Các Mác - Trọn đời vì lý tưởng cao đẹp
05/05/2021 03:08
Với trí tuệ thiên tài, ý chí sắt đá, khả năng làm việc vô biên, C.Mác (1818 - 1883) đã có giải đáp kịp thời, chính xác về những vấn đề lớn, cơ bản, cấp thiết mà thời đại của ông đang đặt ra; tạo nên bước ngoặt vĩ đại tronglịch sử tư tưởng của nhân loại. Cuộc đời hoạt động và tư tưởng của C.Mác đều vì con người, coi hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình và phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người
Với trí tuệ thiên tài, ý chí sắt đá, khả năng làm việc vô biên, C.Mác (1818 - 1883) đã có giải đáp kịp thời, chính xác về những vấn đề lớn, cơ bản, cấp thiết mà thời đại của ông đang đặt ra; tạo nên bước ngoặt vĩ đại tronglịch sử tư tưởng của nhân loại. Cuộc đời hoạt động và tư tưởng của C.Mác đều vì con người, coi hạnh phúc của mọi người là hạnh phúc của chính mình và phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người(1).
1. Lý tưởng cao đẹp của C.Mác luôn là mục tiêu để nhân loại vươn tới
Trọn đời vì lý tưởng cộng sản, C.Mác có những cống hiến vĩ đại cho lịch sử nhân loại. Chống áp bức bóc lột, bất công; lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản và xóa bỏ xã hội tư bản để giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng xã hội, giải phóng con người, xây dựng xã hội xã hội cộng sản, là lý tưởng cao đẹp nhất của C.Mác. Đây là điểm cốt lõi làm cho tên tuổi, cuộc đời và sự nghiệp của C.Mác lưu lại dấu ấn sâu đậm, lâu dài, bền vững trong lịch sử nhân loại. Lý tưởng cao đẹp của C. Mác thể hiện chủ yếu ở các điểm sau:
Một là, lý tưởng của C.Mác là sự nối tiếp ước mơ, khát vọng của nhân loại, thấm đẫm tính nhân văn của nhân dân lao động; rất dung dị, đời thường như một lẽ tất yếu, tự nhiên về mối quan hệ giữa người với người trong cuộc sống. Thực ra, khát vọng về một cuộc sống không có áp bức, bóc lột, bất công, mà mọi người được tự do, ấm no, hạnh phúc từng tồn tại trước khi xã hội phân chia thành giai cấp. Nhưng, điều cao đẹp đó lại không có “chỗ đứng” trong các xã hội có giai cấp: chiếm hữu nô lệ, phong kiến, nhất là xã hội tư bản. Trước C.Mác, nhiều nhà tư tưởng đã lên tiếng đòi lại khát vọng bình dị ấy, nhưng đều không đem lại hiệu quả, bởi vì họ chưa đưa ra được cách thức biến ước mơ thành hiện thực. Do đó, tư tưởng CNXH trước C.Mác vẫn là CNXH không tưởng.
Đến C. Mác, lý tưởng đó không dừng lại ở ước mơ, khát vọng nữa mà đã trở thành khoa học, được hiện thực hóa trong thực tiễn. Các nguyên lý, quy luật đúng đắn về lịch sử - xã hội của chủ nghĩa Mác là cơ sở lý luận trong nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn. Bởi vậy, gần hai thế kỷ đi qua, với biết bao thay đổi của lịch sử, học thuyết Mác vẫn luôn được bảo vệ, không ngừng phát triển, khẳng định tầm vóc, thể hiện sức sống mãnh liệt và giá trị thời đại sâu sắc, tiếp tục soi sáng con đường giải phóng giai cấp, xã hội, con người. Không chỉ có những người cộng sản, các nước đi theo con đường CNXH, mà nhiều nhà tư tưởng phi mác xít cũng trân trọng, tôn vinh tư tưởng vĩ đại của C.Mác. Thậm chí, ngay cả sau khi Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu khủng hoảng và sụp đổ; khi Mỹ và nhiều nước công nghiệp phát triển đương đầu với hậu quả khủng hoảng tài chính, thì nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây đã tìm đến học thuyết Mác làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để vạch chiến lược,nhanh thoát khỏi khủng hoảng. Đồng thời, để khắc phục hậu quả những vấn đề có tính toàn cầu của thời đại ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã tái bản một số tác phẩm của C.Mác, càng cho thấy sức sống vĩ đại trong tư tưởng lý luận của ông.
Hai là, ở C. Mác, lý tưởng đem lại hạnh phúc cho con người được hình thành từ tầm cao trí tuệ cá nhân và sự kế thừa thành tựu tư duy nhân loại. Vươn tới tầm cao vĩ đại đó, trong học thuyết của mình, ngoài tư duy khoa học, C.Mác đã kế thừa có phê phán những thành tựu tư duy nhân loại; không chỉ tiếp nhận tư tưởng duy lý khoa học hoàn bị của triết học cổ điển Đức mà còn trong CNXH không tưởng Pháp và kinh tế chính trị học Anh, trên cơ sở đó bổ sung, phát triển, nâng lên tầm cao mới, xây dựng lý tưởng cộng sản.
Ba là, C.Mác đưa ra con đường đúng đắn để hiện thực hóa lý tưởng của mình. Vận dụng triết học duy vật biện chứng vào xem xét lĩnh vực xã hội, C.Mác sáng lập ra chủ nghĩa duy vật lịch sử. Điều này thực sự là cuộc cách mạng trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử xã hội loài người. Như V.I. Lênin đánh giá, “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học. Một lý luận khoa học hết sức hoàn chỉnh và chặt chẽ đã thay cho sự lộn xộn và sự tùy tiện vẫn ngự trị từ trước đến nay trong các quan niệm về lịch sử và chính trị”(2). Từ quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử, C.Mác xây dựng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, luận chứng một cách khoa học, tường minh lô gích lịch sử - tự nhiên của phát triển xã hội. Vận dụng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội vào phân tích xã hội tư bản, C.Mác tìm ra quy luật phát sinh, phát triển, diệt vong của nó; dự báo về sự ra đời hình thái kinh tế - xã hội cộng sản, giai đoạn đầu là CNXH.
C.Mác chỉ ra rằng, “lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến ngày nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp”, nên “sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(3). C.Mác chỉ rõ sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, chính họ là lực lượng cơ bản tiên phong lật đổ giai cấp tư sản và CNTB, thiết lập xã hội cộng sản. Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản không tách rời cuộc đấu tranh dân tộc, ở phạm vi quốc tế; tất yếu phải có chính đảng cộng sản lãnh đạo, tiến hành bạo lực cách mạng, thực hiện chuyên chính vô sản, xây dựng khối liên minh công nông, tạo dựng đoàn kết vô sản toàn thế giới. Nhưng trước hết, họ “phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình”, “phải giành lấy chính quyền”, “xóa bỏ tình trạng người bóc lột người” thì “tình trạng dân tộc này bóc lột dân tộc khác cũng sẽ bị xóa bỏ”. Tinh thần ấy thể hiện rõ trong khẩu hiệu kết thúc nội dung Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản: “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!”(4).
Bốn là, C.Mác với niềm tin khoa học đã kiên trì hoạt động để hiện thực hóa lý tưởng cộng sản trong đời sống. Xây dựng lý tưởng dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn; phát hiện ra vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản; chỉ rõ con đường cho giai cấp vô sản giải phóng mình, giải phóng xã hội, giải phóng nhân loại thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công; xây dựng xã hội mới tốt đẹp chính là cơ sở tạo nên sức sống trường tồn của học thuyết Mác. Với niềm tin tuyệt đối vào sự thành công, C.Mác không chỉ vạch ra những vấn đề lý luận trang bị thế giới quan cho giai cấp vô sản mà còn tích cực hoạt động thực tiễn. C.Mác tham gia vào các hoạt động, như: thành lập chính đảng của giai cấp công nhân, giác ngộ, rèn luyện qua các phong trào cách mạng để họ ngày càng trưởng thành về nhận thức và hành động, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình.
2. Cuộc đời hoạt động cách mạng của C.Mác là vì hạnh phúc của nhân loại
Quyết tâm theo đuổi lý tưởng cao đẹp chính là nguồn gốc tạo nên ý chí và khí phách trong đời hoạt động của C.Mác. Tất cả các hoạt động lý luận và thực tiễn của C. Mác không nằm ngoài mục tiêu, lý tưởng cộng sản; đều vì mưu cầu tự do, ấm no, hạnh phúc của giai cấp vô sản, lấy điều đó làm xuất phát điểm và cũng là mục đích cuối cùng cần đạt tới. Lấy hạnh phúc con người làm trung tâm, bênh vực cho quyền lợi của quảng đại quần chúng cần lao, C. Mác luôn hết lòng thực hiện hoài bão, ước mơ, quên bản thân mình cho lợi ích chung. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả những lúc khó khăn nhất của cuộc sống gia đình, túng thiếu vây quanh, bệnh tật dày vò thì C. Mác vẫn không một phút nản lòng, không bao giờ chùn bước trong cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, bất công, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người lao động, bảo vệ lý tưởng, bảo vệ tương lai tốt đẹp của loài người tiến bộ.
Từ lúc 17 tuổi, C.Mác có lập luận triết lý mang tầm vócmột nhà khoa học lớn. Trong bài luận tốt nghiệp trung học, ông không ngần ngại phê phán việc chọn nghề trên cơ sở quyền lợi ích kỷ hoặc thuần túy vật chất; thẳng thắn tuyên bố: “Lịch sử thừa nhận vĩ nhân là những người làm việc cho mục đích chung và do đó bản thân họ cũng trở nên cao thượng hơn; kinh nghiệm cho thấy rằng, người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất”. “Nếu ta đã chọn một nghề mà qua đó ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy bởi vì đó chính là sự hy sinh vì mọi người. Khi đó, niềm vui được hưởng không chỉ là một niềm vui ích kỷ, hẹp hòi và nhỏ nhen, mà hạnh phúc của ta sẽ thuộc về hàng triệu người. Sự nghiệp của ta sẽ tồn tại, chẳng ầm ĩ, nhưng mãi mãi là cuộc sống có ích và trên di hài của ta sẽ có những con người cao quý nhỏ những giọt nước mắt nóng hổi”(5).
Xác định cho mình một chí hướng như vậy để sống và làm việc, từ khi ở giảng đường đại học, C. Mác đã tích cực tham gia các nhóm sinh viên, làm báo cách mạng, phê phán nhược điểm của chế độ đương thời, tích cực bảo vệ quyền lợi người lao động. Năm 23 tuổi, C. Mác nhận được học vị tiến sĩ triết học(6). Cũng vì thực hiện phương châm “người nào đem lại hạnh phúc cho nhiều người nhất thì người đó là hạnh phúc nhất” nên C.Mác miệt mài hoạt động cho sự nghiệp chung mà ít có thời gian chăm lo cho gia đình;vượt qua mọi gian khó, kể cả sự thiếu thốn về vật chất và điều kiện làm việc, phát huy tối đa trí lực để cống hiến cho nhân loại. Trong điều kiện khó khăn, sống lưu vong nhiều năm, đặc biệt là khi 31 tuổi đã hai lần bị trục xuất khỏi nước Pháp, nhưng ngòi bút cách mạng với dòng mực nhân văn ở C.Mác vẫn tuôn chảy, tạo cho đời khối lượng công trình khoa học đồ sộ(7). Thông qua đó, C. Mác cung cấp cho nhân loại những tri thức quý giá về phép biện chứng duy vật, chủ nghĩa duy vật lịch sử, hình thái kinh tế - xã hội, quy luật giá trị thặng dư, về CNXH khoa học...
Không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà bác học thiên tài, C.Mác đồng thời là nhà cách mạng vĩ đại với hoạt động thực tiễn tích cực. Với trái tim nhân hậu thấm đượm tinh thần nhân văn cộng sản và bầu nhiệt huyết cách mạng, C.Mác đã hiến dâng trọn cuộc đời mình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Thông qua thâm nhập phong trào công nhân, C.Mác đưa ý chí của mình vào hoạt động thực tiễn, biến lý luận thành lực lượng vật chất to lớn, thúc đẩy cách mạng và sự phát triển xã hội, vì lý tưởng cộng sản. C.Mác là “nhân vật tín nhiệm của phong trào công nhân quốc tế”(8), “linh hồn của Quốc tế I” (thành lập ngày 28-9-1864 ở Luân Đôn), sát cánh với những người công nhân Pháp “xông lên đoạt trời”, chứng kiến thành quả lý luận bước đầu đơm hoa kết trái.
Cuộc đời hoạt động của C.Mác là sự chiến đấu không ngừng nghỉ chống lại mọi kẻ thù của giai cấp vô sản. Sự nghèo khó của cuộc sống lưu vong cộng với bệnh tật và những đau thương trong gia đình làm cho sức khỏe ngày càng suy yếu. Không chịu khuất phục trước những cơn đau bệnh tật những năm cuối đời, C.Mác phải đấu tranh tư tưởng, sẵn sàng đánh đổi tuổi thọ với việc để lại cho đời công trình đang thực hiện. Như Ph.Ănghen nói, C.Mác “rất thường hay mang dấu vết của một cuộc đấu tranh căng thẳng với tình trạng làm việc nặng nề”(9). Có lẽ, đó cũng là một biểu hiện sinh động chứng minh cho quan điểm của C.Mác khi trả lời con gái rằng: hạnh phúc là đấu tranh. Đấu tranh để đem lại hạnh phúc và muốn có hạnh phúc thì phải đấu tranh. Không chỉ có đấu tranh với kẻ thù, với cái bên ngoài, mà còn phải đấu tranh với chính bản thân mình để vượt qua những rào cản về tư tưởng và tư duy, vứt bỏ những cám dỗ của cuộc sống. Do đó, C.Mác không bao giờ lùi bước, khuất phục trước sức ép của chính quyền tư sản; kiên quyết chống mọi biểu hiện giáo điều, cơ hội, xét lại phản bội lý tưởng, mục tiêu cách mạng, đi ngược lại nguyên tắc, quyền lợi của phong trào công nhân; kiên quyết bảo vệ các luận điểm của mình.
Ngày 14-3-1883, C.Mác trút hơi thở cuối cùng trên chiếc ghế bành, trước bàn làm việc trong khi mạch tư duy viết bộ Tư bản chưa đến hồi kết. Trong nỗi đau buồn, thương tiếc vô bờ bến, Ph.Ăngghen nghẹn ngào: Thế là cái trí tuệ mạnh mẽ nhất của Đảng ta đã ngừng suy nghĩ, trái tim mạnh mẽ nhất mà tôi chưa từng thấy đã ngừng đập mất rồi… Con người ấy mất đi, thật không sao có thể lường hết tổn thất đối với giai cấp vô sản chiến đấu của châu Âu và châu Mỹ, tổn thất đối với khoa học lịch sử... C. Mác có thể có nhiều kẻ địch nhưng tuyệt nhiên không có một kẻ thù riêng nào. Tên tuổi và sự nghiệp của Mác sẽ sống mãi nghìn thu(10). Lời khẳng định ấy đang chứng minh trong thực tiễn, khi mà không chỉ có những nhà mác xít, những nước đi theo con đường XHCN tôn vinh, kiên định đi lý tưởng của Mác, mà ngay cả những nhà tư tưởng tư sản, nhiều nước tư bản vẫn tìm đến học thuyết Mác đểtìm câu trả lời, giải thoát cho nhiều vấn đề thực tiễn.
Cuộc đời và hoạt động của C.Mác đã đi vào lịch sử nhân loại với tầm vóc của một vĩ nhân“đứng trên vai những người khổng lồ”, đúng như Ăngghen nói khi C.Mác qua đời: “Nhân loại thấp hẳn xuống một cái đầu, mà lại là cái đầu đáng kể nhất vào thời đại chúng ta”(11).
3. Lý tưởng cách mạng cao đẹp của C.Mác được hiện thực hóa trong lịch sử nhân loại
Tư tưởng của C.Mác hóa thân vào thực tiễn cách mạng ở Pháp, thành lập Công xã Pari - Nhà nước kiểu mới năm 1871. Sau đó, V.I. Lênin lãnh đạo thắng lợi Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, cho ra đời nhà nước Liên Xô năm 1922. Từ sau Chiến tranh thế giới thứ II, xuất hiện các nước XHCN ở Đông Âu, ở châu Á, châu Mỹ La tinh, đưa CNXH trở thành hệ thống thế giới. Đứng đầu hệ thống XHCN là Liên Xô đã sát cánh với các phong trào cách mạng thế giới, ủng hộ vật chất và tinh thần, củng cố niềm tin, là tường thành vững chắc đối phó và ngăn cản sự chống phá của các thế lực đối lập, giải phóng hàng triệu người thoát khỏi áp bức bóc lột, đưa nhiều dân tộc thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc.
Sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, của Đảng Cộng sản mà C.Mác, Ph.Ăngghen khởi thảo,được V.I.Lênin bổ sung, phát triển, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp nhận, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam. Cách đây gần 100 năm, Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác- Lênin một cách tự nhiên như một tất yếu lịch sử và đã tìm thấy ở đó những vấn đề cơ bản của đường lối giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, độc lập dân tộc gắn liền với CNXH.Với sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, cùng Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, đường lối cách mạng Việt Nam cơ bản được hình thành và trong quá trình vận động cách mạng, tư tưởng, đường lối đó ngày càng được bổ sung, phát triển và hoàn thiện dần, trở thành ngọn đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lênin,Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đất nước Việt Nam từ nghèo nàn, lạc hậu, lệ thuộc, không có tên trên bản đồ thế giới đã trở thành đất nước độc lập, tự chủ và ngày nay đã bước vào thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, trở thành một nước đang phát triển có thu nhập trung bình, có vị thế ngày càng quan trọng trên trường quốc tế. Dân tộc Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, triển vọng phát triển đất nước chưa bao giờ tươi sáng như trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, hiện nay, bên cạnh đại đa số cán bộ, đảng viên, nhân dân một lòng vì lý tưởng cộng sản, đặt lợi ích chung lên trên hết, thì có một bộ phận sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí phản bội lợi ích dân tộc. Điều này, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần cảnh báo, yêu cầu quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng để tập trung vào mục tiêu chung vì lý tưởng cao cả: xây dựng thành công CNXH, CNCS.
Để phát huy lý tưởng cao đẹp của C.Mác trong bối cảnh hiện nay, chúng ta càng phải tuyệt đối trung thành với mục tiêu lý tưởng cộng sản; không dao động, lung lay ý chí trước bất kỳ thách thức, khó khăn nào. Điều đó có ý nghĩa sống còn là phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng và phát huy tình đoàn kết quốc tế trong sáng, nhất là đoàn kết trong các nước XHCN. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”(12) ; phải giữ dình “sự đoàn kết nhất trí giữa các đảng cộng sản, giữa các nước trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa, đó là cái bảo đảm chắc chắn nhất cho cách mạng thắng lợi”(13). Với quan điểm chiến lược đúng đắn ấy và trên cơ sở quán triệt sâu sắc khẩu hiệu của C.Mác “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại”, Hồ Chí Minh đưa ra luận điểm: “Quan sơn muôn dặm một nhà. Bốn phương vô sản đều là anh em”(14).
Đồng thời, cần xây dựng và phát huy tình yêu thương đồng bào, đồng chí, đồng đội, nhất là giữa các đồng chí đảng viên trong chi bộ Đảng theo lời dạy của Bác: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”(15). Người cũng chỉ rõ: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(16). Cần thực hiện tốt trách nhiệm của Đảng đối với dân, với nước, quản lý và giáo dục đảng viên nghiêm túc, không để xẩy ra những đảng viên hư hỏng, biến chất, làm ảnh hưởng đến giá trị tư tưởng cao đẹp của C.Mác; “phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”(17) để giữ vững lòng tin yêu của nhân dân đối với Đảng.Đi đôi với bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cần kiên quyết đấu tranh với những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, bảo vệ tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Hơn nữa, vì thực tiễn luôn biến đổi và phát triển, nên lý luận Mác - Lênin cần được bổ sung, đổi mới, phát triển, làm cho tư tưởng cao đẹp có sức sống vĩnh hằng.
Ghi chú
(1), (3), (4) C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.628, 612-613, 611- 646,
(2), C. Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.53.
(5), (8), (9), (10), (11) C. Mác tiểu sử, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1977, tr.15-18, 417, 545, 557, 553
(6) Ê. Stêpanôva: C. Mác tiểu sử sơ lược, Nxb Ngoại ngữ Mátxcơva, tr.10
(7) Đáng kể là (của Mác viết riêng và viết chung với Ph.Ăng-ghen): Góp phần phê phán triết học pháp luật của Hê- ghen (1984), Bản thảo kinh tế - triết học (1844), Gia đình thần thánh (1845), Hệ tư tưởng Đức (1845-1846), Sự khốn cùng của triết học (1847), Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848), Góp phần phê phán môn chính trị kinh tế học (1859), Nội chiến ở Pháp (1871), Phê phán cương lĩnh Gôta (1875), bộ Tư bản (quyển 1 xuất bản năm 1867, các quyển tiếp theo được Ănghen công bố năm 1885 và 1894)…
(12), (15), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.611, 611, 668, 641
(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.673, 670.
Nguồn: Theo http://lyluanchinhtri.vn