Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển theo tư tưởng Hồ Chí Minh
18/05/2020 09:58
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã trực tiếp đào tạo bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam...
NCS. Dương Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng; ThS. Trần Duy Rô Nin - Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã trực tiếp đào tạo bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ xuất sắc cho cách mạng Việt Nam. Những tư tưởng của Người về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có nhiều giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đầy đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mọi giai đoạn cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, tiến hành đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế hiện nay.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”[1]. Chính vì vậy, để đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng, cần phải có một đội ngũ cán bộ cách mạng vững mạnh, kiên định về lập trường, quan điểm, đồng thời phải nắm được lý luận, tinh thông nghiệp vụ, hội tụ đủ cả tài và đức, “vừa hồng, vừa chuyên”. Người căn dặn: “Các cơ quan cần rất chú ý tới việc huấn luyện cán bộ”[2].
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong xây dựng đội ngũ cán bộ. Người cho rằng: “… huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.[3] Gốc có chắc, khoẻ thì cây mới xanh, tốt. Có làm tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ thì mới có đội ngũ cán bộ “…đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng” [4].
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không phải là một việc đơn giản, muốn làm được thì phải hiểu cho rõ. Phải hiểu rõ mục đích, đối tượng, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng, phải có đội ngũ cán bộ đủ tiêu chuẩn làm công tác đào tạo, bồi dưỡng; Phải có tài liệu và các phương tiện đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chỉ rõ: Phải biết huấn luyện ai? Ai huấn luyện? Huấn luyện gì? Huấn luyện thế nào?. Người nói giản đơn mà hàm ý sâu sắc, toát lên những tư tưởng lớn chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Đảng ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng quyết định nội dung, phương pháp. Vì vậy, trước hết phải biết “huấn luyện ai”, tức là nắm chắc đối tượng đào tạo, bồi dưỡng để có nội dung, phương pháp thích hợp.
Về nội dung đào tạo, bồi dưỡng, Người yêu cầu phải hết sức thiết thực. Dạy, học lý luận Mác- Lênin phải biết liên hệ thực tế, thực hành lý luận, tránh nhồi nhét lý luận suông. Đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghề nghiệp thì “phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy”[5]. Ngoài dạy lý luận, chuyên môn, còn phải dạy công tác.
Là người đã từng tổ chức và trực tiếp đào tạo, bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ, Chủ tịch Hồ Minh nắm chắc và vận dụng nhuần nhuyễn quy luật tư duy và phương pháp luận Mác-Lênin trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Người đã đề ra hệ thống nguyên lý, phương châm, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như
“Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”[6]. Đào tạo, bồi dưỡng cũng như người sản xuất hàng hoá. Sản xuất ra số lượng sản phẩm nhiều là tốt nhưng trước hết phải đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, người tiêu dùng ưa chuộng thì mới có hiệu quả thiết thực. Việc đào tạo bồi dưỡng cán bộ “cốt yếu phải làm cho người học hiểu thấu đáo vấn đề”[7] và biết vận dụng vào thực tế công việc. Sau khi được đào tạo, bồi dưỡng, về làm việc hiệu quả hơn, nhiệt tình, trách nhiệm cao hơn.
“Phải gắn liền lý luận với công tác thực tế”.[8] Dạy, học lý luận phải biết liên hệ tình hình cụ thể, kinh nghiệm công tác để giải thích các vấn đề lý luận đặt ra. Như thế là thực hiện nguyên lý “học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn”.
“Huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu”, có nghĩa là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải theo yêu cầu quy hoạch sử dụng. Người nói: “Ban huấn luyện như người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ".
“Huấn luyện phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải gắn học tập với rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, tác phong, phương pháp công tác. Người dạy: “Phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa cho sạch những vết xấu xa trong đầu óc.”[9] Trong đào tạo bồi dưỡng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng nâng cao và hướng dẫn việc tự học.
Về mục đích học tập của cán bộ, Người chỉ rõ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, để phụng sự đoàn thể, giai cấp, nhân dân và cho Tổ quốc, nhân loại”[10]. Vì vậy: “Học để sửa chữa tư tưởng. Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng. Học để tin tưởng. Học để hành.”[11]
Về nội dung học tập. Người yêu cầu: Ngoài học lý luận, học chuyên môn, phải học chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, học công tác...
Về phương pháp học tập Hồ Chí Minh cho rằng: Phải lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào. Như vậy mới phát huy được tính độc lập sáng tạo của người học, tránh được tình trạng học tập thụ động một chiều. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Học đi đôi với hành, lý luận đi đôi với thực tiễn.”“Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Người khẳng định: “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là một nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác- Lê nin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận không liên hệ thực tiễn là lý luận suông”[12]
Có phương pháp học tập đúng chưa đủ, người học còn phải có động cơ, thái độ học tập đúng đắn. Theo Hồ Chí Minh: “Khi học lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa nó ra để mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch.”[13]. Như vậy, không phải mục tiêu đầu tiên và duy nhất của việc học là “để làm cán bộ” mà trước hết, cần phải học, có được nhận thức để “làm việc” và “làm người”, học để phục vụ, cống hiến cho Tổ quốc, Nhân dân và nhân loại. Chỉ khi nào người học xác định được động cơ và mục tiêu học tập đúng đắn thì việc học tập của họ mới đạt tới yêu cầu cần thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải chú trọng đến chất lượng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới chất lượng của việc đào tạo và huấn luyện. Người chỉ rõ, trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, khuyết điểm chung là tham làm nhiều mà không chu đáo, không biết “quý hồ tinh, bất quý hồ đa”[14], mở lớp đào tạo, bồi dưỡng tràn lan, số lượng quá đông khiến cho chất lượng của việc đào tạo, bồi dưỡng giảm sút. Người giải thích nguyên nhân thiếu cán bộ là: “Vì việc huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực”[15].
Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác này. Người làm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ như “máy cái” trong công nghiệp dùng để sản xuất các “máy con”. Người cho rằng: “Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc huấn luyện đó. Những người lãnh đạo cần phải tham gia việc dạy”[16]. Vì vậy, người làm công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”[17] và “phải học thêm mãi mới làm được công việc huấn luyện của mình”[18].
Có thể nói, xuyên suốt một chặng đường cách mạng đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng rất đỗi hào hùng, Đảng ta luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đảng khẳng định: Cán bộ, công chức là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức vừa “hồng” vừa “chuyên”. Việc quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa hết sức quan trọng cả trước mắt cũng như lâu dài trong sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã đạt được một số kết quả quan trọng, ngày càng đi vào nền nếp, có hiệu quả, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Hệ thống cơ sở đào tạo, bồi dưỡng được củng cố, phát triển; số lượng cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng tăng, cơ bản gắn với quy hoạch cán bộ, yêu cầu chức danh, vị trí việc làm; nội dung, chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng từng bước đổi mới; chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng lên cả về trình độ văn hóa, chuyên môn, lý luận chính trị và kinh nghiệm thực tiễn; điều kiện vật chất, kỹ thuật của các cơ sở đào tạo được cải thiện. Hệ thống chính trị ở Trung ương và địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần to lớn trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ (nhất là cán bộ chủ chốt) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương cơ bản nắm được những kiến thức thức lý luận cơ bản, biết vận dụng lý luận để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng động và sáng tạo; hăng hái thực hiện đường lối chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trình độ kiến thức và năng lực hoạt động thực tiễn ngày càng được nâng cao, thích nghi dần với cơ chế mới. Đội ngũ cán bộ đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc đạt được những thành tựu về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn một số hạn chế, yếu kém. Việc mở rộng quy mô đào tạo, bồi dưỡng chưa gắn liền với nâng cao chất lượng. Nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng chậm được đổi mới, bổ sung, cập nhật, còn trùng lặp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức, phong cách lãnh đạo, quản lý. Không ít cán bộ, công chức chưa thực sự tự giác, chủ động, tích cực tham gia đào tạo, bồi dưỡng; chưa thực sự xuất phát từ mục đích tự thân. Phương pháp giảng dạy, học tập chậm được đổi mới. Quản lý đào tạo còn có mặt yếu kém, nhất là quản lý tự học của học viên. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế. Việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chưa được thực hiện đồng bộ, chưa chú ý bồi dưỡng về kỹ năng quản lý điều hành, tổ chức thực hiện, nhất là xử lý những tình huống trong thực tiễn. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng. Chế độ, chính sách còn thấp với điều kiện thực tiễn xã hội và đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Điều kiện vật chất – kỹ thuật trong nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng còn thiếu thốn.
Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, sự nghiệp cách mạng nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, trước mắt chúng ta còn nhiều khó khăn, thách thức, cả bên trong và bên ngoài. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có duy trì ổn định và phát triển được hay không, phụ thuộc rất lớn vào quy mô và chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội giữ vị trí cực kỳ quan trọng. Đội ngũ này phải được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện để trở thành những người “hiền tài” của đất nước, vừa có tâm vừa có tài, vừa hồng vừa chuyên; có nhân cách và phong cách cán bộ cách mạng; hội tụ cả năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn, phức tạp trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong kỷ nguyên của cách mạng khoa học công nghệ, kinh tế tri thức và toàn cầu hóa hiện nay. Đây chính là cơ sở quan trọng để xác định đối tượng, nội dung chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và phương pháp, biện pháp tiến hành trong những năm tiếp theo.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 29 - NQ/TW ngày 04/11/2014 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 32 - NQ/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” thì cần đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng được yêu cầu hội nhập và phát triển, trong đó cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản như sau:
1. Quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và Đảng ta về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó cần xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh, vị trí. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tiếp tục quán triệt sâu sắc, cụ thể và thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của cán bộ. Phải làm cho cán bộ, đảng viên thích học, tích cực tham gia học tập, được học, nhất là học lý luận chính trị. Đó không chỉ là nghĩa vụ, trách nhiệm mà còn là vinh dự của cán bộ; sớm khắc phục bệnh lười học lý luận chính trị.
Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương cần xem việc lãnh đạo thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để từ đó quan tâm đầu tư đúng mức. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải đặc biệt coi trọng mối quan hệ giữa các yếu tố “Đức - Tài”. Bên cạnh việc đồng bộ hóa, chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức và năng lực thực tiễn, cần phải hết sức coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học và tự học của cán bộ. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng của đội ngũ cán bộ.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng gắn với nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bảo đảm nghiêm túc, có chất lượng. Thực hiện đúng quy định về phân cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng công chức. Không để tình trạng một số cơ quan, đơn vị không có chức năng, thẩm quyền đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẫn tự ý phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng dẫn đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thấp, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm.
2. Nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương về mục tiêu, yêu cầu, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đặt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong chiến lược phát triển của quốc gia, của địa phương, vừa cơ bản, lâu dài, vừa kịp thời, cấp thiết trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Gắn quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh và đẩy mạnh thực hiện luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị để rèn luyện qua thực tiễn ở các lĩnh vực, địa bàn khác nhau.
3. Tiếp tục thực hiện công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Hàng năm, các cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội chủ động rà soát trình độ chuyên môn, lý luận chính trị của cán bộ thuộc địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với quy hoạch, sử dụng cán bộ. Quan tâm mở các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược.
4. Thực hiện nghiêm các quy định, quy chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và công tác quản lý đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
- Đào tạo chuyên môn phải căn cứ theo nhu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn của đối tượng cán bộ được cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch và trước khi bổ nhiệm; quan tâm cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ.
- Đào tạo lý luận chính trị cần đảm bảo tính hệ thống, liên thông giữa các cấp học, bậc học. Không cử cán bộ đang thực hiện nghĩa vụ học tập lý luận chính trị bắt buộc đi học ở bậc học lý luận chính trị cao hơn; không cử cán bộ tham gia nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng trong cùng một thời điểm; không tiếp nhận, điều động, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ chưa đảm bảo tiêu chuẩn học tập lý luận chính trị bắt buộc.
5. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đào tạo, bồi dưỡng và đội ngũ giảng viên các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng. Làm tốt công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển đội ngũ công chức, viên chức của các cơ sở đào tạo đảm bảo hợp lý về số lượng, cơ cấu; tuyển dụng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, trang bị kỹ năng, phương pháp công tác cho đội ngũ cán bộ tham mưu về công tác đào tạo, bồi dưỡng, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cơ cấu hợp lý, được đào tạo cơ bản về chuyên môn, lý luận, có kiến thức thực tiễn và kinh nghiệm quản lý. Xây dựng đội ngũ báo cáo viên, giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm.
Đối với đội ngũ giảng viên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và những vấn đề đặt ra trong đời sống thực tế cũng như trong nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần kết hợp một cách khoa học giữa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng giảng dạy với tăng cường nghiên cứu, tích lũy tri thức thực tiễn cơ sở nhằm bổ sung, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực phân tích, giải đáp những vấn đề khó, nhạy cảm, đồng thời biết cách gợi mở tư duy, định hướng nhận thức và hành động cho học viên một cách đúng đắn. Chú trọng rèn luyện về ý thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng và đạo đức, phong cách người giảng viên.
6. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho phù hợp với từng loại hình đào tạo và chức danh cán bộ, đánh giá thực chất kết quả đào tạo. Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng có chất lượng, thiết thực; gắn đào tạo cơ bản với bồi dưỡng nâng cao trình độ nhận thức, năng lực thực hành và kỹ năng lãnh đạo, quản lý, bồi dưỡng chức danh; xây dựng, biên soạn các chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng theo kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành, đảm bảo tiêu chuẩn chức danh và vị trí việc làm; chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, hiện đại.
Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, tạo sự hấp dẫn, có thực tiễn và phù hợp với đối tượng, tăng sự chủ động và tích cực của người học, tăng cường trao đổi 2 chiều giữa người học và người dạy, làm cho người học thích học, người giảng có hứng thú và trách nhiệm trong giảng dạy; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn, lý luận chính trị, các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo từng lĩnh vực, đối tượng vùng miền, trong đó ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vùng đặc thù; chú trọng cập nhật kiến thức mới cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên.
Tăng cường phối hợp, liên kết để đa dạng hóa loại hình đào tạo, bồi dưỡng. Chủ động mở rộng phối hợp với các cơ sở đào tạo để mở rộng các hình thức đào tạo, đa dạng hóa nội dung chương trình, đối tượng đào tạo; thực hiện đào tạo có mục tiêu, đào tạo theo yêu cầu để bổ sung, phát triển nguồn nhân lực cho cả nước và các địa phương; thực hiện chiêu sinh đúng đối tượng và phù hợp với quy mô đào tạo, cán bộ trẻ nhất thiết phải qua đào tạo tập trung.
7. Nghiên cứu xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng; tiếp tục cụ thể hóa các quy định của Đảng và Chính phủ về chế độ, chính sách liên quan đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương và nhu cầu học tập của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ hiện nay.
8. Đầu tư kinh phí và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tăng cường đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thu hút và đa dạng hóa các nguồn kinh phí hợp pháp cho đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước. Chủ động khai thác, thiết lập các mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa các cơ sở trong cả nước và các tổ chức quốc tế nhằm trao đổi, học hỏi, tiếp thu kinh nghiệm, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo cán bộ, giảng viên, về tài chính và trang thiết bị.
Có thể nói, trong thời gian quan, Đảng ta đã và đang ra sức vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ nói chung, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nói riêng cho phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển. Những luận điểm của Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được đề cập rất bao quát, toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị lý luận và sức sống thực tiễn. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng và những chỉ dạy của Người vào việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu đổi mới trong giai đoạn hiện nay. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang diễn ra sôi nổi, ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đây cũng là biện pháp quan trọng, tạo ra môi trường thuận lợi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu trong công tác cán bộ của thời kỳ phát triển kinh tế tri thức, hội nhập quốc tế./.
(*) Bài tham gia Hội thảo Quốc gia kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2020) do Học viện CTQG Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.309
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 10, tr.346
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.269
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.439
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.270
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.263
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.47
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.234
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 11, tr.359
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr.208
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 6, tr.50
[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 8, tr.496
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1996, tập 8, tr.497
[14] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 362
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 356
[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 309
[17] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 6, tr. 359
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 6, tr. 46
NCS. Dương Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng; ThS. Trần Duy Rô Nin - Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH