Hội nghị tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022
Sáng ngày 12/1/2022, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì triển khai Hội nghị tổng kết công tác trường chính trị, trường bộ, ngành năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ năm 2022. GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương dự và chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành ủy, Ban Giám hiệu các trường chính trị trực thuộc Trung ương, trường bộ ngành. Về phía Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, dự Hội nghị có các đồng chí Phó Giám đốc Học viện: PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, PGS,TS Lê Văn Lợi; đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Học viện.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến với 63 tỉnh, thành.
Báo cáo tại Hội nghị do PGS,TS Hoàng Phúc Lâm trình bày cho biết, năm 2021 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, năm đầu tiên cả nước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030. Đặc biệt, là năm đầu tiên thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Năm 2021 cũng là năm đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ triển khai kế hoạch các nhiệm vụ công tác của Học viện và của các trường chính trị, trường bộ, ngành... Vượt lên trên những khó khăn, Học viện và các trường chính trị, trường bộ, ngành đã hoàn thành các nhiệm vụ chính trị với chất lượng và hiệu quả cao.
Kết quả nổi bật nhất trong năm 2021 là Học viện đã tham mưu thành công Quy định số 11, ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Đây là văn bản có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo bước đột phá để hệ thống trường chính trị trên cả nước nâng cao toàn diện chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn. Trên cơ sở đó, Học viện đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc triển khai Quy định số 11; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy định số 11; Hướng dẫn quy trình công nhận trường chính trị chuẩn. Đồng thời, tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ đạt chuẩn, thời gian đạt chuẩn của các trường. Đến nay, có 8 trường đã được tỉnh ủy, thành uỷ phê duyệt Đề án, 34 trường đang lấy ý kiến góp ý của các ban, sở, ngành, 22 trường đang xây dựng đề án Trường chính trị chuẩn.
GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương phát biểu kết luận Hội nghị
Song song với đó, Học viện tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy định về quản lý đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị, trường bộ, ngành. Đẩy mạnh quản lý hệ thống, tăng cường hoạt động hướng dẫn chuyên môn; kịp thời ban hành hướng dẫn các trường chính trị, trường bộ, ngành tổ chức đào tạo Trung cấp lý luận chính trị theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên cả nước.
Nét mới nổi bật là Học viện đã quyết liệt, chặt chẽ trong kiểm tra, đánh giá việc thực hiện chương trình, giáo trình, quy chế quản lý đào tạo, bồi dưỡng; lấy kết quả kiểm tra, đánh giá làm thước đo đánh giá hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; tăng cường dự giờ các lớp học trực tuyến; đổi mới quy trình, cách thức quản lý, cấp phát phôi bằng… Điều đó đã góp phần quan trọng bảo đảm thực hiện nghiêm quy chế, kỷ cương, kỷ luật. Cùng với những đổi mới đồng bộ công tác quản lý các trường bộ, ngành, đến nay, công tác đào tạo Trung cấp lý luận chính trị của các trường bộ, ngành đã có những chuyển biến rất lớn; chất lượng đào tạo được nâng lên; kỷ cương, kỷ luật được tăng cường.
Cũng trong năm 2021, với trọng tâm là xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu và hướng dẫn thực hiện chương trình, giáo trình, Học viện đã tập trung chỉ đạo triển khai, xây dựng, chương trình, tài liệu một cách bài bản, khoa học, đồng bộ. Nổi bật là đã ban hành chương trình, giáo trình Trung cấp lý luận chính trị; hoàn thành xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng đối tượng 4, Chương trình, tài liệu bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp cơ sở; cùng với đó, đã hướng dẫn biên soạn và tổ chức thẩm định, nghiệm thu 73 tập bài giảng "Thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng, phát triển địa phương (hoặc ngành)" cho các trường. Tiếp tục thực hiện đổi mới về nội dung chương trình và cách thức tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng cán bộ, giảng viên trường chính trị cấp tỉnh, trường bộ, ngành. Mỗi học phần, chương trình của lớp tập huấn được thiết kế ưu tiên thời lượng cho những chuyên đề mới hoặc các chuyên đề có nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn mới đặt ra.
Trong năm 2021, Học viện đã phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành lần thứ VII với nhiều đổi mới về quy chế, thể lệ. Lần đầu tiên Hội thi có sự tham gia của 74/74 trường chính trị, trường bộ, ngành trên toàn quốc với 140 thí sinh dự thi. Hội thi là hoạt động cụ thể, thiết thực để triển khai Nghị quyết Đại hội về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, nhất là nhiệm vụ xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, khắc phục bằng được tình trạng lười học, ngại học lý luận chính trị của không ít cán bộ, đảng viên.
Nhờ đó, trong năm 2021, năm có nhiều khó khăn trong triển khai nhiệm vụ chuyên môn của các trường chính trị, trường bộ, ngành do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, song với sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt và thích ứng nhanh, kịp thời với phương thức đào tạo trực tuyến, nhiều trường đã hoàn thành kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng do Ban thường vụ tỉnh uỷ, thành uỷ, lãnh đạo bộ, ngành phê duyệt, một số trường vượt trên 150% kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được giao. Tổ chức thành công 3.902 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 277.849 học viên; 254 lớp Trung cấp Lý luận chính trị tập trung với 12.468 học viên. Triển khai nghiên cứu được 06 đề tài khoa học cấp bộ, 26 đề tài khoa học cấp tỉnh, 247 đề tài khoa học cấp trường, v.v.. Một số trường đẩy mạnh hướng nghiên cứu phục vụ tư vấn hoạch định chủ trương, chính sách của địa phương, với các vấn đề như: xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu…
Các đồng chí chủ trì Hội nghị
PGS,TS Hoàng Phúc Lâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện báo cáo tại Hội nghị
Tại Hội nghị, ý kiến tham luận đến từ các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trường bộ ngành tập trung thảo luận về công tác triển khai Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn; phân tích làm rõ những thuận lợi, khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm trong xây dựng Đề án trường chính trị chuẩn. Các ý kiến tham luận cũng đề xuất nhiều kiến nghị đối với tỉnh uỷ, thành uỷ, Học viện và Trung ương để giúp các trường hoàn thành xây dựng trường chính trị chuẩn.
Đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là việc chuyển đổi từ hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tiếp sang hình thức đào tạo, bồi dưỡng trực tuyến và công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, nghiên cứu thực tế. Bên cạnh trình bày những kết quả đạt được trong năm, các ý kiến cũng tập trung phân tích, nhận định, chỉ rõ thành tựu, hạn chế và đề xuất những giải pháp khắc phục trong thời gian tới tập trung vào nội dung hoàn thiện thể chế liên quan công tác trường chính trị; tiếp tục thực hiện đổi mới nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Các ý kiến cũng tập trung thảo luận về công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường; việc quy hoạch và cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ; việc tổ chức cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ngắn hạn, dài hạn. Những vấn đề đặt ra cần giải quyết trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện các mặt công tác, xây dựng trường chính trị chuẩn, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương biểu dương những kết quả đạt được của các trường chính trị trong năm 2021 trên các lĩnh vực công tác, trọng tâm là xây dựng và trình Ban Bí thư ban hành Quy định về trường chính trị chuẩn; xây dựng chương trình, giáo trình; tổ chức thành công Hội thi giảng viên dạy giỏi toàn quốc các trường chính trị, trường bộ, ngành lần thứ VII; tích cực thực hiện công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; tăng cường kết nối và quản lý hệ thống giữa Học viện và các trường chính trị, trường bộ ngành trên cả nước.
Trong đó, có thể khẳng định, Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn có ý nghĩa đột phá đối với công tác trường chính trị, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong việc xây dựng, phát triển trường chính trị theo hướng chuẩn hoá, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các mặt hoạt động của trường chính trị để hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới. “Cùng với Quy định số 09-QĐi/TW, Quy định số 11-QĐ/TW một lần nữa cho thấy sự tăng cường tính hệ thống, quản lý nền nếp, bài bản, khoa học của công tác các trường chính trị dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Thường vụ Đảng uỷ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh trong phát biểu kết luận.
Nhấn mạnh vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ các cấp trong toàn hệ thống chính trị, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu trong năm 2022, các trường chính trị đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí trường chính trị chuẩn, tiếp tục đổi mới đồng bộ, toàn diện các mặt công tác. Trong đó:
Đối với nhiệm vụ triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện yêu cầu các trường chính trị cần tiếp tục quán triệt và hoàn thiện xây dựng Đề án thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn theo hướng đáp ứng các tiêu chí theo quy định và được cấp có thẩm quyền công nhận; xác định rõ trách nhiệm của Ban Giám hiệu, gắn yêu cầu, mục tiêu xây dựng trường chính trị chuẩn với trách nhiệm người đứng đầu các trường. Đồng thời, đề nghị thường trực tỉnh ủy, thành ủy tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án trường chính trị chuẩn; đặc biệt quan tâm tạo điều kiện cho các trường đạt chuẩn đối với tiêu chí về tỷ lệ giảng viên, cơ sở vật chất, v.v..
Hội nghị được kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh thành
Đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trường Chính trị tỉnh Nghệ An
Về triển khai nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các trường cần có những giải pháp để thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh trong việc tổ chức, triển khai các mặt công tác; bảo đảm công việc không bị đứt gãy, gián đoạn theo đúng tinh thần của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Trước yêu cầu về đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ đúng như di huấn Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại”, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu các trường phải tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đặc biệt trong bối cảnh đào tạo trực tuyến. Song hành với việc sớm xây dựng Quy chế quản lý đào tạo theo hình thức trực tuyến, các trường cần chủ động, xây dựng kế hoạch để đón học viên trở lại học tập trung tại trường đảm bảo linh hoạt, an toàn, không được chủ quan, lơ là, tuân thủ nghiêm quy định của các địa phương về đánh giá mức độ nguy cơ và các biện pháp hành chính tương ứng trong phòng, chống dịch Covid-19.
Ghi nhận những thành tích và nỗ lực của các trường trong triển khai nghiên cứu khoa học, tham gia Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng mong muốn, các trường tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn theo yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn, phục vụ có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống chính trị, hoạch định, xây dựng chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tham gia chủ động, tích cực vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với nhiều hình thức như: lồng ghép nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng vào bài giảng của giảng viên; vào nội dung các chương trình bồi dưỡng do trường xây dựng; tổ chức nghiên cứu đề tài, hội thảo khoa học về công tác này, v.v.. “Đặc biệt đề nghị tất cả các trường tham gia, huy động 100% cán bộ, viên chức tham gia cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới với nhiều bài viết có chất lượng cao”, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu.
Đồng chí mong muốn các tỉnh uỷ, thành uỷ và các trường cần quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ: bám sát các tiêu chí, yêu cầu xây dựng trường chính trị chuẩn để lựa chọn đúng cán bộ, nhất là quy hoạch đội ngũ lãnh đạo trường. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, với những tiền đề nền tảng đã đạt được trong năm 2021, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, với sự đoàn kết, nhất trí, sự chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong triển khai nhiệm vụ, các trường sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị trong năm 2022, đóng góp vào thành công chung của cơ quan, ngành, địa phương mình, và cao hơn là vào sự phát triển vững chắc, giàu mạnh của đất nước./.