Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với can bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An theo tinh thần Đề án số 35-ĐA/TU ngày 16 tháng 10 năm 2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An
17/11/2021 10:11
Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó cũng là tư tưởng chủ đạo trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh: mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn...
Ths.GVC. Trần Duy Rô Nin
Phó Trưởng phòng QLĐT&NCKH
CN. Phạm Thị Nga
Phòng QLĐT&NCKH
Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Đó cũng là tư tưởng chủ đạo trong sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh: mối liên hệ hữu cơ không thể tách rời giữa tư tưởng và hành động, giữa lý luận và thực tiễn. Người đã khẳng định “Thống nhất giữa lý luận và thực tiễn là nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Mác-Lênin. Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”[1]
Bồi dưỡng kiến thức thực tế là yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện phương châm “Lý luận gắn với thực tiễn”, “học đi đôi với hành”, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và yêu cầu xuyên suốt của mỗi cán bộ, giảng viên trong việc tiếp cận với môi trường thực tế đa dạng, phong phú, góp phần rèn luyện, bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Trường Chính trị tỉnh Nghệ An là đơn vị sự nghiệp trực thuộc cấp uỷ cấp tỉnh, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị trên địa bàn; tham gia tổng kết thực tiễn, nghiên cứu khoa học, lý luận về kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh là một bộ phận nhân lực đặc biệt trong tổng thể nguồn nhân lực xã hội, thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn, có vai trò quyết định chất lượng công tác giáo dục tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là bồi dưỡng kiến thức thực tế là việc làm thường xuyên, liên tục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn; kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong đó khẳng định sự cần thiết, tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên trong giáo dục lý luận chính trị, nhằm gắn lý luận với thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nghị quyết số 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý đã khẳng định: “Xây dựng đội ngũ giảng viên có chất lượng, có kiến thức chuyên sâu và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có phương pháp giảng dạy phù hợp và tâm huyết với nghề”. Đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An cơ bản được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu. Tuy nhiên, kiến thức thực tế về các ngành, lĩnh vực của một bộ phận cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh còn có những hạn chế nhất định; một số bài giảng còn nặng tính lý luận, kinh điển, thiếu thực tiễn; sự gắn kết giữa lý luận với thực tiễn trong bài giảng chưa nhuần nhuyễn, chặt chẽ, vì vậy hiệu quả, sức thuyết phục chưa cao; chất lượng công tác giáo dục lý luận chính trị chưa đáp ứng yêu cầu của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình hiện nay.
Định kỳ hàng năm, Trường Chính trị tỉnh đã tổ chức thực hiện việc bồi dưỡng kiến thức thực tế thông qua những đợt đi cơ sở nghiên cứu thực tế... nhưng chưa xây dựng được cơ chế, chính sách có tác dụng động viên cán bộ, giảng viên tích cực nghiên cứu thực tế; công tác phối hợp giữa Trường với các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự chặt chẽ, chưa phát huy được hiệu quả việc bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ, giảng viên[2], vì vậy hiệu quả, chất lượng còn hạn chế.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực; tạo chuyển biến thực chất trong việc rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh trong tình hình mới, ngày 16/10/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án số 35-ĐA/TU về “Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Nghệ An và các trung tâm chính trị cấp huyện giai đoạn 2020 – 2025”.
Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm. Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên có chất lượng về công tác tại Trường Chính trị tỉnh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng kiến thức thực tế cho đội ngũ cán bộ, giảng viên cơ bản đã bám sát nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng, trong đó thực hiện sớm việc bồi dưỡng kiến thức thực tế theo các đợt tham quan học tập; hình thức biệt phái có thời hạn 12 tháng tại cơ sở hoặc các ban, sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh. Chương trình, phương pháp bồi dưỡng kiến thức thực tế từng bước được quan tâm, trong đó tập trung nâng cao năng lực chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng nghiệp vụ, phương pháp sư phạm.
Căn cứ vào trình độ chuyên môn nghiệp vụ, vị trí công việc và thâm niên công tác để xác định cụ thể thời gian, địa điểm bồi dưỡng kiến thức thực tế theo từng đối tượng khác nhau. Thời gian đi nghiên cứu thực tế được tổ chức từ ngắn hạn (ngày) đến dài hạn (tháng)[3]. Địa điểm nghiên cứu thuộc nhiều địa bàn với các ngành, lĩnh vực khác nhau[4]. Trong thời gian đi nghiên cứu thực tế, cán bộ, giảng viên đã được tham gia các hoạt động của đơn vị; trực tiếp tham dự một số cuộc họp, giải quyết công việc và xử lý các tình huống thực tế ở cơ sở.
Công tác phối hợp với các địa phương trong và ngoài tỉnh để tổ chức các đợt nghiên cứu thực tế phục vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn được quan tâm. Thông qua các đợt nghiên cứu, làm việc, đội ngũ cán bộ, giảng viên được cập nhật thêm nhiều kiến thức thực tiễn về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị...; nghiên cứu, tìm hiểu các mô hình mới, cách làm hay, điển hình tiên tiến ở các địa phương, đơn vị.
Từ năm 2006 đến nay, Trường Chính trị tỉnh đã cử 16 cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo hình thức biệt phái có thời hạn 12 tháng tại các ban, sở, ngành cấp tỉnh và đơn vị cấp huyện. Hằng năm, Trường tổ chức từ 01 - 02 đợt nghiên cứu thực tế ngắn ngày tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trường thường xuyên tổ chức các buổi trao đổi, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới, kiến thức thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên.
Nhìn chung, việc bồi dưỡng kiến thức thực tế bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định; thu hút được nhiều cán bộ, giảng viên của Trường Chính trị tỉnh tham gia, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu khoa học và tổng kết thực tiễn của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Các giảng viên đã có sự trưởng thành hơn về chuyên môn, nghiệp vụ; biết vận dụng những kinh nghiệm, kiến thức thực tế vào hoạt động nghề nghiệp; bài giảng được bổ sung nhiều chất liệu thực tiễn có giá trị; một số giảng viên đi biệt phái được địa phương, đơn vị khen thưởng.
Tuy nhiên, công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên ở một số thời điểm còn hình thức; số lượng cán bộ, giảng viên được bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa nhiều; chất lượng bồi dưỡng kiến thức thực tế, đặc biệt theo chức danh, vị trí việc làm chưa cao; hình thức tổ chức bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa đồng bộ, cân đối, còn nặng về tham quan, báo cáo; địa bàn tổ chức đi nghiên cứu thực tế chủ yếu ở gần Trường Chính trị tỉnh. Chương trình, kế hoạch, tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa đáp ứng nhu cầu của đội ngũ cán bộ, giảng viên. Nội dung nghiên cứu thực tế chưa đầy đủ, thiếu chuyên sâu, chưa bài bản, khoa học, có lúc thiếu cập nhật, thiếu cân đối giữa trang bị kiến thức và kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ; chưa quan tâm nhiều đến bồi dưỡng kiến thức thực tế chuyên ngành, lĩnh vực. Công tác phối hợp quản lý cán bộ, giảng viên được cử đi nghiên cứu thực tế chưa thực sự chặt chẽ; kỷ luật, kỷ cương trong quản lý tại một số cơ sở thực tế chưa nghiêm; một số khoa, phòng vẫn phân công công việc cho cán bộ, giảng viên trong thời gian đi nghiên cứu thực tế; việc nắm bắt thông tin của cán bộ, giảng viên trong quá trình cử đi nghiên cứu thực tế chưa thường xuyên, chưa bài bản, khoa học, hiệu quả chưa cao. Việc thực hiện chế độ cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác bố trí, sử dụng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên sau khi được bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa được quan tâm đúng mức.
Hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên. Hiện nay, tỉnh chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, kiểm tra, giám sát, quản lý cán bộ, giảng viên đi thực tế tại cơ sở. Chưa có quy định cụ thể về bồi dưỡng kiến thức thực tế nên có lúc chưa nhận được sự ủng hộ, phối hợp của một số cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ, giảng viên đến nghiên cứu thực tế. Chưa định hướng rõ ràng nội dung nghiên cứu thực tế; nghiên cứu thực tế của một số giảng viên chưa thực sự gắn với chuyên ngành đào tạo, giảng dạy. Công tác đánh giá, kiểm tra, rà soát đội ngũ cán bộ, giảng viên sau khi bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa thực hiện thường xuyên, việc báo cáo kết quả nghiên cứu thực tế còn mang tính hình thức. Nhận thức của một số chi ủy và lãnh đạo khoa, phòng về công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế chưa sâu sắc, toàn diện; chưa thật sự quan tâm đến công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế; chưa xây dựng được quy định về chế độ, chính sách đối với việc đi thực tế có kỳ hạn nên chưa có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở. Kinh phí dành cho nghiên cứu thực tế chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra…
Để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh có trình độ lý luận chính trị vững vàng, có kiến thức thực tiễn phong phú, thông thạo các kỹ năng, có khả năng tổng kết thực tiễn; cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, đề xuất xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách của tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giảng dạy; góp phần thiết thực đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị của tỉnh vững mạnh trong thời gian tới, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, Thống nhất nhận thức về tầm quan trọng và yêu cầu của việc nâng cao năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên thông qua bồi dưỡng kiến thức thực tế.
Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh. Nâng cao nhận thức của cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế, thông qua đó giúp cán bộ, giảng viên hiểu rõ mục đích, ý nghĩa hoạt động nghiên cứu thực tế nói chung, nghiên cứu thực tế có thời hạn ở cơ sở nói riêng; đồng thời tích cực, chủ động sắp xếp công việc chuyên môn, gia đình hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu thực tế với kết quả cao nhất.
Thứ hai, Xây dựng nội dung, hình thức bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên.
Nội dung bồi dưỡng kiến thức thực tế tập trung vào những kết quả nghiên cứu mới về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; về lý luận chính trị, chủ trương, quan điểm, đường lối, nhiệm vụ của Đảng trong giai đoạn hiện nay; cập nhật tình hình diễn biến về chính trị, kinh tế thế giới và các xu hướng phát triển có tác động, chi phối tới tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Việt Nam và của tỉnh; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tình hình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại ở nước ta và của tỉnh Nghệ An…
Bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau: tổ chức các đoàn đi nghiên cứu thực tế, học tập chuyên đề, trao đổi kinh nghiệm ngắn hạn; cử cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh đi nghiên cứu thực tế có thời hạn 01 tháng; 03 tháng; 06 tháng; cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và các đơn vị, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng khác; tham dự các hội nghị, hội thảo, đối thoại, phản biện xã hội của cấp ủy Đảng và chính quyền, cơ quan, đơn vị tổ chức; các kỳ họp của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân; các ban của Hội đồng nhân dân; tham gia các đoàn kiểm tra, thanh tra, giám sát, hội đồng tư vấn của cấp ủy, chính quyền, cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp…
Thứ ba, Xây dựng Quy chế bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Bồi dưỡng kiến thức thực tế là hoạt động bắt buộc của cán bộ, giảng viên; là tiêu chí để xếp loại thi đua, thăng hạng viên chức và là một trong những tiêu chuẩn để xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo, quản lý. Có chế độ, chính sách hỗ trợ phù hợp để động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế có thời hạn; kịp thời biểu dương, khen thưởng cán bộ, giảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nghiên cứu thực tế.
Trong thời gian đi nghiên cứu thực tế, cán bộ, giảng viên của Trường chịu sự quản lý, phân công nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức nơi đến thực tế; được hưởng nguyên lương, các khoản phụ cấp và các chế độ khác theo quy định hiện hành của Nhà nước. Hàng tháng, cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế phải dành ít nhất 01 ngày về Trường để sinh hoạt chi bộ và chuyên môn. Đơn vị, địa phương nơi nghiên cứu thực tế có trách nhiệm sắp xếp, bố trí các điều kiện làm việc cần thiết cho cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu thực tế.
Thứ tư, Xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức thực tế cho cán bộ, giảng viên.
Hằng năm, căn cứ vào nhiệm vụ, kế hoạch được giao và tình hình thực tế Trường Chính trị tỉnh chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch bồi dưỡng kiến thức thông qua hoạt động thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhất là giảng viên trẻ nhằm tạo cơ hội để cán bộ, giảng viên hoàn thiện bản thân, củng cố kiến thức, tích lũy kinh nghiệm phục vụ tốt nhiệm vụ được giao.
Xây dựng chương trình, kế hoạch nghiên cứu thực tế phải chủ động, linh hoạt; bám sát các vấn đề thực tiễn gắn với công tác giảng dạy và những vấn đề xã hội đang quan tâm theo nhiều hình thức: cá nhân; đoàn, nhóm hoặc theo từng đề tài, lĩnh vực chuyên môn...
Hàng năm, xây dựng kế hoạch kinh phí phục vụ cho hoạt động bồi dưỡng kiến thức thực tế phù hợp với yêu cầu và tình hình thực tế.
Thứ năm, Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm và Quy chế hoạt động đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm để hỗ trợ và thúc đẩy việc nâng cao năng lực thực tiễn cho cán bộ, giảng viên
Xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và các chuyên gia giỏi, có uy tín, giữ các vị trí trong cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; có kinh nghiệm phong phú, có nhận thức sâu về các vấn đề chính trị. kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại để truyền đạt nhiều kiến thức bổ ích cho học viên; tăng thêm tính thiết thực của các chương trình đào tạo, bồi dưỡng, góp phần khắc phục tình trạng thiếu thông tin thực tế trong giảng dạy lý luận chính trị.
Có kế hoạch bố trí lịch giảng dạy phù hợp để đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm gắn kết với cơ sở đào tạo, tham gia tích cực mọi hoạt động và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần nâng cao năng lực thực tiễn trong công tác giảng dạy.
Xây dựng Quy chế hoạt động của đội ngũ giảng viên kiêm chức, kiêm nhiệm; xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định rõ tiêu chuẩn, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc tham gia giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh.
Thứ sáu, Nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên
Tăng cường công tác phối hợp giữa Trường Chính trị tỉnh với các ban, sở, ngành cấp tỉnh, các huyện, thành, thị uỷ về việc đưa cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế theo hình thức biệt phái có kỳ hạn; lựa chọn địa bàn đa dạng, đưa cán bộ, giảng viên đi thực tế đảm bảo tính nghiên cứu toàn diện để có những tư liệu thực tiễn phong phú phục vụ cho công tác giảng dạy.
Phối hợp chặt chẽ giữa Trường Chính trị tỉnh với cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế nhằm tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh tham dự các hội thảo, hội nghị, phiên làm việc thường kỳ, chuyên đề của tỉnh; các hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan dân cử liên quan đến nhiệm vụ của Trường để tiếp cận thông tin phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
Thứ bảy, Tổ chức kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế tại Trường Chính trị tỉnh
Hằng năm, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động bồi dưỡng kiến thức thực tế đối với cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh.
Định kỳ tổ chức sơ, tổng kết công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế nhằm đánh giá quá trình thực hiện, kết quả đạt được và hạn chế, khuyết điểm; chỉ rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm để đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới, hoàn thiện, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức thực tế.
[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập T8 tr 496, Nxb CTQG, H. 1996
[2] Thời gian qua, một số tỉnh ủy, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và tổ chức có hiệu quả Đề án bồi dưỡng kiến thức thực tế (Quảng Ninh, Ninh Bình, Bắc Giang, Hòa Bình, Long An, Bạc Liêu, Bến Tre...). Nhiều cán bộ, giảng viên đã được cử đi nghiên cứu thực tế và tham gia vào các hoạt động cụ thể của địa phương, được bố trí đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại cơ sở.
[3] Giảng viên có thời gian công tác từ 10 năm trở xuống: nghiên cứu thực tế 12 tháng. Nam giảng viên dưới 45 tuổi, nữ giảng viên dưới 40 tuổi, phải lần lượt đi nghiên cứu thực tế tại các ban, sở, ngành; các huyện, thành, thị ít nhất 6 tháng
[4] Cụ thể: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Thành uỷ Vinh, Huyện uỷ Nghĩa Đàn, Thị uỷ Cửa Lò, UBND huyện Hưng Nguyên, Huyện uỷ Nghi Lộc; UBND phường: Bến Thuỷ, Hưng Phúc…