Việt Nam đứng trước bước ngoặt để phục hồi và bứt phá
28/01/2021 09:36
Đại hội Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những biến động khó lường, đại dịch Covid-19 vẫn đang chia cắt nhiều quốc gia, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 4% và các cuộc va chạm thương mại, kinh tế vẫn còn tiếp diễn.
Đại hội Đảng diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những biến động khó lường, đại dịch Covid-19 vẫn đang chia cắt nhiều quốc gia, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng âm 4% và các cuộc va chạm thương mại, kinh tế vẫn còn tiếp diễn.
Việt Nam được nhiều tổ chức đánh giá khá tích cực về nhiều phương diện, đặc biệt là chống dịch bệnh và triển vọng kinh tế.
Thành tích chống dịch thì không cần phải nói nữa vì kết quả đã rất rõ ràng, chúng ta chỉ trải qua một vài cuộc phong tỏa và đến nay Đại hội diễn ra trong môi trường an toàn.
Bước ngoặt cho phục hồi
Mặt trận kinh tế - xã hội với nhiều kết quả được xây đắp lâu nay là cơ sở để các tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng của Việt Nam là tích cực, với tốc độ tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 theo theo Ngân hàng Thế giới (WB), hay khoảng 6,1% theo Ngân hàng Phát triển châu Á, hay thậm chí tới 7,6% theo HSBC.
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk nói: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid-19”.
Triển vọng này có được trên nền tảng Việt Nam đã chống dịch Covid-19 hiệu quả và tăng trưởng gần 3% năm 2020, theo WB.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng theo dự báo của các tổ chức quốc tế cũng như mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ trước Quốc hội đều khá lạc quan so với tốc độ tăng trưởng 2,91% của năm 2020.
Đây là lý do để lạc quan cho dù không phải doanh nghiệp nào, khu vực kinh tế nào cũng sẽ được hưởng triển vọng đó một cách đồng đều.
Gần đây, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, GDP của Việt Nam đạt quy mô hơn 340,6 tỷ USD trong năm 2020, vượt Singapore, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 ở khu vực Đông Nam Á.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, năm 2020, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công ”mục tiêu kép” trong phòng chống dịch và duy trì tăng trưởng kinh tế đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm trung bình 5,9%/năm, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới. Quy mô nền kinh tế tăng 1,4 lần so với đầu nhiệm kỳ.
“Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trên thế giới và khu vực, trong khi giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, ông nói.
Theo số liệu của WB, với tăng trưởng kinh tế 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Tạp chí The Economist tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới.
Trong hơn 4 năm qua, nền kinh tế đã tạo được hơn 8 triệu việc làm mới cho những người đến tuổi lao động và cả những người bị mất việc làm trước đó. Cùng lúc đó, thu nhập bình quân đầu người đã tăng gần 145%, thu nhập của người dân theo PPP đã tương đương gần 9.000 USD.
Trong khi đó, ngân hàng HSBC nhận xét, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã làm nổi bật thế mạnh của Việt Nam như một nền kinh tế và một cơ sở sản xuất linh hoạt, đồng thời tiếp tục cho phép Việt Nam giữ vững vị trí ngôi sao sáng của khu vực.
“Đối với năm 2021, chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhờ vào sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu, dòng vốn FDI bền bỉ và nhiều hiệp định thương mại đã được ký kết”, ngân hàng này nhận xét.
Thước đo của nền kinh tế
Ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế tích cực đã làm thị trường chứng khoán bùng nổ liên tục sau khi đã giảm điểm khá sâu, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn vào thời điểm đại dịch bùng phát hồi đầu năm 2020.
Đến cuối năm, chỉ số VN-Index đạt mức tăng trưởng 14,9% so với đầu năm và tăng 67% so với thời điểm thấp nhất.
Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, thanh khoản trên thị trường cổ phiếu tăng trưởng đột phá, đạt mức bình quân gần 7.400 tỷ đồng một phiên, trong đó các tháng 11 và 12 lần lượt đạt mức trung bình 10.000 tỷ đồng và 14.800 tỷ đồng một phiên, tăng hơn 2 lần so với mức bình quân năm 2019. Quy mô vốn hóa của thị trường cổ phiếu đã đạt hơn 84% GDP năm 2020.
Có đến 84% công ty đại chúng quy mô lớn trên thị trường chứng khoán làm ăn có lãi, một tỷ lệ rất cao trong năm chịu ảnh hưởng của Covid-19 so với các khu vực khác của nền kinh tế.
Ông Dũng nói: “Thị trường chứng khoán Việt Nam đã được ghi nhận là một trong những thị trường có mức chống chịu và phục hồi tốt nhất thế giới”.
Bất chấp đại dịch, tổng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2020 đạt 28,5 tỷ USD.
Hàng hóa xuất khẩu khắp 5 châu
Theo WB, mức xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.
Kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch. Xuất siêu ở mức kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Theo các báo cáo, năm 2020 Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước, Việt Nam xuất siêu gần 62,7 tỷ USD. Thành tựu này của Việt Nam lại trở thành một trong những lý do làm Hoa Kỳ cáo buộc Việt Nam “thao túng tiền tệ”.
Phía Việt Nam đã nỗ lực giải thích với Hoa Kỳ rằng, Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Bên cạnh đó, Việt Nam quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Hơn nữa, chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại.
Nút thắt cần tiếp tục tháo gỡ
Mặc dù vậy, theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, những yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn chưa được xử lý triệt để, kể cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra.
Đó là hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, nhất là đầu tư công và doanh nghiệp nhà nước; động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu nhờ tăng cường độ vốn đầu tư, sử sụng lao động chi phí thấp và xuất khẩu sản phẩm gia công; năng lực và trình độ khoa học công nghệ thấp do đó năng suất lao động thấp; khu vực kinh tế tư nhân còn yếu về tài chính, quản trị và năng lực công nghệ, chưa kết nối hoặc ở vị trí thấp trên chuỗi giá toàn cầu.
Ông Cung nhận xét, những yếu kém nội tại đó càng bộc lộ, thậm chí trầm trọng hơn sau đại dịch Covid-19. Nợ xấu để lại từ cuộc khủng hoảng tài chính trước đây chưa giải quyết hết. Độ mở của nền kinh tế ngày càng cao trong khi nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào đầu tư nước ngoài và vào một số thị trường làm cho khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động bên ngoài còn kém.
Mức độ sẵn sàng tiếp nhận công nghệ 4.0, chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh mới còn thấp dẫn đến chưa khai thác và phát huy được hiệu quả ứng dụng các loại công nghệ này.
Xác định được yếu kém trong nội tại nền kinh tế cũng giúp xác định các biện pháp giải quyết, khắc phục các yếu kém đó. Từ đó, nền kinh tế có triển vọng phục hồi và bứt phá, như đánh giá của WB.
Nguồn: Theo Vietnamnet.vn