Nghệ An: Bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp
Sáng 14/6, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh uỷ Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An”. Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; PGS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Hoàng Văn Hoan – Phó Giám đốc Học viện chính trị khu vực 1; Lê Thị Hoài Chung – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì Hội thảo...
Các đồng chí: Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; PGS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS.TS Hoàng Văn Hoan – Phó Giám đốc Học viện chính trị khu vực 1; Lê Thị Hoài Chung – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh chủ trì Hội thảo.
Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; lãnh đạo các trường chính trị khu vực Bắc Trung Bộ, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Nghệ An.
|
Các đại biểu tham dự hội thảo khoa học “Những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An” sáng 14/6. Ảnh Thu Huyền
|
Gợi mở quan trọng để Nghệ An tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Thông cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 Nghệ An trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, đến năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước. Trong đó, Nghị quyết đã xác định 1 trong 3 khâu đột phá là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh gắn với cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Thông – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ khai mạc Hội thảo. Ảnh Thu Huyền
|
Thu hút đầu tư của doanh nghiệp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, thu hút đầu tư chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh Nghệ An. Do đó, Hội thảo là cơ hội quý báu để nhìn nhận, đánh giá đầy đủ tiềm năng, lợi thế của Nghệ An; chia sẻ, học tập thêm nhiều kinh nghiệm doanh nghiệp từ các tỉnh bạn, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý hàng đầu về thu hút đầu tư các doanh nghiệp sau đại dịch Covid-19.
"Qua đây, tỉnh cũng nhìn nhận, đánh giá lại công tác lãnh đạo, chỉ đạo thu hút đầu tư, phân tích đánh giá làm rõ hơn thực trạng, những khó khăn, vướng mắc, đúc rút những kinh nghiệm quý, cách làm hay, đề xuất các giải pháp đồng bộ và đột phá để nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Những nội dung của hội thảo, sẽ được chắt lọc, trực tiếp phục vụ cho việc xây dựng các báo cáo đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 - NQ/TW của Bộ Chính trị Khoá XI về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020".
PHÓ BÍ THƯ THƯỜNG TRỰC TỈNH UỶ NGUYỄN VĂN THÔNG
|
PGS.TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu đề dẫn. Ảnh Thu Huyền
|
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS. Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, các tham luận và thảo luận của Hội thảo sẽ cung cấp những thông tin bổ ích, thiết thực, những kinh nghiệm quý báu, những gợi mở quan trọng để tỉnh Nghệ An tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần tạo nên một “kỳ tích sông Lam”, đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.
Nhiều giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư
Hội thảo đã nghe các ý kiến tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, nhà quản lý về những yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An. Đó là môi trường đầu tư kinh doanh, kết cấu hạ tầng, nguồn lực kinh tế của tỉnh (tài chính, công nghệ), nguồn nhân lực bao gồm nhân lực xây dựng và thực thi chính sách thu hút đầu tư và nguồn lao động cho doanh nghiệp, hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh…
|
Đồng chí Lê Thị Hoài Chung – Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh phát biểu. Ảnh Thu Huyền
|
Bên cạnh những kết quả đạt được trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến đầu tư…, các đại biểu cũng cho rằng kết quả thu hút đầu tư chưa xứng tầm với dư địa phát triển của tỉnh Nghệ An. Quy hoạch chưa theo sát được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, hiệu quả thu hút đầu tư và hiệu quả sử dụng đất chưa cao, chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, tạo động lực cho sự phát triển của tỉnh. Công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế. Vẫn còn nhiều dự án đầu tư tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhiều vướng mắc phát sinh trong quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư.
Tại hội thảo, tham luận của TS.Lê Xuân Sang – Phó viện trưởng Viện Kinh tế cũng đã phân tích những tồn tại hạn chế, khó khăn, thách thức trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến đầu tư… để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An. Tác động của đại dịch Covid – 19, của xung đột Nga – Ucraine đối với nền kinh tế.
Dựa trên kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, TS Đậu Hương Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Chia sẻ tri thức Quốc tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng vẫn còn sự thiếu sự nhất quán trong thực hiện; đó là: Thiếu tính nhất quán giữa chủ trương, ý chí với thực thi; tính nhất quán giữa chính sách giữa năm này với năm khác, việc thay đổi chính sách chưa tạo được sự yên tâm cho doanh nghiệp; tính nhất quán giữa cấp trên và cấp dưới. Đây là vấn đề đòi hỏi tỉnh phải thống nhất…
|
Dự án WHA Industrial Zone 1 - Nghệ An (KCN WHA). Ảnh tư liệu |
Các tham luận đã chỉ ra những nguyên nhân của kết quả đạt được và những hạn chế khó khăn trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, hoạt động xúc tiến đầu tư… thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An. Đồng thời, chia sẻ những kinh nghiệm thu hút đầu tư của doanh nghiệp của các tỉnh Thanh Hóa, Đà Nẵng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… nhằm nhân rộng ở các địa phương khác mà Nghệ An có thể tham khảo để thực hiện có hiệu quả hơn việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh nhà.
Các tham luận và phát biểu cũng đã dành nhiều thời gian và tâm huyết trao đổi, thảo luận về các giải pháp thu hút các dự án quy mô lớn, có tính động lực phát triển, theo hướng phát triển bền vững, thu hút đầu tư xanh, tham gia tích cực vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, PGS.TS Hoàng Văn Hoan – Phó Giám đốc Học viện chính trị khu vực 1 ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh: Làm thế nào để thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng phát triển bền vững trong thời gian tới có hiệu quả là một vấn đề đang tiếp tục đặt ra cho chúng ta. Tỉnh Nghệ An thực sự mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành hữu quan, lãnh đạo trung ương, lãnh đạo các địa phương của tỉnh đẩy mạnh chỉ đạo và định hướng hoạt động này.
Nghệ An cần hoàn thiện nâng cao công tác quy hoạch, xây dựng chính phủ điện tử, rà soát phân loại thủ tục hành chính, bỏ các thủ tục không cần thiết, trả lời qua mạng để hạn chế sự tiếp xúc giữa doanh nghiệp và công chức...
Thông qua việc trao đổi các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghệ An cần thực hiện, PGS.TS Hoàng Văn Hoan khẳng định, thời gian tới, việc thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào địa bàn tỉnh Nghệ An theo hướng phát triển bền vững chắc chắn sẽ cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện. Những đóng góp quý báu của các nhà khoa học, của các quý vị đại biểu tại hội thảo là cơ sở tham khảo cho tỉnh Nghệ An xây dựng chủ trương, cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong thời gian tới, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.