Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam
29/08/2021 08:33
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra một kỉ nguyên mới, kỷ nguyên của Độc lập, Tự do và CNXH. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định...
Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam

ThS. Ngô Thị Vân

                                                                                        GVC. Khoa Xây dựng Đảng

   

    Trong bài thơ Theo chân Bác, nhà thơ Tố Hữu đã ghi lại thời khắc lịch sử của dân tộc một cách thật xúc động:

“Hôm nay sáng mồng hai tháng chín
Thủ đô hoa, vàng nắng Ba Đình
Muôn triệu tim chờ... chim cũng nín
Bỗng vang lên tiếng hát ân tình”

     Đoạn thơ đã ghi lại khoảnh khắc lịch sử của dân tộc cách đây 76 năm - ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mở ra một kỉ nguyên mới, kỷ nguyên của Độc lập, Tự do và CNXH. Bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Bản tuyên ngôn ấy thể hiện tinh thần và ý chí của một dân tộc dù bị áp bức, bóc lột đến cùng cực, đã gan góc, kiên cường đấu tranh để quyết giành bằng được quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc cho mình. Trong những lời văn bất hủ đã đi vào lịch sử dân tộc đó, Bản tuyên  ngôn đã thể hiện cho cả thế giới biết quyết tâm sắt đá của toàn thể dân tộc Việt Nam quyết bảo vệ thành quả cách mạng là “nền tự do và độc lập”. Đó chính là một nguyên lý, một triết luận khách quan về tính tất yếu của việc kết hợp giữa xây dựng với bảo vệ, giữa đấu tranh với sứ mệnh giữ gìn thành quả quý báu của công cuộc cách mạng. Bằng tầm nhìn thời đại, Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Với sự mẫn cảm chính trị và sự tinh anh đặc biệt của một con người đã lăn lộn hơn 30 năm tìm đường cứu nước, cứu dân Người đã dự báo và khẳng định: “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tinh thần đó trong bản Tuyên ngôn độc lập luôn có giá trị lịch sử và thời sự sâu sắc. Giá trị đó đã trở thành phương châm sống và nguyên tắc hành động của dân tộc Việt Nam. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn thường trực ý chí “đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập” mà biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu, hy sinh để giành được từ cuộc cách mạng mùa Thu 76 năm trước.

     Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Từ bản Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1776 của nước Mỹ và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791, bản Tuyên ngôn 2/9 đã nêu ra một chân lý lịch sử: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”,“đó là lẽ phải không ai chối cãi được”. Và vì thế, mỗi người dân Việt Nam và dân tộc Việt Nam đều có những quyền chính đáng ấy; không ai có thể tước đoạt được; và nếu bị tước đoạt, cả dân tộc sẽ kiên cường, đoàn kết, kiên trì chiến đấu để giành lại và quyết tâm bảo vệ.

     Tiếng hô vang “Việt Nam độc lập muôn năm!” của hàng vạn con người ở Quảng trường Ba Đình lịch sử thay mặt cho hơn 20 triệu đồng bào cả nước vang dội núi sông, khi Hồ Chủ tịch vừa kết thúc bản Tuyên ngôn bằng những nhận định và quyết tâm sắt đá: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ quyền tự do và độc lập ấy”. Nhận định và quyết tâm ấy cũng là lời thề của toàn dân tộc Việt Nam quyết tâm bảo vệ, gìn giữ độc lập cho dân tộc- bảo vệ những thành quả cách mạng và xây dựng một Việt Nam hùng cường, hiên ngang sánh vai cùng các cường quốc năm châu.

     Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, chính quyền cách mạng non trẻ đối mặt với muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ và chống giặc ngoại xâm...  Đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm các biện pháp đấu tranh linh hoạt, mềm dẻo nhằm duy trì hòa bình, giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Từ việc hòa hoãn với quân đội Tưởng ở miền Bắc để tập trung đánh thực dân Pháp ở miền Nam, rồi lại hòa hoãn với thực dân Pháp với mục đích củng cố đất nước, xây dựng lực lượng và giữ gìn độc lập dân tộc. Để bảo vệ cho được nền độc lập ấy, chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhân nhượng với thực dân Pháp, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới. Bất chấp những thiện chí hòa bình của ta, ngày 15 và 16/12/1946, quân Pháp nổ súng gây hấn nhiều nơi ở Hà Nội. Hành động điên cuồng, trắng trợn của thực dân Pháp đã đặt nền độc lập dân tộc của toàn dân Việt Nam trước thách thức mất còn. Trước tình thế đó, nêu cao tinh thần yêu nước và trách nhiệm trước Tổ quốc, trước nhân dân, trong hai ngày 18 và 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) đã quyết định phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước đứng lên chống thực dân Pháp. Đêm 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ ra lời kêu gọi đồng bào cả nước kháng chiến. Để giữ vững nền độc lập dân tộc cả dân tộc Việt Nam đứng lên kiên quyết kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Để giữ vững nền độc lập dân tộc mới giành được, nhân dân ta đã phát huy cao độ với quyết tâm “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với thắng lợi vang dội năm 1954 đã khẳng định cho sự quyết tâm đó của cả một dân tộc.

     Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký với những điều khoản được quy định. Tuy nhiên, với âm mưu đen tối của mình, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai đã từng bước phá hoại Hiệp định với mục đích không gì khác là chia cắt và thôn tính nước ta. Một lần nữa vấn đề “độc lập dân tộc” của chúng ta đứng trước một thách thức vô cùng lớn - đó là Chủ nghĩa Đế quốc mà đứng đầu và trực tiếp can thiệp là Đế quốc Mỹ. Nhân dân ta một lần nữa lại buộc phải đứng lên chống quân xâm lược Mỹ và tay sai, bảo vệ vững chắc miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đứng lên kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, thể hiện ý chí sắt đá, quyết tâm kháng chiến đến cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ngày 17-7-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền Bắc, trên Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam, lời kêu gọi nhân dân cả nước quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vang lên: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”. Lời kêu gọi như một lời hịch hiệu triệu toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến lên giành chiến thắng. Lời kêu gọi là một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân tộc đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động, củng cố niềm tin, xiết chặt đội ngũ để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại không chỉ của dân tộc Việt Nam mà của cả nhân loại tiến bộ trong thế kỷ XX.

     Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, lớp lớp các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội, quần chúng nhân dân  không quản hy sinh, khó khăn, gian khổ, nêu cao tinh thần quyết tâm “đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” trong kháng chiến chống thực dân Pháp lúc này lại tiếp tục được phát huy cao độ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tinh thần ấy được nhà thơ Chế Lan Viên khái quát trong bài thơ Sao chiến thắng:

“Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt,

Như mẹ cha ta, như vợ như chồng

Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết

Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...”

     Ở miền Bắc, Quân đội ta đã cùng toàn dân đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện đắc lực sức người, sức của cho cách mạng miền Nam với những khẩu hiểu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “vì Miền Nam  ruột thịt”, với tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”…

     Ở miền Nam, Đảng đã lãnh đạo quân và dân  đứng lên đánh giặc. Nhân dân miền Nam cùng với sự chi viện của miền Bắc đã làm nên thắng lợi vĩ đại mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới- kỷ nguyên của độc lập và thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

     Thắng lợi trong kháng chiến chống Mỹ  thể hiện ý chí, tinh thần quyết tâm bảo vệ cho được nền độc lập của dân tộc Việt Nam. Và ý chí đó, quyết tâm đó lại được thể hiện trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Bắc và biên giới Tây Nam để giữ vững toàn vẹn lãnh thổ.

     Có thể thấy, ở mọi thời kỳ lịch sử, khát vọng ngàn đời của dân tộc ta là độc lập, tự do. Trong lịch sử, hết thực dân Pháp lại đến đế quốc Mỹ nhảy vào xâm lược đất nước ta. Chúng ta đã hi sinh hàng triệu người, lượng bom đạn đổ xuống đất nước với diện tích chỉ hơn ba mươi vạn cây số vuông mà bằng mấy lần chiến tranh thế giới cộng lại. Khát vọng của chúng ta khi đó luôn là khát vọng hòa bình, được sống trong tự do và thống nhất đất nước. Chúng ta cũng đã phải mất 30 năm mới thực hiện được khát vọng này. 

     Gần một thế kỷ có được chính quyền độc lập, mất 30 năm nữa mới thống nhất được đất nước, mới được sống trong hòa bình thực sự. Thế nhưng ngay lập tức, đất nước lại gặp sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Bị bao vây cấm vận, thù trong giặc ngoài khiến cho kinh tế lâm vào tình trạng suy thoái. Đất nước rơi vào cuộc khủng hoảng trầm trọng về kinh tế - xã hội. Nhân dân rơi vào cảnh đói khổ, thiếu thốn, li tán, tha hương. Khát vọng trong thời kỳ này một cuộc sống ấm no, xã hội yên bình. Năm 1986 đến những năm đầu tiên của thế kỷ XXI, với đường lối Đổi mới đúng đắn của Đảng, Việt Nam từ một nước khủng hoảng, trì trệ, lưu thông phân phối ách tắc, rối ren, hàng hóa, vật phẩm tiêu dùng khan hiếm, đời sống các tầng lớp nhân dân gặp nhiều khó khăn chúng ta đã thực hiện được khát vọng đưa Việt Nam thành một nước năng động, phát triển, chuyển đổi thành công sang mô hình và cơ chế quản lý kinh tế mới, có mức tăng trưởng kinh tế cao, liên tục trong nhiều năm, vị thế, uy tín, quan hệ ngoại giao ngày càng rộng mở và nâng cao, được đánh giá là quốc gia có môi trường chính trị ổn định, an ninh và an toàn, là địa chỉ tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

     Từ một quốc gia kém phát triển, ảnh hưởng nặng nề bởi nhiều năm chiến tranh và bị bao vây cấm vận, Việt Nam đã từng bước khẳng định uy thế, vai trò, vị thế của mình trên trường quốc tế. Từ một nước nghèo và lạc hậu, Việt Nam đã tích cực hội nhập quốc tế, vươn lên trở thành hình mẫu phát triển kinh tế - xã hội, được thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

     Trải qua chiến tranh ác liệt, nhân dân ta càng thêm trân trọng những giá trị của độc lập và tự do. Một lần nữa câu nói “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Bởi lẽ, có độc lập tự do thì sẽ có tất cả. Đất nước không thể phồn vinh, dân tộc không thể phát triển, nhân dân không thể có cơm ăn, áo mặc và cuộc sống hạnh phúc nếu không có độc lập tự do. Và để có một nền Độc lập - Tự Do đầy đủ, bền vững, không có gì khác là chúng ta phải phát huy mạnh mẽ nhất, cao nhất tinh thần đấu tranh vừa quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh, vừa bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN với quyết tâm "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ". Về phương diện đối ngoại, càng không thể thụ động, chờ đợi mà phải năng động, linh hoạt, sáng tạo để đẩy mạnh hội nhập toàn diện, tìm kiếm thêm nhiều cơ hội phát triển. Đồng thời, phải hết sức nhạy cảm trong nhận diện, đánh giá, dự báo tình hình, không để bị động bất ngờ, không đề bị lôi kéo, kích động và ảo tưởng vào những liên minh quyền lực bên ngoài

     Ngày nay, nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa, xây dựng đất nước vững bước đi lên CNXH. Các thế lực thù địch vẫn không một ngày ngừng nghỉ, chúng đẩy mạnh chống phá nước ta trên nhiều lĩnh vực, với nhiều âm mưu và thủ đoạn khác nhau. Đặc biệt là chiến lược "diễn biến hòa bình", gây "bạo loạn lật đổ" được chúng ráo riết thực hiện, tình hình tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Đối diện với nhữn thách thức đó, ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc được Đảng chú trọng quan tâm hơn bao giờ hết. Đảng và nhà nước ta đã và đang thực hiện nhất quán nguyên tắc đặt lợi quốc gia, dân tộc lên trên hết, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa, tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi nhất cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đây được coi là cột mốc mở đầu đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với khí thế mới, sức bật mới và một lộ trình rõ ràng để “cất cánh”. Khát vọng thịnh vượng đã được khơi dậy, truyền cảm hứng và như một lời hiệu triệu với non sông, với đất nước, với một trăm triệu người dân Việt Nam mà ở đó mục tiêu rõ nhất là làm cho đất nước độc lập vững bền, mọi người dân được hạnh phúc, ấm no như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kỳ vọng và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khẳng định quyết tâm thực hiện ./.