.157