Trường Chính trị tỉnh Nghệ An xây dựng Chương trình Bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở giai đoạn 2019 - 2025 theo Đề án số 18-ĐA/TU ngày 17/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ
22/05/2020 11:41
Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, trong đó,“đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, trải qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp góp phần
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An xây dựng Chương trình Bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt  cấp cơ sở giai đoạn 2019 - 2025 theo Đề án số 18-ĐA/TU ngày 17/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ

    ThS. Phan Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng

     Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, trong đó,“đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là công việc gốc của Đảng”. Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác, trải qua gần 75 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực cũng như sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

     Nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Trường về công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn mới cũng như tầm quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp cơ sở trong việc triển khai thực hiện thành công đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước. Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã chủ trì Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 18 ngày 17/5/2019 về “Xây dựng chương trình bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở giai đoạn 2019-2025”. Đề án đã phân công trách nhiệm cho Trường Chính trị tỉnh: “Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể cấp tỉnh xây dựng chương trình bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở”.

     Xác định đây là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng góp phần vào sự thành công của việc thực hiện Đề án, bởi vậy Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Đề án.

     Để tiến hành việc xây dựng chương trình, Hiệu trưởng nhà trường đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo và các tổ “Xây dựng nội dung chương trình bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở giai đoạn 2019-2025”. Ban Chỉ đạo do đồng chí Hiệu trưởng làm Trưởng ban phụ trách chung; các đồng chí Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác đào tạo, bồi dưỡng và Phó Hiệu trưởng phụ trách công tác nghiên cứu khoa học làm Phó Trưởng ban đồng thời trực tiếp chỉ đạo các tổ xây dựng chương trình; Ủy viên là các đồng chí Trưởng các khoa chuyên môn đồng thời là Tổ trưởng các tổ xây dựng chương trình theo chuyên môn các khối chương trình của Đảng, Chính quyền, MTTQ và đoàn thể nhân dân; Trưởng phòng Quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học là Ủy viên kiêm Thư ký. Các tổ xây dựng nội dung chương trình được chia làm 03 tổ gồm:

     - Tổ xây dựng chương trình khối Đảng (Chương trình Bồi dưỡng Bí thư, phó Bí thư Đảng ủy cấp xã) do đồng chí Trưởng khoa xây dựng Đảng làm tổ trưởng.

     - Tổ xây dựng chương trình khối Chính quyền (Chương trình Bồi dưỡng Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND cấp xã) do đồng chí Trưởng khoa Nhà nước và pháp luật làm tổ trưởng.

     - Tổ xây dựng chương trình khối MTTQ và ĐTND, Hội Cựu chiến binh (Chương trình Bồi dưỡng Chủ tịch, phó Chủ tịch: Mặt trận tổ quốc, Hội Nông dân, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Bí thư Đoàn thanh niên cấp xã) do đồng chí Trưởng khoa Dân vận (trước đây) làm tổ trưởng (sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy chuyển giao cho đồng chí Trưởng khoa Xây dựng Đảng làm tổ trưởng). Ở các tổ xây dựng chương trình các giảng viên, giảng viên chính có kinh nghiệm giảng dạy theo từng lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành là thành viên tham gia.


Đ/c ThS.GVC. Phan Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Lễ Bế mạc lớp Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện năm 2019

     Ban chỉ đạo đã quán triệt các bước tiến hành, phân công giảng viên biên soạn chuyên đề và một số vấn đề có tính nguyên tắc của việc xây dựng chương trình đó là: Các thành viên của ban chỉ đạo, của tổ biên soạn nghiên cứu nắm vững nội dung của Đề án 18 đặc biệt nắm vững mục tiêu, yêu cầu cũng đã đặt ra tại Đề án để có phương châm đúng, tư duy chuẩn để chỉ đạo và biên soạn chương trình. Yêu cầu cụ thể mà Đề án đặt ra cho việc biên soạn chương trình đó là:

     - Xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng đảm bảo cập nhật kiến thức mới phù hợp với từng chức danh, vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn đặt ra, góp phần nâng cao nhận thức, rèn luyện kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở;

     - Nội dung chương trình bao gồm các khối kiến thức về lý luận, nghiệp vụ, kỹ năng và thực tiễn công tác cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở;

     - Các khối kiến thức được thiết kế cân đối giữa lý thuyết và thực hành kỹ năng; Xây dựng chương trình có phần mở để phù hợp với các đối tượng và cập nhật kiến thức mới, thực tiễn công tác của đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở.

     Trên cơ sở nắm vững những yêu cầu cụ thể đặt ra như vậy, Ban chỉ đạo đã ra Quyết định phân công từng chuyên đề cụ thể theo phần phụ lục chương trình của Đề án cho các thành viên các tổ để chịu trách nhiệm thực hiện việc biên soạn. Ban chỉ đạo cũng đã đặt ra các nguyên tắc khi biên soạn chương trình là:

     - Bám vào tên các chuyên đề, thời lượng chương trình đã được phê duyệt tại Đề án để biên soạn nội dung chuyên đề, tuân thủ các yêu cầu cụ thể mà Đề án đặt ra như ở trên;

     - Nghiên cứu, tham khảo các chương trình đã được các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ở Trung ương ban hành để đưa vào biên soạn chương trình gắn với đối tượng, tình hình đặc điểm và thực tiễn đời sống chính trị, xã hội của địa phương tỉnh Nghệ An.

     - Đảm bảo tính chính trị, tính định hướng, tính cập nhật, tính thực tiễn và cụ thể trong từng nội dung chuyên đề gắn với từng đối tượng bồi dưỡng.

     - Việc biên soạn hoàn thành phải đảm bảo thực hiện tuần tự theo các bước: Xây dựng dự thảo đề cương; Góp ý nghiệm thu phê duyệt đề cương; Biên soạn chuyên đề; Góp ý dự thảo chuyên đề; Nghiệm thu nội bộ từng chuyên đề và từng chương trình; Lấy ý kiến góp ý của các ngành liên quan đến từng chương trình và tiếp thu hoàn chỉnh chương trình; Trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chương trình; Biên tập hoàn chỉnh in ấn đưa vào giảng dạy.

     Trên cơ sở nắm vững các yêu cầu cụ thể của Đề án và nguyên tắc đặt ra như vậy các thành viên biên soạn chương trình đã tiến hành thu tập tài liệu, số liệu thực tế liên quan của cả nước và địa phương một cách công phu, kỹ lưỡng để tiến hành thực hiện việc biên soạn đề cương cũng như nội dung từng chuyên đề của tài liệu.

     Việc nghiệm thu đề cương cũng như nội dung của từng chuyên đề, từng tập tài liệu đã được các thành viên Hội đồng khoa học cũng như Hội đồng nghiệm thu đề cương, tài liệu của Trường đã góp ý hoàn chỉnh nghiệm thu nội bộ nghiêm túc theo nguyên tắc, quy trình đặt ra. Tiếp đến Trường Chính trị đã gửi tập tài liệu đến các đơn vị cấp tỉnh liên quan như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Tỉnh Đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ lấy ý kiến góp ý. Về cơ bản các đơn vị đồng tình nhất trí và đánh giá cao các tài liệu do Trường biên soạn và có một số góp ý đã được Trường tiếp thu hoàn thiện. Sau đó các tập tài liệu đã được gửi cho cơ quan có thẩm quyền để thẩm định, phê duyệt theo yêu cầu đặt ra trong Đề án 18. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thẩm định tài liệu khối Đảng, MTTQ và khối Đoàn thể (06 tài liệu); Sở Nội vụ thẩm định chương trình khối Chính quyền (02 tài liệu).

     Đến nay cơ bản các chương trình đã được thẩm định, trong đó có 02 chương trình được hoàn thành sớm và đưa vào giảng dạy trong năm 2019 đó là: Chương trình Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND cấp xã. Như vậy đến thời điểm này có thể nói nhiệm vụ quan trọng của Đề án giao cho Trường Chính trị là “Biên soạn chương trình” cơ bản đã được hoàn thành để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tiếp theo là đưa vào giảng dạy ở các lớp bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp cơ sở của tỉnh nhà trong thời gian tới.

     Có thể khẳng định rằng: Với sự nổ lực cố gắng, khẩn trương, kịp thời, đầy trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, giảng viên, viên chức Trường Chính trị tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án 18 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là tiền đề quan trọng bước đầu để thực hiện thành công Đề án góp phần xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025./.