Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay
17/05/2024 02:21
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, việc làm thường xuyên và có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong mọi thời kỳ lịch sử. Nhất là trong giai đoạn hiện nay,...
Vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay

ThS. Vương Quang Minh

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là nội dung cơ bản, việc làm thường xuyên và có ý nghĩa sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng trong mọi thời kỳ lịch sử. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều chuyển biến khó lường, công cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội lại càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn bao giờ hết, đặc biệt tỉnh Nghệ An là cái nôi của cách mạng và quê hương của Bác Hồ kính yêu. Trong bối cảnh đó, cần quán triệt sâu sắc những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng để tìm ra được lời giải đúng đắn nhất.

1. Quan điểm của Hồ Chí Minh về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Thứ nhất, khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin” và “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không còn con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sáclơ Phuốcniô ngày 15-7-1969, Hồ Chí Minh khẳng định, cách mạng Việt Nam giành được nhiều thắng lợi to lớn là do nhiều nhân tố, nhưng “trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác -Lênin”. Người coi V.I.Lênin là “ngôi sao chỉ đường tiến tới sự nghiệp giải phóng vĩ đại của nhân dân bị áp bức”[2].     

Nhận thức rõ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặt ra yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập lý luận Mác – Lênin để nắm vững và vận dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng, từ đó đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người chỉ rõ: “Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu” bởi “Có học tập lý luận Mác-Lênin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình”[3].       

Thứ hai, đấu tranh không khoan nhượng với những tư tưởng phi mácxít để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lê nin.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đấu tranh bảo vệ những giá trị cốt lõi, bền vững của chủ nghĩa Mác – Lênin, học thuyết được Người ví như “là cái “cẩm nang” thần kỳ, không những là cái kim chỉ nam, mà còn là mặt trời soi sáng con đường chúng ta đi tới thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”[4]. Người coi đấu tranh chống các tư tưởng phi mác xít là sự tất yếu trong quá trình tạo dựng sự thống nhất cao về tư tưởng, lý luận trong Đảng, làm nền tảng tư tưởng để giữ vững bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong lãnh đạo của Đảng.

Trên cơ sở hiểu đúng giá trị vĩ đại của Lênin, Nguyễn Ái Quốc đã tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và trong Quốc tế III để “tiến công mạnh mẽ những kẻ chống lại Lênin và Quốc tế thứ ba”, Người “không chỉ tranh luận trong chi bộ”, mà còn đi đến các chi bộ khác để đặt câu hỏi:“Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”[5]. Bởi vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã coi ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội ngang bằng với cuộc đấu tranh chống những kẻ thù lớn của cách mạng, và đây là “... những cuộc chiến đấu lâu dài và gian khổ mà các đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin trên thế giới đã trải qua nhằm chống lại chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa cơ hội”[6].

Trước sự trỗi dậy của những phần tử tờrốtxkít - xu hướng và lực lượng phản cách mạng mang nhiều biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa dân túy, công khai chống phá nền tảng tư tưởng, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, từ tháng 6/1939, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết hàng loạt bài đăng trên Notre Voix (Tiếng nói của chúng ta) với bút danh P.C.LIN và LIN để lên án những hoạt động của phái tờrốtxkít ở Trung Quốc và chỉ rõ: “Bọn tờrốtxkít không chỉ là kẻ thù của chủ nghĩa cộng sản, mà còn là kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ. Đó là bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất”[7]. Trong tài liệu “Những chỉ thị tôi nhớ và truyền đạt”, và đề nghị: “Đối với bọn tờrốtxkít, không thể có thỏa hiệp nào, một nhượng bộ nào. Phải dùng mọi cách để lột mặt nạ chúng làm tay sai cho chủ nghĩa phát xít, phải tiêu diệt chúng về chính trị”[8]

Ba là, kiên quyết phê phán bệnh giáo điều, tả khuynh, hữu khuynh và rập khuôn, máy móc

Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà lý luận, nhưng lại là một nhà lý luận thực hành. Chính vì vậy, khi vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện của nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu phải vận dụng sáng tạo, không rập khuôn, máy móc bởi …Chỉ có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của nước mình thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa đến thành công”[9].

Do đó, Người yêu cầu “phải cụ thể hóa chủ nghĩa Mác - Lênin cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh từng lúc và từng nơi”[10]. Người chỉ rõ những sai lầm có thể mắc phải trong nhận thức và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin cũng như trong chỉ đạo thực tiễn. Với tư tưởng hữu khuynh và tả khuynh, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chúng ta chống lại sai lầm tả khuynh và hữu khuynh, vì nó trái với điều kiện lịch sử”[11] “Tả” khuynh thì sẽ bị cô lập, sẽ xa rời nhân dân ta và nhân dân thế giới và sẽ thất bại. Hữu khuynh thì bi quan tiêu cực, nhân nhượng vô nguyên tắc. Không tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, làm nhụt tinh thần phấn đấu của nhân dân. Quên tác phong gian khổ; chỉ mong muốn một đời sống yên ổn dễ dàng”. Và Người kết luận, “Khuynh hướng “tả” cũng như hữu đều là sai lầm, đều sẽ bị địch lợi dụng, đều có hại cho ta mà lợi cho địch”[12].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn lấy thực tiễn của đất nước là điểm xuất phát cho mọi chủ trương, đường lối, không nên “nghe người ta nói giai cấp đấu tranh, mình cũng ra khẩu hiệu giai cấp đấu tranh, mà không xét hoàn cảnh nước mình như thế nào để làm cho đúng”[13]. Trong lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa, Người lưu ý cần kết hợp với việc học hỏi kinh nghiệm các nước, nhưng không máy móc, giáo điều, bởi vì “Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác”[14]. Để từ đó “định ra được những đường lối, phương châm, bước đi cụ thể của cách mạng xã hội chủ nghĩa thích hợp với tình hình nước ta”.

Hồ Chí Minh hiểu rất rõ những tàn tích lỗi thời của xã hội cũ còn sót lại mà nếu không được “cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, lâu dài” thì bước vào thời kỳ mới của cách mạng nó sẽ biến thành một lực lượng có sức ỳ rất lớn, níu kéo thậm chí phá hoại sự nghiệp cách mạng. Những biểu hiện của các loại tư tưởng đó bao gồm tư tưởng giáo điều, thực dụng, bảo thủ…Người luôn nhắc nhở: “Cán bộ phải đi sát thực tế, thường xuyên đấu tranh chống tư tưởng lạc hậu và bảo thủ, phát huy tư tưởng tiên tiến”[15].

Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, không đơn thuần chỉ là việc làm theo những chỉ dẫn của chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phải vận dụng một cách sáng tạo hệ thống lý luận đó vào từng hoàn cảnh cụ thể. Đồng thời yêu cầu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là thuộc lòng câu chữ một cách máy móc mà là “học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn”[16].

2. Công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay

Thời gian gần đây, ở nước ta các thế lực thù địch ngày càng ráo riết đẩy mạnh chiến lược “diễn biến hoà bình” với cường độ ngày càng cao và thủ đoạn ngày càng tinh vi, hiểm độc, trong đó tỉnh Nghệ An là một trong những địa bàn trọng điểm chống phá quyết liệt của chúng. Trước tình hình đó, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX đã chỉ rõ: “Thường xuyên đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch”.

Ngay sau khi Nghị quyết số 35 NQ-TW “về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” (gọi tắt là Nghị quyết 35), Tỉnh ủy Nghệ An đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu thành lập và thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh, kiện toàn nhóm chuyên gia, tổ thư ký, cộng tác viên cấp tỉnh. Đồng thời thành lập và duy trì hoạt động 3 tổ chuyên gia chuyên sâu bao quát toàn diện các lĩnh vực để kịp thời nắm bắt những vấn đề bức xúc mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; nắm bắt tình hình, xử lý tốt những vấn đề phát sinh về tư tưởng, định hướng dư luận xã hội tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội; chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo 35 cấp tỉnh cấp đã kịp thời tham mưu tỉnh ủy tăng cường công tác nắm bắt, định hướng dư luận xã hội; tuyên truyền, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; âm mưu, thủ đoạn thổi phồng những sơ hở, yếu kém của Đảng, Nhà nước ta nhằm kích động tâm lý bất mãn, chống đối, chia rẽ nội bộ trong Đảng, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Qua quá trình thực hiện đã tạo được sự chuyển biến tích cực và nhận thức ngày càng sâu sắc hơn của các cấp ủy Đảng, các ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh chống âm mưu, hoạt động “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch; xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững quan điểm, lập trường, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, đoàn kết thống nhất ý chí và hành động nhằm bảo vệ tốt an ninh chính trị, trật tự xã hội. Thường trực Ban Chỉ đạo 35 tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, của Tỉnh ủy.

Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy với các cơ quan như Ban Nội chính Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Tòa án tỉnh, Ban Chỉ đạo thông tin đối ngoại tỉnh, Ban chỉ đạo về Nhân quyền tỉnh, Ban Chỉ đạo biển Đông và Hải đảo tỉnh luôn kịp thời, hiệu quả, góp phần hiệu quả trong việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Hệ thống Ban Chỉ đạo 35 từ cấp tỉnh đến cấp huyện, ngành ngày càng hoạt động có hiệu quả; công tác phối hợp ngày càng nhịp nhàng, trở thành lực lượng chủ công, nhanh nhạy xử lý các tình huống phát sinh; tránh để kẻ xấu lợi dụng chống phá, kịp thời theo dõi, xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, tung tin xuyên tạc, bịa đặt trên địa bàn, góp phần ổn định trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Đề án số 11-ĐA/TU ngày 22/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Nâng cao hiệu quả chỉ đạo, định hướng và xử lý thông tin báo chí trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2021 - 2025”, 86 cơ quan báo chí trong tỉnh đã tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, nâng cao cảnh giác đấu tranh với các loại tội phạm trên không gian mạng, nhất là với các thông tin xấu độc trên internet, tin giả trên mạng xã hội để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn toàn tỉnh. Kịp thời cung cấp thông tin chính thống cho quần chúng nhân dân, đập tan những thông tin sai trái, thù địch. Bên cạnh đó, thường xuyên thông tin những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

Để vận dụng quan điểm Hồ Chí Minh trong công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch có hiệu quả hơn trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thiết nghĩ cần chú trọng một số nội dung sau:

 Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc quán triệt sâu sắc tầm quan trọng của công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu mà Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, kế hoạch công tác của Ban chỉ đạo 35 các cấp đã đề ra, nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị vừa cấp bách, vừa thường xuyên và lâu dài, không chỉ là công việc của các cơ quan đảng, Nhà nước mà là của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh. Khẳng định vững chắc quan điểm có tính nguyên tắc, mang ý nghĩa sống còn của Đảng ta, đó là: kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, đặc biệt coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả. Đa dạng hóa nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở nhiều cấp độ, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực và từng địa bàn và với mỗi tầng lớp nhân dân. Cùng với việc nhận diện rõ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, cần kết hợp đấu tranh trực diện và gián tiếp để phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là mạng xã hội theo kịch bản chặt chẽ, tổ chức chiến dịch truyền thông thống nhất, đa dạng, rộng rãi, có sự phối hợp đồng bộ của nhiều lực lượng để tăng tính hiệu quả và sức lan tỏa.

Thứ ba, tập trung tăng cường các giải pháp công nghệ, kỹ thuật để phát hiện sớm, ngăn chặn tận “gốc” nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch, ngăn chặn các trang mạng độc hại. Đồng thời, xây dựng mới các trang mạng, báo chí có nội dung đấu tranh của ta bám sát thực tiễn, tuyên truyền sâu rộng với lập luận sắc bén, “chắc tay”, thuyết phục về các thành tựu phát triển của đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các định hướng, nhiệm vụ chính trị, và thành những thành tựu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, của địa phương, nhất là Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, từng bước giành thế chủ động, làm chủ thế trận tiến công về thông tin tư tưởng, lý luận trên không gian mạng.

Thứ tư, gắn kết chặt chẽ yêu cầu bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch với hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng, lý luận cho cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh. Đặc biệt, xây dựng các đề án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, định hướng lý tưởng, niềm tin cho học sinh, sinh viên trong toàn tỉnh, từ đó hình thành nhân sinh quan cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực phân biệt đúng - sai, khả năng miễn nhiễm trước các thông tin xấu, độc.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh giáo dục truyền thống văn hóa cách mạng, truyền thống Xô Viết anh hùng; đồng thời tăng cường tìm kiếm, nhân rộng những mô hình hay, những cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, những tấm gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, đấu tranh; khen thưởng những cá nhân có thành tích xuất sắc trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên địa bàn tỉnh; nhất là chú trọng các điển hình đồng bào tôn giáo, đồng bào các dân tộc.

Thực tiễn cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng đấu tranh để bảo vệ tính cách mạng và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời Người cũng đã đề ra những luận điểm cơ bản mang tính chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh tư tưởng trong Đảng chống những tư tưởng phản diện, phi mác xít bằng nhiều hoạt động khác nhau. Tinh thần đấu tranh đó cho thấy bản lĩnh kiên định, vững vàng của Người. Sự kiên định về lập trường tư tưởng cũng chính là ngọn lửa thử vàng, là nguyên tắc tối cao của cán bộ, đảng viên ở Nghệ An hiện nay trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Nếu không có bản lĩnh ấy, chúng ta rất dễ bị lung lay bởi sự xuyên tạc, công kích của các thế lực thù địch./.



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, Tập 12, tr.30.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 2, tr.224.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.611.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 12, tr.563.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,Tập 15, tr.585.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.66.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.154.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 3, tr.167.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,Tập 15, tr.391.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr.95

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 7, tr.129.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 8, tr.554.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 5, tr.312.

[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 10, tr.391.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 12, tr.14.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, Tập 11, tr. 611.