Chào mừng Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023): Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - Giá trị xuyên suốt đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam
01/02/2023 09:40
Trong những trang sử hào hùng của lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nhân dân ta và bầu bạn, nhân loại tiến bộ trên thế giới đã được chứng kiên những thành tựu vô cùng to lớn, vĩ đại. Từ thắng lợi mang tầm vóc thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - đánh đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm và chế độ cai trị thực dân, phát xít Pháp, Nhật gần một thế kỷ, lập nên nền cộng hòa, dân chủ và chế độ độc lập, tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam đến...
Chào mừng Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2023): Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng - Giá trị xuyên suốt đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam

ThS. Ngô Bá Cường, ThS. Nguyễn Thị Hồng Giang

Khoa Xây dựng Đảng

 

Bút tích trang đầu dự thảo Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 10/1930. (Ảnh tư liệu) - Nguồn: dangcongsan.vn

 

Trong những trang sử hào hùng của lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Nhân dân ta và bầu bạn, nhân loại tiến bộ trên thế giới đã được chứng kiến những thành tựu vô cùng to lớn, vĩ đại. Từ thắng lợi mang tầm vóc thời đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - đánh đổ chế độ phong kiến hàng nghìn năm và chế độ cai trị thực dân, phát xít Pháp, Nhật gần một thế kỷ, lập nên nền cộng hòa, dân chủ và chế độ độc lập, tự do cho đất nước và nhân dân Việt Nam đến công cuộc kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ độc lập, tự do và hoàn thành thống nhất đất nước, đánh thắng các thế lực nước lớn, bá quyền xâm lược và bè lũ tay sai vào cuối thập niên 70 của thế kỷ XX, đưa cả nước đi lên CNXH. Sau khi đất nước im tiếng súng, Nam - Bắc một nhà, giữ vững độc lập, tự chủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả nước đã hừng hực khí thế và quyết tâm xây dựng CNXH, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường. Công cuộc Đổi mới đất nước và hội nhập sâu rộng hơn 35 năm qua kể từ khi toàn Đảng, toàn dân ta đi vào sự nghiệp đổi mới (Đại hội ĐBTQ lần thứ VI - 1986) thêm một lần nữa chứng minh năng lực lãnh đạo và phẩm chất tiên phong dẫn đường, chỉ lối của Đảng ta trên hành trình vĩ đại của cách mạng.

Tất cả những thành tựu to lớn đó đã được khơi nguồn từ một văn kiện vô cùng quý giá được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dự thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng - đó chính là bản Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Kỷ niệm 93 năm ngày Đảng ta ra đời (3/2/1930-3/2/2023), bài viết này muốn nhấn mạnh và khẳng định giá trị xuyên suốt đó để thêm một lần nữa chúng ta ý thức được tầm vóc vĩ đại của Đảng ta trong xây dựng và lãnh đạo thực hiện đường lối chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam đồng thời vận dụng giá trị đó trong công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trước hết, Cương lĩnh chính trị đầu tiên là văn kiện mang tầm vóc hoạch định chiến lược toàn diện từ cách mạng giải phóng dân tộc đến cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh lịch sử Việt Nam nói riêng, châu Á nói chung những năm đầu thế kỷ XX mới thấy hết được giá trị mang ý nghĩa mở đường, khai thông thế cùng quẫn, bế tắc, bất lực của đường lối lãnh đạo chính trị của các giai cấp, tầng lớp, lực lượng xã hội lúc bấy giờ trước bài toán thế kỷ đã đặt ra cho hầu hết các dân tộc là thuộc địa, nửa thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Trước hết, văn kiện quan trọng nhất của Cương lĩnh chính trị đầu tiên là Chánh cương vắn tắt đã xác định các giai đoạn, đối tượng và nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền ở Việt Nam. Trong đó, nêu rõ chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Tiến trình cách mạng Việt Nam gồm hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là tư sản dân quyền cách mạng trong đó có nhiệm vụ thổ địa cách mạng và giai đoạn thứ hai là thế giới cách mạng để đi tới xã hội cộng sản.

Chánh cương vắn tắt khẳng định đế quốc và phong kiến đều là đối tượng phải đánh đổ trong cách mạng dân tộc dân chủ, nhưng hai nhiệm vụ này không thực hiện đồng loạt. Nhiệm vụ chống đế quốc, giải phóng dân tộc phải đặt lên hàng đầu, còn nhiệm vụ chống phong kiến, đem lại ruộng đất cho dân cày sẽ thực hiện từng bước, nhằm tập trung vào kẻ thù chính là bọn đế quốc xâm lược và bọn phong kiến tay sai.

Chánh cương vắn tắt chỉ rõ những nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn tư sản dân quyền cách mạng về các phương diện xã hội, chính trị và kinh tế. Chánh cương xác định, về phương diện xã hội là dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hoá; về phương diện chính trị cách mạng Việt Nam có nhiệm vụ đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập, dựng ra chính phủ công - nông binh, tổ chức ra quân đội công nông; về phương diện kinh tế phải thu hết sản nghiệp lớn như công nghiệp, vận tải, ngân hàng, v.v. của đế quốc Pháp giao cho Chính phủ công - nông binh quản lý, thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo, v.v..

Có thể nói, dù hết sức vắn tắt, ngắn gọn nhưng Chánh cương vắn tắt đã thâu tóm toàn bộ hình thức, nội dung, đối tượng, lực lượng, phương pháp của cuộc cách mạng ở Việt Nam. Thực tiễn sinh động của cách mạng từ năm 1930 đến nay, dù được gọi bằng những tên gọi khác nhau (cách mạng tư sản dân quyền, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, cách mạng giải phóng dân tộc..; thổ địa cách mạng, cách mạng ruộng đất, cải cách ruộng đất, chính sách đất đai..), thậm chí có thể được thực hiện bằng sự sáng tạo, linh hoạt trong sách lược, phương pháp cách mạng nhưng mục tiêu, nội dung, bản chất công cuộc cách mạng mà Chánh cương vắn tắt của Đảng đã xác định trong ngày thành lập Đảng là hoàn toàn nhất quán, thống nhất. Sự kiên định lập trường cách mạng, sự nhất quán, ổn định trong tư duy chiến lược mang tính xuyên suốt ấy đã giúp cho Đảng ta và cách mạng Việt Nam ngay từ khi mới ra đời, ngay từ điểm khởi đầu đã định hình được quỹ đạo vận hành thuận chiều với thời đại, phù hợp logic khách quan của quy luật vận động xã hội. Từ đó đảm bảo cho cách mạng Việt Nam luôn có được sự kết nối biện chứng, đầy sức sống từ lý luận lãnh đạo với thực tiễn.

Thứ hai, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng đã xác định đúng đắn phương pháp, cách thức tổ chức tiến hành thắng lợi công cuộc cách mạng. Giá trị chiến lược này thể hiện rõ nét trong Sách lược vắn tắt của Đảng.

Sách lược vắn tắt đã giải quyết triệt để vấn đề đường lối tập hợp, đoàn kết, xây dựng lực lượng cách mạng. Đây là vấn đề mà trước đó các lực lượng chính trị khác đã không làm được. Là mấu chốt của sức mạnh cách mạng Việt Nam trong thời đại của Đảng Cộng sản.

Sách lược vắn tắt của Đảng, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, gồm năm điểm, xác định Đảng là đội tiên phong của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình và làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Đồng thời, Đảng phải thu phục cho được đại bộ phận dân cày và phải dựa vào dân cày nghèo làm thổ địa cách mạng, đánh trúc bọn đại địa chủ và phong kiến. Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên và Tân Việt, v.v. để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản. Còn đối với bọn phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản An Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, rồi làm cho họ đứng trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách mạng thì phải đánh đổ.

Xuất phát từ đường lối đã xác định trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống đế quốc. Đồng thời, Sách lược vắn tắt vẫn nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác giai cấp của Đảng, trong khi liên lạc với các giai cấp, phải thận trọng, không nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thoả hiệp. Đảng phải đồng thời tuyên truyền và liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.

Sách lược vắn tắt trước hết đã xác định đúng đắn vai trò của Đảng Cộng sản với tư cách, phẩm chất của người tiên phong, dẫn đường của giai cấp vô sản, phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình và làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng. Hiểu đầy đủ, thấu đáo nội hàm vấn đề này ta có thể thấy, để đảm trách xứng đáng sứ mệnh tiên phong lãnh đạo, Đảng phải được xây dựng, rèn luyện để trở thành một tổ chức mang trong mình trí tuệ xuất chúng, đủ năng lực để lãnh đạo cách mạng ở bất cứ tình huống nào. Đồng thời, bên cạnh trí tuệ, năng lực lãnh đạo của Đảng, ý tứ sâu xa và vô cùng đúng đắn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thể hiện khi Người đề cập vấn đề Đảng phải là người tiên phong, mẫu mực về đạo đức cách mạng, có như thế Đảng mới xứng đáng giữ vị trí lãnh đạo, có như thế, Đảng mới thu phục được nhân tâm, tình cảm, sự kính phục và tin tưởng của quần chúng nhân dân. Cùng với ý nghĩa đó, Sách lược vắn tắt rất đúng đắn khi chỉ rõ trong những lực lượng cách mạng đó, lực lượng nào là nòng cốt, là chủ lực quân mà cách mạng phải luôn nắm lấy, giữ chắc trong tay mình, đâu là bầu bạn của cách mạng, đâu là lực lượng mà cách mạng phải lôi kéo, đoàn kết và đâu là đối tượng mà cách mạng phải kiên quyết đánh đổ, không thỏa hiệp, hữu khuynh, khoan nhượng. Đây là điều mà chúng ta thấy rất rõ trong hành trình 15 năm đấu tranh giành chính quyền, kết thúc thắng lợi bằng Cách mạng tháng Tám vĩ đại, trải qua quá trình xây dựng, bảo vệ chính quyền, xây dựng chế độ mới và công cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Được minh chứng bằng những bài học, kinh nghiệm sâu sắc, thấm thía trước những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm trong cải cách ruộng đất (1954-1956), trong cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với các thành phần kinh tế (1954-1975), trong quá trình tìm tòi khảo nghiệm thực tiễn trên con đường Đổi mới...

Đặc biệt, những điều được chỉ rõ trong Sách lược vắn tắt càng có ý nghĩa thực tiễn hết sức sinh động trong công tác Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, liên hệ những nội dung trong Sách lược vắn tắt với 5 bài học kinh nghiệm và 5 quan điểm chỉ đạo mà Đảng ta đã nêu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII mới thấy hết được tính khoa học xuyên suốt của Cương lĩnh chính trị đầu tiên với sự nghiệp cách mạng của đất nước ta hôm nay và những chặng đường phía trước.

Thứ ba, Cương lĩnh nêu rõ những nhiệm vụ cơ bản, cấp bách của cách mạng giải phóng dân tộc, giải quyết triệt để, đúng đắn ngay từ đầu mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc với cách mạng giai cấp, đề ra đường lối đoàn kết, xây dựng lực lượng nhằm tạo ra sức mạnh thực hiện thắng lợi mục tiêu của cách mạng.

Có thể nói, trong những năm 30 của thế kỷ XX, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế dưới sự lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản chịu ảnh hưởng lớn của quan điểm giai cấp sau khi Lãnh tụ V.I Lê nin từ trần (1924). Vấn đề dân tộc - giai cấp ở các Đảng Cộng sản trên thế giới được giải quyết theo tinh thần quan điểm nâng cao ngọn cờ giai cấp. Tuy nhiên, trong điều kiện chịu áp lực lớn từ quan điểm của Quốc tế Cộng sản, tại Hội nghị thành lập Đảng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với sự trải nghiệm sâu rộng thực tiễn phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc trên thế giới, nắm vững đặc điểm tình hình và khát vọng sống còn của dân tộc Việt Nam và với bản lĩnh của một chiến sĩ cộng sản trung thành, vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của nước ta đã khẳng định rất dứt khoát nhiệm vụ trước hết, quan trọng nhất là đánh đổ chế độ áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân Pháp và phong kiến tay sai ở Việt Nam, giành độc lập cho dân tộc, mở đường để giải phóng giai cấp, giải phóng con người và đi lên CNXH. Đây là cách giải quyết đúng đắn, phù hợp nhất đối với cách mạng Việt Nam mà ở phương diện đường lối chiến lược, Cương lĩnh chính trị đầu tiên đã cho thấy.

Bên cạnh việc giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân với cách mạng xã hội chủ nghĩa, Cương lĩnh đã đề ra sách lược đoàn kết, tập hợp lực lượng cách mạng rất biện chứng, sáng tạo, cực kỳ phù hợp. Bởi vì, trong khi điều kiện tiên quyết là làm cách mạng giải phóng dân tộc thì sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa sống còn, điều đó đòi hỏi phải có đường lối tập hợp, đoàn kết tất cả các giai cấp, tầng lớp xã hội. Đường lối đó phải đảm bảo mục tiêu tối cao là giành độc lập dân tộc, tạo điều kiện để thực hiện một cách hài hòa, công bằng lợi ích của giai cấp, bộ phận trong khi vẫn lấy lợi ích của liên minh công - nông làm căn bản, triệt tiêu những mầm mống, nguy cơ chia rẽ, xung đột giữa các giai cấp, tầng lớp, cộng đồng dân tộc. Xuất phát từ đường lối đã xác định trong Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt chủ trương thu hút rộng rãi các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đoàn kết rộng rãi của toàn dân tộc chống đế quốc. Đồng thời, vẫn nhấn mạnh nguyên tắc hợp tác giai cấp của Đảng, trong khi liên lạc với các giai cấp, phải thận trọng, không nhượng bộ một chút lợi ích gì của công nông mà đi vào con đường thoả hiệp. Đảng phải đồng thời tuyên truyền và liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.

Có thể nói, trên hành trình 93 năm qua, có những thời điểm cách mạng gặp phải nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí phải trả giá đắt bằng những tổn thất, mất mát, hy sinh mà nguyên nhân chủ quan chủ yếu là những hạn chế, khuyết điểm trong hoạch định đường lối, phương pháp, cách làm không phù hợp, nôn nóng, máy móc, giáo điều. Đó là những lúc mà Đảng ta phải tự soi lại mình, để thẳng thắn rút kinh nghiệm, đó là những dẫn chứng thực tiễn vô cùng sinh động để thấm thía bài học về tầm quan trọng của đường lối chiến lược và phương pháp, sách lược cách mạng. Vào thời điểm Đảng ra đời, tuổi đời còn rất non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết những bài toán hết sức nan giải của thực tiễn, tuy nhiên, việc Đảng ta ngay khi được thành lập đã có ngay đường lối hết sức đúng đắn mặc dù được viết rất vắn tắt đã làm cho Đảng ta và công cuộc cách mạng ít phạm phải những sai lầm, hạn chế, khuyết điểm, giảm thiểu những mất mát, tổn thất. Với những giá trị đó, Cương lĩnh đã tạo ra được cấu trúc cơ bản của đường lối chiến lược cách mạng Việt Nam. Những bổ sung, vận động, phát triển đường lối cách mạng ở những giai đoạn sau tiếp tục làm đầy đủ, hoàn thiện, cụ thể hơn những nhiệm vụ, giải pháp chiến lược, sách lược cách mạng trên cơ sở cấu trúc mang ý nghĩa tiền đề, nền tảng đó.

Thứ tư, cùng với những nội dung cơ bản của chiến lược, sách lược cách mạng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên cũng đã xác lập những nội dung cơ bản trong xây dựng chính Đảng Mác xít chân chính.

Dù được viết rất rất "vắn tắt", tuy nhiên “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam” quy định những vấn đề quan trọng về mục tiêu, tổ chức, hoạt động và kỷ luật của Đảng. Điều lệ vắn tắt của Đảng, do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo, xác định tên gọi, tôn chỉ mục đích, lệ vào Đảng, hệ thống tổ chức, trách nhiệm đảng viên, quyền lợi đảng viên, các cấp uỷ Đảng, kinh phí và kỷ luật của Đảng. Những vấn đề ghi trong Điều lệ vắn tắt của Đảng đã xác định tính chất và nguyên tắc tổ chức của chính đảng mácxít chân chính và cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam.

Dù không có điều kiện để đề cập nhiều những vấn đề về xây dựng Đảng, tuy nhiên, với cái nhìn đúng đắn, nhạy cảm, Cương lĩnh đã đặt đúng vị trí, tầm quan trọng của tổ chức Đảng với tư cách là bộ tham mưu chiến lược của cách mạng, là cỗ máy dẫn đường, là tổ chức đảm nhận trách nhiệm tiên phong lãnh đạo. Do đó, Đảng phải được đặc biệt coi trọng tính đúng đắn từ tên gọi, tôn chỉ, mục đích, điều lệ vào Đảng cho đến các vấn đề hệ trọng như hệ thống tổ chức, trách nhiệm, quyền lợi của đảng viên, cấp ủy, vấn đề kinh phí và kỷ luật Đảng.

Thực tiễn đã chứng minh rất rõ bài học sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Điều đó thêm một lần nữa khẳng định năng lực, phẩm chất của Đảng có ý nghĩa sống còn. Do đó, cần đặc biệt coi trọng và đặt lên hàng đầu đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều này càng cho thấy rõ vì sao từ khi ra đời cho đến nay, Đảng ta mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, trong những năm gần đây, Đảng ta tiếp tục đặt ra và thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp lớn đối với công tác xây dựng Đảng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận số 21-KL/TW, Quy định 37-QĐ/TW của BCHTW Đảng lần thứ 4 khóa XIII. Gắn liền với đó là rất nhiều những chủ trương, giải pháp, biện pháp quyết liệt, liên tục và kiên quyết, kiên trì trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ càng cho thấy những vấn đề về xây dựng Đảng được nêu trong Sách lược vắn tắt của Đảng năm 1930 vẫn nguyên giá trị và vẫn mãi là ngọn đuốc soi đường để Đảng ta tiếp tục vững bước tiên phong lãnh đạo, chèo lái cách mạng Việt Nam hôm nay và mai sau.

Cương lĩnh chính trị đầu tiên, được tổng hợp từ 4 văn kiện quan trọng và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng gồm Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng, Cương lĩnh đã bao hàm toàn diện, sâu sắc, đúng đắn những vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đó là văn kiện có giá trị chiến lược xuyên suốt, là bản công trình sư của công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Lịch sử cách mạng trong suốt chiều dài gần một thế kỷ đã chứng kiến nhiều đổi thay to lớn, những thắng lợi vĩ đại được tạo ra từ bàn tay, khối óc và bản lĩnh lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta và sức mạnh đoàn kết vĩ đại của Nhân dân. Những thành quả vĩ đại đó đã được bắt đầu từ những giá trị tuyệt vời của Cương lĩnh chính trị đầu tiên, được bổ sung, tiếp nối bằng những văn kiện chiến lược trong các thời kỳ cách mạng tạo thành mạch nguồn bất tận, là dòng chảy nội sinh kết nối những di sản cha ông với những thắng lợi vĩ đại của cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam./.