Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh: Xây dựng đội ngũ cán bộ trong kỷ nguyên phát triển mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh trên địa bàn tỉnh Nghệ An
19/05/2025 08:02
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mọi giai đoạn cách mạng. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ các cấp ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng không ngừng được kiện toàn, được đào tạo cơ bản và toàn diện về tư tưởng, chính trị, đạo đức cũng như chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải tiến trong phương thức lãnh đạo của Đảng...
ThS. Vương Quang Minh
Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng
Tóm tắt: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là kim chỉ nam cho Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng ở mọi giai đoạn cách mạng. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ các cấp ở Việt Nam nói chung và Nghệ An nói riêng không ngừng được kiện toàn, được đào tạo cơ bản và toàn diện về tư tưởng, chính trị, đạo đức cũng như chuyên môn, nghiệp vụ, phục vụ sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, việc xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu cải tiến trong phương thức lãnh đạo của Đảng; sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả; chuyển đổi số là yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Từ khóa: Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ; cán bộ và công tác cán bộ; kỷ nguyên phát triển mới; đội ngũ cán bộ tỉnh Nghệ An
Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Đây được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cán bộ chính là người nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, đồng thời cũng là người tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện và cũng lắng nghe, tiếp thu, chỉnh sửa theo mong muốn của nhân dân. Trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ càng có ý nghĩa quan trọng, soi đường đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cho rằng cán bộ là mắt xích quan trọng của hệ thống chính trị. Đó là “những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”[1]. Theo Người, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Như vậy, đội ngũ cán bộ chính là lực lượng tinh túy nhất của xã hội, có vai trò quyết định đến sự thành công của toàn bộ sự nghiệp cách mạng.
Khi xem xét các điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố: đức – tài; “hồng” – “chuyên”. Trong đó Người luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới vai trò của đạo đức. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ khi mở lớp huấn luyện những cán bộ đầu tiên cho Đảng ta năm 1925, Người đã nêu lên 23 yêu cầu về tư cách cán bộ cách mạng. Cho đến bài báo cuối cùng của Người với nhan đề “Nâng cao đạo đức cách mạng quét sạch chủ nghĩa cá nhân” cũng là nói về tư cách đạo đức của người cán bộ. Người nhiều lần nhấn mạnh: cán bộ không phải “làm quan cách mạng” để đè đầu cưỡi cổ dân chúng như dưới thời thực dân phong kiến … mà “phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết, trước hết”[2].
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cán bộ nếu chỉ có lòng nhiệt tình thôi thì chưa đủ, mà còn cần phải có trình độ, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ, có phương pháp giải quyết vấn đề, có năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, tức là phải “chuyên”… Vì vậy, mỗi người cán bộ phải thường xuyên học tập, học mọi lúc, mọi nơi, phải luôn gắn lý luận với thực tiễn.
Trong công tác cán bộ phải đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng. Đây là khâu quan trọng nhất, có ý nghĩa quyết định các khâu còn lại của công tác cán bộ. Người cho rằng thông qua việc đánh giá cán bộ sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác cũng loại bỏ những người yếu kém ra khỏi tổ chức. Đánh giá cán bộ phải dựa trên nguyên tắc: khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình công tác lâu dài của cán bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ đúng năng lực, đúng sở trường. Muốn vậy phải “khéo dùng cán bộ”, “dùng người đúng chỗ, đúng việc”. Người quyết liệt phê bình những cơ quan không biết tùy tài mà dùng người, khiến “hai người đều lúng túng”[3]. Bên cạnh đó việc xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải khách quan, vì việc mà xếp người chứ không phải vì người xếp việc. Tuy nhiên, Người cũng lưu ý việc sử dụng, cất nhắc cán bộ không nên làm theo lối “giã gạo” dễ khiến cán bộ rơi vào tâm lý chán nản, buông xuôi, thậm chí là “hỏng cả đời”.
Để đảm bảo yếu tố kế thừa cho sự phát triển, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc kết hợp hài hòa giữa các thế hệ, bởi “nếu không có cán bộ mới thế vào, thì ai gánh vác công việc của Đảng”. Người yêu cầu “cán bộ cũ phải hoan nghênh, dạy bảo, dìu dắt, yêu mến cán bộ mới…hai bên phải tôn trọng nhau, giúp đỡ nhau, học lẫn nhau, đoàn kết chặt chẽ với nhau…”[4].
Những nội dung cơ bản nêu trên trong tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đó là nền tảng tư tưởng nhằm chỉ đạo việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị xã hội ở nước ta hiện nay. Nhất là khi đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới.
2. Đội ngũ cán bộ tỉnh Nghệ An đủ đức, đủ tài bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc
Để hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Nghệ An trở thành tỉnh khá của cả nước, và là tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện thì việc thu hút, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ đủ đức, đủ tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh là một yêu cầu hết sức cần thiết. Đúng như lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết”[5]. Do đó công tác cán bộ được Tỉnh ủy Nghệ An coi là yếu tố quyết định để thành công.
Thời gian qua, đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên. Đội ngũ cán bộ công chức cấp tỉnh hiện có 1.622 người, trong đó 823 người có trình độ đại học, 743 người có trình độ trên đại học; 1.067 người có trình độ trung cấp và cao cấp lý luận chính trị[6]. Phần lớn cán bộ qua các thế hệ được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu, học tập, công tác, có tinh thần cách mạng, bản lĩnh chính trị vững vàng.
Tỉnh ủy luôn xác định để làm tốt công tác cán bộ phải dựa trên trên cơ sở của việc đánh giá chất lượng cán bộ toàn diện cả đức và tài. Việc đánh giá cán bộ trong thời gian qua đã được Ban Thường vụ tỉnh ủy chú trọng thực hiện toàn diện, đa chiều, thường xuyên, liên tục. Đây là tiền đề quan trọng cho việc quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, điều động cán bộ trên phạm vi toàn tỉnh.
Công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ luôn được Tỉnh ủy hết sức quan tâm, trong đó chú trọng nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham cấp ủy các cấp ngày càng nhiều. Hiện cán bộ nữ cấp tỉnh có 557 người, chiếm 34,34% và ngày càng khẳng định, phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan đảng, chính quyền Mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Bên cạnh đó, việc đảm bảo nguồn cán bộ quy hoạch tại tỉnh Nghệ An khá dồi dào, cơ bản bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các độ tuổi, các thế hệ. Hiện số lượng cán bộ, công chức dưới 40 tuổi ở cấp tỉnh có 605 người (cấp huyện có 579 người); từ 41 đến 55 tuổi có 845 người (cấp huyện 730 người)7.
Đặc biệt khi tiến hành nhiệm vụ, cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tinh gọn bộ máy với mục tiêu: tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả và thực hiện đột phá mạnh mẽ về phát triển khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghê, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tỉnh ủy Nghệ An luôn xác định vấn đề then chốt chính là đội ngũ cán bộ. Do đó, trong thời gian qua, tỉnh đã triển khai có hiệu quả Kết luận số 121-KL/TW, ngày 24/01/2025 của Ban Chấp hành Trung ương; Kết luận số 126-KL/TW, ngày 14/02/2025, Kết luận số 127-KL/TW, ngày 28/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và các văn bản triển khai của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Điều này cũng đặt ra đòi hỏi từng cấp ủy, thường vụ cấp ủy, nhất là người đứng đầu các cấp không chỉ công tâm, khách quan, mà còn phải dũng cảm và quyết liệt.
Nghệ An cũng như các địa phương khác đã nhanh chóng triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương với quyết tâm chính trị cao nhất, làm nghiêm túc, khẩn trương, trách nhiệm, quyết liệt. Ngày 13/2/2025, Ban thường vụ Tỉnh uỷ đã công bố các quyết định thành lập Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh, Đảng bộ UBND tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 trực thuộc Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trên cơ sở rà soát, đánh giá đúng để bố trí, sắp xếp nhân sự phù hợp với yêu cầu của tổ chức, cơ quan chuyên môn mới được thành lập. Ngày 3/3/2025, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công tác cán bộ, Nghị quyết của HĐND tỉnh thành lập các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh và công bố các Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về bổ nhiệm, điều động cán bộ giữ vị trí Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở sau khi sáp nhập.
Song song đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 305-KH/TU ngày 20/02/2025 về quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 57 Của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghê, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong tình hình mới, cần tập trung một số giải pháp cơ bản sau:
Đẩy mạnh đổi mới công tác đánh giá cán bộ bằng việc xây dựng bộ tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ thông qua kết quả công việc, sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt những tiêu chí về đạo đức, lối sống cần được cụ thể hóa rõ ràng. Việc đánh giá cán bộ phải đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch và dân chủ. Mặt khác phải thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để tìm ra được những cách làm có hiệu quả và nhân rộng những điển hình. Việc đổi mới công tác đánh giá cán bộ sẽ thiết thực góp phần xây dựng thành công đội ngũ cán bộ, quản lý các cấp trên địa bàn tỉnh đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, có đức, có tài, đồng bộ về cơ cấu, có tầm nhìn chiến lược cả trước mắt và lâu dài.
Không ngừng nêu cao tính tự giác, tu dưỡng của mỗi cán bộ nhằm đáp ứng yêu cầu mới của địa phương và đất nước. Sự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ không phải là những nội dung trừu tượng mà diễn ra hàng ngày, trong công việc, cuộc sống. Thông qua việc tự tu dưỡng, rèn luyện, mỗi cán bộ sẽ trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao trình độ tri thức toàn diện, nhất là trong lĩnh vực mình thực thi. Qua đó tạo sức miễn dịch đối với những căn bệnh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm chỉ ra như tham ô, hối lộ, cơ hội, bè phái, thiển cận….Mỗi cán bộ phải dũng cảm tự phê bình và phê bình thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày” để hoàn thiện bản thân mình hơn.
Tập trung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sau sắp xếp bộ máy, nhất là bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Trẻ hóa đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển, tạo nguồn dồi dào, làm cơ sở luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Cần phải có cơ chế thuận lợi trong phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước phục vụ cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Có cơ chế để bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu khó khăn, dám chịu trách nhiệm, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung. Đồng thời với những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, còn tâm lý yên phận khi đã vào nhà nước, vi phạm đạo đức, lối sống, mất uy tín trước nhân dân….phải bị sàng lọc ra khỏi bộ máy.
Trong công tác xử lý, kỷ luật cán bộ cần chú trọng vào nhiệm vụ phòng ngừa hơn là xử lý bởi nếu như ngay từ đầu chúng ta có các biện pháp phòng ngừa tốt, không để xảy ra vi phạm thì không phải xử lý, không mất cán bộ, không thất thoát tiền của và điểm mấu chốt nhất là không mất niềm tin của nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị nhân sự tốt cho tỉnh nhà theo tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ là một thử thách rất lớn. Đó thực sự là một nhiệm vụ “rất to lớn, nặng nề và phức tạp mà cũng rất là vẻ vang” để Nghệ An cùng cả nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc. Tin tưởng rằng với những kết quả mà chúng ta đã, đang và sẽ làm được, Nghệ An sẽ sớm thực hiện được mục tiêu trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030.
Danh mục tài liệu tham khảo:
1. Bùi Kim Hồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác tổ chức, cán bộ, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2009
2. Trần Nhâm, Tư duy lý luận với sự nghiệp đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia,H,2004.
3. Song Thành, Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc,Nxb Lý luận chính trị, H, 2005.
4. Lê Quang Thưởng, Một số vấn đề xây dựng Đảng về tổ chức trong giai đoạn hiện nay, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1996.
5. Nguyễn Thế Trung, Tăng cường mối quan hệ giữa Đảng và Nhân dân trong thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2014.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.5, tr.309.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.290.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.314.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.5, tr.277.
[5] Bài nói chuyện với các học viên cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIV về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ngày 31/10/2024.
[6],7 Nguồn: Sở Nội vụ: Báo cáo thống kê số lượng, chất lượng cán bộ, công chức năm 2023