Trường Chính trị tỉnh Nghệ An tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
20/11/2023 11:29
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội;...
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

ThS. Vương Quang Minh

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

Trường Chính trị tỉnh Nghệ An có chức năng, nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức, viên chức ở địa phương về lý luận chính trị - hành chính; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về một số lĩnh vực khác; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ nói trên, đội ngũ giảng viên có vai trò quan trọng, then chốt, là nhân tố trực tiếp nhất tác động đến chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Hiện nay, đội ngũ giảng viên của nhà trường cơ bản được đào tạo chính quy, chuyên sâu các chuyên ngành chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối cách mạng của Đảng, xây dựng Đảng… với gần 100% giảng viên đạt trình độ sau đại học. Đội ngũ giảng viên được trang bị kiến thức về nghiệp vụ sư phạm, có nhận thức sâu sắc về chủ nghĩa Mác - Lênin, về những vấn đề chính trị - xã hội, có lập trường tư tưởng vững vàng đã và đang đảm nhiệm hầu hết các chương trình đào tạo, bồi dưỡng của Trường.

Trong thời gian qua, nhận thức được vai trò nhiệm vụ quan trọng của nhà trường, Đảng ủy và Ban Giám hiệu  đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai quán triệt sâu, rộng, nghiêm túc việc đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, đó là:

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý. Căn cứ vào khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp được quy định tại Quy định số 89- QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Ban chấp hành Trung ương về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, theo đó các nội dung đào tạo, bồi dưỡng cần thiết kế phù hợp; đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng các chức danh của cán bộ các cấp, đặc biệt chú trọng các nội dung về lý luận chính trị, tư tưởng lập trường, phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nội dung chương trình bồi dưỡng bảo đảm cập nhật kiến thức mới và kỹ năng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức danh đối với từng loại đối tượng ở từng vị trí công tác; phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng lĩnh vực, địa phương, vùng, miền; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của cán bộ, góp phần nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ.

Đổi mới mạnh mẽ phương pháp từ “dạy”, truyền thụ một chiều sang hướng dẫn, huấn luyện cán bộ; chuyển người học từ nghe và tiếp thu thụ động, một chiều sang tự học, tự nghiên cứu; người dạy chủ yếu là định hướng, hướng dẫn, trao đổi thông tin, kinh nghiệm, thảo luận để tìm ra biện pháp giải quyết tối ưu một vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này đòi hỏi người dạy và người học phải được trang bị phương pháp giảng dạy và học tập tích cực, có khả năng ứng dụng và sử dụng thành thạo công nghệ thông tin, phương tiện giảng dạy - học tập hiện đại.

 Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chuyển đổi mạnh quá trình đào tạo, bồi dưỡng, áp dụng nhuần nhuyễn, linh hoạt các hình thức dạy họctừ trực tiếp sang trực tuyến, từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.... Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến là phương pháp để giải quyết khó khăn  trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, hoặc các trường hợp bất khả kháng khác. Việc áp dụng các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến cho cán bộ góp phần nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng.

 Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học viên, lấy người học làm trung tâm, người học tham gia tích cực vào quá trình đào tạo; giúp học viên tiếp tục tự học, bổ sung, mở rộng và nâng cao kiến thức, rèn luyện về phương pháp tư duy, khả năng vận dụng giải quyết tình huống thực tiễn nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với học viên một cách nhanh chóng, dễ hiểu, dễ vận dụng nhất.

Với kết quả nêu trên, trong 10 năm qua, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã góp phần tích cực trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020" đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, đến nay Nghệ An vẫn chưa đạt mục tiêu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc; chất lượng giáo dục, đào tạo chưa đồng đều; khoa học - công nghệ , đổi mới sáng tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có mặt còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản của yếu kém này là do việc tuyên truyền, quán triệt, học tập và tổ chức thực hiện Nghị quyết trong một số lĩnh vực chưa hiệu quả; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng; chất lượng của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ, trong đó có Trường Chính trị tỉnh Nghệ An.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An tương xứng với vị trí, vai trò, tầm quan trọng, xứng đáng là quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; ngày 18/7/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với chức năng, nhiệm vụ chính trị của nhà trường, để nội dung Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách sinh động, hiệu quả; Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 39-NQ/TW.

Cùng với việc thường xuyên cập nhật chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; ngay sau khi Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được ban hành; Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã yêu cầu toàn thể đội ngũ giảng viên cập nhật, tự nghiên cứu trước khi Trung ương tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt vào ngày 16/8/2023 tại tỉnh Nghệ An. Với trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị và nghiệp vụ của mình, đội ngũ giảng viên của trường đã chủ động nắm bắt nội dung của Nghị quyết 39-NQ/TW, nghiên cứu chuyên sâu để tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo động lực hành động trong toàn thể đội ngũ học viên mà trường đang đang đào tạo, bồi dưỡng.

Để thực hiện tốt chức năng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng niềm tin, thống nhất hành động trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW, đội ngũ viên chức, nhất là đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, có chiều sâu và nắm vững từng nội dung chi tiết của Nghị quyết số 39-NQ/TW. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết; Đảng ủy, Ban Giám hiệu; lãnh đạo các khoa, phòng và mỗi cán bộ, giảng viên tự xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với chuyên môn để vận dụng linh hoạt, sáng tạo, khéo léo, hiệu quả trong bài giảng để đáp ứng yêu cầu trước mắt là công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức, tạo vững niềm tin, nhất trí hành động cho đội ngũ học viên trong toàn tỉnh mà nhà trường đang đào tạo, bồi dưỡng về mục tiêu đến năm 2030 Nghệ An là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh và bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về mọi mặt.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung dào tạo, bồi dưỡng theo hướng bổ sung, cập nhật văn bản mới về chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; mặt khác, những nội dung kiến thức nào trong giáo trình nếu không còn phù hợp, đã lạc hậu hoặc bị trùng lắp giữa các bộ môn thì cần loại bỏ nhưng vẫn phải đảm bảo tính hệ thống trong giảng dạy.

Trước mắt, về mục tiêu đến năm 2030 Nghệ AN là tỉnh phát triển khá của cả nước, kinh tế phát triển nhanh, bền vững; mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam và xứ Nghệ; là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ về mọi mặt.

Trên cơ sở giáo trình cốt lõi của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, đội ngũ giảng viên tiếp tục thực hiện rà soát, bổ sung, cập nhật, liên hệ thực tiễn phong phú, phù hợp với tình hình của tỉnh, nghiên cứu để làm sáng rõ, cụ thể hóa nội dung của Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vào trong mỗi bài giảng. Từ nội dung của mỗi bộ môn, giảng viên lựa chọn dung lượng nội dung phù hợp để liên hệ, vận dụng sáng tạo làm cho người học nhận thức đầy đủ, sâu sắc và có động lực thôi thúc thực hiện thành công Nghị quyết số 39 -NQ/TW. Điển hình như một số bộ môn Triết học Mác-Lênin, Kinh tế chính trị; Xây dựng Đảng, Nhà nước pháp luật; Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng và phát triển địa phương…trong quá trình giảng dạy, giảng viên có thể liên hệ, làm rõ về quan điểm trong Nghị quyết số 39-NQ/TW “Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển cơ cấu kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế cửa khẩu, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn… Lấy con người làm trung tâm, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và xứ Nghệ là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh cho phát triển”.

Thứ ba, đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo quan điểm “lấy người học làm trung tâm”. Để làm được điều này, trước hết đội ngũ giảng viên phải không ngừng nâng cao về trình độ chuyên môn; về lý luận chính trị và đặc biệt là sử dụng thành tạo, nhuần nhuyễn tổ hợp các phương pháp dạy học tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị. Người giảng viên đóng vai trò là người dẫn dắt, hướng dẫn, gợi mở giúp học viên tự tìm tòi, tạo hứng thú để học viên tự nhận thức, tự liên hệ thực tiễn một cách tích cực, chủ động.

Với vai trò là người dẫn dắt, điều khiển quá trình dạy học, giảng viên phải sử dụng thành thạo các phương pháp dạy học tích cực, ứng dụng tốt công nghệ thông tin…để làm sao đưa học viên vào vùng “khao khát nhận thức”, phải khơi gợi để mỗi học viên tâm huyết tìm tòi kiến thức một cách tự giác, tự nguyện; giảng viên, học viên đều hứng thú cao, say mê, khát khao nhận thức, mong muốn vận dụng ngay vào thực tiễn công việc…khắc phục được biểu hiện uể oải, căng thẳng trong học tập của học viên thì việc đổi mới phương pháp của giảng viên mới thành công, từ đó góp phần phát triển Nghệ An thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển.

Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đạt được mục tiêu làm cho người học sâu sắc về mặt lý luận, tinh thông, thạo việc trong thực thi công vụ. Tăng cường các mối quan hệ phối hợp để giải quyết nhanh, hiệu quả công việc được giao. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ học viên của trường phải thực sự chuyển mình, nắm vững, chính xác và sâu sắc về mặt lý luận chính trị, cập nhật thường xuyên về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; đồng thời thành thạo về mặt kỹ năng, nghiệp vụ công tác; thực hiện tốt đạo đức trong thực thi công vụ; ứng xử, giao tiếp văn hóa cao trong mối quan hệ với đồng nghiệp, với nhân dân. Đặc biệt là trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; nâng cao năng lực hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Trên đây là một số nội dung, giải pháp mang tính định hướng để đội ngũ giảng viên tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đảng ủy, Ban Giám hiệu; Công đoàn và toàn thể viên chức, người lao động nêu cao tính đoàn kết, tập trung, dân chủ, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ; văn minh trong ứng xử sư phạm, xây dựng, gìn giữ, bồi dưỡng nhân cách để luôn giữ vững uy tín, niềm tin của người cán bộ trường Đảng, xứng đáng với truyền thống hơn 77 năm Trường Chính trị tỉnh Nghệ An góp phần cùng hệ thống chính trị và nhân dân tỉnh nhà thực hiện thành công Nghị quyết số 39-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.