Trường Chính trị tỉnh Nghệ An học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện trách nhiệm nêu gương
19/05/2023 06:17
Đổi mới sáng tạo là một quá trình cách mạng tìm ra cái mới, thay đổi những quan điểm cũ, lề lối cũ, vượt ra khỏi phạm vi của cái cũ, kinh nghiệm cũ, con đường cũ để tạo ra những điều chưa hề có. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hành trình với nhiều luận điểm đổi mới sáng tạo để dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Tư tưởng của Người là chỉ nam để đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu mạnh dạn đổi mới tư duy...
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện trách nhiệm nêu gương

  ThS. Mai Thị Thu Hiền

Giảng viên khoa Lý luận cơ sở

Đổi mới sáng tạo là một quá trình cách mạng tìm ra cái mới, thay đổi những quan điểm cũ, lề lối cũ, vượt ra khỏi phạm vi của cái cũ, kinh nghiệm cũ, con đường cũ để tạo ra những điều chưa hề có. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hành trình với nhiều luận điểm đổi mới sáng tạo để dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi đến thành công. Tư tưởng của Người là chỉ nam để đội ngũ cán bộ, lãnh đạo các cấp phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu mạnh dạn đổi mới tư duy, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ. Để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ chủ chốt có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì trước hết các thế hệ cán bộ, giảng viên trường Chính trị tỉnh Nghệ An phải thực sự đổi mới toàn diện từ công tác điều hành, quản lý đến phương pháp giảng dạy, và luôn nêu gương trong mọi hoàn cảnh.

1. Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, thực hiện trách nhiệm nêu gương

1.1. Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo

Ngay từ năm 1927, trong tác phẩm: “Đường Kách Mệnh”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định“đổi mới” là bản chất của cách mạng, của phát triển” và chỉ rõ “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”[1]. Sau này, tư tưởng “Cách mạng là đổi mới”; “Đổi mới là cách mạng” của Người còn được thể hiện trong nhiều tác phẩm, bài viết như tác phẩm: “Sửa đổi lối làm việc”, “Đời sống mới” (1947); “Dân vận” (1949), đặc biệt là trong bản Di chúc (1965-1969). Các bài viết, bài nói của Hồ Chí Minh đã toát lên một hệ thống luận điểm có giá trị nền tảng và định hướng về đổi mới.

Thứ nhất là về bản chất và mục tiêu của đổi mới: Hồ Chí Minh chỉ rõ, bản chất của đổi mới là một cuộc cách mạng toàn diện “phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”. “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”[2]. Mục tiêu “đổi mới” nhằm phục vụ sự phát triển đất nước, phục vụ nhân dân,

Thứ hai là về triết lý đổi mới, Hồ Chí Minh nói đổi mới phải mang lại “ích nước, lợi dân”. Đó là đó là chân lý phải hướng tới, Người nhấn mạnh: “Chân lý là cái gì có lợi cho tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý”[3]

Thứ ba là về phương châm đổi mới: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì có lợi cho dân phải hết sức tránh”[4]. Người cũng căn dặn “đổi mới” là sự nghiệp lâu dài, phức tạp, gian khổ, phải kiên định, kiên quyết, kiên trì, lựa chọn những bước đi thích hợp, bởi theo Người “Thắng đế quốc, phong kiến là tương đối dễ, thắng bần cùng, lạc hậu còn khó hơn nhiều…do vậy, phải có kế hoạch chuẩn bị thật tỉ mỉ, chuẩn bị chu đáo, thực hiện chắc chắn[5].

Thứ tư là về nguyên tắc đổi mới: Đó là nguyên tắc kế thừa và phát triển. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đổi mới không phải là phủ định sạch trơn, mà là sự kế thừa và phát triển; cái cũ mà xấu thì phải bỏ, cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý, cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm, cái gì mới mà hay thì phải làm.

Thứ năm về lực lượng tiến hành đổi mới: Là dựa vào dân, sức mạnh của đổi mới là sức mạnh của nhân dân. Người nhấn mạnh: “Công cuộc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân”[6] và khẳng định “Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”[7].

Thứ sáu là vai trò lãnh đạo của Đảng trong công cuộc đổi mới: Theo Hồ Chí Minh: Đảng là linh hồn, là người lãnh đạo là nhân tố quyết định thắng lợi của công cuộc đổi mới. Đảng cộng sản Việt Nam phải luôn luôn có ý thức tự chỉnh đốn, tự đổi mới, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Chỉ có như vậy, Đảng mới không bị suy thoái về tư tưởng chính trị, không quan liêu, xa dân, đảng viên của Đảng không thoái hóa, biến chất, có như vậy Đảng mới “thực sự là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. 

1.2. Nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương

Trong cuốn sách “gối đầu giường” dùng để huấn luyện đội ngũ cán bộ gieo mầm cho Đảng, Hồ Chí Minh đã luôn nhắc nhở mỗi người phải thường xuyên tự rèn luyện, thực hành để thực sự là tấm gương sáng trong ba mối quan hệ: Đối với mình, đối với người và đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, tức phải luôn để việc công lên trên, lên trước việc tư.

Khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục nêu ra 12 điều về Tư cách của Đảng chân chính cách mạng.  Đó là việc thực hành về Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian xảo, tham lam... Đồng thời, Người chỉ ra luận điểm rất quan trọng: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[8]

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Người đặc biệt coi trọng hai phương pháp: Một là, nói đi đôi với làm. Đây vừa là phương pháp, vừa là nguyên tắc và phương châm trong nêu gương về đạo đức; là biểu hiện sinh động của nguyên tắc học đi đôi với hành, thống nhất giữa lý luận và thực tiễn, giữa tư tưởng đạo đức và hành vi đạo đức. Hai là, coi trong việc lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục lẫn nhau. Trong gia đình, đó là tấm gương của cha mẹ để giáo dục con cái; anh chị là tấm gương của các em; trong nhà trường, thầy cô là tấm gương cho học sinh; trong cơ quan, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, soi gương của đồng nghiệp để sửa lỗi của mình…. Trong cuộc sống, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, mọi người trong xã hội cùng lấy gương sáng để xây đắp đạo đức tốt đẹp, đồng thời chống lại những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

2. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo, trách nhiệm nêu gương tại Trường Chính trị tỉnh Nghệ An.

Thứ nhất: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo

Một là, đổi mới sáng tạo trong lãnh đạo, quản lý, điều hành

Đại hội Đảng bộ Trường Chính trị tỉnh Nghệ An lần thứ IX nhiệm kỳ 2020 – 2025 là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự lãnh đạo của Đảng bộ nhà trường triển khai thực hiện đổi mới toàn diện nhằm đẩy mạnh thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trường chính trị chuẩn. Trên cơ sở đó, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng Đề án số 17-ĐA/TU, ngày 18/8/2022 về “Xây dựng Trường Chính trị tỉnh Nghệ An đạt chuẩn” với mục tiêu, lộ trình và nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng, cụ thể. Nhờ sự quyết liệt trong chỉ đạo, đổi mới trong quản lý, điều hành nên Trường đã tạo được nhiều đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Vai trò, vị thế của Trường ngày càng được khẳng định. Hiện nay, Trường đã đạt 100% chỉ tiêu chuẩn mức độ 1, trong đó có 8/55 chỉ tiêu vượt chuẩn, trở thành một trong hai Trường Chính trị đầu tiên trong cả nước vinh dự được công nhận đạt chuẩn mức 1. Mục tiêu đến trước năm 2028 đạt chuẩn mức độ 2 theo Quy định số 11 của Ban Bí thư.

Trong công tác phối hợp tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng có nhiều đổi mới mạnh mẽ, kịp thời, sát thực hơn với tình hình thực tiễn như tham mưu xây dựng chương trình bồi dưỡng cho các chức danh cán bộ chủ chốt cấp cơ sở; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ cơ sở; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác cho đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã …

Đặc biệt trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, trong khi nhiều trường chính trị tỉnh, thành phố còn loay hoay tìm cách thích ứng, thì với tầm nhìn chiến lược, đặc biệt là tư duy đổi mới, sáng tạo trong quản lý, điều hành, trường Chính trị tỉnh Nghệ An là trường đầu tiên trong cả nước chuyển đổi từ giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến; và kết hợp linh động giữa trực tiếp và trực tuyến để vừa đảm bảo công tác đào tạo bồi dưỡng không bị ngắt quãng, vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh, phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trong công tác quản lý, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường luôn ý thức và tránh đi sâu vào công tác hành chính, sự vụ, xác định trọng tâm là quản lý công việc, quản lý kế hoạch. Nhờ đó, trong những năm qua, Ban Giám hiệu đã khơi dậy trong tất cả thành viên nhà trường sự đồng lòng, sát cánh cùng với Đảng ủy, Ban Giám hiệu thực hiện việc đổi mới quản lý trong nhà trường gắn với việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Thường trực Tỉnh ủy giao phó.

Hai là, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học

Mỗi giảng viên nhà trường luôn không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, lấy học viên làm trung tâm, hạn chế việc truyền thụ một chiều, tăng thời lượng trao đổi, thảo luận. Hiện nay 100% giảng viên sử dụng linh hoạt, sáng tạo tổng hợp các phương pháp dạy học tích cực như: nêu và giải quyết vấn đề, tổ chức học viên theo nhóm hợp tác, sàng lọc; hỏi ý kiến chuyên gia, xây dựng sơ đồ tư duy, đóng vai…giúp học viên lĩnh hội được tri thức mới, hình thành năng lực tư duy sáng tạo cho học viên.

 Đổi mới phương pháp giảng dạy là một yêu cầu bắt buộc và trở thành tiêu chí để đánh giá năng lực, hiệu quả giảng dạy của mỗi giảng viên. Hiện nay Trường đã xây dựng 2 phòng học thông minh được tích hợp đầy đủ các công cụ dạy và học nhằm đem lại nhiều trải nghiệm hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng đổi mới công tác dạy và học của Trường.

Đảng ủy, Ban Giám hiệu cũng xác định, khi đổi mới phương pháp, phương tiện dạy học thì càng phải đầu tư công sức để soạn giáo án bởi giáo án càng được đầu tư, biên soạn tốt thì càng đảm bảo hiệu quả dạy học. Trong năm 2022 đã kiểm tra 320 giáo án bản word kèm theo 320 giáo án bản điện tử, trong đó có 12 giáo án xuất sắc (3,75%); 233 giáo án giỏi (72,81%); dự giờ 15 lớp và lấy ý kiến phản hồi của học viên đối với 49 lượt giảng viên. Công tác ra đề thi cũng được đổi mới mạnh mẽ chuyển từ hình thức thi tự luận đóng sang đề tự luận mở nhằm phát huy tối đa sự sáng tạo và tư duy độc lập của học viên, nhờ đó chất lượng đánh giá ngày càng khách quan, thực chất.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, Ban giám hiệu nhà trường cũng mạnh dạn đổi mới nhiều hoạt động nhằm khơi dậy tính sáng tạo của mỗi giảng viên. Từ 2 bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” được tăng lên 04 bản tin đảm bảo chất lượng. Các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm cũng có đầu tư cao về mặt học thuật nhằm rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu khoa học và thực tiễn, như đề tài “Giải pháp chống tư tưởng bảo thủ, trông chờ, ỷ lại trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân ở Nghệ An”;“Nghiên cứu thực trạng và xây dựng khung chương trình, bộ tài liệu bồi dưỡng công chức cấp xã ở Nghệ An”; … các đề tài mang tính ứng dụng cao, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trên địa bàn tỉnh, không còn tình trạng “cất tủ” như nhiều năm trước.

Ban Giám hiệu nhà trường xác định, khi đã đạt được danh hiệu Trường Chính trị chuẩn thì thực sự phải “chuẩn” về đội ngũ cán bộ, “chuẩn” về chất lượng giảng dạy, “chuẩn” về nghiên cứu khoa học và điều không thể thiếu chính là “chuẩn” cả về nghiên cứu thực tế để bổ sung, phát triển lý luận. Vì vậy ngay từ rất sớm, Trường đã xây dựng nhiều quy định cụ thể trong bộ quy chế về thời gian, nhiệm vụ của người giảng viên phải đi nghiên cứu thực tế từ 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng và 1 năm. Đồng thời kết quả nghiên cứu thực tế của giảng viên cũng được lấy làm căn cứ để bình xét thi đua cuối năm.

Ba là, đổi mới sáng tạo trong hoạt động hành chính, tổ chức

Trường đã tích cực đổi mới công tác hành chính quản trị như ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quy chế khen thưởng; đảm bảo kịp thời chế độ, chính sách cho cán bộ, giảng viên và học viên. Đặc biệt là việc sử dụng hệ thống quản lý văn bản I Office tiến tới mục tiêu xây dựng một văn phòng điện tử không giấy tờ phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh đó, công tác thi đua khen thưởng cũng được đổi mới toàn diện, đảm bảo tính khoa học, công bằng, công khai từ khâu xây dựng các tiêu chí, triển khai thực hiện đến việc kiểm tra đánh giá. Bệnh thành tích, hình thức dần được khắc phục. Trong công tác thi đua, việc khen và thưởng được gắn liền một cách hợp lý và xứng đáng, tạo được động lực mạnh mẽ thúc đẩy mọi người đoàn kết, cùng nhau phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Công tác hội họp được cải tiến tinh gọn, chất lượng hơn. Ban Giám hiệu chỉ đạo phòng chức năng phải có kế hoạch cho các cuộc họp trong tháng, quý và năm, có chuẩn bị trước về nội dung và ý kiến phát biểu nhằm giảm thời gian triển khai và tăng thời gian bàn bạc, thảo luận các biện pháp thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng các cuộc họp.

Thứ hai: Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về trách nhiệm nêu gương.

Một là, nêu gương về sự kiên định lý tưởng. Mỗi cán bộ, giảng viên trường Chính trị Nghệ An giữ trọng trách là người “truyền lửa” gieo niềm tin vào cộng sản, tin vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn, vì vậy phải luôn gương mẫu về bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định lý tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của nhà nước và sức mạnh của toàn dân tộc. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng bởi nếu không có niềm tin thì giảng viên không thể lan tỏa niềm tin đến người học, đồng thời có thể giải thích chi tiết cho học viên những vấn đề lý luận, thực tiễn đã, đang, sẽ đặt ra, kịp thời định hướng tư tưởng đúng đắn cho người học. Đến nay 100% cán bộ, giảng viên nhà trường có lập trường chính trị vững vàng, tin tưởng vào mục tiêu, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; hầu hết giảng viên được bồi dưỡng kinh điển Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, nêu gương về đạo đức lối sống. Một bài giảng có tính thuyết phục cao phải được kết hợp tổng hòa các yếu tố: kiến thức, kĩ năng và phẩm chất của người giảng viên giảng dạy lý luận chính trị. Vì vậy đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường luôn nêu cao khẩu hiệu hành động “Mỗi giảng viên là một tấm gương đạo đức. Mỗi học viên là một tấm gương tự học và sáng tạo”; thực hiện nghiêm túc Quy chế về Ứng xử văn hóa, nhờ đó, mỗi giảng viên trường Chính trị tỉnh Nghệ An thực sự đều là tấm gương về phẩm chất đạo đức, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói đi đôi với làm, tác phong sinh hoạt giản dị, lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với học viên.

Ba là, nêu gương trong nỗ lực không ngừng để nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn, nghiệp vụ. Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Làm nghề gì cũng phải học” vì vậy đội ngũ lãnh đạo, quản lý nhà trường đã tiên phong, gương mẫu trong việc học tập, nâng cao trình độ. Ban Giám hiệu hiện gồm 04 đồng chí, trong đó đồng chí Hiệu trưởng có trình độ tiến sĩ; 02 Phó Hiệu trưởng đang là nghiên cứu sinh (trong đó 01 đồng chí đã bảo vệ cấp học viện). Đến năm 2022 nhà trường có thêm 3 giảng viên đang làm nghiên cứu sinh và trong năm 2023 có 07 đồng chí tiếp tục đăng kí tham gia học tập nâng cao trình độ tiến sĩ. Đến nay 100% (48/48) giảng viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm, chứng chỉ phương pháp dạy học tích cực).

Bốn là, nêu gương về tình đồng chí, trách nhiệm với đồng nghiệp và học viên. Một điểm đặc biệt là học viên trường Chính trị đều là đảng viên, đa số là cán bộ đương chức và dự nguồn cấp cơ sở. Nhiều học viên (nhất là học viên thuộc hệ đào tạo tập trung) tuổi đời còn trẻ, trải nghiệm thực tiễn chưa nhiều, điều kiện kinh tế gia đình có những khó khăn, vì vậy, mỗi giảng viên vừa là người thầy, vừa là người đồng chí, thật sự gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, chia sẻ, động viên và giúp đỡ những khó khăn của họ trong học tập để hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đổi mới sáng tạo và nêu gương vẫn mãi là ngọn hải đăng dẫn đường, chỉ lối cho sự nghiệp đổi mới của đất nước ta. Không ngừng học tập, rèn luyện theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã, đang và luôn là tiêu chí, thước đo, phương châm hành động và biện pháp công tác của mỗi cán bộ, giảng viên trường Chính trị Nghệ An trong thời gian qua. Hơn hết điều đó còn trở thành một nhu cầu văn hoá trong niềm tin, lẽ sống và nếp sống hằng ngày của mỗi người từ trên bục giảng cho đến đời thường bởi không nêu gương, không đổi mới, mỗi chúng ta sẽ dần dần tự suy thoái./.

 

 



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.2, tr.284.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.15, tr.617.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.10, tr.378.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.6, tr.432.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.12, tr.402.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.6, tr.232.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.15, tr.617.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN, 2011, t.6, tr.301.