Đồng chí Lê Hồng Phong – Tấm gương cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam
05/09/2022 02:27
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân với hai tầng áp, đồng chí Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, dù ở đâu và ở bất cứ vị trí nào, đồng chí Lê Hồng Phong luôn là một tấm gương cộng sản
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6/9/1902 - 6/9/2022)
ThS, NCS. Dương Thanh Bình
Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Thôn, tổng Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, chứng kiến cuộc sống khổ cực của nhân dân với hai tầng áp, đồng chí Lê Hồng Phong sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí cách mạng. Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, dù ở đâu và ở bất cứ vị trí nào, đồng chí Lê Hồng Phong luôn là một tấm gương cộng sản kiên cường, trọn đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
1. Tấm gương kiên trì lý tưởng cách mạng, bền bỉ xây dựng, củng cố tổ chức Đảng
Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đã trở thành sự kiện chính trị vô cùng trọng đại, là mốc lịch sử quyết định tiến trình phát triển của cách mạng Việt Nam. Vừa mới ra đời, Đảng đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của công nông với quy mô lớn trên toàn quốc với đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hoảng trước sức mạnh của quần chúng nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã thi hành hàng loạt chính sách hòng đàn áp phong trào và thủ tiêu tận gốc lực lượng cách mạng. Những thủ đoạn của địch đã khiến hầu hết các các tổ chức của Đảng từ Trung ương đến cơ sở hầu hết bị tan rã hoặc tê liệt. Hoàn cảnh vô cùng gay cấn của lịch sử nước nhà lúc đó đã được Tạp chí Bôn-sơ-vích năm 1935 tổng quát: “… Ngày 17-4-1931 cơ quan Trung ương bị phá, lần lượt các cơ quan xứ ủy cũng bị phá, cán bộ Đảng bị bắt, bị tù đày rất nhiều, làm cho Đảng ta một thời gian tạm thời mất các mối liên lạc, vì Đảng thiếu cán bộ chỉ huy ra lãnh đạo các cuộc đấu tranh của quần chúng lao khổ, nên chi phong trào cách mạng từ cuối năm 1931 tới năm 1932 ngoài mặt trông như đình đốn và rải rác”([1]).
Trước tình thế đó, Quốc tế Cộng sản cũng đã lên tiếng kêu gọi: “… Những người cộng sản Đông Dương phải đem ý chí Bôn-sê-vích phấn đấu tiến lên, … phải đứng mũi, vượt qua phong ba bão táp do đế quốc và bọn phản động gây ra, kiên trì xây dựng và củng cố phong trào cộng sản ở xứ Đông Dương”([2]).
Tháng 11/1931, đồng chí Lê Hồng Phong mang trên mình sứ mệnh chắp nối cơ sở cách mạng để thành lập “Ban Chỉ huy ở ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương” có vai trò như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời để chỉ đạo phong trào cách mạng Việt Nam chưa khôi phục sau những năm bị khủng bố. Nhận nhiệm vụ Quốc tế Cộng sản giao phó, với tấm hộ chiếu mang tên Vương Dật Dân, đồng chí Lê Hồng Phong sau khi trải qua cuộc hành trình gian nan, hiểm nguy do sự kiểm soát gắt gao của cảnh sát, mật vụ ở Thái Lan, Hồng Kông… đã đặt chân đến Trung Quốc. Hành trình trở về Trung Quốc tiếp tục hoạt động đầy vất vả đó của đồng chí đã thể hiện trong nội dung bản Danh sách do Mật thám Pháp lập vào tháng 9 năm 1934 như sau: “Lê Huy Doãn , Lê Hữu Doãn, còn gọi Lê Hồng Phong, gọi Hoàng, nguyệt, Vương Dật Dân, Litvinov … Quay trở lại Viễn Đông đi qua Paris- Marseille – Singa rồi đến Bangkok, tháng 02-03 năm 1932, Đến thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1932...”([3]). Với vỏ bọc một thợ cơ khí, đồng chí Lê Hồng Phong đã bắt tay ngay vào khôi phục lại tổ chức Đảng ở Bắc kỳ, chắp nối liên lạc với tổ chức Đảng ở Trung kỳ và Xiêm. Những hoạt động này của đồng chí Lê Hồng Phong đã được nhắc đến trong Công văn mật số 1910 của Sở an ninh An Nam gửi Ngài Trưởng hành chính, Cư trú Pháp tại Vinh và ngài Ủy viên An ninh tại Vinh: “… Hộ chiếu này được mang tên Vương Đất Dân…”([4])
Càng đối mặt với điều kiện thông tin đứt gãy và hạng tầng cơ sở hoạt động khó khăn, tấm gương kiên trì lý tưởng và bền bỉ xây dựng, củng cố cơ sở Đảng của đồng chí Lê Hồng Phong lại càng tỏa sáng. Đối với việc củng cố tổ chức Đảng ở miền Bắc, đồng chí Lê Hồng Phong đã tiếp tục mở các lớp huấn luyện chính trị ngắn ngày, rồi tung số cán bộ này về nước phát triển tổ chức. Đối với phong trào cách mạng Trung Kỳ, đồng chí Lê Hồng Phong đã tổ chức liên hệ với Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Thái Lan để thành lập Đông Dương viện trợ bộ tại Thái Lan. Đây là tổ chức sau đó đã cắt cử đồng chí Ngô Tuân (tức Ba Đốc) về Nghệ - Tĩnh, góp phần xây dựng lại Đảng bộ Trung Kỳ. Ngoài ra, đồng chí Lê Hồng Phong với lợi thế thông thạo ngoại ngữ đã tiến hành dịch thuật một số tài liệu huấn luyện cho đội ngũ cán bộ của Đảng và gửi về nước. Đặc biệt, cùng với các cộng sự, đồng chí đã xây dựng thành công bản “Chương trình hành động của Đảng” năm 1932. Đây có thể được xem là cương lĩnh vô cùng quan trọng trong thời kỳ khôi phục tổ chức của Đảng và thúc đẩy phong trào cách mạng trong nước lúc bấy giờ.
Với những hoạt động kiên trì, bền bỉ của đồng chí Lê Hồng Phong và các cộng sự, năm 1934, Hội nghị Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng đã được tổ chức tại Ma Cao. Hội nghị đã chính thức bầu ra Ban lãnh đạo hải ngoại có chức năng như một Ban Chấp hành Trung ương lâm thời của Đảng, gồm 3 người do đồng chí Lê Hồng Phong làm Bí thư. Trên cương vị Bí thư Ban lãnh đạo Hải ngoại của Đảng, đồng chí Lê Hồng Phong gấp rút chỉ đạo việc xúc tiến thành lập lại các Xứ ủy trong nước và tổ chức Đại hội Đảng, sẵn sàng cho giai đoạn đấu tranh mới trên chặng đường lịch sử của dân tộc. Quốc tế Cộng sản đã có động thái đánh giá cao sự hồi phục của Đảng Cộng sản Đông Dương cũng như vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong: "… Theo báo cáo của các đại biểu và theo những tài liệu đã nhận được, chúng tôi thấy rằng trong một năm rưỡi qua các đồng chí đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc khôi phục Đảng, tập hợp các cán bộ đảng xung quanh trung tâm ở ngoài và triển khai công tác ngay trong nước. Các đồng chí đã thực hiện đúng đường lối chung nhưng vẫn còn hàng loạt những thiếu sót trong công tác… Chúng tôi ủng hộ việc đề cử đồng chí Lítvinốp giữ chức Tổng Thư ký Ban Trung ương Chấp uỷ…"([5]).
Từ ngày 27 đến ngày 31/3/1935, tại Ma Cao, Trung Quốc, Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất họp đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 ủy viên. Đồng chí Lê Hồng Phong được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Tổng Bí thư. Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ nhất thành công là sự khẳng định vai trò của đồng chí Lê Hồng Phong và các cộng sự trong hoạt động khôi phục cơ sở Đảng. Sau 4 năm miệt mài gây dựng, hệ thống tổ chức của Đảng Việt Nam từ Trung ương đến cơ sở đã được khôi phục. Đó là những tiền đề vô cùng quan trọng về chính trị, tổ chức cho phong trào cách mạng trong nước ta trong giai đoạn 1936 – 1939.
Có thể khẳng định rằng, Đại hội lần thứ nhất Đảng Cộng sản Đông Dương là sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, đánh dấu sự "…khôi phục không chỉ bộ máy Đảng bất hợp pháp, mà cả báo chí bí mật và báo chí hợp pháp... củng cố và mở rộng ảnh hưởng của Đảng Cộng sản trong điều kiện có sự khủng bố điên cuồng…"([6]). Có được thành quả đó chính là một phần lớn của đồng chí Lê Hồng Phong – người cộng sản kiên trì lý tưởng cách mạng và nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, bền bỉ xây dựng củng cố tổ chức Đảng.
2. Tấm gương chiến đấu kiên cường trên mặt trận Dân chủ, kiên trung trong lao tù đế quốc
Tháng 6/1936, Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền đã thi hành một số chính sách tiến bộ ở thuộc địa. Trước hoàn cảnh lịch sử mới, tháng 7/1936, tại Thượng Hải, đồng chí Lê Hồng Phong đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương bổ sung Nghị quyết Đại hội lần thứ nhất và chỉ đạo chuyển hướng tổ chức và sách lược của Đảng, ra chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế nhằm chuẩn bị về mọi mặt để đưa phong trào cách mạng chuyển sang cao trào 1936 - 1939. Đến tháng 11/1937, đồng chí đã bí mật về Sài Gòn, cùng Trung ương Đảng tích cực chỉ đạo việc thực hiện chủ trương chiến lược mới của Đảng.
Bất chấp sự theo dõi gắt gao của hệ thống mật thám tay sai, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn sát cánh cùng các đồng chí trong Ban lãnh đạo Trung ương Đảng và Xứ uỷ Nam Kỳ nhằm bí mật chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương. Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, từ ngày 29 đến 30/3/1938, Hội nghị Trung ương Đảng đã được tổ chức tại làng Tân Thới Nhất gần Bà Điểm, Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Hội nghị quyết định nhiệm vụ trọng tâm lúc này là thành lập Mặt trận Dân chủ thống nhất phù hợp với tình hình lịch sử mới.
Tài liệu mật số 2285-S ngày 23 tháng 6 năm 1939 của Trưởng An ninh gửi Chính phủ Nam Kỳ tại Sài Gòn; Tổng thanh tra Cảnh sát tại Hà Nội; Trưởng khu vực – Sở công an tại Hà Nội, Huế, Phnompenh, Viên Chăn; Các hướng dẫn cung cấp thông tin; Từ Đặc vụ Sài gòn; Văn phòng điều hành bên ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương; Ủy ban trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương đã viết:
“… Vào đầu tháng 12 năm 1938, đặc vụ Sài Gòn nghi ngờ rằng Lê Huy Doãn hay là Lê Hồng Phong, Litvinov (Ảnh kèm theo), là thành viên của Văn phòng điều hành bên ngoài Đảng Cộng sản Đông Dương, có thể tìm thấy ở Nam Kỳ dưới một chứng minh thư là người Trung Quốc, đã yêu cầu S.S.A hỏi ( tại Ghi chú số 6250-S ngày 12/12/1938) gửi cho ông ấy một bản sao chụp ảnh dấu vân tay của kẻ kích động này với mục đích thực hiện xác minh trong bảng sắp xếp của Phòng xuất nhập cảnh ở Sài Gòn.
Bản xác minh này có thể được làm từ đầu tháng 1 năm 1939 và đã tiết lộ rằng Lê Huy Doãn hay là Lê Hồng Phong đã đến Nam Kỳ ngày 10 tháng 11 năm 1937 dưới cái tên người Trung Quốc là La Anh, C.I. Số 274.495, sinh năm 1902 tại Hồ Nam, Trung Quốc…”([7])
Đồng chí Lê Hồng Phong cùng với Ban lãnh đạo của Đảng đã tích cực tham gia khôi phục tổ chức của Đảng và lãnh đạo phong trào dân chủ. Bên cạnh tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Kỳ, ngòi bút sắc sảo, đầy bản lĩnh của đồng chí Lê Hồng Phong thực sự đã biến báo chí trở thành một mặt trận đấu tranh hiệu quả, góp phần vào những thắng lợi của phong trào dân tộc dân chủ năm 1936-1939 ở nước ta. Đồng chí Lê Hồng Phong với bút danh TB đã có nhiều bài viết đăng trên báo Dân chúng- cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Nam Kỳ. Những bài viết có nội dung trao đổi, tranh luận nhằm tập hợp tối đa lực lượng cho cuộc đấu tranh chống chiến tranh và ngăn chặn sự thoả hiệp với các phần tử tơrốtxkít. Tiếp đó, với bút danh Trí Bình, đồng chí Lê Hồng Phong đã tiếp tục sử dụng ngòi bút lý luận của mình, biên soạn và xuất bản tác phẩm Vấn đề phòng thủ Đông Dương vào ngày 28/8/1939 đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn cách mạng lúc đó…
Những hoạt động tư tưởng lý luận của đồng chí Lê Hồng Phong thời kỳ 1938 - 1939 đã có đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, cổ động các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời uốn nắn những nhận thức mơ hồ lệch lạc trên các vấn đề chiến lược, sách lược trong một bộ phận đảng viên và quần chúng nhân dân. Tấm gương chiến đấu kiên cường trên mọi lĩnh vực của đồng chí Lê Hồng Phong và các đồng chí của mình đã củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, tạo nên một cao trào đấu tranh dân chủ vô cùng sôi nổi trong chiều dài lịch sử của dân tộc.
Ngày 22/6/1939, đồng chí Lê Hồng Phong “bị bắt tại Sài Gòn”([8]). Mật thám Pháp đã dùng đủ mọi thủ đoạn, từ cực hình tra tấn đến dụ dỗ, mua chuộc hòng khai thác các cơ sở cách mạng từ người cộng sản Lê Hồng Phong. Tuy nhiên, tất cả âm mưu của chúng đều bị thất bại trước tấm gương kiên trugn ấy. Kẻ địch không lay chuyển được ý chí kiên cường của đồng chí, ngày 30/6/1939, “Hội đồng Đề hình ngụy quyền Sài Gòn kết án 6 tháng tù giam, 3 năm cấm lưu trú và trục xuất khỏi Nam Kỳ”([9]).
Ngày 23/12/1939, hết hạn tù giam được trả tự do, đồng chí Lê Hồng Phong dự định tiếp tục ở lại Sài Gòn hoạt động. Tuy nhiên, nhận thức rõ vai trò quan trọng của đồng chí với phong trào cách mạng, Thống đốc Nam Kỳ đã ra Nghị định số 5654 trục xuất Lê Hồng Phong khỏi Nam Kỳ. Tiếp đó, ngày 14/11/1939, Toàn quyền Đông Dương đã ra Quyết định số 7910 lệnh cho Phủ Toàn quyền, Thống đốc Nam Kỳ, Chánh thanh tra mật thám Đông Dương không cho Lê Hồng Phong cư trú tại Nam Kỳ, lãnh thổ Cao Miên và nhiều địa phương ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên... Cảnh sát Pháp đã "dẫn độ" Lê Hồng Phong rời khỏi Sài Gòn về quê chịu quản thúc quê nhà.
Ở Nghệ An, vượt qua mọi sự kiểm soát, kìm kẹp của hệ thống mật thám tay sai dày đặc, đồng chí vẫn kiên trì kết nối để tiếp tục hoạt động cách mạng, tiếp tục viết báo, chiến đấu trên mặt trận chính trị, lý luận. Lo sợ trước những hoạt động của đồng chí, thực dân Pháp tiếp tục bắt giam đồng chí lần thứ hai ngày 30/1/1940.
Mặc những trận đòn roi kẻ thù trút lên cơ thể tưởng như chết đi sống lại, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn luôn nêu cao khí tiết người chiến sỹ cách mạng, một mực kiên trung. Lo sợ trước ảnh hưởng đồng chí Lê Hồng Phong đã được Chánh Liêm phóng Trung kỳ đã đặc biệt nhấn mạnh “cần phải giam giữ” trong Công văn mật số 400 ngày 26 tháng 2 năm 1940 gửi Khâm sứ Trung kỳ tại Huế có nội dung như sau: “… Lê Huy Doãn tức Lê Hồng Phong tức Litvinoff, một người từ Nga về nữa , quê Nghệ An, cũng bị kết án tại Nam Kỳ và mãn hạn thì bị trục xuất , đã bị bắt ngày 30 tháng 01 vừa qua trong cùng những điều kiện như trên, và được giải về cho thẩm phán Sài Gòn xử lý.
Mặc dù các biện pháp này tạm thời làm cho những người bản xứ này không thể hoạt động tuyên truyền cách mạng được, họ vẫn - trong khi chờ đợi Tòa án quyết định về số phận của mình - nằm trong danh sách các phần tử nguy hiểm cần giam giữ, chiếu theo các khoản của sắc lệnh ngày 21 tháng 01 năm 1940.”([10])
Cuối năm 1940, đồng chí Lê Hồng Phong bị chính quyền thực dân Pháp ra Côn Đảo với mục đích giết dần, giết mòn tù nhân 9983([11]) bằng chế độ lao dịch khắc nghiệt. Các phòng giam ở Banh 2, phòng giam số 19 hay ở xà lim số 5 là nơi chứng kiến chế độ lao tù khắc nghiệt mà đồng chí Lê Hồng Phong phải trải qua: "… Sau một ngày khổ sai mệt nhọc, dưới những trận mưa roi tàn ác, mặt đồng chí Lê Hồng Phong hằn lên những vết roi ngang dọc, chỗ tím bầm, chỗ sưng húp lên, có chỗ còn loét ra, ri rỉ máu…"([12]).Sự hành hạ cả thể xác lẫn tinh thần của địch không thể lung lay ý chí của người cộng sản nhưng nó khiến sức khỏe của đồng chí ngày càng suy kiệt, chân tay dần bị teo lại, cùng với bệnh kiết lỵ khá nặng…
Trong chốn lao tù tối tăm, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn giữ vững bản lĩnh kiên cường của người cộng sản, luôn dõi theo, lạc quan tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Như ngọn hải đăng tỏa sáng trong đêm tối ngục tù Côn Đảo, đồng chí Lê Hồng Phong đã giới thiệu những thành tựu trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở Liên Xô để củng cố niềm tin cho tất cả các anh em đồng chí. Niềm tin mãnh liệt của đồng chí đã lan tỏa trong ngục tù, góp phần tích cực vận động và chỉ đạo anh em tù đấu tranh chống lại những luật lệ hà khắc của nhà tù đế quốc.
Ngày 6/9/1942, do chế độ lao tù khắc nghiệt, người chiến sỹ cộng sản kiên cường Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay đồng chí, đồng đội trong xà lim số 5, banh II của nhà tù Côn Đảo. Trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn không quên nhắn lại với các đồng chí của mình: “Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng”.
3. Cuộc đời cống hiến cao đẹp, tấm gương đạo đức ngời sáng
Tổng Bí thư Lê Hồng Phong – người con kiên cường của quê hương Nghệ An, người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh đã dâng trọn cuộc đời vì lý tưởng cách mạng. Cuộc đời hoạt động của đồng chí Lê Hồng Phong là bản anh hùng ca cách mạng về một tấm gương về lớp thế hệ đảng viên đầu tiên luôn nỗ lực chiến đấu và sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng cách mạng.
Sớm tham gia phong trào yêu nước tại quê nhà, năm 21 tuổi, đồng chí Lê Hồng phong mang trong mình khát khao cởi xiềng nô lệ đã xuất dương tìm đường cứu nước. Năm 1925, Lê Hồng Phong gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tham dự lớp huấn luyện cán bộ do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo lớp đầu tiên của cách mạng nước ta. Trong thời gian tiếp theo, bằng quyết tâm và bản lĩnh thép, đồng chí đã dần hoàn thiện toàn diện bản thân thông qua quá trình học tập về quân sự và chính trị tại Trung Quốc, lý luận cách mạng và quân sự tại Liên Xô. Sự xuất sắc của đồng chí đã thể hiện ở những sự kiện là đảng viên của ba Đảng Cộng sản: trước khi trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đã gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1926 và trở thành đảng viên của Đảng Cộng sản Nga năm 1928.
Tố chất, bản lĩnh cộng sản kiên cường của đồng chí Lê Hồng Phong càng tỏa sáng khi đồng chí nhận nhiệm vụ chèo lái công việc của Đảng Cộng sản Đông Dương trong thời kỳ khủng hoảng sau cuộc khủng bố trắng của chính quyền thực dân. Sự kiện ban hành Chương trình hành động và thành lập Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương đã đánh dấu vai trò, khả năng chỉ đạo mang tầm vóc chiến lược trong công tác khôi phục tổ chức Đảng của một trí óc thiên tài. Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề thiếu cán bộ, đồng chí Lê Hồng Phong đã mở lớp đào tạo cán bộ theo kinh nghiệm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từng làm trước đây. Quyết định chuyển về Long Châu (một thị trấn nhỏ sát biên giới Việt Nam - Trung Quốc), từ tháng 10/1932 đến tháng 3/1933, đồng chí Lê Hồng Phong đã liên tục mở lớp huấn luyện với hơn 20 học viên từ trong nước gửi sang. Trong số đó, có những đồng chí sau này trở thành lãnh đạo nòng cốt của các tổ chức đảng Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải Phòng…
Trên cương vị Tổng Bí thư, là người đứng đầu Đảng Cộng sản Đông Dương, Lê Hồng Phong không chỉ là một nhà hoạt động thực tiễn mà còn thể hiện khả năng xuất chúng của mình trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Đồng chí Lê Hồng Phong cùng với trung ương Đảng đã chuẩn bị các tiền đề về chính trị, tư tưởng, đường lối và tổ chức cho việc thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Với tầm nhìn sáng suốt của mình, đồng chí đã chủ trì các hội nghị tháng 7/1936 và hội nghị tháng 3/1938, là những sự kiện đánh dấu việc chuyển hướng chiến lược đó của cách mạng Việt Nam.
Trong lao tù đế quốc, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn một mực kiên trung. Sự hi sinh anh dũng, lẫm liệt của đồng chí chính là động lực thúc đẩy lớp lớp thế hệ tù nhân đoàn kết đứng lên chống lại chế độ lao tù của thực dân. Dũng khí Lê Hồng Phong đã trở thành ngọn đuốc soi đường trong tăm tối lao tù, thúc giục các anh em tù chính trị vượt lên nghịch cảnh, biến nhà tù đế quốc trở thành trường học cách mạng, một trận địa đấu tranh gay cấn mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “…Các đồng chí ta như đồng chí Trần Phú, đồng chí Ngô Gia Tự, đồng chí Lê Hồng Phong, … đã đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, lên trước hết. Các đồng chí đó đã tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc. Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay…”([13]), gần hai mươi năm hoạt động cách mạng liên tục và sôi nổi, đồng chí Lê Hồng Phong đã hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Những lý luận của đồng chí về công tác xây dựng đảng, về sự đoàn kết dân chủ trong mọi tầng lớp nhân dân… cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Lời nhắn nhủ đầy tâm huyết của đồng chí trước khi trút hơi thở cuối cùng trong nhà tù đế quốc "Hãy giữ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng" đã, đang và sẽ mãi mãi ghi sâu trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam. Tổng Bí thư Lê Hồng Phong xứng đáng là tấm gương cộng sản kiên trung, biểu tượng anh hùng cách mạng để mọi thế hệ người Việt Nam học tập, noi theo./.
[1] Tạp chí Bôn-sơ-vích, cơ quan ngôn luận của Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương, số 10, tháng 2/1935
[2] Văn kiện Đảng 1930-1945, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương xuất bản 11.1977, t.1, tr.291
[3] , 4 Hồ sơ 11767/CN-MT-C lưu tại Cục hồ sơ lưu trữ, Bộ Công an
[5] Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, T.5, Tr.412-414
[6] Văn kiện Đảng Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.5, Tr.300 - 302
[7] Hồ sơ 11767/CN-MT-C lưu tại Cục hồ sơ lưu trữ, Bộ Công an
[8] ,7 Bản biên tập Hồ sơ Mật thám Pháp về đồng chí Lê Hồng Phong do Bộ Công an cung cấp
[10] Hồ sơ mật thám Pháp lưu tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh
[11] Số tù của đồng chí Lê Hồng Phong
[12] Lê Hồng Phong - Người cộng sản kiên cường (Hồi ký), NXB.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tr.160
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.159-160.