Vận dụng bài học kinh nghiệm về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay
31/08/2024 10:09
Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với sự chuẩn bị trong vòng 15 năm, chúng ta đã nắm bắt thời cơ đúng đắn, chính xác và mau lẹ...
Vận dụng bài học kinh nghiệm về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước hiện nay

ThS. Cao Thị Thu Huyền

Giảng viên Khoa Xây dựng Đảng

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã ghi một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đưa đất nước ta bước vào một kỷ nguyên mới: kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với sự chuẩn bị trong vòng 15 năm, chúng ta đã nắm bắt thời cơ đúng đắn, chính xác và mau lẹ nên Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 chỉ diễn ra trong vòng 15 ngày, thắng lợi và ít đổ máu. Thắng lợi đó là minh chứng mẫu mực cho bài học về dự báo, chuẩn bị và tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thách thức trong cách mạng. Kế thừa và phát huy những giá trị của bài học về thời cơ, Đảng ta đã dự báo thời cơ và nhanh chóng phát hiện, đẩy lùi các nguy cơ, từng bước đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.

1. Những bài học kinh nghiệm về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Thời cơ là một hoàn cảnh thuận lợi đến trong một thời gian ngắn, đảm bảo một việc nào đó có thể tiến hành có kết quả. Trong lãnh đạo khởi nghĩa, một vấn đề rất quan trọng có ý nghĩa quyết định thắng lợi đó là phải nắm đúng thời cơ. Thời cơ có thể do thực lực cách mạng trong nước tạo ra, cũng có thể do hoàn cảnh bên ngoài đưa lại. Nếu không có sẵn thực lực cách mạng đến mức đủ mạnh thì không thể tạo ra được thời cơ và khi thời cơ đến sẽ không kịp thời lợi dụng được nó. Vì vậy, để nắm bắt được thời cơ cần phải làm tốt công tác dự báo và chuẩn bị cho thời cơ.

Quán triệt quan điểm này, Đảng ta đã căn cứ vào tình hình quốc tế và trong nước để dự báo thời cơ; đồng thời lãnh đạo nhân xây dựng lực lượng cách mạng, căn cứ địa cách mạng,... tạo nên yếu tố ”thực lực” đủ mạnh để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Từ đó, khi thời cơ chín muồi, nhanh chóng nắm nắm chính xác, mau lẹ để tiến hành Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trên phạm vi cả nước chỉ trong vòng 15 ngày. Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã để những bài học về thời cơ cho cách mạng Việt Nam sau này, cụ thể:

Một là, tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình quốc tế và trong nước để dự báo chính xác về thời cơ.

Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng ta đã bám sát tình hình quốc tế, đặc biệt là diễn biến của chiến tranh thế giới lần thứ hai để dự báo thời cơ Tổng khởi nghĩa. Trước những biến đổi nhanh chóng của tình hình thế giới vào những năm 30 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh dự báo sẽ tác động đến cách mạng Việt Nam. Vì thế, tháng 02/1941, Người về Cao Bằng, lấy hang Pác Pó làm căn cứ để chỉ đạo cách mạng, đón đầu thời cơ thuận lợi để tổ chức các hoạt động chuẩn bị cho đấu tranh giành chính quyền. Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã có những dự đoán ban đầu về thời cơ khởi nghĩa. Nghị quyết TW6 (11/1939) đã nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị gây nên bởi đế quốc chiến tranh lần này sẽ nung nấu cách mạng Đông Dương bùng nổ. Dựa vào dự đoán ban đầu quan trọng đó và dựa vào sự phân tích đúng diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, Nghị quyết Hội nghị TW8 (5/1941) nêu rõ: “Liên Xô thắng trận, quân Trung Quốc phản công… tất cả các điều kiện ấy sẽ giúp cho các cuộc vận động của Đảng ta mau phát triển,và rồi đây, lực lượng sẽ lan rộng ra toàn quốc để gây một cuộc tổng khởi nghĩa rộng lớn”[1]. Hội nghị nêu bật: “Nhiệm vụ giải phóng dân tộc, giành độc lập cho đất nước là một nhiệm vụ trước tiên của Đảng ta”, “Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn phải chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”[2]. Đến Hội nghị thường vụ trung ương Đảng ngày 09/3/1945, Đảng ta đã nhận thức cụ thể hơn: “Rồi đây, những thắng lợi của Liên Xô, sự tan rã của chủ nghĩa phát xít quốc tế… sẽ thúc đẩy cách mạng bùng nổ ở nhiều nước”[3]. Do đó tư tưởng chỉ đạo của Hội nghị là phải hành động ngay, hành động cương quyết nhanh chóng, sáng tạo chủ động, táo bạo.

Hai là, tích cực chuẩn bị về mọi mặt để nắm bắt thời cơ.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chỉ diễn ra trong vòng 15 ngày nhưng nó là sự chuẩn bị về mọi mặt của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong vòng 15 năm. Trước hết, chúng ta đã xây dựng lực lượng cách mạng trưởng thành trong chiến tranh, bao gồm lực lượng chính trị và lượng vũ trang. Đồng thời, các căn cứ địa – chỗ đứng chân của cách mạng – đã được xây dựng. Lúc đầu, chỉ có 6 tỉnh: Cao Bằng – Bắc Cạn – Lạng Sơn – Hà Giang – Tuyên Quang – Thái Nguyên. Đến giữa năm 1945, khu giải phóng Việt Bắc ra đời. Cùng với đó, đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận văn hóa, chống lại những luận điệu sai trái, xuyên tác của kẻ thù. Công tác xây dựng Đảng được chú trọng trên cả ba lĩnh vực: chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhờ vậy, khi thời cơ đến, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ba là, xác định đúng đắn thời cơ và đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn để nắm bắt thời cơ chính xác, mau lẹ.

Trong Cách mạng tháng Tám năm 1945, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng 20 ngày, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15/8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pốt-xđam (ngày 05/9). Đảng ta đã nắm bắt chính xác thời cơ khách quan, kịp thời ban hành chủ trương, quyết sách để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, như: Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ; Chỉ thị tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp; chuyển căn cứ chỉ đạo cách mạng từ Pác Bó về Tân Trào; xác định các nguyên tắc chỉ đạo khởi nghĩa,... Tại Đại hội quốc dân (16/8/1945) đã thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, quốc ca là bài tiến quân ca; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Bác Hồ làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”[4]. Những chủ trương, quyết sách trên là sợi chỉ đỏ thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và quốc dân, đồng bào tranh thủ thời gian, chớp lấy thời cơ, nhất tề đứng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên phạm vi cả nước chỉ trong 15 ngày, ít đổ máu. Ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bốn là, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, linh hoạt đấu tranh đẩy lùi nguy cơ, thách thức bảo vệ thành quả cách mạng.

 Tuy đất nước giành được độc lập, nhưng chúng ta phải đối mặt với muôn vàn nguy cơ, thách thức, khó khăn. Quân Tưởng mang theo các đảng phái phản động “Việt Quốc”, “Việt Cách” kéo vào với những yêu cầu phi lý và mục tiêu “diệt cộng, cầm Hồ”; thực dân Pháp núp bóng quân Anh với dã tâm cướp nước ta một lần nữa; quốc khố trống rỗng, nạn đói, nạn mù chữ…. đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ, đặt vận nước vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình thế đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quyết sách thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, như: Cải tổ Ủy ban giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời; công khai danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời trước khi Vua Bảo Đại thoái vị; ra mắt Chính phủ lâm thời, công bố Tuyên ngôn Độc lập trước khi quân đồng minh kéo vào; mở rộng, cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời; Đảng ta rút vào hoạt động bí mật; xác định kẻ thù chính của cách mạng là thực dân Pháp... Đây là cơ sở để chúng ta triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp cấp bách để củng cố, bảo vệ thành quả cách mạng.

2. Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu về thời cơ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vào sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

 Kế thừa và phát huy những giá trị lịch sử của bài học về thời cơ của Cách mạng Tháng tám năm 1945, Đảng ta đã hoạch định những chủ trường, đường lối đúng đắn, sáng tạo đưa đất nước phát triển, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã đem lại cho Việt Nam những thời cơ, vận hội, đồng thời cũng làm xuất hiện cả những thách thức, nguy cơ thực sự đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là cần nhận diện rõ và có những chiến lược hợp lý, tận dụng được những thời cơ, đẩy lùi những nguy cơ nhằm phát triển đất nước nhanh, bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong hội nhập và phát triển.

Trên cơ sở tích cực, chủ động nghiên cứu, nắm bắt tình hình thế giới và trong nước, Đảng ta đã dự báo những thời cơ, vận hội để phát triển đất nước, từ đó đề ra những chủ trương đường lối phù hợp làm cho đất nước ngày càng phát triển. Trong bối cảnh mới làm xuất hiện nhiều xu thế mới đan xen nhau và có tác động sâu sắc đến đời sống chính trị - xã hội thế giới. Trong những xu thế trên thì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn và tạo cơ hội cho Việt Nam mở rộng hợp tác, tập hợp lực lượng tiến bộ vì hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Xu thế hướng đến hòa bình và phát triển thúc đẩy các quốc gia xích lại gần nhau, cùng nhau hợp tác nhằm tìm kiếm những cơ chế kiểm soát, kiềm chế xung đột, giảm thiểu nguy cơ chiến tranh. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra hiện nay chính là việc nhận thức sâu sắc và tận dụng có hiệu quả những thời cơ ấy trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, giữ vững hòa bình và ổn định để phát triển, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng tiến bộ vì hòa bình, dân chủ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ, Việt Nam có cơ hội  kế thừa, tiếp thu, sử dụng những thành tựu to lớn của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nhất là những thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây rõ ràng là lợi thế của những nước đi sau. Toàn cầu hóa làm cho thị trường thế giới ngày nay càng rộng lớn về quy mô, hoàn thiện về cơ chế hoạt động. Chúng ta có điều kiện để học hỏi, tiếp thu, trao đổi, nâng cao trình độ, kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn của thế giới, đặc biệt là những tri thức để phát triển nền kinh tế số, tham gia chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu. Qua đó, chúng ta có cơ hội mở rộng sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân, tham gia quá trình hợp tác và phân công lao động quốc tế.

Đặc biệt, những thành tựu đạt được trong quá trình đổi mới đã tạo nên điều kiện nền tảng và vận hội quan trọng cho đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Trải qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt được nhiều thành quả quan trọng, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh. Kinh tế Việt Nam hội nhập mạnh mẽ với khu vực và thế giới. Hoạt động kinh tế đối ngoại phát triển toàn diện và sâu rộng, đưa nước ta hội nhập ngày càng đầy đủ với kinh tế khu vực và thế giới. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, ký hiệp định thương mại song phương với hơn 100 nước, trong đó có 20 hiệp định thế hệ mới. Về đối ngoại, đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược với 17 nước cùng 13 đối tác toàn diện; xây dựng khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nước lớn trên thế giới. Vị thế, uy tín và vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao. Có thể nói, công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, sức mạnh tổng hợp và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, vận hội, Đảng ta cũng đã xác định rõ những nguy cơ, thách thức mà đất nước phải đối mặt, đồng thời kịp thời đưa ra chủ trương, đường lối đúng đắn, phù hợp để ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ, thách thức ấy. Trên bình diện quốc tế, tác động tiêu cực của bạo loạn lật đổ chính quyền ở một số nước Bắc Phi, xung đột sắc tộc, tình trạng xâm phạm chủ quyền quốc gia, tranh chấp lãnh thổ và tài nguyên, nhất là vấn đề tranh chấp ở Biển Đông đang diễn biến phức tạp, chiến tranh giữa Nga – Ucraina... Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn sẽ phải thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra. Xu hướng già hoá dân số nhanh; tốc độ công nghiệp hoá, đô thị hoá tăng mạnh; biến đổi khí hậu gay gắt, phức tạp... ngày càng tác động mạnh đến sự phát triển của đất nước.

Ngay từ Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1/1994), Đảng ta đã chỉ ra những thách thức, những nguy cơ lớn đối với sự nghiệp đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đến nay, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Thứ nhất, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Thứ hai, nguy cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa, có biểu hiện chưa quan tâm đúng mức bảo đảm phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển văn hoá, bảo đảm phúc lợi xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong phát triển kinh tế thị trường; chưa bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ các vùng, miền, địa phương theo lợi thế so sánh và phát huy điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù. Thứ ba, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, với các biểu hiện cá nhân chủ nghĩa, tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tha hóa quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách triệt để. Thứ tư, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta. Các thế lực phản động đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, lợi dụng mạng xã hội kích động biểu tình, bạo loạn, lật đổ, chống phá quyết liệt công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Không chỉ lợi dụng các chiêu bài bôi nhọ, phủ nhận thành tựu xây dựng chủ nghĩa  xã hội, các thế lực phản động còn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Tất cả những yếu tố đó đã và đang đặt ra yêu cầu vừa cấp thiết, vừa kiên trì để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước và kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Trước những nguy cơ thách thức đó, cùng với việc chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không được chủ quan, không để bị động, bất ngờ, Đảng ta đã đưa ra những chủ trương, biện pháp để đẩy lùi những nguy cơ đó. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn để phát triển đất nước. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường. Xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng theo đúng tinh thần là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế; đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ. Phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại. Khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Xác định những bài học kinh nghiệm đó là cơ sở quan trọng để Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát huy và phát triển sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta kiên định, vững vàng và tự tin vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề hơn khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Như vậy, việc vận dụng, phát huy giá trị lịch sử của bài học về thời cơ trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi Đảng ta phải tích cực, chủ động nghiên cứu tình hình thế giới và trong nước để dự báo, chuẩn bị và nắm bắt thời cơ, vận hội đồng thời đẩy lùi những nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển hùng cường, nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, t.7, HN.2000.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2021.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo tổng kết: Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, Hà Nội, 2015.

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.3, tr.596.

5. Lịch sử Việt Nam từ năm 1858 đến năm 1945 (2007), tập 2, Nxb Giáo Dục.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB CTQG, tập 7, HN.2000, trang 130

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB CTQG, tập 7, HN.2000, trang 131

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, NXB CTQG, HN, 2000, trang 279

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, H.2011, t.3, tr.596