Độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, phương châm sống và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh
01/08/2020 07:26
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người tiên phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hộ, giải phóng con người. Người đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc lập của Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là nguồn cảm hứng bất tận cho các thê hệ mai sau học tập, noi theo hết lòng phụng sự Tổ quốc.
GS, TS. MẠCH QUANG THẮNG
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Sự dấn thân vì đại nghĩa
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời tâm huyết để lại cho hậu thế, trong đó có những đoạn Người tổng kết lại cuộc đời của mình: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa(1).
Sống là để phục vụ, để cống hiến, để dấn thân vào con đường gian lao nhằm giành và bảo vệ độc lập cho Tổ quốc, xây đắp tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là phương châm sống và hành động trong suốt cuộc đời Hồ Chí Minh. Chẳng thế mà khi hoạt động tại Pháp, một hôm, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp mời Hồ Chí Minh (lúc đó lấy tên là Nguyễn Ái Quốc) đến gặp tại Bộ Thuộc địa. Vị Bộ trưởng này lúc thì đe dọa, lúc lại ra vẻ ôn tồn khuyên Người từ bỏ hoạt động chống ách thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Người trả lời: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập… Kính ngài ở lại. Tôi xin phép về”(2). Hai tháng trước khi qua đời, trả lời nữ phóng viên báo Gran-ma (Cu-ba) Mác-ta Rô-hát, Hồ Chí Minh nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”(3). Người tâm sự với nữ nhà báo này rằng: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”(4). Người còn nói rằng, những khi “phải ẩn nấp nơi núi non, ra vào chốn tù tội” cũng là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Tháng 1-1946, trả lời các nhà báo nước ngoài về chức vụ Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(5). Trong Di chúc, Người viết “điều mong muốn cuối cùng” trước lúc đi xa là “toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(6). Một nước Việt Nam độc lập, nhân dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc luôn là tâm niệm canh cánh đến tận cuối đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Viết tiểu sử của Hồ Chí Minh không dễ vì còn nhiều tư liệu chúng ta chưa sưu tầm được; hơn nữa, Người ít khi giãi bày về cuộc đời mình. Trong cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, tác giả Trần Dân Tiên nói rõ: “Tôi cũng nhận rằng trong quyển này còn thiếu nhiều đoạn. Trong đời hoạt động của Hồ Chủ tịch những đoạn ấy phải chăng là rất quan trọng? Tôi không thể biết, đồng thời tôi cũng nghĩ rằng: ngoài Hồ Chủ tịch, thì không ai có thể trả lời được câu hỏi đó”(7).
Đúng là rất có thể thiếu nhiều đoạn về tiểu sử Hồ Chí Minh, nhưng chắc chắn rằng, chúng ta biết việc Người chối từ con đường “Đông Du” do cụ Phan Bội Châu dẫn dắt. “Cụ Phan Bội Châu muốn đưa anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng anh không đi”(8). Hồ Chí Minh bỏ học giữa chừng ở Trường Quốc học Huế để vào Nam tìm đường ra nước ngoài, mà nếu học tiếp lên, có thể Người sẽ trở thành một công chức hoặc quan lại của chế độ thuộc địa - phong kiến. Năm 1938, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh thôi làm nghiên cứu sinh sau khi đã hoàn thành chương trình năm thứ nhất và nhận đề tài luận án tiến sĩ sử học. Người không chọn con đường trở thành cán bộ giảng dạy của Quốc tế Cộng sản mà xin trở về nước. Trước lời đề nghị của ông “vua đầu bếp” người Pháp rất giàu có là Ét-cốp-phi-e (người đang điều khiển nhà bếp của khách sạn Các-lơ-tơn ở Thủ đô Luân Đôn, vương quốc Anh), nơi Nguyễn Ái Quốc đang làm bồi bàn: “Ông bạn trẻ tôi ơi, anh nghe tôi... Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền. Anh bằng lòng chứ?”(9), thì Nguyễn Ái Quốc đã lịch sự từ chối lời đề nghị này, bởi mục đích của Người không phải để kiếm tiền, mà là đi tìm con đường cứu nước đúng đắn nhằm giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau này, trong tác phẩm Đường cách mệnh (năm 1927), in những bài giảng ở các lớp huấn luyện thanh niên Việt Nam yêu nước của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Nguyễn Ái Quốc ghi lên trang đầu tiên 23 điều quy định về Tư cách một người cách mệnh, trong đó có điều “Tự mình phải: Ít lòng ham muốn về vật chất”(10).
Hồ Chí Minh có tư chất thông minh, ham học, nhưng Người không màng danh lợi, mà dấn thân vào bước đường gian nan nhằm cứu nước, cứu dân. Trên hành trình ấy, Người đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ cả về vật chất lẫn tinh thần: bị án tử hình vắng mặt do Tòa án Nam Triều tuyên năm 1929; bị tù lần thứ nhất bởi chính quyền thực dân Anh ở Hồng Công (từ tháng 6-1931 đến tháng 1-1933); bị tù lần thứ hai bởi chính quyền Trung Hoa Dân quốc (từ tháng 8-1942 đến tháng 9-1943) ở Quảng Tây (Trung Quốc).
Hồ Chí Minh không màng sự giàu có về vật chất hay quyền cao chức trọng mà “Người chỉ có một ham muốn tột bậc” là làm sao cho nước nhà được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hưởng hạnh phúc, tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Năm 1922, báo La Dépêche Coloniale có nhiều bài viết phản ứng, phê bình gay gắt về những bài báo do Nguyễn Ái Quốc viết nhằm tố cáo chủ nghĩa thực dân. Báo này cho rằng, Nguyễn Ái Quốc là người đầy tham vọng cá nhân, chẳng có sứ mệnh nào do nhân dân Việt Nam giao phó. Lúc này, Nguyễn Thế Truyền, một trí thức Việt Nam yêu nước ở Pháp trong bài “Un bolsévick jaune” đăng trên báo Le Paria, số 9, ngày 1-12-1922, đã viết: “Anh Nguyễn đầy tham vọng ư? Đúng. Nhưng anh Nguyễn tham vọng cái gì? Tham vọng giải phóng anh em của anh bị rơi vào vòng bóc lột hết sức dã man. Có tham vọng nào cao quý hơn thế không?... Ngực anh không có huân chương. Túi anh không có ngân phiếu chính phủ. Nhưng anh mang nguyện vọng của một dân tộc bị áp bức”(11). “Nguyễn Ái Quốc có tham vọng giải phóng đồng bào thoát khỏi cùm kẹp của thực dân Pháp, đem lại tự do, hạnh phúc cho dân Việt Nam… Nguyễn Ái Quốc không được chính quyền Đông Dương ủy nhiệm bày tỏ ý kiến trên báo Le Paria. Nhưng tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc phản ánh khát vọng của dân Việt Nam muốn được cơm no áo ấm, được tự do, không bị áp bức. Tiếng nói của Nguyễn Ái Quốc là tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Vậy, các ông ở báo La Dépêche Coloniale hãy im mồm đi, đừng vu khống”(12). Tháng 1-1946, trả lời các nhà báo khi mới giữ chức Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh nói: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui thì tôi rất vui lòng lui… Riêng phần tôi thì làm một cái nhà nho nhỏ, nơi có non xanh, nước biếc để câu cá, trồng hoa, sớm chiều làm bạn với các cụ già hái củi, em trẻ chăn trâu, không dính líu gì tới vòng danh lợi”(13). Ở vị trí nguyên thủ quốc gia và Chủ tịch Đảng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng tới cội nguồn và cách thức cấu tạo quyền lực của đất nước: Tất cả mọi quyền lực và quyền lực tối cao đều thuộc về nhân dân. Người đưa ra và thực hành quan điểm: Đảng từ trong xã hội mà ra chứ không phải từ trên trời sa xuống, phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho đồng bào sung sướng; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển không phải vì mục đích tự thân mà là vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Cả cuộc đời Hồ Chí Minh đầy nỗi vất vả, gian khổ, lo toan vì dân, vì nước. Người mồ côi mẹ lúc 10 tuổi; ra nước ngoài tìm con đường cứu nước mà trong túi không có một xu, phải đem sức vóc thư sinh nai lưng làm những công việc nặng nhọc kiếm tiền để sống và hoạt động. Người nhiều lần phải ra vào chốn tù tội: “Gầy đen như quỷ đói/Ghẻ lở mọc đầy thân”, răng rụng mất mấy chiếc, mắt mờ, bị lao phổi. Cuộc đời của Hồ Chí Minh trải qua nhiều sóng gió, hiểm nguy, song điều đáng nói nhất ở đây là Người chủ động vượt qua, tích cực tôi rèn trong sóng gió để trưởng thành. Cả cuộc đời Người chỉ hướng tới cái đích là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc cả về cả vật chất và tinh thần. Cũng vì thế, chúng ta thấy ở Hồ Chí Minh một tấm lòng quả cảm, sự quyết tâm vô cùng tận, tấm lòng bao dung, vị tha, một đại nghĩa phi thường, một trí lực dồi dào, một nhân cách đặc biệt cao đẹp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam; người khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; người sáng lập lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và sáng lập Mặt trận dân tộc thống nhất; là chiến sĩ kiên cường của Quốc tế Cộng sản, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc… Có bấy nhiêu vị thế và công trạng, thế nhưng trên ngực áo Người không có lấy một tấm huân chương.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc còn đang dang dở, đất nước vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, chia cắt hai miền Nam - Bắc. Người đã để lại một sự nghiệp, tư tưởng vĩ đại mà Đảng Cộng sản Việt Nam lấy đó cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động.
Học tập Hồ Chí Minh trước hết là học tập tinh thần kiên quyết bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, thiêng liêng, bất khả xâm phạm: độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Học tập Hồ Chí Minh chính là đưa chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” vào trong cuộc sống, hiện thực hóa thành những mục tiêu phát triển tương ứng với mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn phát triển của đất nước cùng quyết tâm chính trị cao nhất. Một nước Việt Nam hùng cường, phồn thịnh, phát triển cả về vật chất lẫn văn hóa - tinh thần là điều căn bản, bảo đảm vững chắc cho nền độc lập của nước nhà. Hơn một lần, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(14). Người còn nhấn mạnh thêm: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(15). Đó chính là tư duy biện chứng mác-xít của nhà cách mạng, nhà văn hóa Hồ Chí Minh. Muốn thế, những chỉ số về tăng trưởng, phát triển con người,… phải được tăng nhanh và bền vững; đời sống văn hóa - tinh thần, đạo đức của xã hội phải được nâng cao. Tất cả những điều đó là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc được trường tồn, phấn đấu đến năm 2045, thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam sẽ sánh vai với các cường quốc năm châu như mong ước của Bác Hồ, không ngừng củng cố lòng tin của nhân dân đối với chế độ xã hội chủ nghĩa, đây chính là tài sản lớn nhất của một đảng chính trị cầm quyền. Mất lòng tin là mất tất cả. Vì vậy, “cầm vàng - niềm tin chớ để vàng rơi” phải trở thành tư duy và hành động của Đảng, của tất cả đảng viên, đặc biệt là đối với những cán bộ cấp chiến lược.
Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức học tập Hồ Chí Minh là học cái tinh thần không ham công danh, phú quý, không sa vào chủ nghĩa cá nhân; chỉ có ham học, ham làm, ham tiến bộ, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”(16); học cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì độc lập cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, do Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn đọc tại Lễ truy điệu Người, ngày 9-9-1969 nhấn mạnh: “Từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, HỒ CHỦ TỊCH đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ… Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”(17). Đại thi hào Nguyễn Du viết trong Truyện Kiều: “Thác là thể phách, còn là tinh anh”. Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách ngời sáng và cao đẹp của Hồ Chí Minh còn mãi với thời gian để các thế hệ người Việt Nam yêu nước noi theo./.
-----------------------------
(1), (3), (4), (6), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 615, 674, 674, 624
(2) T. Lan: Vừa đi đường vừa kể chuyện, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 26
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 187
(7), (8), (9) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr. 10, 15, 37
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr. 280
(11) Đặng Hòa: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh: Một nhân cách lớn, http://tiasang.com.vn/-dien-dan/nguyen-ai-quoc-ho-chi-minh-mot-nhan-cach-lon-124, ngày 5-9-2007
(12) Ngô Đăng Lợi: Nguyễn Thế Truyền - một nhà trí thức đáng kính, Tạp chí Xưa và Nay, số 312, tháng 7 - 2008, tr. 19
(13), (14), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 187, 264, 175
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr. 50
Nguồn: Theo Tạp Chí Cộng sản