Vận dụng bài học về xây dựng Mặt trận tư tưởng – văn hóa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn hiện nay
01/09/2022 07:20
Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là Đảng ta đã xây dựng được Mặt trận tư tưởng – văn hóa từ đó làm tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng trong một mặt trận thống nhất, tạo sức mạnh to lớn cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đối với thực tiễn hiện nay...
Vận dụng bài học về xây dựng Mặt trận tư tưởng – văn hóa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 vào thực tiễn hiện nay

ThS. Ngô Thị Vân

GVC. Khoa Xây dựng Đảng

 Một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đó là Đảng ta đã xây dựng được Mặt trận tư tưởng – văn hóa từ đó làm tốt công tác vận động, tập hợp quần chúng trong một mặt trận thống nhất, tạo sức mạnh to lớn cho cuộc Tổng khởi nghĩa đã trở thành yếu tố hết sức quan trọng, góp phần tạo nên sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đối với thực tiễn hiện nay.

1. Xây dựng mặt trận tư tưởng – văn hóa trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 - nhân tố đặc biệt quan trọng của chiến lược tập hợp lực lượng cách mạng đoàn kết chống đế quốc và phong kiến tay sai

Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc, các thế hệ cha ông ta đã phát huy được tinh thần yêu nước, đoàn kết đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia vào phong trào chống giặc ngoại xâm và đã làm nên sức mạnh vô địch chiến thắng nhiều kẻ thù to lớn. Để phát huy được tinh thần yêu nước, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân cần phải có sách lược tuyên truyền vận động, tổ chức với những khẩu hiệu, những mục tiêu, lý tưởng phù hợp thuyết phục và lôi cuốn mọi tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia. Lịch sử từng ghi nhận,  Lý Thường Kiệt đã sử dụng danh nghĩa thần linh hộ quốc, cho người nấp vào đền thiêng ngâm bài thơ “Nam quốc sơn hà” trên bờ sông Như Nguyệt trước giờ phút xuất binh, để cổ vũ tinh thần ba quân tướng sĩ, làm tiêu tan ý chí và tinh thần của kẻ địch; Trần Hưng Đạo thảo Hịch tướng sĩ  thúc giục toàn dân, toàn quân quyết đánh thắng giặc Nguyên Mông; Lê Lợi, Nguyễn Trãi với huyền thoại kiếm báu và hai chữ "Thuận Thiên", danh xưng "Lê Lợi vi quân - Nguyễn Trãi vi thần" và sau này là bài Đại cáo Bình Ngô như lời sấm vang rền bốn cõi giang sơn Đại Việt khiến cả đế chế xâm lược phương Bắc phải bạt vía kinh hồn; Quang Trung-Nguyễn Huệ kêu gọi tướng sĩ “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”, đập tan quân Thanh xâm lược. Những cách thức động viên tinh thần sâu sắc, phong phú của ông cha ta đã tạo được sự đồng tâm, nhất trí của toàn dân tộc, làm nên những chiến công hiển hách tô thắm lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam ta.

Năm 1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phát huy truyền thống hào hùng của lịch sử dân tộc, vận dụng những bài học của ông cha, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, giác ngộ quần chúng, tập hợp các lực lượng yêu nước tham gia cách mạng bằng nhiều hình thức thích hợp, coi đây là nhân tố hàng đầu tạo nên sức mạnh đấu tranh, sức chiến đấu trường kỳ và niềm tin vững chắc của các tầng lớp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhờ đó, Đảng ta đã tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân, phát huy được truyền thống yêu nước để thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng trong từng thời kỳ.

Đảng ta xác định: văn hóa - tư tưởng là một mặt trận quan trọng đối với cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, sau khi Đảng  ra đời đã thành lập thành lập “Ban Cổ động và tuyên truyền” để động viên các tầng lớp nhân dân, làm cho quần chúng hiểu Đảng, tin Đảng, ủng hộ và đi theo Đảng làm cách mạng. Chính nhờ khả năng tuyên truyền vận động cực kỳ chủ động, sáng tạo, hiệu quả Đảng ta đã tạo nên một làn sóng cách mạng to lớn đó là cao trào cách mạng 1930-1931 và đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, đã làm cho tình thế cách mạng ở Đông Dương có bước phát triển mau lẹ. Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã có những chuyển hướng chiến lược lãnh đạo kịp thời để phù hợp với tình hình cách mạng. Trong bối cảnh phải chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, Đảng ta đã làm tốt công tác tuyên truyền để chuyển tải những điều chỉnh về chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đến với mọi tầng lớp Nhân dân, tạo đồng thuận giữa các giai tầng trong xã hội trên cơ sở sự thống nhất cao về tư tưởng, bảo đảm đáp ứng yêu cầu chuyển hướng chỉ đạo chiến lược hướng đến mục tiêu cao nhất là đấu tranh đánh đổ đế quốc, phát xít giành lấy chính quyền, xác lập nền độc lập dân tộc khi thời cơ chín muồi.

Tháng 5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra nghị quyết về đoàn kết toàn dân tộc, tạo cơ sở để thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Đây là tổ chức “Chủ trương liên hiệp hết thảy các từng lớp Nhân dân không phân biệt tôn giáo, đảng phái, xu hướng chính trị nào, giai cấp nào, đoàn kết chiến đấu để đánh đuổi Pháp - Nhật giành quyền độc lập cho xứ sở”. [1] Thực hiện chủ trương của Hội nghị BCH TW lần thứ 8 (5-1941), ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập. Đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh viết bài “Chính sách mới của Đảng” để phổ biến Nghị quyết hội nghị lần thứ 8, giải thích rõ tình hình chiến tranh thế giới thay đổi đã tác động đến tình hình Đông Dương và chủ trương của Đảng là động viên mọi lực lượng cách mạng và yêu nước đứng lên giải phóng dân tộc khỏi ách phát xít Nhật - Pháp, trong đó yêu cầu: Công tác tuyên truyền phải phổ biến tinh thần Nghị quyết đến chi bộ.

Sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh đã tuyên bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ, công bố chương trình cứu nước. Tuyên ngôn của mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn thể đồng bào gia nhập các đoàn thể cứu quốc, đoàn kết triệu người như một, đánh đuổi phát xít Pháp - Nhật, giành độc lập tự do. Để đẩy mạnh việc tập hợp quần chúng Nhân dân và trong Mặt trận, chủ trương của Đảng đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận văn hóa - tư tưởng để tuyên truyền đường lối cứu quốc của Mặt trận Việt Minh, cổ vũ quần chúng (đặc biệt là lực lượng văn nghệ sỹ) gia nhập trận tuyến cách mạng, nhiều tờ báo ra đời để làm công tác tuyên truyền rộng rãi chủ trương của Đảng đến đông đảo quần chúng Nhân dân như: Tạp chí Cộng sản (cơ quan lý luận chính trị của Đảng), Báo Việt Nam độc lập (Mặt trận Việt Minh tỉnh Cao Bằng), Báo Cứu quốc (Tổng bộ Việt Minh), Báo Giải phóng (Liên Tỉnh ủy miền Đông), Báo Cờ giải phóng (Trung ương Đảng), Báo Tiền phong (Xứ ủy Nam Kỳ)...

 Với việc xác định mục đích, tôn chỉ đúng đắn, đáp ứng nguyện vọng cháy bỏng của các giai cấp và tầng lớp Nhân dân, cùng với việc tuyên truyền vận động hiệu quả, Mặt trận Việt Minh đã thu hút đông đảo các lực lượng xã hội tham gia dưới các hình thức, như: Công nhân Cứu quốc, Nông dân Cứu quốc, Phụ nữ Cứu quốc, Thanh niên Cứu quốc, Tự vệ Cứu quốc, v.v. Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc được thành lập, đã phát huy vai trò to lớn trong việc động viên, tổ chức toàn dân đứng lên đánh Pháp, đuổi Nhật giành độc lập.

Năm 1942, trong bài thơ "Là thi sỹ" viết 1942 của Tổng Bí thư Trường Chinh với bút danh Sóng Hồng viết: "Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ; Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền".  Bài thơ tuy theo trao đổi của tác giả là để vận động một người lính Pháp ngả về phía cách mạng nhưng thực chất đã trở thành một mẫu mực của phương châm chiến đấu trên mặt trận thi ca, là một trong những mẫu mực về vận động, tuyên truyền, giác ngộ trí thức, văn nghệ sĩ cống hiến nhiệt huyết của mình cho sự nghiệp cách mạng.

Khi cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc phát triển thành cao trào, năm 1943, Đảng ta công bố Đề cương văn hóa Việt Nam. Bản đề cương nêu rõ: Văn hóa là một trong ba mặt trận cách mạng, cần tập hợp các nhà văn hóa, văn nghệ, trí thức yêu nước chống lại văn hóa phát xít và phong kiến lạc hậu, xây dựng nền văn hóa cách mạng theo phương châm: Dân tộc, Khoa học, Đại chúng. Lúc bấy giớ, rất nhiều văn nghệ sĩ tiến bộ đã gia nhập Hội văn hóa cứu quốc. Quá trình hoạt động từ năm 1943 đến khi cách mạng thắng lợi đã cho ra đời một số tác phẩm lý luận có sức lay động và giác ngộ rất cao như Văn học khái luận của Đặng Thái Mai, Sức sống của dân tộc Việt Nam trong ca dao và cổ tích của Nguyễn Đình Thi, một số sáng tác của Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng … Những tác phẩm trên được phổ biến sâu rộng trong thanh niên, học sinh, sinh viên, có tác dụng giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, chống lại văn hóa thực dân, nô lệ, phản động, tư tưởng thân Nhật, chống bọn Trốt xkít khiêu khích, phá hoại Đảng, định hướng đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tập hợp, cổ vũ các nhà hoạt động văn hóa đứng vào trận tuyến đấu tranh của dân tộc. Nhiều nhà thơ, nhạc sĩ  đã xông pha vào công tác tuyên tuyền bằng những tác phẩm. Trong  giai đoạn ấy, những ca khúc như: Cùng nhau đi hồng binh - Đinh Nhu, Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên - Lưu Hữu Phước, Du kích ca - Đỗ Nhuận, Phất cờ Nam Tiến - Hoàng Văn Thái, Tiến quân ca, Chiến sĩ Việt Nam - Văn Cao, Diệt phát xít - Nguyễn Đình Thi, Đoàn Vệ quốc quân - Phan Huỳnh Điểu,  … tạo nên khí thế cách mạng động viên, thúc dục quần chúng Nhân dân đứng lên dưới sự phát độn của Đảng.

Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp. Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Cao trào kháng Nhật cứu nước được phát động rộng rãi. Không khí tiền khởi nghĩa sôi sục khắp nơi. Công tác  tuyên truyền được phát động tích cực với nhiều hình thức phù hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa như đẩy mạnh tuyên truyền vũ trang, chuyển qua những hình thức tuyên truyền cổ động mạnh bạo hơn, như mít-tinh diễn thuyết có cờ, băng, áp-phích, truyền đơn, bươm bướm. Tổ chức những cuộc hát đồng thanh và thao diễn. Tổ chức những cuộc triển lãm sách báo, tranh ảnh, vũ khí. Các đội “Tán phát xung phong” được thành lập ở nhiều địa phương đã góp phần quan trọng phổ biến nội dung Chỉ thị bằng các loại truyền đơn, tờ bướm, áp-phích gắn với hoạt động diễn thuyết công khai. Đến ngày 15-3-1945, riêng miền Bắc đã có “15 vạn truyền đơn với lời Hiệu triệu của Việt Minh phản ánh nội dung, tinh thần chủ trương của Đảng”. Trong công tác địch vận, chỉ thị yêu cầu: “Hết sức vận động binh lính của địch, tổ chức họ vào các hội “Việt Nam quân nhân cứu quốc” làm cho họ giác ngộ, đem súng của quân địch lại cho ta... Nếu ta kiên nhẫn tuyên truyền, tổ chức họ thì nhất định đến giờ khởi nghĩa, một phần đồng bào, binh lính sẽ mang súng của giặc chạy về phe cách mạng”. Nhiều hoạt động trở thành công khai, nửa công khai như treo cờ, rải truyền đơn, căng biểu ngữ, viết khẩu hiệu, diễn thuyết xung phong trên xe điện, trong rạp hát; giữa chợ, các ngả đường… Cán bộ Việt Minh xuất hiện công khai gặp gỡ, vận động thanh niên, nhân sĩ, trí thức…

Chuẩn bị lực lượng cho đấu tranh vũ trang, tháng 12-1944, Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và chỉ rõ: “Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền”, nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền, đề ra khẩu hiệu “Chính quyền cách mạng của Nhân dân”, dùng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát xít Nhật” thay cho khẩu hiệu “Đánh đuổi Nhật, Pháp”; yêu cầu thay đổi mọi hình thức tuyên truyền, cổ động cho hợp với thời kỳ tiền khởi nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác tuyên truyền, cổ động được triển khai tích cực, động viên Nhân dân đứng lên đánh Nhật cứu nước, với những khẩu hiệu cụ thể như: “Đánh Nhật là con đường sống duy nhất; đánh Nhật nhất định gian nan, gay go; Đánh Nhật nhất định thắng lợi; Toàn dân phải ủng hộ Quân giải phóng...”. Sau một thời gian ngắn, công tác tuyên truyền, cổ động đã tích cực phổ biến, giải thích cho Nhân dân nắm được tình hình và chủ trương của Đảng, chuẩn bị tinh thần cho cuộc Tổng khởi nghĩa.

Ngay khi nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 15/8/1945), Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) (tháng 8/1945) quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới”[2] và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phátxít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hội nghị toàn quốc của đã khẳng định rõ quyết tâm lãnh đạo của Đảng, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của công tác tư tưởng là tuyên truyền, cổ động, vận động quần chúng “dốc sức” tham gia tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền tay sai. Mặt trận tư tưởng-văn hóa đã tập trung tuyên truyền đường lối, chủ trương đến tất cả các tầng lớp Nhân dân, động viên, thức đẩy họ tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa. Hàng loạt các hình thức tuyên truyền mạnh mẽ, táo bạo đã được thực hiện, như dùng loa phóng thanh tuyên truyền lưu động, mít-tinh, biểu tình thị uy có vũ trang, diễn thuyết vận động quần chúng, phát truyền đơn, công khai dán áp-phích,… đã được thực hiện trên diện rộng, góp phần làm cho quần chúng nhận thấy sức mạnh của mình, đoàn kết nhau lại đứng lên giành chính quyền.

2. Vận dụng sáng tạo bài học về xây dựng mặt trận tư tưởng – văn hóa  trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào giai đoạn hiện nay

Lịch sử 92 năm từ khi Đảng ra đời đến nay và 77 năm sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công mãi mãi còn ghi những đóng góp cực kỳ quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Ghi nhận những thành tựu rất quan trọng trong tư duy lý luận về xây dựng sức mạnh tinh thần, sức mạnh con người, sức mạnh văn hóa trong các thời kỳ của sự nghiệp cách mạng.

Ngày nay đất nước ta đã thống nhất, hòa bình, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc song các thế lực thù địch, hận thù với cách mạng vẫn không từ bỏ dã tâm chống phá, kích động chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng và Nhân dân ta dày công xây dựng. Chiến lược "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch diễn ra với nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, những cố gắng nỗ lực của chính phủ và Nhân dân ta. Cuộc đấu tranh giữa "xây” và “chống" luôn diễn ra quyết liệt trên các mặt trận kinh tế, chính trị và văn hoá, văn nghệ... Trên mặt trận tư tưởng - văn hoá càng phức tạp hơn khi đất nước ta đang mở rộng giao lưu, hợp tác và hội nhập sâu sắc với cả thế giới.

Vận dụng sáng tạo bài học về xây dựng mặt trận tư tưởng - văn hóa  trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào giai đoạn hiện nay chúng ta cần:

Thứ nhất, xác định công tác tư tưởng - văn hóa là nội dung hết sức quan trọng trong chiến lược xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Đây là yêu cầu đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền cũng như hệ thống chính trị các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ chính trị. Trên thực tế, có nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị chưa ý thức đầy đủ về vai trò, tầm quan trọng của công tác tư tưởng - văn hóa, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo dẫn đến chưa phát huy được sức mạnh tuyên truyền, tập hợp đoàn kết nhân dân, chưa tạo ra sức mạnh đấu tranh đẩy lùi thói hư, tật xấu trong xã hội, chưa xây dựng được trận tuyến và lực lượng đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch...

Xác định công tác tư tưởng - văn hóa là bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng, là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lý luận, trí tuệ, văn hóa và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cấp ủy các cấp cần nhận thức đúng và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp trên cả hai phương diện: Tư tưởng và Văn hóa.  Mỗi phương diện nêu trên lại phải thực hiện các giải pháp, biện pháp cụ thể phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo toàn diện còn có ý nghĩa là lãnh đạo từ nội dung công tác tư tưởng văn hóa đến tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ trong hệ thống làm công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng.

 Thứ hai, nắm vững, dự báo đúng, định hướng chính xác, xử lý đúng đắn, kịp thời các vấn đề tư tưởng, bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, đồng thuận cao trong xã hội.

Trước hết là đổi mới cách tiếp cận những vấn đề căn cốt của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và những định hướng lớn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sát với điều kiện khách quan và thực tiễn của đất nước, của tỉnh và từng địa phương; làm rõ nội dung thực tiễn sinh động, cần được phân tích, vận dụng, đối chiếu với tình hình cụ thể của đất nước trên mọi bình diện đời sống xã hội; đó mới tạo được tính hấp dẫn, tính thuyết phục đối với người đọc, người nghe. Đổi mới phương thức công tác tư tưởng, trước hết đòi hỏi phải khắc phục nhanh hiện tượng chủ quan, áp đặt, không nghiên cứu kỹ tâm lý, nguyện vọng của từng loại đối tượng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao trước mỗi chủ trương, chính sách. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc coi trọng khảo sát, tổng kết thực tiễn, quan tâm mở rộng dân chủ, tăng cường đối thoại, khuyến khích tranh luận, phản biện xã hội… chính là những phương cách khơi gợi trách nhiệm, trí tuệ của toàn xã hội, làm cho công tác tư tưởng thật sự là của toàn Đảng, tác động mạnh mẽ tới các tầng lớp nhân dân theo hướng tích cực và hiệu quả. Đó cũng là những việc cần làm ngay để góp sức hoàn thiện các văn kiện Đảng; từ đó tạo cơ sở triển khai và thực hiện có kết quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo bảo đảm thống nhất tư tưởng trong Đảng, sự đồng thuận cao trong toàn xã hội.

Thứ ba, từng bước đổi mới công tác giáo dục chính trị, nghiên cứu, học tập các nghị quyết của Ðảng, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

 Coi trọng công tác tổ chức giáo dục lý luận chính trị, công tác giáo dục tư tưởng chính trị trong hệ thống chính trị và trong xã hội. Công tác giáo dục phải bảo đảm tính định hướng, tính chiến đấu, tính thuyết phục và hiệu quả của công tác tư tưởng trong thực tiễn đời sống Nhân dân. Coi trọng hơn công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nêu gương người tốt việc tốt, những kinh nghiệm hay những cách làm sáng tạo, phê phán những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng cơ hội, lối sống thực dụng. Tăng tính chủ động, tính sắc bén trong đấu tranh phòng, chống âm mưu “diễn biến hòa bình”, chống các âm mưu, luận điệu tuyên truyền phản động của các thế lực thù địch, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch; làm tốt chức năng dự báo tình hình, chuẩn bị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên chủ động kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, nâng cao nhận thức, tính tích cực của cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của Nhân dân vào đường lối đổi mới, tạo sự nhất trí trong Ðảng và sự đồng thuận trong xã hội.

Thứ tư, quản lý và phát huy hiệu quả vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác tư tưởng- văn hóa.

Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lí của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của hoạt động báo chí.  Báo chí là một lĩnh vực đặc biệt quan trọng của công tác tư tưởng, là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân. Quan điểm này khẳng định vai trò của báo chí như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tờ báo Đảng như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày nó giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta. Nếu cứ nhắm mắt làm việc, mà không xem báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, hỏng việc[3]. Do đó, khẳng định vai trò báo chí là định hướng cho báo chí phải luôn luôn đi đầu trong việc bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phải bảo đảm tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng, có trách nhiệm biểu dương nhân tố mới, điển hình tiên tiến, hình thành dư luận xã hội lành mạnh, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí về tư tưởng, chính trị và tinh thần trong nhân dân.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995

2. Văn kiện Đảng Toàn tập, tập 7,  Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000.

3. Bộ văn hóa thông tin: Đề cương văn hóa Việt Nam 1943- Những giá trị văn hóa – tư tưởng, Nxb Viện văn hóa thông tin và Văn phòng Bộ, 2003.

4.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995

 



[1]  ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 149

[2]  ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, sđd, tr.366.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr .298