Kết nạp Đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ở Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An
27/05/2020 04:06
Huyện Nghĩa Đàn nằm trên vùng đất Phủ Quỳ xưa nay luôn được biết đến với câu “Nam Đắk Lắk - Bắc Phủ Quỳ” để chỉ sự trù phú, màu mỡ bậc nhất của 2 vùng đất đỏ bazan ở hai đầu đất nước. Chính vì vậy, Tỉnh Nghệ An đã định hướng Nghĩa Đàn
Kết nạp Đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân ở Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn tỉnh Nghệ An

     ThS. Ngô Bá Cường- Trưởng khoa Xây dựng Đảng

ThS. Nguyễn Thị Hồng Giang - Khoa Xây dựng Đảng

 

     Huyện Nghĩa Đàn nằm trên vùng đất Phủ Quỳ xưa nay luôn được biết đến với câu “Nam Đắk Lắk - Bắc Phủ Quỳ” để chỉ sự trù phú, màu mỡ bậc nhất của 2 vùng đất đỏ bazan ở hai đầu đất nước. Chính vì vậy, Tỉnh Nghệ An đã định hướng Nghĩa Đàn sẽ “trở thành trung tâm kinh tế của vùng Tây Bắc tỉnh Nghệ An; là huyện nông thôn mới vào năm 2020; là trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung bộ; có nền nông nghiệp hàng hóa phát triển tập trung, toàn diện gắn với phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm sản”1. Bức tranh kinh tế của Nghĩa Đàn hiện nay đa màu sắc, trong đó có sự hiện diện của các khu công nghiệp, khu công nghiệp nhỏ, cụm công nghiệp và sự ra đời, lớn mạnh của các doanh nghiệp. Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 146 doanh nghiệp thuộc khối tư nhân. Trong đó, có một số doanh nghiệp có quy mô lớn như Công ty Cổ phần Sữa TH, Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm, CT CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Anh Tiến, CTCP Khai thác khoáng sản và dịch vụ thương mại Thọ Lộc... Để các doanh nghiệp phát triển theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước thì một trong những nội dung quan trọng là tăng cường công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân.

     Doanh nghiệp tư nhân cùng với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể... là khu vực kinh tế không dựa trên sở hữu Nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Trong những năm gần đây, thành phần kinh tế tư nhân đã đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần to lớn tạo ra nguồn lực của cải vật chất và giá trị xã hội cho đất nước; đặc biệt đã khơi dậy một bộ phận tiềm năng, nguồn nội lực kinh tế mạnh mẽ và ngày càng chứng minh là một trong ba trụ cột thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc dân. Vì vậy, Đảng ta xác định kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”2

     Để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, ngày 3/6/2017, tại Hội nghị lần thứ năm khóa XII, Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nghị quyết đã chỉ hướng để các cấp, các ngành và địa phương “mở rộng đường” cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

     Song song với định hướng phát triển, Đảng đặc biệt chú trọng nhiệm vụ tăng cường công tác xây dựng Đảng trong khối doanh nghiệp tư nhân. Nhiều văn bản chỉ đạo được ban hành như Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW ngày 30/1/2013 của Ban Tổ chức Trung ương về “Thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng”; Quy định số 170-QĐ/TW ngày 7/3/2013 của Ban Bí thư về “Chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân”. Gần đây nhất là Chỉ thị số 33-CT/TW, ngày 18/3/2019 của Ban Bí thư về “Tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân”. Trung ương yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác vận động, tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong cán bộ, đảng viên, chủ doanh nghiệp và người lao động; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng và đảng viên..., đặc biệt cần tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp tư nhân.

     Phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân là một trong những giải pháp để tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đơn vị kinh tế này. Đồng thời đây cũng là giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm thương hiệu của doanh nghiệp. Thực tiễn đã cho thấy, doanh nghiệp có tổ chức đảng phát triển mạnh, có đội ngũ đảng viên đã tạo ra ý thức, tác phong làm việc nghiêm túc, khoa học, tính kỷ luật và hiệu quả làm việc cao, có ảnh hưởng tích cực trong tập thể, mang lại sự tin cậy hơn cho đối tác, khách hàng. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý và người lao động là đảng viên thì sẽ phát huy tính tiên phong, gương mẫu, năng động giúp công ty ngày càng phát triển lớn mạnh. Ngoài ra, các đảng viên trong công ty còn đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định tâm lý đối với người lao động khi cần đổi mới dây chuyền sản xuất, điều động công việc... 

     Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp và cá nhân người quản lý, người lao động nào cũng nhận thức được điều đó. Nhiều doanh nghiệp chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, chưa quan tâm đến chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển văn hóa doanh nghiệp, phát triển thương hiệu trong đó ít chú ý đến công tác phát triển đảng viên như là một giải pháp đầu tư có chiều sâu bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững, lâu dài. Bên cạnh đó, phần lớn công nhân, người lao động chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà chưa nhận thức được rằng phấn đấu trở thành đảng viên trong doanh nghiệp là một cách để khẳng định năng lực bản thân, một cách để chứng minh sự tin cậy của doanh nghiệp và tổ chức đảng với mình là đúng đắn. Ngoài ra, sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các doanh nghiệp cũng là trở ngại lớn cho công tác tạo nguồn kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng.

     Trong điều kiện Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội ra đời cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư của Trung ương, của tỉnh nên đã góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước phát triển thuận lợi, thu hút được lực lượng lao động lớn vào làm việc, trong đó phần lớn là lao động tại địa phương.   Tuy nhiên, về thực lực, đa số vẫn là doanh nghiệp nhỏ, quy mô sản xuất còn khiêm tốn, hoạt động chưa thực sự ổn định, số lượng lao động ít, chủ yếu sử dụng lao động thời vụ, lao động thủ công, công nghệ lạc hậu. Một số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ dẫn tới việc thực hiện nghĩa vụ thuế cho Nhà nước còn chậm, còn tình trạng nợ lương, chậm lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội, quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo đầy đủ theo quy định. Chính vì vậy, công tác xây dựng Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân ở Nghệ An nói chung và ở Nghĩa Đàn nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn.

     Trước thực tế đó, ngày 08/02/2014, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Đề án “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 – 2020” (ban hành theo Quyết định số 5155-QĐ/TU, ngày 08/02/2014 của BTV Tỉnh ủy). Thực hiện Đề án, Ban Thường vụ Huyện ủy Nghĩa Đàn đã xây dựng Kế hoạch số 84-KH/HU ngày 13/8/2014 về Thực hiện Đề án kết nạp đảng viên trong các doanh nghiệp khối tư nhân và doanh nghiệp có đầu tư của nước ngoài; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án; chỉ đạo các phòng, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy cơ sở tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng, tình hình tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp ngoài Nhà nước đóng trên địa bàn; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan có liên quan, giao chỉ tiêu kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên; chỉ đạo thành lập các tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp; định kỳ, đột xuất báo cáo kịp thời tình hình triển khai, thực hiện Đề án tại đơn vị về Ban Thường vụ Huyện ủy. 

     Thực hiện Đề án của Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Huyện ủy, Liên đoàn lao động, Huyện đoàn và các tổ chức, đơn vị đã tích cực triển khai, quán triệt Đề án tới cơ sở và yêu cầu các đơn vị tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên, người lao động hiểu rõ vai trò và tầm quan trọng của các tổ chức đoàn thể trong doanh nghiệp, thực hiện việc phát triển đoàn viên, hội viên, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên trong các doanh nghiệp. Đồng thời, Ban Chỉ đạo tham mưu Huyện ủy chỉ đạo chính quyền có các cơ chế, chính sách hỗ trợ để các tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước hoạt động thuận lợi, góp phần thúc đẩy hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Thông qua công tác tuyên truyền, giáo dục về mục đích và ý nghĩa của việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể, một số chủ doanh nghiệp đã ủng hộ chủ trương thành lập và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức đảng, đoàn thể ở đơn vị hoạt động đạt hiệu quả. 

     Huyện đoàn là đơn vị xung kích trong việc tổ chức các phong trào hoạt động để phát hiện, bồi dưỡng kết nạp đoàn viên, từ đó tạo cơ sở để rèn luyện và xem xét, giới thiệu quần chúng ưu tú kết nạp đảng. Các đoàn viên thanh niên của huyện nói chung, của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng sau khi được tham gia các phong trào, thấy được ý nghĩa sâu sắc của các hoạt động, được làm “giàu” thêm về mặt tinh thần, và họ thấy hăng hái hơn trong các phong trào xã hội. 

     Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH trực thuộc Huyện đoàn Nghĩa Đàn là đơn vị tiên phong, hoạt động ngày càng có chất lượng, tích cực tham gia và tổ chức các hoạt động xã hội có ý nghĩa. Đến tháng 1/2020, Công ty có 10 chi đoàn với trên 400 đoàn viên (so với năm 2014, có 08 chi đoàn với 386 đoàn viên)3.

      Đoàn Công ty đã phát huy được vai trò, nhiệm vụ, góp phần xây dựng và phát triển doanh nghiệp; lựa chọn hình thức phù hợp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, nội quy, điều lệ doanh nghiệp cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và lao động trẻ. Qua đó, chủ doanh nghiệp đã thấy rõ vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn đối với sự phát triển của công ty và có cơ chế hỗ trợ hoạt động đoàn. Được doanh nghiệp hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện về thời gian để hoạt động, Đoàn công ty càng hăng hái hoạt động, tăng cường hơn nữa việc giáo dục, rèn luyện đoàn viên. Tính từ khi thực hiện Đề án, Đoàn Công ty CPTP sữa TH đã giới thiệu cho Đảng xem xét, kếp nạp được 10 đoàn viên ưu tú trên tổng số 14 đảng viên được kết nạp của Đảng bộ Công ty CPTP sữa TH.

     Liên đoàn Lao động Huyện cũng đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng đoàn viên trong doanh nghiệp để giới thiệu kết nạp vào đảng. Liên đoàn thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của địa phương. Việc tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức như tổ chức cuộc thi tìm hiểu, giải thể thao,  tổ chức sân khấu hóa, qua các phong trào như “Lao động giỏi, sáng tạo giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Những phong trào thi đua này chính là điều kiện, môi trường cho đoàn viên, người lao động thể hiện năng lực, phẩm chất cũng như xây dựng, xác định được động cơ phấn đấu đúng đắn để trở thành đảng viên. Qua khảo sát, đánh giá cho thấy, trước khi có Đề án, toàn huyện có 11 tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước với 1.623 đoàn viên trong tổng số 1.855 công nhân viên, người lao động. Đến nay, số tổ chức công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp tư nhân là 17 với 2.328 đoàn viên trong tổng số 2.848 công nhân viên, người lao động4

     Đặc biệt, Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án đã lãnh đạo các cấp ủy trực thuộc tiến hành rà soát, thống kê, phân loại doanh nghiệp tư nhân theo các đối tượng là chủ sở hữu toàn bộ hoặc sở hữu phần vốn, tài sản chi phối doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty hợp danh và công ty cổ phần (không thuộc loại hình doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Lập danh sách các chức danh giám đốc doanh nghiệp tư nhân, chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH, thành viên công ty hợp danh, chủ tịch hội đồng quản trị công ty cổ phần và tiến hành phân tích đánh giá, lựa chọn những người có lịch sử chính trị và thái độ chính trị tốt, đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW để thông qua chi bộ đưa vào danh sách học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Kết quả, các đảng bộ làm điểm đã chọn các chủ doanh nghiệp tư nhân đưa vào danh sách, tiến hành phân công cấp ủy viên, đảng viên tuyên truyền, giáo dục quần chúng chủ trương của Đảng về kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện vào Đảng, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Sau thời gian được giáo dục, học tập, rèn luyện, nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, chủ doanh nghiệp tư nhân tình nguyện viết đơn xin vào Đảng. Sau khi được thẩm định chính trị nội bộ, thực hiện đầy đủ các quy trình xét duyệt, theo đúng quy định của Điều lệ Đảng và Hướng dẫn số 17-HD/BTCTW. Kết quả, đã kết nạp đồng chí Đặng Văn Minh, chủ doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh xã Nghĩa Khánh. Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng chính là cơ hội để từ đó kết nạp người lao động vào Đảng. 

     Kết quả, sau 06 năm thực hiện Đề án, toàn huyện Nghĩa Đàn đã kết nạp được 16 quần chúng là người lao động trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước (14 đảng viên ở Đảng bộ Công ty CPTP sữa TH và 02 đảng viên ở Chi bộ Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm), 01 chủ doanh nghiệp tư nhân (doanh nghiệp tư nhân Đức Vinh xã Nghĩa Khánh) vào Đảng, thành lập được thêm 02 chi bộ trong doanh nghiệp Chi bộ Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Tháng Năm trực thuộc Huyện ủy (thành lập Quý II/2018) và Chi bộ Doanh nghiệp Nhật Huy thuộc Đảng bộ xã Nghĩa Long (thành lập quý III/2019). Nhìn chung, các tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước đã ổn định tổ chức, hoạt động có hiệu quả và phát huy vai trò của tổ chức trong việc định hướng, thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nhiều đảng viên, cấp ủy viên trong đảng bộ, chi bộ được rèn luyện, thử thách và trưởng thành qua thực tiễn công tác; thể hiện vai trò tiên phong gương mẫu, có đạo đức và lối sống tốt, có tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, có quan hệ gần gũi với quần chúng, được cán bộ, nhân viên và công nhân tín nhiệm.

     Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì hạn chế, khó khăn đang đặt ra là số lượng tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên, hội viên được thành lập và kết nạp trong các doanh nghiệp thuộc phạm vi thực hiện Đề án còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Việc kết nạp chủ doanh nghiệp theo Hướng dẫn số 17 của Ban Tổ chức Trung ương còn gặp nhiều khó khăn. Nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng, nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ chủ trương của Đảng và đánh giá chưa toàn diện vị trí, vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, còn có tâm lý lo lắng việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nên chưa thực sự ủng hộ, tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong đơn vị. Bên cạnh đó, đa số doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, sử dụng ít lao động, chủ yếu là lao động thời vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh không ổn định, nên việc xây dựng tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội trong các doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn… 

     Trên cơ sở đánh giá toàn diện tình hình thực tiễn, để nâng cao hiệu quả công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp khối tư nhân trên địa bàn Huyện Nghĩa Đàn (nói riêng) trong thời gian tới, theo tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

     Thứ nhất, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để chủ doanh nghiệp nhận thức rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tác dụng của việc thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Thực tế chứng minh, ở những doanh nghiệp mà người đứng đầu có trách nhiệm và tâm huyết với tổ chức đảng thì ở đó, việc phát triển tổ chức đảng, phát triển đảng viên thuận lợi hơn. Bởi vậy, gỡ nút thắt từ chính các chủ doanh nghiệp đang được xác định là biện pháp then chốt. 

     Thứ hai, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng trong doanh nghiệp khối tư nhân. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; chú trọng làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, điều kiện làm việc, chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể thuộc doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn.

     Thứ ba, hàng năm, huyện cần tạo điều kiện tổ chức đối thoại, gặp mặt, biểu dương động viên các doanh nhân làm tốt công tác xây dựng Đảng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời luôn quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ cho Hội doanh nghiệp của huyện hoạt động, kết nạp được nhiều doanh nghiệp tham gia vào tổ chức. 

     Thứ tư, đổi mới phương thức hoạt động của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nhất là phương thức lãnh đạo, nội dung, hình thức, thời gian sinh hoạt, công tác cán bộ để không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

     Thứ năm, Huyện ủy cần tham mưu các cấp ủy cấp trên để có giải pháp “đi trước, đón đầu” và tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các trường dạy nghề, các cơ sở y tế ngoài nhà nước để bổ sung cả về số lượng và chất lượng đảng viên cho các doanh nghiệp tư nhân. Đảng ủy cấp trên cơ sở, đảng bộ trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp phải tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác kết nạp đảng viên. Khi ra trường và nhận công tác, lực lượng này sẽ có vai trò là các hạt nhân tích cực trong việc thúc đẩy tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong doanh nghiệp tư nhân.

     Vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo lãnh đạo, định hướng của Đảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và Nhà nước. “Bài toán” hiệu quả trên chỉ có thể được “giải đáp” khi làm tốt “phép tính” tăng cường công tác kết nạp đảng viên, nâng cao chất lượng của đảng viên và tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực và tâm huyết của cả hệ thống chính trị các cấp, của các cán bộ, đảng viên và của người quản lý, người lao động ở doanh nghiệp đó./.

 

Ghi chú

     1. Quyết định số: 758/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 29/2/2016 về Phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Nghĩa Đàn đến năm 2020

     2. Văn kiện Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII

     3. Số liệu do Huyện Nghĩa Đàn cung cấp

     4. Số liệu do Công đoàn Huyện Nghĩa Đàn cung cấp