"Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Trường Chính trị chuẩn"
22/02/2023 11:51
Trường Chính trị tỉnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có chất lượng của tỉnh Nghệ An, với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang trong công tác giáo dục lý luận chính trị. Trường có vai trò đặc biệt quan trọng với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý...

ThS. Trần Duy Rô Nin

Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo & Nghiên cứu khoa học

                                                                                               

Trường Chính trị tỉnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có chất lượng của tỉnh Nghệ An, với bề dày lịch sử và truyền thống vẻ vang trong công tác giáo dục lý luận chính trị, Trường có vai trò đặc biệt quan trọng với những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc, được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý. Trong thời gian qua, Trường đã thực hiện tốt công tác tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lý luận gồm nhiều thế hệ kế tiếp nhau, luôn đem hết tâm huyết và trí tuệ phục vụ sự nghiệp “trồng người”, phục vụ“công việc gốc của Đảng”.

 Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn là 2 chức năng lớn của nhà trường. Trong đó, giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ quan trọng và chủ yếu của đội ngũ giảng viên ở Trường Chính trị. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ chặt chẽ và tác động qua lại lẫn nhau. Tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học là một trong những biện pháp cần thiết, quan trọng đối với giảng viên để hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của công tác xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu khoa học sẽ giúp cho mỗi giảng viên làm rõ các vấn đề lý luận và thực tiễn, cập nhật các thông tin, kiến thức mới vào bài giảng thêm phong phú, sinh động và thiết thực. Do đó, việc nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Thứ nhất, tổ chức quản lý, thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn ngày càng nghiêm túc, chặt chẽ, nền nếp. Công tác nghiên cứu khoa học đã được triển khai theo kế hoạch, đồng bộ và hiệu quả. Hàng năm, đã chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn hướng vào những vấn đề cơ bản, cấp bách, gắn với tiêu chuẩn chức danh giảng viên và kết quả phân loại tập thể, cá nhân hàng năm. Đẩy mạnh phối hợp với Học viện, các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh, các trường đại học, các trường bạn trong thực hiện nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Hệ thống quy chế, quy định về hoạt động khoa học được xây dựng và sửa đổi, bổ sung hàng năm. Hoạt động khoa học ngày càng bài bản, chuyên nghiệp. Sản phẩm khoa học, thông tin, tư liệu có chất lượng tốt hơn, thiết thực và được đánh giá cao. Công tác quản lý, đăng ký, xét duyệt đề cương, tổ chức ký kết hợp đồng, kiểm tra, đôn đốc tiến độ, nghiệm thu kết quả nghiên cứu được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, theo đúng quy chế, quy định.

Thứ hai, Nhà trường đã tích cực đổi mới các hoạt động nghiên cứu khoa học góp phần phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và các hoạt động khác của nhà trường. Chất lượng, số lượng các hoạt động khoa học ngày càng được nâng cao hơn. Đặc biệt là ở quy mô, tầm ảnh hưởng và khả năng tác động trực tiếp, tích cực vào công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tham mưu chủ trương chính sách cho tỉnh, định hướng chính trị, tư tưởng, đạo đức, nghiên cứu học thuật có chiều sâu với nhiều đề tài, đề án cấp tỉnh, hội thảo khoa học cấp tỉnh, cấp quốc tế.

Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, nhà trường đã đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và đạt được những kết quả tốt. Năm 2022, đã tổ chức triển khai nghiên cứu và nghiệm thu chất lượng 05 đề tài nghiên cứu khoa học; tiếp tục triển khai đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh giai đoạn 2021 – 2023 với chủ đề “Nghiên cứu thực trạng và xây dựng bộ tài liệu bồi dưỡng công chức cấp xã ở tỉnh Nghệ An”, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và tổng kết thực tiễn, trong đó có nhiều đề tại được áp dụng có hiệu quả trong công tác giảng dạy; năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng nâng cao.

Thứ ba, tổ chức các Hội thảo khoa học lớn nhằm khai thác các giá trị lý luận, giải quyết các vấn đề thực tiễn để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu. Điểm nổi bật trong năm 2022 là nhà trường đã tham mưu, phối hợp tổ chức thành công một số Hội thảo khoa học các cấp, thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học. Nhà trường được Tỉnh ủy chủ trì tham mưu phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp bộ:“Những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An” với 28 bài viết, tạo dấu ấn tốt đẹp với đại biểu tham dự về sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, công tác tổ chức nghiêm túc, bài bản, khoa học; phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I tổ chức Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Phát huy vai trò, năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác Tuyên giáo và giảng viên giảng dạy lý luận chính trị trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng giai đoạn hiện nay tại tỉnh Nghệ An”.

Nhân dịp kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (1902 – 2022), Trường đã phối hợp với Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, thành phố Hà Nội tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong - Người chiến sỹ cộng sản trung kiên”, góp phần làm rõ hơn cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của đồng chí Lê Hồng Phong đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nghệ An; tổ chức thành công 03 Hội thảo khoa học cấp trường: “75 năm tác phẩm “Đời sống mới” của chủ tịch Hồ Chí Minh - Giá trị, ý nghĩa trong xây dựng đời sống văn hóa mới và con người Nghệ An hiện nay”; “Thực trạng và giải pháp triển khai chương trình Trung cấp lý luận chính trị mới tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An”; Góp ý dự thảo bộ tài liệu Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, công chức cấp xã ở tỉnh Nghệ An”; 01 tọa đàm khoa học “Xây dựng phong cách cán bộ trường Đảng trung thành, sáng tạo, cống hiến vì sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu lý luận chính trị”. Tổ chức in ấn 05 cuốn Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường phục vụ công tác tuyên truyền, nghiên cứu, giảng dạy.

Thứ tư, công tác tổng kết thực tiễn có nhiều đổi mới, ngày càng thiết thực; chú trọng tìm hiểu, nghiên cứu, thu thập thông tin thực tế tại các địa phương, trong các ngành, lĩnh vực phục vụ giảng dạy, học tập. Thực hiện phương châm kết hợp lý luận với thực tiễn, hàng năm, Trường đã tổ chức các chuyến đi nghiên cứu thực tế cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, phối hợp, làm việc với các địa phương trong và ngoài tỉnh để tìm hiểu, nghiên cứu, tổng kết thực tiễn về tình hình kinh tế - xã hội gắn với việc triển khai các đề tài khoa học để phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương.

Nhằm cập nhật những kiến thức mới, nhà trường đã tổ chức 04 Hội nghị chuyên đề cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường, các báo cáo viên và trung tâm chính trị cấp huyện với các chủ đề: “Xu hướng phát triển kinh tế trong nước và thế giới sau đại dịch COVID-19”; “Chuyển đổi số quốc gia - cơ hội, thách thức và giải pháp”; “Xung đột Nga - Ukraine tác động quốc tế và những vấn đề đặt ra”; “Giảng dạy lý luận chính trị trong thời kỳ chuyển đổi số”; “Phương pháp viết bài đăng tạp chí khoa học” với các chủ đề thiết thực, ý nghĩa, góp phần cung cấp những thông tin hữu ích, có giá trị, giàu tính thực tiễn, phục vụ thiết thực cho công tác chuyên môn, giảng dạy lý luận chính trị, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Xây dựng kế hoạch và triển khai biên tập, phát hành 04 số Nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn” với nhiều đổi mới về hình thức và nội dung.

Thứ năm, nhà trường thường xuyên duy trì và thực hiện tốt các hoạt động tuyên truyền, sinh hoạt chuyên môn, thông tin, tư liệu. Các bài viết nghiên cứu trao đổi lý luận, thực tiễn, sáng kiến kinh nghiệm được triển khai theo đúng kế hoạch, ngày càng có chất lượng và được giới thiệu, đăng tải lên Website, Nội san của nhà trường. Trang Website đã kịp thời thông tin về công tác đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; công tác hành chính - quản trị; giới thiệu các văn bản của Đảng, Nhà nước liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; các văn bản quản lý nội bộ; các bài viết chuyên đề của cán bộ, giảng viên; các hoạt động của Đảng bộ và các đoàn thể trong Nhà trường.

Là một trong những nội dung trọng tâm của hoạt động nghiên cứu khoa học, lãnh đạo nhà trường đã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác biên tập bài viết, chuyên đề nghiên cứu của cán bộ, viên chức; tiếp tục làm tốt công tác thông tin đăng trên Website nhà trường với nhiều chủ đề, chuyên mục phong phú, sinh động, phản ánh rõ nét, kịp thời tình hình chính trị, kinh tế, xã hội và các hoạt động của nhà trường. Thường xuyên cập nhật những thông tin mới để đưa lên bản tin, để cán bộ, viên chức, người lao động và học viên của nhà trường nắm bắt và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của nhà nước; các văn bản của cấp trên...

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực; tạo chuyển biến thực chất trong việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, năm 2022, nhà trường đã tổ chức tốt các đoàn nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn phục vụ hoạt động giảng dạy cho cán bộ, giảng viên tại các địa phương ở trong và ngoại tỉnh với 32 lượt người.

Chỉ đạo xây dựng các tập bài giảng theo Đề án 05 của Tỉnh ủy “Xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2023” phục vụ giảng dạy các lớp bồi dưỡng.

Bên cạnh đó, thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn triển khai chưa thường xuyên, chưa tương xứng với tiềm năng của nhà trường. Các công trình nghiên cứu khoa học chưa được đầu tư đúng mức, một số công trình chất lượng chưa cao. Kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn eo hẹp. Năng lực nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên chưa cao; một bộ phận giảng viên chưa tích cực, chưa quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học, còn có biểu hiện đối phó, thực hiện theo nghĩa vụ. Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường Chính trị tỉnh bước đầu đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhưng chưa có điều kiện để tham gia phản biện, phát hiện, đề xuất các cơ chế, chủ trương, chính sách mới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh. Việc đăng ký, triển khai các đề tài khoa học cấp tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.

Để tiếp tục xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh vững mạnh toàn diện; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; phấn đấu đưa Trường Chính trị tỉnh trở thành một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trung tâm nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn có uy tín của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn mức 1 theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư và Đề án số 17-ĐA/TU ngày 18/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, nhà trường cần tập trung làm tốt một số nội dung công tác sau:

1.  Tiếp tục đổi mới và phát triển toàn diện hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn nhằm giải quyết các vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra đồng thời phục vụ tốt hơn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Chủ động đề xuất với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, các cơ sở đào tạo Trung ương, các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ hợp tác nghiên cứu khoa học; đề xuất với Hội đồng khoa học tỉnh đảm nhận các đề tài khoa học; phối hợp với sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức các hội thảo, hội nghị sinh hoạt chuyên đề.

2. Hàng năm, tiến hành xây dựng kế hoạch tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học cấp tỉnh thuộc lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời tổ chức triển khai nghiên cứu các đề tài khoa học cấp trường đảm bảo chất lượng, thiết thực, gắn với chuyên môn và phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng.

3. Tích cực đề xuất và chủ động tham gia nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; phát hiện và đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh.

4. Từng bước nâng cao chất lượng trang Website và Nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn” của nhà trường trên cơ sở xây dựng, hình thành đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia, có cơ chế, chính sách khuyến khích viết bài, đăng tin; kiểm soát chặt chẽ việc viết bài, đưa tin, đăng tin theo quy định.

5. Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền; từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng trang Website và Nội san của nhà trường trên cơ sở xây dựng đội ngũ cộng tác viên, có cơ chế, chính sách để khuyến khích viết các tin; kiểm soát chặt chẽ việc đưa tin, đăng tin và quy định cụ thể chế độ, chính sách phù hợp với các quy định hiện hành.                                                                                    

6. Có cơ chế tạo điều kiện cho các nhóm đề tài tham gia đấu thầu các đề tài, đề án cấp tỉnh theo hướng tự quản lý việc đăng ký, triển khai nghiên cứu, nghiệm thu và nộp một phần kinh phí cho nhà trường theo tỷ lệ % tổng kinh phí đề tài để góp phần phát triển tư duy khoa học cho viên chức, phát huy tính năng động, sáng tạo, chủ động nghiên cứu các đề tài, đề án lớn, phục vụ giảng dạy, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

7. Về nghiên cứu thực tế, tổng kết thực tiễn: Đối với giảng viên, thực hiện tốt Đề án số 35-ĐA/TU của BTVTU nhằm tích luỹ kinh nghiệm, bổ sung chất liệu thực tiễn, rèn luyện kỹ năng, bản lĩnh, nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu.

Đối với học viên, cần đa dạng hoá địa bàn, địa điểm đi nghiên cứu thực tế nhằm gắn học với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Trước đây, hiện nay chủ yếu đi nghiên cứu tại các di tích lịch sử, văn hoá, bảo tàng hoặc mô hình xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, cần phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức đưa học viên đi nghiên cứu tại những nơi gắn với hoạt động kinh tế điển hình, nổi bật, hiện đại theo chính sách thu hút đầu tư của tỉnh như các Khu công nghiệp trên địa bàn nhất là Khu CN VSIP, WHA Hemeraj...