Trường Chính trị tỉnh Nghệ An - Truyền thống và phát triển
17/11/2021 02:11
Ngày 18 tháng 11 năm 1946, tại Đình Trung (làng Đỏ Yên Dũng, nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) tỉnh ủy Nghệ An đã mở lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên của tỉnh với gần 40 học viên) Mặc dù đến hơn 4 tháng sau (tháng 3/1947) mới chính thức mang tên TRƯỜNG ĐẢNG (đồng chí Hồ Mỹ Xuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng), nhưng ngày mở lớp huấn luyện cốt cán đầu tiên chính là mốc thời gian đánh dấu sự ra đời của Trường Đảng tỉnh ta....
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An - Truyền thống và phát triển

                                                              Đồng chí Trương Công Anh

                                                Nguyên Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh,

                                         nguyên UVBTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Ngày 18 tháng 11 năm 1946, tại Đình Trung (làng Đỏ Yên Dũng, nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh) tỉnh ủy Nghệ An đã mở lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên của tỉnh với gần 40 học viên)

Mặc dù đến hơn 4 tháng sau (tháng 3/1947) mới chính thức mang tên TRƯỜNG ĐẢNG (đồng chí Hồ Mỹ Xuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm nhiệm chức vụ Hiệu trưởng), nhưng ngày mở lớp huấn luyện cốt cán đầu tiên chính là mốc thời gian đánh dấu sự ra đời của Trường Đảng tỉnh ta.

Tuy gọi là "Trường" nhưng từ cuối năm 1946 cho đến năm (1956 - 1957) trường chỉ mới có bộ khung, giảng viên phần lớn là giảng viên kiêm chức, cơ sở vật chất để mở lớp phần lớn dựa vào dân. Nhiệm vụ chính của trường là mở các lớp huấn luyện cán bộ ngắn ngày (10 - 15 ngày trong thời gian kháng chiến, 1 đến 2 tháng trong thời gian sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng). Trường trực thuộc Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy (như là một bộ phận thuộc tổ chức Ban Tuyên huấn). Đồng chí Trưởng ban Tuyên huấn kiêm chức Hiệu trưởng.

Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nhiệm vụ cách mạng mới và điều kiện kinh tế - xã hội mới, đòi hỏi và tạo điều kiện cho phép trường chuyển sang thời kỳ xây dựng, phát triển theo hướng chuyên nghiệp và dần dần được chính quy hóa cả về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên và nội dung huấn luyện, đào tạo bồi dưỡng cán bộ. Cùng với chương trình huấn luyện ngắn ngày để "cập nhật đường lối chính sách của Đảng qua các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh, trường bắt đầu thực hiện chương trình đào tạo dài ngày hơn với các lớp học lý luận cơ bản; trong đó nâng cao trình độ lý luận Mác - Lênin cho đội ngũ cán bộ. Bên cạnh các lớp tập trung tại trường, bắt đầu mở các lớp tại chức để nhanh chóng phổ cập trình độ lý luận cho đội ngũ cán bộ của tỉnh.

Sau gần 10 năm xây dựng, phát triển và hoạt động trong thời bình, từ 1965 - 1975 trường lại phải hoạt động trong thời chiến. Quá trình đi lên chuyên nghiệp, đi lên chính quy tuy có bị chậm lại nhưng vẫn được tiếp tục. Cả nước bước vào thời kỳ thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược. Nghệ An vừa là hậu phương trực tiếp của tiền tuyến lớn miền Nam, vừa là tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc. Nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đáp ứng những đòi hỏi rất cao cả về chính trị, tư tưởng, tri thức, bản lĩnh, ý chí, phong cách... Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù khó khăn đến đâu cũng phải ra sức thi đua dạy thật tốt, học thật tốt vận dụng sáng tạo những bài học trong kháng chiến chống thực dân Pháp; trường Đảng đã dựa vào dân mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng kịp thời yêu cầu của nhiệm vụ mới. Chính đội ngũ cán bộ đó đã góp phần quan trọng để Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ cùng cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Đất nước độc lập, thống nhất cùng đi lên chủ nghĩa xã hội; Trường Đảng Lê Hồng Phong Nghệ An sáp nhập với trường Đảng Trần Phú Nghệ Tĩnh. Đây là giai đoạn thực sự chuyên nghiệp - chính quy về mọi phương diện. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đứng trước đòi hỏi rất mới khi đất nước bước vào công cuộc Đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Cùng với Trường Đảng tập trung, chính quy, tỉnh có thêm Trường Đảng tại chức (sau này đổi tên là trung tâm giáo dục chính trị) Trường Thanh vận, Trường Cán bộ Mặt trận, Trường Hành chính... Có một hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như vậy mới đáp ứng kịp thời yêu cầu của công cuộc Đổi mới toàn diện đất nước nói chung và Nghệ An nói riêng. Sự "nở rộ" về tổ chức đi liền với quá trình đổi mới về nội dung và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đặc biệt là về nội dung đào tao và bồi dưỡng. Công cuộc Đổi mới đòi hỏi đội ngũ cán bộ có tri thức chính trị cơ bản, đồng thời phải có thêm tri thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tri thức kinh tế nhiều thành phần, độc lập tự chủ gắn với hội nhập quốc tế.

Hệ thống các trường đào tạo cán bộ của tỉnh một mặt đáp ứng được điều kiện khách quan từ thực tiễn, mặt khác nó khó tránh khỏi tính phân tán trong khi các nguồn lực (tài chính, cán bộ quản lý, giảng viên) còn khá hạn chế. Vì thế tỉnh chủ trương sáp nhập tất cả các trường thành một trường duy nhất: Trường Chính trị tỉnh Nghệ An (thời gian đầu mới sáp nhập gọi là Trường Cán bộ tỉnh Nghệ An).

Trường Chính trị tỉnh - với vị trí, vai trò là trường duy nhất, tập trung, chuyên nghiệp và chính quy đã tạo thế và lực mới cho nhiệm vụ giáo dục lý luận chính trị và cho nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt ở cơ sở. Lãnh đạo tỉnh đã tập trung đầu tư để nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư nguồn nhân lực đủ lượng cần thiết và ngày càng có chất lượng chuyên môn cao hơn. Quy mô đào tạo cả các lớp tập trung ở trường và cả các lớp mở ở huyện, thị xã, thành phố ngày càng mở rộng. Cấp độ đào tạo từ chương trình trung cấp từng bước nâng lên chương trình cao cấp. Nội dung đào tạo ngày càng bao quát được yêu cầu của từng loại hình cán bộ của cả hệ thống chính trị từ cơ sở đến tỉnh. Tổ chức, bộ máy nhân sự của trường từng bước được kiện toàn nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động mọi lĩnh vực của trường.

Từ "thưở ban đầu" sơ khai, bán chuyên nghiệp của các năm 1946 - 1947, sau 75 năm xây dựng, hoạt động, từng bước trưởng thành; đến nay của các năm 2021 - 2021, Trường Đảng tỉnh, nay là Trường Chính trị tỉnh đã thực sự là trường đào tạo bồi dưỡng cán bộ chuyên nghiệp, chính quy của tỉnh Nghệ An.

Được sự chỉ dẫn kịp thời và đúng đắn của Trung ương - trực tiếp là Ban Tuyên giáo  Trung ương, Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; được sự quan tâm và sự lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; được sự đùm bọc, chở che và giúp đỡ hết lòng của nhân dân, toàn thể cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ giảng dạy (cả chuyên trách và kiêm nhiệm), cán bộ phục vụ, Trường Đảng - Trường chính trị Nghệ An đã từng bước trưởng thành hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp xứng đáng vào những thắng lợi của quê hương xô viết, quê hương Bác Hồ trong hai cuộc kháng chiến thần thánh, trong công cuộc Đổi mới quê hương, đất nước.

Càng tự hào bao nhiêu, Trường Chính trị tỉnh càng nhận thức sâu sắc bấy nhiêu về trách nhiệm của mình góp phần xứng đáng nhất để Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận... nhân dân các dân tộc tỉnh nhà thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thức XIX xác định: "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, con người xứ Nghệ, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên chủ động đổi mới sáng tạo, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉn khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước".

Để thực hiện tốt nhất trách nhiệm trong giai đoạn tỉnh nhà thể hiện ý chí tự cường và khát vọng vươn lên chủ động đổi mới sáng tạo đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá, trường Đảng - trường chính trị cần tập trung mấy nhiệm vụ sau:

1/ Kế thừa và phát huy những bài học thành công của trường trong 75 năm qua. Cụ thể là mấy bài học sau

a. Bám sát, bám chắc vào nhiệm vụ chính trị cụ thể của tỉnh (thể hiện ở các Nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy) nắm vững và vận dụng sát hợp nhiệm vụ của công tác tư tưởng -  lý luận, công tác tổ chức cán bộ để đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng một đội ngũ cán bộ đủ tài, đủ đức toàn tâm, toàn ý phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

b. Đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Tỉnh ủy, tận dụng triệt để sự đầu tư của UBND tỉnh, trân trọng sự đùm bọc, chở che, giúp đỡ và ủng hộ của nhân dân để trong bất cứ hoàn cảnh nào trường chính trị cũng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

c. Không ngừng chăm lo xây dựng, vun đắp nguồn lực nội tại, nội sinh: nguồn lực con người của trường, cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ giảng dạy, cán bộ phục vụ của trường thực sự nêu gương hết lòng, hết sức vì đội ngũ cán bộ là học viên của trường.

Phát huy dân chủ, củng cố đoàn kết để mỗi thành viên của trường đều là một thành viên mạnh, tập thể nhà trường là một tập thể mạnh.

d. Nắm chắc và thực hiện tốt những hướng dẫn của trên (cụ thể bây giờ là của Học viện chính trị quốc gia Hồ chí Minh, Học viện hành chính quốc gia...) vận dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp và trình độ chính quy của trường.

2/ Không tự bằng lòng, không tự thỏa mãn càng không thể dừng lại ở những gì trường đang có, ở những gì trường đã làm được mà phải thực sự đổi mới và không ngừng sáng tạo để tận dụng tối đa những thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4, trực tiếp là những thành tựu của khoa học giáo dục hiện đại theo quan điểm và tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục mà Đảng ta đã chỉ ra.

Nên chăng đã đến lúc Trường Chính trị tỉnh Nghệ An phải bắt tay vào việc xây dựng Đề án đổi mới căn bản và toàn diện nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho tỉnh. Cần lưu ý rằng đây là việc cần làm và phải làm. Không ai làm thay được. Trường phải thực sự chủ động để triển khai xây dựng đề án cơ bản và cốt tử này.

3/ Trước mắt trong vài ba năm tới trường tiến hành ngay mấy việc cụ thể

a. Tổ chức chương trình cập nhật quan điểm giáo dục hiện đại (giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng nhất), chương trình quán triệt quan điểm (mới) của Đảng về tổ chức và cán bộ trong điều kiện Đảng vừa là Đảng lãnh đạo, vừa là Đảng cầm quyền. Coi đây là những tri thức tối thiểu cần có làm cơ sở để đổi mới và sáng tạo khi thực hiện nhiệm vụ đào tạo của Trường. Trường cần tranh thủ triệt để các cơ quan giáo dục, các chuyên gia giáo dục (ở cả trung ương) Ban Tuyên giáo - Ban Tổ chức (ở cả trung ương) để giúp trường làm việc này.

b. Trường cần tập trung cao nhất mọi điều kiện , mọi khả năng, mọi nguồn lực để đào tạo đội ngũ cán bộ cốt cán cho cơ sở: xã, phường, thị trấn. Nếu với các lớp khác theo các chương trình khác trường quan tâm 1 thì với các lớp (các khóa) đào tạo cán bộ cốt cán cho cơ sở trường phải quan tâm 10. Trường phải coi đây là nhiệm vụ số một.

c. Từng bước chủ động có lộ trình đổi mới việc dạy và việc học trước hết và trực tiếp cho các lớp đào tạo cán bộ cơ sở trên nền tảng tư duy giáo dục hiện đại. Cụ thể là:

Tất cả các học viên phải xác định thật rõ mục đích học tập ở trường theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải xóa kỳ sạch tâm lý học cho có bằng cấp, cho có chứng chỉ đang tồn tại dai dẳng và nặng nề trong cán bộ hiện nay.

- Dạy không chỉ là truyền đạt tri thức sách vở mà quan trọng hơn là truyền cảm hứng, là hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, kỹ năng vận dụng sáng tạo. Do đó phải từng bước cải tiến, đổi mới cách thức giảng dạy, kiểm tra kiến thức, thảo luận tổ - lớp, ra đề thi cuối môn, cuối lớp nội dung và cách thức làm tiểu luận tốt nghiệp, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại... Việc này cần và có thể tham khảo những đổi mới việc dạy của ngành giáo dục đã và đang làm hiện nay.

- Học với tâm thể chủ động, học không chỉ để tiếp thu mà học còn phải vận dụng, học là để tri thức được truyền đạt thành tri thức của mình.

Tổng soát việc dạy việc học lâu nay của trường để xác định thật đúng những gì cần phải cái tiến, đổi mới.

d. Soát xét lại chương trình nội dung đào tạo cán bộ cơ sở hiện có, hiện đang dạy và học của trường để bổ sung, hoàn chỉnh theo phương châm: cơ bản, thiết thực. Cùng với nội dung chương trình "cứng" có tính bắt buộc do trên quy định, cần có nội dung chương trình "mềm" đáp ứng đòi hỏi từ thực tiễn của học viên. Tinh thần chung là nội dung chương trình đào tạo cán bộ cơ sở vừa là điều mà tổ chức yêu cầu vừa là điều mà học viên cần. Nói khác đi là trường phải dạy những gì mình có đồng thời phải dạy những gì học viên cần.

Ngoài chương trình nội dung nói trên cần có thêm các báo cáo thực tế để học viên tham khảo, tổ chức thật tốt các đợt thâm nhập thực tế để học viên được trải nghiệm. Làm thế nào để vừa đổi mới nội dung đào tạo vừa đổi mới phương thức đào tạo.

e. Từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên chuyên trách của trường có bản lĩnh, có trí tuệ, có đạo đức và có vốn sống phong phú. Trường hiện có một đội ngũ giảng viên chuyên trách được đào tạo về chuyên môn một cách rất cơ bản. Nhiều giảng viên đã đạt trình độ trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ...). Đây là mặt mạnh cần khẳng định và phát huy. Song có một thực tế không thể không thừa nhận là đội ngũ của ta còn rất thiếu vốn sống, vốn thực tiễn. Hầu như rất ít người đã từng kinh qua một chức vụ lãnh đạo nào ở cơ sở, ở huyện, cao hơn là ở tỉnh. Giảng viên thiếu vốn sống, vốn thực tiễn thì làm sao gợi mở được cho học viên vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Chúng ta chỉ mởi tổ chức những chuyến đi thực tế cho giảng viên. Điều này cần nhưng chưa đủ. Nên chăng có chế độ luân phiên "gửi" giảng viên về đảm nhận một chức vụ nào đó trong cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể thời gian ít ra là 2 năm. Việc này không nằm trong chủ trương luân chuyển cán bộ đang làm mấy năm nay[1]. Chỉ có giảng viên từng làm cán bộ mới "bày" cho học viên làm cán bộ được. Nói khác đi giảng viên dạy tại các lớp đào tạo cán bộ cốt cán cơ sở không chỉ dạy lý thuyết mà còn có khả năng trang bị kỹ năng làm cán bộ cho học viên. Đề nghị trường làm việc với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ... để xây dựng và thực thi chế độ này.

Sau khi có đường lối đúng, cán bộ quyết định hết thảy. Mọi sự thành bại đều tùy thuộc vào cán bộ tốt hay không tốt. Nghệ An đã có đường đi tới thành tỉnh khá đúng. Nghệ An có đi tới đích hay không phụ thuộc hêt thảy ở đội ngũ cán bộ (mà một bộ phận đội ngũ cán bộ này do trường chính trị tỉnh đào tạo, bồi dưỡng). Trường Chính trị tỉnh kế thừa, phát huy những bài học thành công của 75 năm qua, kiên định mục tiêu nhiệm vụ chính trị được giao, thực sự đổi mới sáng tạo để hoàn thành trọng trách mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh giao phó./.

 



[1] Tôi được tỉnh cử đi học một lớp bồi dưỡng cán bộ Đảng tại trường Đảng cao cấp Matscowva (Liên Xô cũ). ở lớp học này, qua tìm hiểu tôi được biết, các giáo sư, giảng viên lên lớp dạy chúng tôi đều đã kinh qua cá chức vụ ở các cơ quan Đảng ít ra là ở cấp tỉnh, phổ biên là ở các nước thành viên thuộc Liên bang Xô Viết