Cuộc chiến với đại dịch Covid-19, những sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc nhìn từ những nguyên lý của tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"
04/05/2020 10:23
Cách đây hơn 170 năm, tác phẩm quan trọng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. Vào thời điểm đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ là bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa tư bản...
Cuộc chiến với đại dịch Covid-19, những sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dưới góc nhìn từ những nguyên lý của tác phẩm

     Cách đây hơn 170 năm, tác phẩm quan trọng Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản do C.Mác và Ph.Ăngghen soạn thảo được công bố trước toàn thế giới. Vào thời điểm đó, “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” không chỉ là bản cáo trạng đanh thép đối với chủ nghĩa tư bản, mà còn là cương lĩnh cách mạng đầu tiên của giai cấp vô sản thế giới, là ngọn đuốc soi đường cho giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức vùng lên đấu tranh phá bỏ xiềng xích và mọi sự áp bức, bất công trong xã hội tư bản.

    C.Mác và P.Ăng-ghen đã chỉ rõ: “Những người cộng sản chỉ khác với các đảng vô sản khác trên hai điểm: một là, trong các cuộc đấu tranh của những người vô sản thuộc các dân tộc khác nhau, họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản; hai là, trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đấu tranh giữa vô sản và tư sản, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào.”1

     Để thực hiện lý tưởng mục tiêu đó, từ khi ra đời cho đến nay “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, phong trào cộng sản và công nhân thế giới đã trải qua những thử thách lớn lao trên con đường hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

     Vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp những nguyên lý nền tảng của Tuyên ngôn Đảng cộng sản, nhất là về vị trí, vai trò của Đảng, của giai cấp công nhân... vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, huy động được mọi nguồn lực, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Trong suốt quá trình cách mạng, mục đích cao cả của Đảng ta đặt ra hoàn toàn phù hợp với tư tưởng cơ bản, tinh thần chủ đạo của Tuyên ngôn, đó là giải phóng toàn thể xã hội khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

     Tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn Đảng cộng sản được vận dụng vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực kinh tế, chính trị và xây dựng Đảng. Về kinh tế, Đảng luôn luôn quán triệt tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn Đảng cộng sản là: “Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Vận dụng quan điểm đó, Đảng ta xác định, xây dựng CNXH ở Việt Nam trước hết và trung tâm là xây dựng, phát triển kinh tế. Tăng trưởng kinh tế đồng thời với phát triển xã hội, văn hóa, giáo dục, vì mục tiêu phát triển con người, mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Về chính trị, xuất phát từ các giá trị lý luận về nhà nước và pháp luật trong Tuyên ngôn Đảng cộng sản và các giá trị phổ quát của nhân loại về xây dựng nhà nước pháp quyền, Đảng chủ trương tiếp tục xây dựng và từng bước hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân… Thống nhất giữa lợi ích giai cấp và lợi ích của toàn thể dân tộc là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu lý tưởng của Đảng, đồng thời đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của toàn thể nhân dân, của cả dân tộc.

     Hiện nay đại dịch COVID-19 đang tàn phá hầu khắp các nước trên toàn thế giới, hàng triệu người nhiễm bệnh, hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Mỗi nước trên thế giới đều có cách ứng phó khác nhau, tuy đại dịch vẫn chưa kết thúc nhưng những gì Đảng và Chính phủ Việt Nam chỉ đạo ứng phó với đại dịch thời gian qua đã thể hiện được bản chất cách mạng cũng như sự vận dụng sáng tạo, linh hoạt những nội dung cơ bản trong “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” nói riêng và những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác- Lênin nói chung, đúng như C.Mác và P.Ăng-ghen đã chỉ rõ “họ đặt lên hàng đầu và bảo vệ những lợi ích không phụ thuộc vào dân tộc và chung cho toàn thể giai cấp vô sản”, họ luôn luôn đại biểu cho lợi ích của toàn bộ phong trào.”.

    Về phương diện ngoại giao, mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở trong nước nhưng với truyền thống nhân ái, tương trợ, Việt Nam đã có những hỗ trợ tích cực, kịp thời dành cho các nước trong khu vực và trên thế giới trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh toàn cầu, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam đã tặng hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước; tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm; tặng Myanmar 50.000 USD để cùng chung sức phòng, chống COVID-19; dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo để chia sẻ phần nào khó khăn mà đất nước Cuba anh em đang ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong tình thế dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi tặng Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm: máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Trên tinh thần đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, hỗ trợ lẫn nhau khi gặp khó khăn, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình, giúp đỡ Chính phủ các nước Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nga… phòng, chống dịch COVID-19.

     Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại trường ĐH New South Wales (Úc), nhận định Việt Nam đã nhanh chóng đánh dấu vị thế trên lĩnh vực ngoại giao trong đại dịch Covid-19. "Đại dịch COVID-19 đã giúp Việt Nam tăng cường quyền lực mềm bằng những cử chỉ hào phóng với cộng đồng quốc tế" - trích lời ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ).

     Về phương diện kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh, quyết liệt và phù hợp với tình hình. Thứ nhất, Chính phủ đã đưa ra gói tín dụng 250 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng. Mục đích của gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ là để giảm thuế hoặc giãn thời gian trả thuế. Và tương tự như gói 250 nghìn tỷ, gói hỗ trợ này cũng ít khả năng gây lạm phát, góp phần giúp các doanh nghiệp duy trình tính thanh khoản trong tài chính của họ. Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước (SBV) hạ lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Thứ ba, Bộ Tài chính cũng đề xuất một số công cụ kinh tế liên quan đến miễn giảm và gia hạn thuế và phí.

     GS.TS. Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Friedrich Naumann for Freedom (FNF) tại Việt Nam nhận định: Có thể tin tưởng rằng Việt Nam sẽ trở nên mạnh mẽ hơn sau những biến động kinh tế nhờ vào các gói hỗ trợ. Và dường như, chính sách chống khủng hoảng của Việt Nam có thể đóng vai trò là hình mẫu cho những quốc gia khác trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.

     Về chính sách xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đây là cơ sở cho việc rà soát, hỗ trợ hơn 20 triệu đối tượng với số tiền 62 nghìn tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

     The Nation, tạp chí hàng đầu của Mỹ, vừa đăng bài viết đánh giá "Việt Nam có lẽ là quốc gia ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiệu quả nhất thế giới" và thành công của Việt Nam sẽ đem lại nhiều bài học cho các quốc gia khác Trang tin “Mùa Xuân nước Nga” (Rusvesna) ngày 19/4 đăng bài viết có tiêu đề "Phép màu Việt Nam - cách một dân tộc dũng cảm đánh bại đại dịch khủng khiếp," trong đó khẳng định Việt Nam là một trong những ví dụ thành công nhất trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Tác giả bài viết cho rằng thành công của Việt Nam được thể hiện rõ nhất là sự vào cuộc rất sớm của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam.

     Mặc dù, đại dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Nhưng với kinh nghiệm của quá trình 90 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam của Đảng ta, một chính Đảng luôn vận dụng sáng tạo tinh thần và nguyên lý cơ bản “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản”, lấy Chủ nghĩa Mác- Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam trong hành động, luôn lấy dân làm gốc, mọi lợi ích đều vì nhân dân, chúng ta quyết tâm thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh,” “Mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, mỗi địa phương cần bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, chủ động và phối hợp chặt chẽ hơn nữa để thực hiện các công việc phòng, chống dịch.”; và nhất định Việt Nam sẽ chiến thắng trong cuộc chiến cam go này.

 

 

Tài liệu tham khảo:

1.   Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, Nxb CTQG ST, HN-2011, T98

2.   Lời kêu gọi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, ngày 30/3/2020

3.   Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ.

 

 

NCS. Dương Thanh Bình - Phó Hiệu Trưởng; TS. Lê Thu Hường - Trưởng phòng QLĐT&NCKH