Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở Nghệ An trong kháng chiến chống thực dân Pháp
07/05/2024 08:05
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nghệ An là tỉnh hậu phương trực tiếp của chiến trường. Bởi vậy, để xây dựng, bảo vệ, củng cố hậu phương, góp phần chi viện cho chiến trường, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An bao gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên cơ sở vũ trang toàn dân...
Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân ở Nghệ An trong kháng chiến chống thực dân Pháp

Ths Vương Quang Minh*

Ths Cao Thị Thu Huyền**

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Nghệ An là tỉnh hậu phương trực tiếp của chiến trường. Bởi vậy, để xây dựng, bảo vệ, củng cố hậu phương, góp phần chi viện cho chiến trường, làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An bao gồm ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trên cơ sở vũ trang toàn dân, toàn dân đánh giặc với thế trận chiến tranh nhân dân. Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, lực lượng vũ trang Nghệ An ngày càng trưởng thành về quy mô, trình độ tác chiến, góp phần quan trọng làm nên thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

1.  Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, lực lượng vũ trang Nghệ An bao gồm ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích) được thành lập

Sau phong trào cách mạng 1930-1931 và Xô viết Nghệ - Tĩnh, lực lượng “Tự vệ đỏ” là lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên được sinh ra trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh, trở thành tiền thân của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sau này. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, sau khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 thành công, khó khăn vẫn chồng chất. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, Nghệ An đã gấp rút xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng. Cụ thể, sau khi giành được chính quyền, trong buổi lễ ra mắt của chính phủ lâm thời cách mạng tỉnh Nghê An tại thành phố Vinh, ban lãnh đạo chính quyền mới đã ra thông báo khẩn cấp với nội dung: “Tất cả những người từ 18 đến 45 tuổi có sức khỏe, đều được tổ chức vào dân quân tự vệ. Các cựu chiến binh trong quân đội Pháp trước đây, được lựa chọn tham gia huấn luyện cho dân quân”.[1]

Ngày 26 tháng 8 năm 1945, Hội nghị Tỉnh bộ Việt Minh quyết định chuyển đổi chính phủ cách mạng lâm thời thành Ủy ban nhân dân cách mạng tỉnh Nghệ An. Với cương vị cao nhất về mặt chính quyền cấp Tỉnh, Uỷ ban nhân dân cách mạng Nghệ An nhận thấy tính khẩn trương của việc xây dựng lực lượng vũ trang để bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân. Trước hết, xây dựng lực lượng vũ trang vũ trang của Tỉnh bằng đội ngũ dân quân du kích ở các thôn bản, phố phường. Đến cuối năm 1945 trên địa bàn Nghệ An hầu hết các thôn xã, các đường phố, nhà máy đều tổ chức tự vệ. Cùng với việc thành lập các tổ chức tự vệ, thành phố Vinh lập ra mỗi khu phố một đại đội vũ trang. Hai đại đội này là lực lượng vũ trang thường trực của thành phố. Tại các vùng quê trên địa bàn Nghệ An, mỗi xóm, mỗi làng đều có những đơn vị tự vệ, đủ sức trấn áp những phần tử gây rối trật tự an ninh.

Vào những ngày đầu của Tổng khởi nghĩa, Tỉnh uỷ và Uỷ ban hành chính Tỉnh quyết định xây dựng đơn vị Giải phóng quân đầu tiên của Tỉnh. Đến tháng 12 năm 1945, đơn vị giải phóng quân đầu tiên mang tên là chi đội Đội Cung đã ra đời trên đất Nghệ An. Đến tháng 5 năm 1946, Chủ tịch nước ra quyết định đổi Vệ quốc đoàn thành quân đội quốc gia thì chi đội Đội Cung đã có một lực lượng hùng hậu trên 2000 cán bộ và chiến sĩ. Để nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, Chi đội Đội Cung được Bộ Quốc phòng - Tổng chỉ huy quyết định lấy phiên hiệu trung đoàn 57 thuộc hệ thống Quân đội quốc gia Việt Nam. Biên chế cơ bản của trung đoàn có 3 Tiểu đoàn bộ binh: 265, 346, 418[2]. Các đại đội, tiểu đoàn của Chi đội Đội Cung (Trung đoàn 57) đều triển khai giữ những địa bàn xung yếu ở miền Tây, vùng đồng bằng ven biển, xây dựng huấn luyện, vừa sẵn sàng chiến đấu. Để làm nhiệm vụ chiến đấu, canh phòng trên biển, tỉnh còn thành lập đơn vị thủy quân đóng ở Cửa Lò.

Như vậy, chỉ sau một năm, đến năm 1946, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An từ hai bàn tay trắng đã xây dựng được một đội quân vũ trang bao gồm ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích vững mạnh. Trong đó, có trên một vạn bộ đội chủ lực hăng say rèn luyện và chiến đấu bảo vệ chính quyền và nhân dân. Cùng với bộ đội chủ lực, tỉnh đã xây dựng được đội ngũ dân quân du kích trên 10 vạn người vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước. Có thể nói, lực lượng vũ trang Nghệ An đã trưởng thành một bước, vừa xây dựng vừa chiến đấu, trở thành công cụ chuyên chính tin cậy nhất của Đảng bộ và chính quyền.

2. Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An trưởng thành, phát triển vững mạnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp

2.1. Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An phát triển nhằm chiến đấu bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng (9/1945-1946)

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, chính quyền cách mạng phải đối mặt với vô vàn khó khăn trên tất cả các lĩnh vực. Vì vậy, cùng với lực lượng vũ trang cả nước, lực lượng vũ trang Nghệ An phải đảm nhiệm những nhiệm vụ mới. Năm đầu tiên sau cách mạng tháng Tám, lực lượng vũ trang Nghệ An bên cạnh việc bảo vệ an toàn bộ máy chính quyền tại địa phương, đập tan âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong và ngoài nước, thì lực lượng vũ trang Nghệ An còn có nhiệm vụ xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng vũ trang để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp của dân tộc.

Thực hiên chủ trương của Trung ương Đảng, tránh đương đầu với nhiều kẻ thù cùng một thời điểm, để dành thời gian củng cố lực lượng, chuẩn bị lực lượng cho cách mạng, Tỉnh ủy Nghệ An lãnh đạo nhân dân kiên quyết đấu tranh với những hành động ngang ngược của quân Trung Hoa Dân quốc, nhưng cũng mềm dẻo buộc chúng và bè lũ tay sai phải thừa nhận chính quyền của nhân dân. Với tinh thần cả nước hướng về Nam bộ, ngày 29/9/1945, hai đại đội Nam tiến còn lại của Nghệ An tiếp tục lên đường vào Nam. Lực lượng Nam tiến vào chiến trường đã làm tăng thêm sức mạnh chiến đấu cho miền Nam kháng chiến.

Trải qua hơn một năm, đến năm 1946, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Trung bộ và sự chỉ đạo các cấp, lực lượng vũ trang tỉnh nhà đã phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, xây dựng, bảo vệ vững chắc chính quyền non trẻ, xây dựng và phát triển lực lượng, chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt, chủ động cùng cả nước bước vào kháng chiến chống thực dân Pháp với niềm tin tất thắng. Cùng với những thắng lợi và thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo trên địa bàn tỉnh, thời kỳ này cũng còn một số hạn chế như trong xây dựng lực lượng vũ trang có lúc, có nơi chưa chú trọng đúng mức đến chất lượng chính trị; trong đấu tranh chống bọn phản cách mạng chưa thật coi trọng công tác giáo dục, vận động; trong việc chuẩn bị kháng chiến mặc dù đã chủ động tích cực nhưng vẫn chưa thật sự chu đáo, ảnh hưởng đến khả năng tác chiến sau này.

2.2. Lãnh đạo xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang Nghệ An về quy mô, chú trọng huấn luyện quân sự nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chiến đấu nhằm đẩy mạnh tác chiến – bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến (1947-1950)

Trước hết, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, lực lượng vũ trang Nghê An phát triển về quy mô, đặc biệt về tổ chức biên chế. Cuối tháng 2/1947, Khu ủy 4 đã đưa ra chủ trương hành động cho lực lượng vũ trang: “Phải nhanh chóng khôi phục lực lượng ở vùng tạm chiếm, xây dựng phát triển lực lượng, củng cố vùng tự do, đẩy mạnh tác chiến, bảo vệ hậu phương Thanh – Nghệ - Tĩnh và tiếp tục chi viện tiền tuyến”[3]. Quán triệt sự chỉ đạo đó, lực lượng vũ trang Nghệ An bắt đầu bước vào thời kỳ xây dựng, phát triển lực lượng, bảo vệ vùng tự do Thanh – Nghệ - Tĩnh và tham gia liên minh chiến đấu Việt – Lào. Đặc biệt, để đáp ứng kịp thời nhu cầu về vũ khí, tháng 10/1947, ngành công nghiệp quốc phòng Nghệ An đã hoàn thành xây dựng 35 cơ sở mới bao gồm các xưởng cơ khí, xưởng hóa chất, xưởng vận tải. Đáp ứng như cầu sửa chữa vĩ khí thông thường, Ty Quân giới còn lập các đơn vị lao động ở các nơi như xã Hưng Đạo (Hưng Nguyên), làng Nho Lâm (Diễn Châu), xã Thanh Lâm (Thanh Chương), chợ Vẹo (Yên Thành). Tháng 1/1948, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ V đã đề ra các biện pháp để xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển lực lượng tự vệ, du kích, xây dựng làng chiến đấu. Đến tháng 4/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ VI đã quyết định và thảo luận các vấn đề lớn, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ tích cực xây dựng và bảo vệ hậu phương, bồi dưỡng sức dân và cung cấp sức người, sức của cho chiến trường.

Trước những hoạt động chống phá của thực dân Pháp tại miền Tây tỉnh Nghệ An, Tỉnh ủy nhận thấy: “rút chủ lực về đồng bằng, trong khi lực lượng dân quân miền núi còn yếu, chưa đủ sức độc lập tác chiến bảo vệ địa bàn, là không phù hợp, làm phương thức “đại đội độc lập” đang phát huy tác dụng bị ngưng trệ, để kẻ địch lợi dụng”[4]. Và Tỉnh ủy đã kịp thời quyết định điều ngay Tiểu đoàn 265 của Trung đoàn 57 trở lại Tương Dương, xây dựng cơ sở, giải phóng Mường Lống. Đồng thời, Tỉnh ủy chủ trương chỉ đạo, tập trung xây dựng lực lượng tại chỗ về mọi mặt, đủ sức giữ vững địa bàn chiến lược miền Tây Nghệ An.

Tháng 5/1950, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ VII họp và xác định nhiệm vụ chính của tỉnh là đẩy mạnh “Xây dựng lực lượng, bảo vệ hậu phương, tổng động viên sức người, sức của cung ứng cho tiền tuyến”. Thực hiện chủ trương của Đại hội Đảng bộ tỉnh, lực lượng vũ trang Nghệ An không ngừng củng cố và phát triển. Với tinh thần “Tất cả để chiến thắng”, ngoài Trung đoàn 57 chuyển thành đơn vị chủ lực tập trung, Tỉnh đội Nghệ An kịp thời bổ sung lực lượng bộ đội địa phương cho các đơn vị bộ đội chủ lực ở Việt Bắc, Quảng Bình và quân tình nguyện ở Lào.[5]

Để đáp ứng yêu cầu chi viện lực lượng cho các chiến trường, Nghệ An gấp rút thành lập 2 tiểu đoàn bộ đội địa phương. Mỗi huyện đều thành lập 1 trung đội đến 1 đại đội bộ đội địa phương, mỗi xã đều thành lập 1 trung đội đến 1 đại đội du kích. Chủ trương “Quân sự hóa toàn dân” được thực hiện nghiêm túc. Các chi bộ, liên chi bộ tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang. Nhiều đảng viên được điều động làm nòng cốt lãnh đạo các đơn vị vũ trang.

Cũng như các tỉnh trên địa bàn Liên khu 4, Nghệ An vừa làm nhiệm vụ hậu phương vừa làm nhiệm vụ tiền tuyến không ngừng phát triển xây dựng lực lượng vũ trang, tập trung củng cố hậu phương, dốc sức chi viện chiến trường, cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Ở mặt trận phía Tây cuối năm 1947, lực lượng vũ trang Nghệ An phối hợp với bộ đội yêu nước Lào đánh nhiều trận, gây cho địch thiệt hại lớn về lực lượng. Đồng thời, chi viện cho Bình - Trị - Thiên là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ngành và quân dân toàn tỉnh.

Cùng với phát triển về quy mô, công tác huấn luyện quân sự được chú trọng nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật và khả năng chiến đấu của lực lượng vũ trang Nghệ An. Năm 1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện đúng chỉ thị và kế hoạch tác chiến đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và bộ chỉ huy Chiến khu 4 thông qua, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Khu 4 Hồ Tùng Mậu và Khu phố Đào Chính Nam đã giao nhiệm vụ cho Chính ủy Trung đoàn 57 Lê Năm Thắng và tham mưu trưởng Trung đoàn Lê Văn Xứng chỉ huy Đại đội 1 thuộc Trung đoàn Đội Cung và Đội Tự vệ Lê Lợi nổ súng tiêu diệt địch ở sở Canh nông, khu Đề Pô và ga Vinh. Chiến thắng ở thành Vinh đã kết hợp giữa tác chiến với địch vận, kêu gọi địch đầu hàng, bắt từ binh, thu vũ khí, tạo niềm tin trong nhân dân của lực lượng vũ trang Nghệ An.

Ngày 15/3/1950, Hội nghị Ủy ban kháng chiến hành chính toàn tỉnh Nghệ An khai mạc. Quán triệt Sắc lệnh số 20/SL của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị quyết định phát “Thẻ quân vụ” cho nam, nữ công dân từ 18-45 tuổi, tăng cường luyện tập tác chiến cho dân quân, xây dựng bộ đội địa phương theo hình thức đại đội độc lập, thành lập thêm 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương; tổ chức cho các đơn vị bộ đội địa phương thực tập chiến đấu, sẵn sàng bổ sung cho bộ đội chủ lực. Phong trào luyện tập quân sự diễn ra sôi nổi trong ba thứ quân. Sáu tháng đầu năm 1950, Nghệ An đã huấn luyện 12.000 quân dự bị và tuyển 1.000 quân bổ sung cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương. Đồng thời, thực hiện chủ trương “Rèn cán, chỉnh quân”, Tỉnh đội Nghệ An tổ chức Đại hội tập bộ đội địa phương và dân quân du kích ở Thanh Chương.

Như vậy, trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, vượt lên tất cả những khó khăn, lực lượng vũ trang Nghệ An đã có sự trưởng thành và góp phần quan trọng vào sự phát triển toàn diện của cuộc kháng chiến. Đặc biệt trong thời kỳ này, các đơn vị bộ đội của tỉnh nhà đã có bước tiến bộ qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “Rèn luyện cán bộ, chấn chỉnh quân đội”, các phong trào “đỡ đầu” bộ đội rất sôi nổi. Tuy nhiên, do chưa nắm thật vững mối quan hệ có tính quy luật giữa việc xây dựng và phát triển ba thứ quân phải được giải quyết một cách cân đối với việc xây dựng địa bàn đứng chân và điều kiện là bảo đảm của hậu phương bao gồm hậu phương chiến trường chính và hậu phương tại chỗ; trong xây dựng hậu phương còn chưa coi trọng công tác giáo dục, tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, vận động quần chúng nhân dân tự giác, hăng hái tham gia kháng chiến và kiến quốc.

2.3. Lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An phát triển về quy mô và trình độ tác chiến, trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân thực hiện nhiệm vụ bám trụ chống càn, phá tan âm mưu bình định của địch, phát triển liên minh chiến đấu Việt – Lào, cùng cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi (1951-1954)

Trong giai đoạn này, lực lượng vũ trang Nghệ An có bước phát triển lớn về quy mô cũng như trình độ tác chiến nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến. Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, tháng 7/1951, Đại hội đại biểu Đảng bộ Nghệ An lần thứ VIII tổ chức tại xã Quang Thành (Yên Thành). Thực hiện Nghị quyết của Đại hội, lực lượng vũ trang ba thứ quân của Nghệ An không ngừng củng cố, phát triển. Lực lượng bộ đội địa phương được kiện toàn. Tiểu đoàn 195,198, 10 đại đội, 4 trung đội bộ đội tỉnh, huyện đạt danh hiệu “Đơn vị gương mẫu”. Tại địa bàn cơ sở, du kích tập trung phân tán về làm nòng cốt cho các thôn, xóm, xây dựng dân quân thành lực lượng hậu bị sẵn sàng bổ sung cho các đơn vị chủ lực và đi dân công phục vụ chiến trường.

Sau chiến dịch Hòa Bình, thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ quân đội triển khai chỉnh huấn quân đội cả về chính trị lẫn quân sự. Trong mùa xuân năm 1952, các lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh Nghệ An tiến hành chỉnh quân. Sau kỳ chỉnh quân, tháng 2/1952, Tiểu đoàn 195 bộ đội địa phương Nghệ An ra tham gia chiến đấu ở Ninh Bình; hơn 3.800 tân binh và 7 đại đội bổ sung cho địa bàn trọng điểm miền Tây. Bảy đơn vị mới được thành lập, tích cực huấn luyện, sẵn sàng bổ sung cho chiến trường Bình - Trị - Thiên và đồng bằng Bắc Bộ. Tháng 8/1952, Tỉnh ủy Nghệ An tiến hành cuộc chỉnh đốn tổ chức Đảng. Hơn 2.000 cán bộ quân, dân, chính, đảng được tập huấn.[6] Sau cuộc chỉnh huấn, trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang Nghệ An được nâng cao một bước.

Nhờ vậy, lực lượng vũ trang Nghệ An được xây dựng, phát triển về quy mô và trở thành lực lượng nòng cốt cho toàn dân đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, của thế lực phản động. Trước hành động đánh phá dã man của giặc Pháp, quán triệt chủ trương của Tỉnh ủy, Liên chi bộ Tỉnh đội đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang cùng nhân dân các địa phương khắc phục khó khăn, chống thiên tai, địch họa, phát triển sản xuất, kiên quyết kháng chiến đẩy lùi các cuộc càn quét của thực dân Pháp.

Cùng với chiến đấu, lực lượng vũ trang Nghệ An thực hiện nhiệm vụ chi viện, phối hợp với các chiến trường chính, góp phần tạo nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tháng 7/1951, tỉnh Nghệ An lại được Liên khu ủy 4 giao nhiệm vụ cùng với tỉnh Hà Tĩnh tổ chức vận chuyển 1.000 tấn gạo vào Bình - Trị - Thiên Suốt hai tháng liền, cả hai hướng thủy bộ đã hoàn thành nhiệm vụ đưa 1.000 tấn gạo tới Nam Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Năm 1952, để chi viện cho chiến dịch Tây Bắc, Tỉnh ủy, Liên chi bộ tỉnh đội đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tham gia cùng Thanh Hóa, Hà Tĩnh, huy động 35.000 dân công và công binh mở đường vận tải tiếp tế, tổ chức bảo vệ hậu phương chiến lược và bảo vệ chiến dịch, đưa Tiểu đoàn 195 ra phòng thủ Thanh Hóa cùng với Tiểu đoàn 290 của Hà Tĩnh.

Trong chiến cục Đông Xuân 1953 – 1954, lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh Nghệ An cũng từng bước phát triển và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, vừa sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương vừa chi viện cho chiến trường góp phần đưa tới thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta.  Khi mở màn chiến dịch Thượng Lào (09/4/1953), 12.000 dân công Nghệ An theo quốc lộ 7 và đường Sông Lam vận chuyển 700 tấn gạo, hàng ngàn trâu bò, hàng trăm tấn muối, cá khô, nước mắm kem và các loại hàng khác sang Lào phục vụ chiến dịch. Tham gia chiến dịch Thượng Lào Nghệ An có Tiểu đoàn bộ đội địa phương 195 và hai Đại đội 121, 123. Trong chiến dịch Trung Lào, lực lượng vũ trang Nghệ An đã phối hợp tổ chức 20.000 dân công, 1.500 xe thồ, 1.000 dân công và thuyền cùng với Hà Tĩnh chuyển 4.600 tấn gạo chi viện chiến dịch. Cùng với lực lượng dân công, Tỉnh đội đã tổ chức đưa các đơn vị chiến đấu trên tuyến đường 7 gồm: Tiểu đoàn 195, Đại đội 123, 124, 125, Trung đội 60, 70, 71. Các đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng phát triển nhiều cơ sở giúp Bạn giữ vùng giải phóng. Đầu năm 1954, bộ đội địa phương Nghệ An phát triển lên tới 1.824 cán bộ, chiến sĩ gồm 1 tiểu đoàn chủ lực 362, 3 đại đội (102,104,106), cùng 7 đại đội ở các huyện[7]. Với quyết tâm "Tất cả để chiến thắng", cùng với nhân dân, lực lượng vũ trang tỉnh Nghệ An đã chiến đấu, phối hợp chi viện chiến trường, góp phần tạo nên thắng lợi của chiến dịch Điên Biên Phủ như đồng chí Lê Duẩn đã đã từng khẳng định: "Không có Thanh - Nghệ - Tĩnh, không có Điện Biên Phủ".

Như vậy, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, lực lượng vũ trang Nghệ An đã ngày càng phát triển về quy mô và và trình độ tác chiến ngày càng được nâng cao. Nhờ đó, lực lượng vũ trang Nghệ An đã phát huy truyền thống anh dũng, phối hợp chiến đấu và chi viện cho các chiến trường, tạo nên chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

3. Những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp

Trải qua quá trình đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, lực lượng vũ trang Nghệ An được xây dựng, chỉnh đốn, phát triển dần thành lực lượng vũ trang 3 thứ quân, phối hợp với quân dân cả nước vừa làm nhiệm vụ chiến đấu vừa tham gia tích cực xây dựng hậu phương. Quá trình chiến đấu và trưởng thành của lực lượng vũ trang Nghệ An trong kháng chiến chống thực dân đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý giá, có ý nghĩa thực tiễn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, cụ thể:

Một là, nắm vững và vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến, nhiệm vụ quân sự của Đảng vào xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng vũ trang địa phương, làm nòng cốt đẩy mạnh chiến tranh nhân dân trên địa bàn vừa tiền tuyến, vừa hậu phương, góp phần vào thắng lợi của cả nước trong kháng chiến giải phóng dân tộc và xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trong thời kỳ đất nước hòa bình đi lên chủ nghĩa xã hôi.

Hai là, luôn luôn giữ vững và chấp hành triệt để nguyên tắc, cơ chế lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong lực lượng vũ trang địa phương đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, thực hiện nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trong các thời kỳ.

 Trong lịch sử và truyền thống vẻ vang của Đảng ta, xây dựng tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang vững mạnh vừa là bài thành công, vừa là bài học quý báu về nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối, về mọi mặt của Đảng, là nhân tố quyết định tạo nên bản lĩnh, tính chiến đấu, sức mạnh chiến thắng của lực lượng vũ trang cách mạng chúng ta. Trong suốt quá trình kháng chiến, với nhiệm vụ quan trọng được Trung ương giao, vừa sản xuất, vừa phục vụ chi viện chiến trường, lực lượng quân và dân Nghệ An đã liên tục sẵn sàng trên mọi vị trí đáp ứng yêu cầu. Có thể nói, nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong lực lượng vũ trang địa phương có ý nghĩa rất quan trọng đối với yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh nói chung và hoàn thành nhiệm vụ quân sự - quốc phòng trực tiếp đặt ra từ yêu cầu xây dựng vững mạnh cả 3 thứ quân đáp ứng yêu cầu cuộc kháng chiến. Sự lãnh đạo của tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang địa phương ở Nghệ An đã góp phần rất quan trọng bảo đảm năng lực chiến đấu, phục vụ chiến đấu, huy động cao nhất nhân lực, vật lực trong lực lượng vũ trang đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đó cũng chính là bài học, kinh nghiệm quý báu trong thực tiễn xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh nhà trong giai đoạn hiện nay.

Ba là, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng kịp thời mọi nhiệm vụ cách mạng. Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, vì vậy việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên rất quan trọng, đặc biệt trong lực lượng vũ trang. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nắm vững đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân của Đảng, chúng ta đã ra sức xây dựng lực lượng vũ trang lớn mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, đáp ứng từng bước sự phát triển của cuộc kháng chiến. Từ nhân dân mà ra, do nhân dân đùm bọc, nuôi dưỡng và làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, các lực lượng vũ trang Nghệ An luôn được xây dựng trên tất các các mặt chính trị, quân sự, biên chế, cách đánh… Sự hình thành và phát triển của lực lượng vũ trang ba thứ quân Nghệ  An là sự kết hợp giữa tính chất vũ trang nhân dân với phương thức xây dựng là kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang tập trung với lực lượng vũ trang quần chúng rộng rãi, phát triển từ nhỏ đến lớn, từng bước hoàn thiện để phát huy sức mạnh của toàn dân, tiến hành chiến tranh nhân dân thắng lợi. Cùng với sự phát triển về biên chế, tổ chức, công tác chỉnh huấn trong lực lượng vũ trang được tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ, góp phần làm nâng cao trình độ và bản lĩnh của cán bộ, đảng viên trong lực lượng vũ trang. Trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục phát huy giá trị bài học, kinh nghiệm về xây dựng lực lượng vũ trang, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng những phẩm chất của “bộ đội cụ Hồ” về đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, trách nhiệm tiên phong, nêu gương trên mọi lĩnh vực, trở thành lực lượng nòng cốt thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao.

Bốn là, thấm nhuần quan điểm hậu phương là nhân tố thường xuyên quyết định thắng lợi của chiến tranh, chăm lo xây dựng căn cứ hậu phương kháng chiến, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân đánh thắng chiến tranh xâm lược và thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Hậu phương với công tác bảo đảm hậu cần là một trong những yếu tố trực tiếp xây dựng, phát triển và tạo nên sức mạnh chiến đấu cho lực lượng vũ trang nói chung và quân đội nói riêng. Lực lượng vũ trang Nghệ An ra đời, trưởng thành gắn liền với sự đùm bọc, cưu mang, nuôi dưỡng của nhân dân. Mỗi chiến công, mỗi bước trưởng thành của lực lượng vũ trang Nghệ An đều gắn liền với hậu phương, với sự chi viện, cung cấp lương thực, quân trang, quân y, vũ khí… từ hậu phương và nhân dân. Nhận thức tầm quan trọng và cấp bách của nhân tố hậu phương, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Xứ ủy Trung bộ, lực lượng vũ trang Nghệ An đã cùng nhân dân xây dựng và củng cố hậu phương vững mạnh về mọi mặt, nắm vững khâu then chốt là chính trị, tinh thần, bảo đảm khối đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh công – nông, tạo sự nhất trí cao “triệu người như một”, hình thành, phát triển thế trận chiến tranh nhân dân để chiến thắng kẻ thù. Trong điều kiện cụ thể hiện nay, yêu cầu về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN đòi hỏi chúng ta tiếp tục quán triệt, thấm nhuần sâu sắc bài học này để vận dụng và phát huy hiệu quả trong thực tiễn mới. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo toàn diện các mặt đời sống nhân dân. Xây dựng khối đại đoàn kết, đồng thuận cao trong nhân dân. Xây dựng, phát triển thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, an toàn, làm chủ, sẵn sàng chiến đấu. Nâng cao năng lực ứng phó trước các tình huống thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, điểm nóng chính trị, xã hội, các yếu tố phức tạp về quốc phòng, an ninh. Luôn có đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Năm là, chú trọng xây dựng, củng cố và phát triển khối đoàn kết giữa Việt - Lào, thường xuyên gắn chặt nhiệm vụ quốc gia với nhiệm vụ quốc tế, phối hợp cùng nhân dân các địa phương có chung biên giới và lực lượng vũ trang của Bạn Lào chiến đấu đánh thắng kẻ thù chung, bảo vệ, xây đắp tình hữu nghị đặc biệt Việt – Lào.

Thắng lợi của công cuộc kháng chiến chống Pháp là thắng lợi của tình đoàn kết, liên minh chặt chẽ giữa các dân tộc Đông Dương chống kẻ thù chung. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng khối đoàn kết Việt Nam, Lào, Cam Pu Chia trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc 1930-1945. Trong kháng chiến chống Pháp, khi trung tâm kháng chiến nằm ở các tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam, sức mạnh tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa cách mạng và nhân dân 2 nước Việt Nam - Lào đã được phát huy cao độ. Mặt trận Việt - Lào đã đẩy thực dân Pháp và thế sa lầy, tuyệt vọng, năng lực trường kỳ kháng chiến của chúng ta đã khiến thực dân Pháp kiệt sức và không thể tránh khỏi thất bại ê chề. Phát huy giá trị bài học này, quan điểm và cũng là ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước ta hiện nay là tiếp tục xây dựng, vun đắp, phát triển tình đoàn kết sâu rộng, tin cậy, toàn diện với Đảng, cách mạng và nhân dân Lào anh em. Vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bền vững, vừa giữ vững thế trận đoàn kết láng giềng phên dậu chặt chẽ bảo đảm quốc phòng, an ninh giữa hai nước và cả khu vực. Với thành tựu quan hệ hợp tác láng giềng, anh em, đối tác chiến lược toàn diện đã được khẳng định và ngày càng sâu sắc, đó chính là một trong những yếu tố đặc biệt quan trọng trong đường lối đối ngoại chiến lược hiện nay và đồng thời cũng chính là cơ sở tiền đề có ý nghĩa hết sức to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Như vậy, trong suốt 9 năm (1945-1954), dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh nhà góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với chiến thắng “lững lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – chiến dịch Điện Biên Phủ. Thắng lợi to lớn ấy bắt nguồn từ truyền thống anh hùng, bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, đường lối chính trị, quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự vận dụng sáng tạo đường lối chính trị, quân sự, kinh tế của Đảng trong chiến tranh vào điều kiện cụ thể của địa phương của các cấp ủy Đảng, các cấp chỉ huy quân sự, tinh thần chiến đấu ngoan cường, dũng cảm và thông minh của nhân dân, chiến sĩ và các lực lượng vũ trang trong toàn tỉnh đã đoàn kết một lòng quyết tâm chiến thắng thực dân Pháp xâm lược. Quá trình lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân Nghệ An thời kỳ chống thực dân Pháp đã để lại cho công cuộc xây dựng lực lượng vũ trang Nghệ An nói riêng và lực lượng vũ trang cả nước nói chung những bài học kinh nghiệm quý giá, là cơ sở để lực lượng vũ trang Nghệ An hiện nay đang ngày càng vững mạnh và vẫn luôn là lực lượng đi đầu trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

 

 

 



* Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Nghệ An

** Giảng viên trường Chính trị tỉnh Nghệ An

[1] Vai trò lực lượng vũ trang Nghệ An trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), Luận văn Thạc sỹ, Trần Thị Long, năm 2012, tr.12.

[2] Đảng ủy Quân sự tỉnh Nghệ An (2010), Lịch sử Đảng bộ quân sự tỉnh Nghệ An (1945 - 2005), Nxb Quân đội Nhân dân, tr.63.

 

[3] Lịch sử Đảng bộ quân khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2008, tr.66)

[4] Lịch sử Đảng bộ quân khu 4 trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Nxb Quân đội Nhân dân, HN, 2008, tr.167

[5] Lịch sử Nghệ An, tập II, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN, 2012, tr.87

[6] Lịch sử Nghệ An, tập II, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN, 2012, tr.92

[7] Lịch sử Nghệ An, tập II, Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, HN, 2012, tr.95