Nhận thức rõ hơn về sự kiên định mục tiêu Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng
31/01/2022 04:25
Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức lập nên những thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn thể nhân dân...
Nhận thức rõ hơn về sự kiên định mục tiêu Độc lập dân tộc và Chủ nghĩa xã hội được nêu trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng

                                                                          ThS Nguyễn Văn Điều

                                                                           Gv.Khoa Lý luận cơ sở

      Với định hướng đúng đắn, khát vọng phát triển mạnh mẽ và quyết tâm chính trị cao, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức lập nên những thành tựu phát triển mới vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, cùng tiến bước, sánh vai với các cường quốc năm châu, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ước vọng của toàn thể nhân dân. Tinh thần quyết tâm đó được Đảng ta khẳng định rõ trong tầm nhìn và định hướng phát triển đất nước thời gian tới, mà trước hết là: “Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”[1]. Trong giới hạn bài viết này, tác giả tập trung phân tích nội dung kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đã được nêu rõ trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

1. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là lý tưởng, mục tiêu nhất quán của Đảng và nhân dân ta

 Trở lại lịch sử, từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Việt Nam là một nước thuộc địa nửa phong kiến với hai mâu thuẫn cơ bản nổi lên: mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp. Hai mâu thuẫn này bóp nghẹt đời sống xã hội Việt Nam khiến cho nhân dân sống trong cảnh lầm than cơ cực và làm xuất hiện nhu cầu bức bách phải tìm ra con đường giải quyết một cách triệt để đồng thời cả hai mâu thuẫn này, nhằm giải phóng dân tộc và đưa đất nước tiếp tục phát triển.

Tại thời điểm này, xã hội Việt Nam đã trải những cuộc thử nghiệm để lựa chọn con đường cứu nước. Nổi lên là các phong trào yêu nước chống thực dân Pháp đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp Bác, Trung, Nam. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương, cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế, phong trào Đông Du, Duy Tân.v.v.. Những phong trào này đều thể hiện tinh thần yêu nước và ý chí bất khuất đấu tranh chống thực dân xâm lược và tìm đường cứu nước của nhân dân Việt Nam, song tất cả các phong trào đều bị thất bại. Tìm ra con đường mới, một hệ tư tưởng mới soi đường cho cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi đã trở thành động lực thôi thúc mạnh mẽ các nhà yêu nước.

Cùng với đó, thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, đã làm cho chủ nghĩa xã hội từ lý luận trở thành hiện thực, đồng thời mở ra một thời đại mới - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Mười Nga với sự ra đời của Nhà nước Xô Viết, lần đầu tiên khát vọng của nhân loại về một xã hội tự do, công bằng, bình đẳng, dân chủ đã trở thành hiện thực, giai cấp công nhân và nhân dân lao động từ thân phận bị áp bức, bóc lột đã trở thành chủ nhân xây dựng đất nước, xây dựng xã hội. Vì vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã trở thành biểu tượng và tạo động lực to lớn thôi thúc các dân tộc thuộc địa, trong đó có Việt Nam noi theo. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của những người cộng sản Việt Nam và con đường: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội càng có thêm cơ sở thực tiễn để lựa chọn.

Vào thời điểm ấy, Nguyễn Ái Quốc trên hành trình tìm đường cứu nước, đã nắm vững nhu cầu lịch sử dân tộc, bằng kinh nghiệm thực tiễn phong phú của mình, kết hợp lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin soi rọi, Người đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản[2].  Như vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin chính là cơ sở lý luận để Nguyễn Ái Quốc quyết định lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam đã tìm ra con đường phát triển mang tính đặc thù - đó là con đường quá độ bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, đi lên chủ nghĩa xã hội từ một nước thuộc địa nửa phong kiến. Cách thức phát triển này cho phép giải quyết một cách triệt để mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp của xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX. Qua đó cho thấy, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội phản ánh sự lựa chọn khách quan của chính thực tiễn - lịch sử dân tộc mang đậm tính đặc thù của Việt Nam đã được khẳng định.

Với mục tiêu xác định, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kết hợp với sự ủng hộ giúp đỡ cả về vật chất và tinh thần của nước xã hội chủ nghĩa, cách mạng Việt Nam đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập, tự do cho dân tộc, đưa đất nước thống nhất và bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Trước thời kỳ đổi mới đất nước, nhận thức lý luận độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội của Đảng ta là một nhất quán và không có sự hoài nghi, dao động về con đường đã lựa chọn, mặc dù chủ nghĩa xã hội hiện thực vào cuối những năm 80 đầu những năm 90 của thế kỷ XX ở nhiều nơi trên thế giới đã lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Đồng thời nhận thức này đã chỉ rõ tiến trình phát triển của Việt Nam là quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Hơn nữa, cơ sở thực tiễn của việc tiếp tục kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam chính là từ những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử đã đạt được qua 35 năm đổi mới. Mặc dù, con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay vẫn còn muôn vàn khó khăn, thử thách; vẫn còn không ít những hạn chế, yếu kém, nhưng nhìn một cách tổng quát, khách quan, quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn cần phải được khẳng định và trân trọng. “Nhìn lại 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3].

Từ đó có thể khẳng định chắc chắn rằng, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với CNXH ở nước ta là không bao giờ thay đổi. Độc lập dân tộc là điều kiện để đi lên chủ nghĩa xã hội, ngược lại chủ nghĩa xã hội là điều kiện để đảm bảo độc lập dân tộc. Vì đây “là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”[4]. Đương nhiên, vấn đề không chỉ là mục tiêu, lý tưởng, mà điều quan trọng là phải tìm ra giải pháp, bước đi, cách làm khoa học, sáng tạo nhằm thực hiện cho bằng được mục tiêu, lý tưởng đã xác định. CNXH của chúng ta xây dựng không phải là CNXH bị hiểu sai và làm sai, mà là CNXH khoa học, CNXH đổi mới đúng đắn trên tinh thần phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đất nước. Như một chỉ dẫn mang tính nguyên lý của lãnh tụ vĩ đại V.I.Lênin: “Tất cả các dân tộc đều sẽ đi lên chủ nghĩa xã hội, đó là điều không thể tránh khỏi, nhưng tất cả các dân tộc đều tiến tới chủ nghĩa xã hội không phải một cách hoàn toàn giống nhau; mỗi dân tộc sẽ đưa đặc điểm của mình vào hình thức này hay hình thức khác của chế độ dân chủ, vào loại này hay loại khác của chuyên chính vô sản, vào nhịp độ này hay nhịp độ khác của việc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các mặt khác nhau của đời sống xã hội”[5].

2. Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội đang ngày càng được hiện thực hóa ở nước ta

Hiện nay, chúng ta đang tiến hành đổi mới toàn diện đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là tiếp tục con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn. Đổi mới vì thế là quá trình vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, chứ không phải là thay đổi mục tiêu. Tuy nhiên, khi chấp nhận kinh tế thị trường, chủ động hội nhập quốc tế, chúng ta phải tận dụng các mặt tích cực của nó, đồng thời phải biết ngăn chặn, phòng tránh các mặt tiêu cực, bảo đảm nhịp độ phát triển nhanh, bền vững trên các mặt của đời sống xã hội: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, môi trường; không vì phát triển, tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá mà làm phương hại các mặt khác của cuộc sống con người. Trên thực tế, cũng như một đòi hỏi tất yếu, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ở nước ta hiện nay phải được thể hiện đậm nét, toàn diện trên tất cả các yếu tố của sự phát triển đất nước.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội về chính trị. Độc lập, tự chủ của một quốc gia trước hết là độc lập, tự chủ trong việc lựa chọn chế độ chính trị, lựa chọn con đường và mô hình phát triển; độc lập tự chủ trong việc quyết định đường lối và chiến lược phát triển, chủ động xây dựng và hoàn thiện pháp luật, chính sách và các công cụ quản lý của nhà nước phù hợp với hoàn cảnh của đất nước và các điều ước quốc tế đã tham gia và cam kết thực hiện. Xác định, mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp cách mạng mà nhân dân ta quyết tâm thực hiện không chỉ dừng lại ở độc lập dân tộc, mà hơn thế, độc lập dân tộc phải được gắn liền với mục tiêu chủ nghĩa xã hội. Để giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trước yêu cầu hội nhập và phát triển, Đảng ta xác định, “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng; giữ vững bản chất giai cấp công nhân của Đảng. Tiếp tục nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tính chiến đấu của toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, nhất là cấp chiến lược; tích cực đấu tranh, phản bác có hiệu quả quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.”[6] Qua đó, Đảng cần đổi mới và nâng cao chất lượng công tác hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới; coi trọng và nâng cao chất lượng dự báo và ứng phó với các thách thức, diễn biến rất nhanh, khó lường của tình hình, luôn đảm bảo chủ động và ổn định trong đường lối chính trị và mục tiêu phát triển của đất nước.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội về kinh tế. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội về kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế là xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại, có năng lực cạnh tranh và tính chủ động trong tham gia hiệu quả vào hệ thống sản xuất và phân phối toàn cầu, có khả năng thích ứng cao với những biến động của tình hình quốc tế và ít bị tổn thương trước những biến động đó, có cơ cấu kinh tế hiệu quả và bảo đảm độ an toàn cần thiết cho các hoạt động bình thường của xã hội, phục vụ đắc lực cho mục tiêu xây dựng tiềm lực kinh tế cho chủ nghĩa xã hội.

Hơn nữa, độc lập dân tộc về kinh tế cũng đi liền với việc giải quyết vấn đề hội nhập về kinh tế. Đó là quá trình nền kinh tế đất nước tham gia vào kinh tế khu vực và thế giới dựa trên lợi thế so sánh và từ đó tham gia vào phân công lao động khu vực và thế giới, để nền kinh tế nước ta trở thành một bộ phận không thể tách rời của nền kinh tế khu vực và thế giới. Qua đó, vừa phát huy được mọi tiềm năng và nguồn lực trong nước, vừa tranh thủ được điều kiện và nguồn lực bên ngoài cho phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Chính nhờ nhận thức rõ mỗi quan hệ giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên phương diện kinh tế, nên qua 35 năm đổi mới, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, và sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng, sự nỗ lực phấn đấu, chung sức đồng lòng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và sự giúp đỡ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, nhân dân ta đã đạt được “những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới”[7], tạo ra thế và lực mới để đất nước tiếp tục đi lên với triển vọng tốt đẹp. Những thành tựu về đổi mới cho chúng ta niềm tin về sự lựa chọn đúng đắn của mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam: “Quy mô GDP không ngừng được mở rộng, năm 2020, đạt 342,7 tỷ đô la Mỹ (USD), trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN. Thu nhập bình quân đầu người tăng khoảng 17 lần, lên mức 3.512 USD. Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh, năm 2020, đạt trên 540 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt trên 280 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đạt 100 tỷ USD vào năm 2020. Đầu tư nước ngoài tăng nhanh, đăng ký đạt gần 395 tỷ USD vào cuối năm 2020.[8]

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội về phương diện văn hóa, xã hội. Độc lập dân tộc về khía cạnh văn hóa chính là yếu tố đảm bảo nền tảng vững chắc cho sự phát triển. Càng hội nhập sâu rộng càng đòi hỏi khẳng định bản sắc, càng có nhu cầu giữ gìn giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc. Bài học của Nhật Bản từ thời cải cách Minh Trị cho thấy cách tân và giữ gìn bản sắc là hai quá trình song song, bổ sung cho nhau, trong đó giữ được “hồn cốt”, đồng thời tiếp thu tinh hoa cộng nghệ và văn hóa phương Tây là cơ sở để Nhật Bản tạo nên sự thần kỳ về kinh tế. Vấn đề đặt ra là trong quá trình phát triển, phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, biết cách sử dụng các thành tựu của loài người phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là thành tựu khoa học – công nghiệp hiện đại, cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm cho tăng trưởng kinh tế luôn đi liền với sự tiến bộ, công bằng xã hội, sự trong sạch, lành mạnh về đạo đức, văn hóa và tinh thần. Trong đó, “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường…”[9] Từ đó, khơi dậy mạnh mẽ chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc chân chính của người Việt Nam nhằm góp phần tăng tiềm lực quốc gia. Cùng với đó, chủ động hội nhập quốc tế phải gắn liền với nhiệm vụ trau dồi bản lĩnh và bản sắc văn hóa dân tộc, để không tự đánh mất mình trước xu thế hội nhập mở cửa. Chỉ có bản lĩnh và cốt cách văn hóa dân tộc sâu sắc, mạnh mẽ đó mới có thể loại trừ các yếu tố độc hại, tiếp thu tinh hoa văn hóa loài người, làm phong phú, làm giàu nền văn hóa dân tộc. Đó cũng chính là yếu tố bền bỉ nhất đảm bảo sự kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH về văn hóa ở nước ta hiện nay.

Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội về QP,AN và đối ngoại. Vấn đề này được thể rõ trong việc giải quyết mỗi quan hệ giữa xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế trong điều kiện hiện nay của nước ta. Đây là một đòi hỏi khách quan, tất yếu của sự nghiệp cách mạng, biểu hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống. Trên thực tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có xu hướng xâm nhập, tác động, quy định lẫn nhau ngày càng khăng khít, đến mức bảo vệ là một bộ phận của xây dựng. Với tầm quan trọng đó, Đảng ta nhấn mạnh: “Quốc phòng, an ninh được tăng cường, kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. An ning chính trị, an toàn xã hội được bảo đảm, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước.”[10]

Có thể nói, độc lập dân tộc và CNXH là vấn đề cơ bản nhất trong hệ giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta, là bản chất, mục tiêu xuyên suốt của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng giành độc lập dân tộc và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Cho đến hôm nay, những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan hơn 35 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên CNXH của nước ta là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là khát vọng của nhân dân ta, phù hợp với quy luật vận động và phát triển tất yếu khách quan của thời đại. Thành tựu và kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới./.

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập 2; Nxb.CTQGST; HN.2021; tr.324.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.12, tr.30.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1), NXB. Chính trị quốc gia sự thật; HN.2021; tr.103-104.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB. Chính trị quốc gia sự thật; HN.2011; tr.70.

[5] V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb. Tiến Bộ, M, 1981, tr.160.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 2), NXB. Chính trị quốc gia sự thật; HN.2021; tr.231.

 

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr. 25

[8] https://nhandan.vn/tin-tuc-su-kien/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-chu-nghia-xa-hoi-va-con-duong-di-len-chu-nghia-xa-hoi-o-viet-nam.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 1), NXB. Chính trị quốc gia sự thật; HN.2021; tr.28-29.

[10] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (Tập 2), NXB. Chính trị quốc gia sự thật; HN.2021; tr.85.