05 năm thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 15/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030” – Kết quả và định hướng phát triển
17/11/2021 02:29
Thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh, ngày 15/10/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 12-ĐA/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (viết tắt là Đề án). Đề án đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt...
05 năm thực hiện Đề án số 12-ĐA/TU, ngày 15/10/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 – 2020, tầm nhìn đến 2030” – Kết quả và định hướng phát triển

Đồng chí Lê Thị Hoài Chung

Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh

Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng

 

 Thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của Tỉnh, ngày 15/10/2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 12-ĐA/TU về “Xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (viết tắt là Đề án). Đề án đã xác định mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, định hướng từng giai đoạn phát triển, từ đó thúc đẩy tập thể cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường xây dựng trường Đảng trên quê hương Bác Hồ kính yêu trở thành cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn quan trọng của Tỉnh trong thời gian qua và những năm tiếp theo; khẳng định vị thế, vai trò, uy tín của ngôi trường có truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và phát triển (18/11/1946 - 18/11/2021) trong hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh của cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

1. Kết quả thực hiện Đề án tích cực, tạo nhiều dấu ấn quan trọng

Trong 5 năm triển khai thực hiện Đề án (2015 - 2020), Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các mặt công tác, khẳng định bề dày truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển nhà trường, tạo sự bứt phá mang tính tiên phong cho cả hệ thống các trường chính trị cấp tỉnh của cả nước, và khẳng định vị thế của Trường trong hệ thống chính trị của Tỉnh.

Hệ thống quy định, chỉ thị, kế hoạch, đề án,… để xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh ngày càng hoàn thiện theo hướng đầy đủ, toàn diện[1]. Là một trong những trường chính trị cấp tỉnh chủ động, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành và lãnh đạo tổ chức thực hiện Đề án về xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh mang tầm nhìn dài hạn đến năm 2030 với độ bao phủ toàn diện trên các lĩnh vực, từ công tác đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đến tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ; đầu tư trang thiết bị hệ thống cơ sở vật chất; xây dựng Đảng và các tổ chức đoàn thể.

Quy mô đào tạo, bồi dưỡng ngày được nâng lên; chất lượng đào tạo, bồi dưỡng có sự chuyển biến rõ nét. Giai đoạn 2015 - 2020, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng với 25.142 học viên/kế hoạch 17.270 học viên (đạt 145,58%). Đạt và vượt 08/11 chỉ tiêu, gồm: đào tạo Cao cấp lý luận chính trị; đào tạo Trung cấp lý luận chính trị; bồi dưỡng ngạch chuyên viên; bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp xã; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn thể cấp xã; bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận cơ sở; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đối tượng 4 và các lớp bồi dưỡng khác[2]. Trường là điểm sáng trong việc tổ chức hoạt động giảng dạy, học tập, quản lý học viên với sự phối hợp đồng bộ, gắn kết giữa nhà trường và các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện, đặc biệt trong tình hình thực tiễn mới, Trường đã có sự linh hoạt, kịp thời chuyển đổi mô hình giảng dạy, học tập kết hợp hài hòa giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo kế hoạch và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng.

Công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn đạt nhiều kết quả nổi bật, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Trường đã thực hiện đạt và vượt 05/06 chỉ tiêu nghiên cứu khoa học so với Đề án đặt ra[3]. Đặc biệt Trường đã chủ động, tích cực tham mưu Tỉnh ủy, UBND Tỉnh tổ chức, tham gia phối hợp tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp quốc tế quan trọng, có giá trị khoa học lý luận và thực tiễn cao, tạo được dấu ấn và sức lan tỏa lớn, nâng cao vị thế của Trường, của tỉnh Nghệ An.

Tổ chức bộ máy của trường được sắp xếp theo hướng tinh gọn hoạt động hiệu quả. Là một trong những trường sớm tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy cụ thể hóa Quy định số 09-QĐi/TW ngày 13/11/2018 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của Trường Chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với quy định chung và tình hình thực tế tại địa phương. Theo đó, Trường Chính trị tỉnh được giao thêm nhiều chức năng, nhiệm vụ mới với cơ cấu tổ chức gồm các khoa chuyên môn, phòng chức năng đảm bảo tinh gọn về số lượng, hợp lý về cơ cấu nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động[4].

Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của trường không ngừng được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, trưởng thành về nhiều mặt, bảo đảm tiêu chuẩn của các chức danh đang đảm nhận. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Nhà trường đã tập trung cao độ đầu tư cho việc xây dựng đội ngũ, chú trọng cử viên chức đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, cao cấp lý luận chính trị và những kiến thức chuyên môn cần thiết khác, đạt và vượt 04/06 chỉ tiêu nhiệm vụ Đề án[5]. Vì vậy, đến nay Trường đã sớm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên có trình độ thạc sĩ, với tỷ lệ 97,78%; số lượng tiến sĩ tăng mạnh với 03 đồng chí (năm 2020), hiện có 04 tiến sĩ và 04 đồng chí đang là nghiên cứu sinh. Bên cạnh chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nét mới trong xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An là quan tâm bồi dưỡng kiến thức thực tế để cán bộ, giảng viên tiếp cận, rèn luyện trong thực tiễn phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy, tổng kết thực tiễn. Trường đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 35-ĐA/TU, ngày 16/10/2020 về “Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và các trung tâm chính trị cấp huyện giai đoạn 2020 - 2025”, trong đó quy định hình thức, nội dung nghiên cứu thực tế đa dạng, phù hợp với thực tiễn đội ngũ giảng viên giảng dạy lý luận chính trị.

Hệ thống cơ sở vật chất của Nhà trường được quan tâm đầu tư mua sắm, cải tạo, nâng cấp; công tác quản lý, sử dụng có hiệu quả, từng bước đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập; môi trường giáo dục, văn hóa trường Đảng được quan tâm chăm lo; vị thế, uy tín của Nhà trường ngày càng được khẳng định và nâng cao, có sức lan tỏa tốt đẹp trong toàn hệ thống các trường chính trị và các địa phương trong tỉnh.

Để có đạt được những kết quả tích cực, dấu ấn quan trọng trong giai đoạn qua, nhà trường đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự hướng dẫn chuyên môn sâu sát của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; sự phối hợp của các ban, sở, ngành, cơ quan đơn vị cấp tỉnh và địa phương, cùng sự đoàn kết thống nhất trong lãnh đạo, điều hành của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả cán bộ, viên chức, người lao động Nhà trường.

 Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, để tạo đà phát triển trong giai đoạn tiếp theo, cán bộ, viên chức, người lao động nhà trường cũng cần thẳng thắn nhìn rõ những nhiệm vụ chưa đạt trong giai đoạn qua, cụ thể: còn 03/11 chỉ tiêu về nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng; 01/06 chỉ tiêu về nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; 02/06 chỉ tiêu về xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ công chức, viên chức chưa đạt; 03/11 chỉ tiêu chưa đạt và 07/11 chỉ tiêu chưa thực hiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Công tác phối hợp giữa một số địa phương, đơn vị với Trường trong thực hiện Đề án có lúc chưa nhịp nhàng. Nguyên nhân của những hạn chế có cả mặt khách quan và chủ quan. Cùng với sự thay đổi, điều chỉnh một số quy định của Trung ương thì một số chỉ tiêu, nhiệm vụ Đề án quá cao, chưa phù hợp tình hình thực tế; điều kiện kinh tế - xã hội của Tỉnh còn nhiều khó khăn nên ngân sách và các nguồn lực khác dành cho xây dựng, phát triển Trường Chính trị tỉnh còn hạn chế. Việc khảo sát, dự báo nhu cầu và điều chỉnh các nội dung Đề án không còn phù hợp chưa kịp thời. Việc sơ kết, kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, toàn diện nên chưa đề ra các giải pháp hữu hiệu trong quá trình thực hiện Đề án.

2. Định hướng phát triển, tạo mốc son mới

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Trường Chính trị tỉnh Nghệ An ngày nay đã không ngừng lớn mạnh. Phát huy truyền thống vẻ vang, bề dày thành tích, chặng đường sắp tới, Trường tiếp tục quyết tâm chính trị cao, kiên trì thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt Đề án đã xác định trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao trong tình hình mới.

Thực hiện điều này, trước mắt, Trường sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương. Tham mưu thực hiện nghiêm túc việc ở cấp tỉnh chỉ có một cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là Trường Chính trị tỉnh theo Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Đề án giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với Đề án Ban Thường vụ Tỉnh ủy về xây dựng chương trình bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở giai đoạn 2019 - 2025 và Đề án xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2023. Thực hiện đúng, đủ các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền giao, bảo đảm tỷ lệ lớp trung cấp lý luận chính trị hệ tập trung tại trường so với hệ không tập trung ít nhất là 1/3 (1 lớp tập trung/3 lớp không tập trung). Tập trung nâng cao năng lực, sẵn sàng tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng thuộc trách nhiệm của Trường chưa đạt như: bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính; bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh công chức cấp xã và bồi dưỡng chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hướng giảng dạy gắn lý luận với thực tiễn, lý thuyết với thực hành kỹ năng giải quyết, xử lý tình huống; lấy học viên làm trung tâm.

Bám sát thực tiễn phong phú sinh động của tỉnh Nghệ An, gắn với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, Trường chủ động tham mưu, phối hợp tổ chức các hội thảo, hội nghị, tọa đàm khoa học các cấp theo chức năng, nhiệm vụ được giao; nâng cao hơn nữa số lượng, chất lượng các đề tài khoa học cấp trường, cấp tỉnh; thực hiện xuất bản thành sách, tài liệu, ấn phẩm phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổng kết thực tiễn. Quan tâm nâng cao chất lượng Nội san “Thông tin lý luận và thực tiễn”, đảm bảo xuất bản số lượng ít nhất 03 kỳ/năm.

Giải pháp trọng tâm là tập trung kiện toàn, nâng cao trình độ, năng lực, xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động của Trường bảo đảm các tiêu chuẩn, điều kiện đối với chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm theo quy định của Đảng và Nhà nước. Có lộ trình và giải pháp cụ thể để phấn đấu đáp ứng tiêu chí về đội ngũ, nhất là tiêu chí về trình độ tiến sĩ, cao cấp lý luận chính trị. Tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm cấp tỉnh bảo đảm tính ổn định, chuyên sâu theo quy định. Thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương gắn với xây dựng Đảng bộ, cơ quan, đoàn thể Nhà trường trong sạch, vững mạnh. Làm tốt công tác giáo dục, rèn luyện để mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động của Trường luôn chuẩn mực về mọi mặt.

Tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo hướng đồng bộ, hiện đại; thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện hoạt động chưa đạt, chưa triển khai giai đoạn 2015 - 2020, chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Định kỳ hằng năm, Trường Chính trị tỉnh phối hợp các địa phương, đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy sơ kết việc thực hiện Đề án; điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi các quy định, nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục xây dựng và phát triển Trường Chính trị tỉnh đáp ứng tiêu chí trường chính trị chuẩn theo quy định.

Kết quả đạt được trong 05 năm triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2015 - 2020 là tiền đề quan trọng để Nhà trường tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, tạo những mốc son mới, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang trong chặng được tiếp theo, giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Nghệ An./.



[1] Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành:

- Quy định số 2911-QĐ/TU, ngày 03/6/2019 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Trường Chính trị tỉnh Nghệ An;

- Quy định số 2651-QĐ/TU ngày 12/02/2019 về nhiệm vụ và mối quan hệ phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Nghệ An;

- Kế hoạch số 81-KH/TU ngày 20/7/2017 về “Học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị bắt buộc”;

- Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 21/8/2017 về “Tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An”;

- Đề án số 18-ĐA/TU ngày 27/5/2019 về “Xây dựng chương trình bồi dưỡng các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở giai đoạn 2019-2025” do Trường Chính trị tỉnh Nghệ An chủ trì thực hiện;

- Đề án số 35-ĐA/TU, ngày 16/10/2020 về “Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và các trung tâm chính trị cấp huyện giai đoạn 2020 - 2025”.

[2] Đào tạo, bồi dưỡng giai đoạn 2015 – 2020: 08/11 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Đề án

- Cao cấp LLCT: 957 học viên/kế hoạch 900 - 1.200 học viên, đạt 106,33%;

- Trung cấp LLCT: 10.943 học viên/kế hoạch 7.950 học viên, đạt 137,65%;

- Bồi dưỡng ngạch chuyên viên: 4.894 học viên/kế hoạch 3.710 học viên, đạt 131,91%;

- Bồi dưỡng cán bộ chủ chốt cấp xã (06 chức danh: bí thư, phó bí thư; chủ tịch, phó chủ tịch HĐND; chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp xã): 1.249 học viên/kế hoạch 630 học viên, đạt 198,25%;

- Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn thể cấp xã (nông dân; thanh niên; phụ nữ, cựu chiến binh; mặt trận tổ quốc): 653 học viên/kế hoạch 420 học viên, đạt 155,48%;

- Bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân vận cơ sở: 619 học viên/kế hoạch 420 học viên, đạt 147,38%;

- Bồi dưỡng cập nhật kiến thức đối tượng 4 là: 4.161 học viên/kế hoạch 1.200 học viên, đạt 346,75%;

- Bồi dưỡng khác: tổng số 1.066 học viên đa dạng các loại hình.

[3] Nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn giai đoạn 2015 - 2020: 05/06 chỉ tiêu đạt và vượt so với chỉ tiêu Đề án

- Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường: 34 đề tài/kế hoạch 24 đề tài (4 đề tài/năm), đạt 141,67%;

- Hội thảo, tọa đàm khoa học cấp tỉnh trở lên: Tham gia phối hợp tổ chức vượt số lượng 01 Hội thảo khoa học quốc tế và 01 tọa đàm khoa học cấp quốc gia; 06 hội thảo cấp tỉnh/kế hoạch 06 (kế hoạch tổ chức từ 01 - 02 hội thảo), đạt 100,0%;

- Hội thảo khoa học cấp trường: Tổ chức 06 hội thảo khoa học cấp trường/kế hoạch 06 hội thảo (kế hoạch tổ chức từ 01 - 02 hội thảo), đạt 100,0%;

- Sinh hoạt chuyên môn, tổng kết thực tiễn: Đã tổ chức 18 cuộc/kế hoạch 12 cuộc (mỗi năm tổ chức 02 - 04 đợt sinh hoạt chuyên môn, tổng kết thực tiễn), đạt 150,0%.

- Báo cáo chuyên đề: Đã tổ chức được 13 cuộc báo cáo chuyên đề.

[4] Cơ cấu tổ chức bộ máy giai đoạn 2015 – 2020: Sắp xếp theo hướng tinh gọn so với chỉ tiêu Đề án

- 02 phòng chức năng gồm: Phòng Quản lý đào tạo và Nghiên cứu khoa học; Phòng Tổ chức - Tổng hợp; đã giảm 01 phòng (Phòng Khoa học – Thông tin – Tư liệu), tinh gọn đạt tỷ lệ giảm 33,3%

- 03 khoa chuyên môn gồm: Khoa Nhà nước và Pháp luật; Khoa Lý luận cơ sở; Khoa Xây dựng Đảng; đã giảm 01 khoa (Khoa Dân vận), tinh gọn đạt tỷ lệ giảm 25,0%.

[5] Đội ngũ viên chức, người lao động giai đoạn 2015 – 2020: Đạt và vượt 04/06 chỉ tiêu nhiệm vụ Đề án

- Biên chế: Duy trì từ 74 - 78 biên chế/kế hoạch 78 - 90 biên chế (không quá 90 người), bảo đảm số lượng biên chế luôn thấp hơn so với chỉ tiêu Đề án quy định.

- Tỷ lệ giảng viên/giảng viên kiêm nhiệm đến năm 2020: đạt tỷ lệ 34/11 so với chỉ tiêu kế hoạch là 42/15, đạt 110,39%;

- Số giảng viên có trình độ thạc sỹ đến năm 2020 là: có 43 thạc sỹ trở lên/45 giảng viên, chiếm 95,56%, vượt so với chỉ tiêu Đề án quy định (có từ 95% - 100%).

- Số giảng viên có trình độ tiến sỹ và tương đương đến năm 2020 là: 03 người/kế hoạch 02 - 04 người.