Công tác xây dựng hệ thống Pháp luật sau Cách mạng Tháng Tám và Bài học kinh nghiệm cho giai đoạn hiện nay
01/09/2024 01:29
Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở pháp luật Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội, thiết lập, duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Qua đó Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Pháp luật cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội...
Công tác xây dựng hệ thống Pháp luật sau Cách mạng Tháng Tám và Bài học kinh nghiệm cho giai đoạn hiện nay

ThS. Nguyễn Thị Thanh

Phó Trưởng phòng Tổ chức - Tổng hợp

 

Pháp luật là hệ thống những quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung do Nhà nước ban hành hoặc thừa nhận và đảm bảo thực hiện, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội. Pháp luật có vai trò rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trên cơ sở pháp luật Nhà nước thực hiện việc quản lý xã hội, thiết lập, duy trì và bảo vệ trật tự xã hội. Qua đó Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Pháp luật cũng là cơ sở để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội.

Nhận thức được vai trò hết sức quan trọng của pháp luật, ngay sau khi dành được độc lập ngày 02 tháng 9 năm 1945, Chính phủ Lâm thời đã rất quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật. Thời điểm Cách mạng Tháng Tám mới thành công, chưa có Quốc hội, chưa có Hiến pháp, Luật…nên Chính phủ Lâm thời đã triển khai ban hành Sắc lệnh để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của đất nước. Cục văn thư và Lưu trữ nhà nước đã tập hợp được 117 sắc lệnh, hiện đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Đó chính là cơ sở pháp lý quan trọng giúp Chính phủ Lâm thời giải quyết những vấn đề cấp bách của xã hội, thực hiện nhiệm vụ của đất nước. Đồng thời các Sắc lệnh đó cũng đặt nền móng cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Trong đó phải kể đến những sắc lệnh tiêu biểu, có vai trò rất quan trọng, có giá trị rất lớn. Phải kể đến là các Sắc lệnh về tổng tuyển cử, bao gồm: Sắc lệnh số 14-SL Ngày 8-9-1945; Sắc lệnh số 39-SL ngày 26/9/1945 về thành lập Ủy ban dự thảo thể lệ cuộc Tổng tuyển cử; Sắc lệnh số 51-SL ngày 17/10/1945 quy định thể lệ cuộc Tổng tuyển cử phải thực hiện theo lối phổ thông đầu phiếu, bầu cử trực tiếp và bỏ phiếu kín; Sắc lệnh số 71-SL ngày 2-12-1945 bổ khuyết Điều 11 chương V của Sắc lệnh số 51-SL nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người ứng cử và Sắc lệnh số 76-SL ngày 18-12-1945 về việc ấn định lại ngày Tổng tuyển cử và hạn nộp đơn ứng cử. Những Sắc lệnh này tạo cơ sở pháp lý để tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử ngày 06/01/1946, thực hiện một trong 6 nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Tiếp đến cần phải kể đến là Sắc lệnh số 47/SL, ngày 10-10-1945, giữ lại mọi luật lệ của chế độ cũ chỉ trừ những điều luật trái với nền độc lập, tự do[1]; Sắc lệnh số 11 bãi bỏ thuế thân và cam kết các sắc thuế muốn được ấn định thì phải có sắc lệnh quy định ngày 06 tháng 9 năm 1945; ngày 8-9-1945, ban hành Sắc lệnh về việc lập ra bình dân học vụ để thực hiện chủ trương diệt giặc dốt. Trong tổ chức bộ máy nhà nước, phải kể đến Sắc lệnh số 63-SL về tổ chức các hội đồng Nhân dân và ủy ban hành chính (áp dụng cho chính quyền ở nông thôn) ngày 22-11-1945; Sắc lệnh số 77-SL về tổ chức chính quyền Nhân dân ở các thị xã và thành phố ngày 21-12-1945. Đây được coi là một trong những văn bản pháp luật quan trọng, thể hiện tính sáng tạo trong tư duy về tổ chức bộ máy nhà nước, rất khoa học, hợp lý. Đặc biệt là việc phân biệt hai mô hình tổ chức chính quyền địa phương nông thôn và đô thị với những quy định trong tổ chức bộ máy phù hợp với đặc điểm riêng. Những nội dung này để giá trị kế thừa rất lớn cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trong giai đoạn hiện nay.

Do nhận thức được yêu cầu cấp bách của của việc xây dựng hệ thống pháp luật, tầm quan trọng của Hiến pháp, ngay từ sau khi được bầu, Quốc hội khoá I đã bắt tay vào việc xây dựng, ban hành bản Hiến pháp đầu tiên. Ngày 09/11/1946 Việt Nam có bản Hiến pháp đầu tiên bao gồm 7 chương, 70 điều. Cho đến nay, gần 80 năm trôi qua, những giá trị của Hiến pháp 1946 vẫn còn được ghi nhận, tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa, phát huy trong hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Ngay tại Điều 1 của Hiến pháp 1946 đã quy định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hoà, tất cả quyền bính trong nước đều của toàn thể Nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo”; Điều 2 quy định: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất, Trung, Nam, Bắc không thể phân chia”. Đó khẳng định chính thức của một chế độ dân chủ, nhân quyền như lời tuyên ngôn độc lập mà Bác Hồ đã đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 02/9/1945. Hiến pháp năm 1946 đặt nền móng quan trọng cho công tác xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng thời, Hiến pháp 1946 đặt ra những nguyên tắc cho tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước; ghi nhận và bảo đảm các nội dung quyền con người. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam, các quyền tự do, dân chủ của con người được ghi nhận bởi một đạo luật cơ bản nhất. Ở đó xác nhận tư cách công dân của một nước độc lập, có chủ quyền. Trên cơ sở của Hiến pháp 1946, nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành, đáp ứng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ của đất nước thời kỳ bấy giờ. Cụ thể: Luật quy định quyền lập hội ngày 20-5-1957, Luật quy định quyền tự do hội họp ngày 20-5-1957, Luật bảo đảm quyền tự do thân thể và quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở, đồ vật, thư tín của Nhân dân ngày 20-5-1957, Sắc luật về quyền tự do xuất bản ngày 18-6-1957, Luật Công đoàn ngày 5-11-1957…

Sau Cách mạng Tháng Tám, mặc dù với muôn vàn khó khăn, thử thách nhưng, với sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ Lâm thời và sau đó là Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đã có nhiều thành tựu được ghi nhận. Một trong những nỗ lực, thành công rất lớn đó là công tác xây dựng hệ thống pháp luật, đặt nền móng quan trọng cho công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho các giai đoạn sau này. Từ những nội dung phân tích trên, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm của công tác xây dựng hệ thống pháp luật của giai đoạn sau Cách mạng Tháng Tám như sau:

Thứ nhất: Nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng, vai trò của pháp luật đối với đời sống xã hội, đối với tổ chức và hoạt động của Nhà nước. Nhờ đó, công tác xây dựng hệ thống pháp luật được tiến hành rất sớm, đáp ứng yêu cầu của thực tế.

Thứ hai: Linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện công tác xây dựng pháp luật, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ của đất nước thời kỳ bấy giờ. Điều này phải kể đến việc ban hành hàng loạt các Sắc lệnh. Đó là loại văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng phổ biến trong những hoàn cảnh đặc biệt như: chiến tranh, thảm hoạ thiên tai, tình trạng khẩn cấp… Sắc lệnh có thể đáp ứng yêu cầu kịp thời điều chỉnh các quan hệ pháp luật. Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, không thể chờ đợi tiến trình lập pháp với những thủ tục phức tạp, việc ban hành các sắc lệnh cho thấy sự sáng tạo, linh hoạt của Chủ tịch nước thời kỳ bấy giờ.

Thứ ba: Nhận thức đúng vai trò, vị trí và giá trị pháp lý của Hiến Pháp trong hệ thống pháp luật. Điều đó thể hiện thông qua việc tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội và việc khẩn trương, nỗ lực xây dựng Hiến pháp để được thông qua sau thời gian ngắn. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác tổ chức bộ máy nhà nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ của đất nước. Dù chồng chất những khó khăn cũng nhưng Hiến pháp 1946 vẫn được coi là một bản Hiến pháp có nhiều giá trị pháp lý hết sức quan trọng cần được kế thừa và phát huy.

Thứ tư: Kiên định với bản chất dân chủ của Nhà nước. Điều đó được thể hiện ngay trong lời nói đầu và nhiều điều của Hiến pháp 1946. Cụ thể: Điều 1; Điều 17; Điều 20; Điều 21; Điều 24; Điều 30. Dân chủ được thể hiện ở việc trao quyền quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước cho người dân và xác lập mục tiêu hoạt động của các cơ quan nhà nước là vì Nhân dân. Nội dung đó đã làm nên giá trị điển hình của Hiến pháp năm 1946.

Thứ năm: Ghi nhận kịp thời và bảo đảm các nội dung quyền con người. Đây là một trong những bài học quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế hiện nay. Các nội dung quyền con người đã được ghi nhận trong Hiến pháp - văn bản pháp lý cao nhất. Có thể thấy, mặc dù lần đầu tiên các quyền con người được ghi nhận một cách chính thức ở trong văn bản pháp luật quan trọng nhất của Nhà nước nhưng các nội dung quyền con người rất đầy đủ. Bao gồm các nhóm quyền bình đẳng, tự do, dân chủ, kinh tế, văn hoá, xã hội…Nội dung này có ý nghĩa rất lớn đối với dân tộc Việt Nam, Nhân dân Việt Nam sau một thời gian dài chịu sự áp bức, đô hộ của phong kiến, thực dân.

Trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã rất nỗ lực trong công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Đặc biệt là từ Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII Đảng đã xác định: Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững. Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Tại đây Trung ương xác định nghiệm vụ: Xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Từ đó, công tác xây dựng pháp luật đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật không ngừng được hoàn thiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Về cơ bản đã cụ thể hoá được các nội dung chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần tích cực vào công tác quản lý của Nhà nước nước, đảm bảo các nội dung quyền con người, thiết lập, duy trì và bảo vệ trật tự xã hội, từng bước xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Thống kê số lượng luật được Quốc hội thông qua trong Quốc hội khóa XI, XII, XIII, XIV (kể từ khi Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 được Bộ Chính trị ban hành cho đến tháng 12/2020) là 329 luật, bộ luật; đặc biệt, có nhiều văn bản quan trọng như Hiến pháp năm 2013, Luật Đất đai năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Trưng cầu ý dân năm, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016[2]… Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng còn ban hành nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể hơn, đảm bảo thuận lợi hơn cho việc đưa các văn bản của Quốc hội đi vào đời sống thực tế. Chất lượng của các văn bản không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Việt Nam cho đến nay vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Đó là việc thiếu những quy định, những văn bản mà đời sống thực tế cần, gây khó khăn cho công tác quản lý của Nhà nước, hoạt động của các chủ thể; còn mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản, các quy định; tính ổn định của các văn bản quy phạm pháp luật còn thấp; có nhiều quy định chưa thực sự phù hợp với đời sống thực tế, dẫn đến tính khả thi thấp; còn có tình trạng “Luật khung, Luật ống”.

Tiếp thu những bài học kinh nghiệm từ công tác xây dựng hệ thống pháp luật thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám, trước yêu cầu của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện nay, các cơ quan chức năng cần quan tâm đến các giải pháp sau đây:

- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật.

Các cấp uỷ Đảng từ trung ương đến địa phương cần ban hành các chủ trương, văn bản chỉ đạo sâu sát hơn đối với công tác ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động xây dựng pháp luật, tránh tình trạng lợi ích nhóm, “tham nhũng chính sách”.

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật theo hướng dân chủ hơn, khách quan hơn, công khai, minh bạch hơn. Cần quan tâm đến việc lấy ý kiến của Nhân dân trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt là những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, những người tham gia vào công tác xây dựng pháp luật. Bởi vì yếu tố con người là yếu tố quan trọng, trung tâm. Những người tham gia xây dựng pháp luật cần phải có kiến thức, có kỹ năng tốt và có ý thức trách nhiệm cao. Điều này sẽ quyết định đến chất lượng của các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành.

- Ở mỗi giai đoạn phát triển, cần xác định nội dung trọng tâm, lĩnh vực trọng tâm để tập trung xây dựng pháp luật. Tránh trường hợp dàn trải, chất lượng không đáp ứng yêu cầu. Chẳng hạn như, trong giai đoạn này cần tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, hội nhập quốc tế và thể chế kinh tế thị trường…

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, Nhà nước đặt pháp luật ở vị trí tối thượng thì việc xây dựng hệ thống pháp luật hoàn thiện là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Kế thừa các bài học kinh nghiệm trong lịch sử, thành quả của công tác xây dựng pháp luật trong suốt gần 80 năm qua, với sự quyết tâm và nỗ lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chúng ta hi vọng trong thời gian tới những hạn chế, bất cập của hệ thống pháp luật sẽ từng bước được khắc phục. Những mục tiêu, nhiệm vụ được đặt ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tại Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về công tác xây dựng hệ thống pháp luật sẽ sớm thực hiện được./.

 



[1] Vũ Đình Hòe: Pháp quyền - nhân nghĩa Hồ Chí MinhSđd, tr. 352

[2] https://danchuphapluat.vn/hoan-thien-he-thong-phap-luat-trong-giai-doan-moi